Căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012, khi hết hạn hợp đồng lao động, trong vòng 30 ngày, hai bên phải ký hợp đồng lao động mới.
- Nếu không ký hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Trong trường hợp này thì doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng lao động có thời hạn 01 lần.
- Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trong trường hợp này, hợp đồng lao động có thời hạn được ký tối đa 2 lần.
Như vậy, trong mọi trường hợp doanh nghiệp chỉ được ký tối đa 2 lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với mỗi người lao động. Mỗi lần chỉ được ký thêm 01 phụ lục hợp đồng lao động để thay đổi thời hạn hợp đồng nhưng không được làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết trước đó. Nhà trường ký với bạn 5 lần hợp đồng trong 10 năm đi làm là trái với quy định ở trên.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì khi nghỉ việc có 1 khoản tiền là tăng thêm thu nhập vào lương của năm 2016 (khoản này trong quyết định quy chế chi tiêu nội bộ của trường) bạn đã để nghị trường trả thì trường trả lời không có số tiền đó và không trả cho bất kỳ CBVC nào và ngày 1/9/2019 nhà trường nhà thông báo không trả. Căn cứ theo điểm a, khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, tức là có nghĩa vụ trả tiền đó cho bạn theo đúng cam kết đã ký. Trường hợp của bạn, quy chế nhà trường có quy định như vậy, trong thời gian này bạn vẫn là nhân viên của nhà trường và đã thực hiện tốt công việc được giao, không vi phạm các quy định thì theo đó bạn cũng là người được hưởng tiền đó. Việc nhà trường lấy lý do bạn như trên mà không trả g là không đúng. Bạn có thể khiếu nại với nhà trường để yêu cầu giải quyết.
Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về trợ cấp thôi việc. Cụ thể:
Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn thì việc chấm dứt hợp đồng lao động dựa trên thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động (khoản 3 Điều 36) hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật - tức báo trước cho đơn vị 45 ngày làm việc trước khi nghỉ việc (hợp đồng không xác định thời hạn) hoặc 30 ngày làm việc nếu một trong các trường hợp quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động và làm việc thường xuyên cho đơn vị từ 12 tháng trở lên thì đều đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc.
Nhà trường trả bạn tiền trợ cấp thôi việc từ thời gian 01/92008 đến 31/12/2008 là 1/4 tháng tiền lương là 917.812 đồng là đúng quy định. Ngoài ra, bạn còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khoản 1 Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định: “Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”
Theo quy định pháp luật, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng người lao động được hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Khoản 2 Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định: “Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.”
Theo quy định pháp luật, người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng cho đền 36 tháng thì được hưởng 03 tháng bảo hiểm thất nghiệp, từ năm thứ tư trở đi mỗi một năm đủ 12 tháng được hưởng thêm 01 tháng bảo hiểm thất nghiệp nữa nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;