Không sao! Bạn cố gắng để ý đừng nhầm lần nữa để tránh sự hiểu nhầm.
Tôi xin bổ sung vào phần trả lời của Luật sư Thực về thắc mắc của bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 165 BLTTDS thì người khởi kiện phải nộp cho Tòa án những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Vậy trường hợp của anh bạn, những nội dung gì được coi là có giá trị chứng minh cho yêu cầu của anh ấy là có căn cứ? Đó là những chứng cứ có giá trị để chứng minh những vấn đề sau:
1/ Trước đây anh ấy đã có chị A nào đó là vợ.
2/ Hôn nhân giữa hai người đã được Tòa án giải quyết cho ly hôn bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
3/ Tại bản án/quyết định đó Tòa án đã giao con chung của 2 người cho anh bạn nuôi dưỡng. Chị A kia phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cùng anh bạn mỗi tháng 1.500.000 đồng.
4/ Đến nay mức cấp dưỡng đó không còn phù hợp do con chung đã lớn hơn nên nhu cầu cuộc sống cũng tăng lên, cộng với việc mất giá của đồng tiền.
5/ Điều kiện kinh tế của chị A trên đủ khả năng để cấp dưỡng với mức cao hơn.
Vậy tài liệu nào được coi là chứng cứ chứng minh cho những nội dung trên?
Nó chính là bản án/quyết định của Tòa án trước đây đã giải quyết cho hai vợ chồng ly hôn và giấy tờ chứng minh cho khả năng cấp dưỡng của chị vợ như mức thu nhập, nghề nghiệp...
Bởi vì trong bản án/quyết định của Tòa án cho ly hôn đã thể hiện đầy đủ các nội dung được nêu tại các điểm 1, 2, 3 nói trên như giữa họ có xác lập quan hệ hôn nhân, có con chung với đầy đủ thông tin về ngày tháng năm sinh, có quyết định giao con chung cho ai nuôi và người kia thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như thế nào... Và theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 80 BLTTDS thì bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án và vắn bản đã được công chứng, chứng thực hợp pháp là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Do đó, khi khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc chị vợ nâng mức cấp dưỡng, anh trai bạn chỉ cần nộp kèm theo đơn khởi kiện bản chính hoặc bản sao bản án/quyết định cho ly hôn trước đây của Tòa án cho Tòa án là đủ.
Mặt khác, khi quyết định cho một cặp vợ chồng ly hôn, Tòa án phải thu giữ bản gốc Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng để lưu vào hồ sơ vụ án. Bởi vì khi đã cho ly hôn thì quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng chấm dứt, giấy chứng nhận kết hôn đó không còn giá trị nên Tòa án phải thu hồi để tránh những hậu quả có thể phát sinh khi để nó trôi nổi ngoài xã hội.
Do đó, việc Tòa án buộc anh bạn phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết hôn và giấy khai sinh của con vừa không phù hợp với thực tế
(vì bản gốc giấy chứng nhận kết hôn không còn, bản sao giấy khai sinh có giá trị như bản chính), vừa trái với quy định tại điều 80 BLTTDS.
Bởi vậy, nếu Tòa án cứ khăng khăng không thụ lý vụ án nếu anh bạn không nộp những tài liệu gốc trên, thì việc anh bạn cần làm là:
- Yêu cầu Tòa án ra thông báo trả lại đơn kiện.
- Khiếu nại đến Chánh án của Tòa án đó về việc trả lại đơn khởi kiện không đúng pháp luật trong hạn 15 ngày nhận được thông báo trả đơn.
- Nếu quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án đó vẫn giữ nguyên thông báo trả đơn, hoặc khiếu nại của anh bạn không được giải quyết trong hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được khiếu nại thì anh bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên Tòa án cấp trên để được giải quyết
(Lưu ý là Tòa án phải ban hành QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI chứ không phải là trả lời khiếu nại của anh bạn bằng hình thức công văn).
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!