Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có người đại diện đang là người nước ngoài - chủ sở hữu là người việt nam. Bây giờ công ty muốn chuyển đổi chủ sở hữu từ người chủ sở hữu cũ là người việt nam qua cho người đang đại diện pháp luật (tức người nước ngoài) thì phải làm những thủ tục nào? Và các khoản thuế phải nộp như thế nào?
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về tình huống trên.
Thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên từ cá nhân Việt Nam sang cá nhân nước ngoài
Người nước ngoài là nhà đầu tư nước ngoài muốn nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty thành lập tại Việt Nam thì cần đảm bảo các điều kiện tại Điều 24 Luật đầu tư 2020 về Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
+ Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
+ Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
+ Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
+ Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển."
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài: quy định cụ thể tại Điều 9 Luật đầu tư 2020; hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Kiểm tra Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề thuộc Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 31/2021/NĐ-CP và thuộc mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường thì nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư (nhận chuyển nhượng vốn góp); còn nếu thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Mục B Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định.
Căn cứ Luật đầu tư 2020 về Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
+ Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Nếu doanh nghiệp không kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mua toàn bộ phần vốn góp của công ty TNHH một thành viên làm tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50% trong công ty nên phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Hoặc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mua toàn bộ phần vốn góp của công ty thì cũng làm thủ tục này.
Thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài được hướng dẫn bởi Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, theo đó:
Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Hồ sơ gồm:
-Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);
-Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
-Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó;
-Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 Nghị định này)."
==>> Nộp hồ sơ trên cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
+ Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định, công ty thực hiện thủ tục Đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Điều 53 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
Tham khảo hồ sơ, biểu mẫu tại bài viết: Thay đổi chủ sở hữu trong công ty TNHH một thành viên
Thuế khi thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên từ cá nhân Việt Nam sang cá nhân nước ngoài
Công ty muốn đổi chủ sở hữu từ người chủ sở hữu cũ là người Việt Nam (là cá nhân cư trú theo pháp luật về thuế) qua cho người đang đại diện pháp luật - người nước ngoài (có thể là cá nhân không cư trú theo pháp luật về thuế) tức chủ cũ sẽ phải chuyển nhượng vốn góp của mình trong công ty qua cho người nước ngoài, chủ cũ phát sinh thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân theo điểm a khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC - thu nhập từ chuyển nhượng vốn ==>> Cá nhân cư trú phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân - thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
(Các xác định cá nhân cư trú hay cá nhân không cứ trú căn cứ Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC).
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn theo Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC: Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.
Thủ tục khai thuế căn cứ Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC để thực hiện:
Theo đó, tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thực hiện khai thuế và quyết toán thuế theo hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ tại văn bản hướng dẫn về quản lý thuế. Nguyên tắc khai thuế đối với một số trường hợp cụ thể:
...
- Khai thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn (trừ chuyển nhượng chứng khoán)
+Cá nhân cư trú chuyển nhượng vốn góp thực hiện khai thuế theo từng lần chuyển nhượng không phân biệt có hay không phát sinh thu nhập.
…
Các quy định khác xem tại bài viết: Cách khai thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế