Theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật lao động, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần .
Điều 106 Bộ luật lao động quy định, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm; Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, hướng dẫn cụ thể: Các trường hợp được tổ chức làm thêm trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm, bao gồm trường hợp sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lao động tại địa phương; Thời gian nghỉ bù theo Điểm c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động như sau: Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ.
Nếu sự việc đúng như bạn phản ánh, thì thời giờ làm việc, cường độ lao động mà Công ty yêu cầu đối với người lao động là vượt quá thời giờ làm việc bình thường nêu tại Điều 104 Bộ luật lao động. Vi phạm nghiêm trọng quy định về số giờ làm thêm giờ tối đa trong 1 tháng và tổng số giờ làm thêm giờ tối đa trong 1 năm; không thực hiện đúng quy định về bố trí nghỉ bù sau mỗi đợt nhiều ngày làm thêm liên tục, nêu tại Điều 106 Bộ luật lao động được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP.
Bạn và những người lao động trong công ty cần thông qua tổ chức công đoàn cơ sở, Liên đoàn lao động cấp huyện yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật về lao động. Khiếu nại thanh tra vệ sinh, an toàn lao động cần tiến hành thanh kiểm tra, ban hành kết luận thanh tra, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động buộc Công ty phải khắc phục vi phạm. Nếu còn vướng mắc hoặc có các trường hợp vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn, các bạn hãy gọi 1900 6280 liên lạc với luật sư để được tư vấn cụ thể hơn nhé.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;