Tất cả các hành vi nghiêm cấm của các Luật có hiệu lực từ 01/01/2016

Chủ đề   RSS   
  • #408905 07/12/2015

    tieuthong

    Male
    Sơ sinh

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/11/2015
    Tổng số bài viết (33)
    Số điểm: 225
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 5 lần


    Tất cả các hành vi nghiêm cấm của các Luật có hiệu lực từ 01/01/2016

    Từ ngày 01/01/2016 hàng loạt các luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành như Luật bảo hiểm xã hội, Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch, Luật tổ chức Chính Phủ, Luật nghĩa vụ quân sự…

    Chính vì vậy, hôm nay mình sẽ trình bày những điều bị nghiêm cấm trong các luật này để mọi người có thể chú ý và tránh không để bị vi phạm.

     

     

     

    1. Luật bảo hiểm xã hội 2014

     

    Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

     

    1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

    2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

    3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

    4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

    5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.

    6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

    7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

    8. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

     

    2. Luật Căn cước công dân 2014

     

    Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

     

    1. Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.

    2. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

    3. Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

    4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    5. Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

    6. Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.

    7. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.

    8. Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

    9. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

     

    3. Luật hộ tịch 2014

     

    Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

     

    1. Nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hành vi sau đây:

    a) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; làm hoặc sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ của người khác để đăng ký hộ tịch;

    b) Đe dọa, cưỡng ép, cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch;

    c) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đăng ký hộ tịch;

    d) Cam đoan, làm chứng sai sự thật để đăng ký hộ tịch;

    đ) Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch;

    e) Đưa hối lộ, mua chuộc, hứa hẹn lợi ích vật chất, tinh thần để được đăng ký hộ tịch;

    g) Lợi dụng việc đăng ký hộ tịch hoặc trốn tránh nghĩa vụ đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào;

    h) Người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;

    i) Truy cập trái phép, trộm cắp, phá hoại thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

    2. Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều này đều không có giá trị và phải thu hồi, hủy bỏ.

    3. Cá nhân thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, ngoài bị xử lý như trên còn bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức.

     

    4. Luật nghĩa vụ quân sự 2015

     

    Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm

     

    1. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

    2. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

    3. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

    4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

    5. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

    6. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

     

    5. Luật kiểm toán nhà nước 2015

     

    Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

     

    1. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước:

    a) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;

    b) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;

    c) Đưa, nhận, môi giới hối lộ;

    d) Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;

    đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;

    e) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;

    g) Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.

    2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan:

    a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

    b) Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

    c) Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

    d) Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;

    đ) Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

    3. Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

     

    Rất mong nhận được sự góp ý và bổ sung từ mọi người để cùng nắm rõ quy định

    Trần Nguyễn Phước Thông - Trường Đại Học Kinh Tế Luật (ĐHQG TPHCM)

    Lớp: K15504 - Luật tài chính-ngân hàng-chứng khoán

    Member of Legal Research And Advisory Club (LRAC - Câu lạc bộ nghiên cứu và tư vấn pháp luật)

    Cộng tác viên của Thư Viện Pháp Luật ( Contributor of LAWSOFT incorporated company)

     
    3399 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận