Theo tôi em nên chọn đề tài: "Nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng Hình sự". Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc của một loại hình tố tụng lấy các giá trị công bằng, bình đẳng làm nền tảng; là lá chắn quan trọng và hữu hiệu cho việc tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. Yêu cầu về chứng minh tội và lỗi của người bị buộc tội cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm chứng minh. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi rằng, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về phía buộc tội. Để bảo đảm cho yêu cầu này, Bộ luật Tố tụng hình sự đã đặt ra yêu cầu nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong quá trình thu thập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác. Nội dung này được quy định tại Điều 10 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội (Điều 98, BLTTHS năm 2015).
Còn quyền im lặng của bị can bị cáo trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 60 BLTT HS : Bị can có quyền Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Tương tự vậy ta có quyền im lặng của bị cáo quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 61 BLTTHS.Như vậy không phải quyền im lặng chưa được quy định tại luật hình sự, mà là do thực tiễn trong quá trình tố tụng thì ít khi bị can- bị cáo hiểu được mình có những quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ bản thân.
Nếu chọn đề tài về quyền im lặng của bị can - bị cáo thì tôi thấy đề tài của em bó hẹp quá, em thử chọn đề tài Nguyên tắc suy đoán vô tội xem. Nội dung nghiên cứu của em sẽ phong phú và sinh động hơn đấy !
Chúc em may mắn