Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lại một lần nữa được khơi mào kể từ khi Luật bảo hiểm xã hội 2014 được ban hành, có thể nói, quy định về tuổi nghỉ hưu “Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi” có từ thời điểm Bộ luật lao động 1994 có hiệu lực, đến nay đã hơn 20 năm.
So với nhiều nước thì Việt Nam là nước có tuổi nghỉ hưu ở mức thấp, trong khi ở các nước trên thế giới, tuổi nghỉ hưu là từ 65 tuổi đến 67 tuổi.
Nhiều lý do dẫn đến việc không tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó có cả từ phía những người trong cuộc (là những người đến tuổi nghỉ hưu) và cả những người ngoài cuộc (là những người trẻ, chưa đến tuổi nghỉ hưu).
Lý do của những người trong cuộc: thích làm ít, nhưng hưởng nhiều
Từ lâu ở ta đã có khái niệm, đến tuổi nghỉ hưu là phải nghỉ, không làm thêm gì hết. Chắc có lẽ chỉ một số ít người muốn nấn ná lại công việc hiện tại của mình mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu như luật định, mà thường là những người trong phía cơ quan công quyền.
Quy định liên quan đến tuổi nghỉ hưu nhằm hướng đến 2 mục đích chính, đó là 1 – là độ tuổi mà sau đó, người lao động không có đủ sức khỏe, sức lực để đảm bảo cho công việc của mình được hoàn thành tốt nhất, lý do thứ 2, chắc các bạn cũng đoán ra, đó là tránh trường hợp “tham quyền cố vị” của những người làm trong cơ quan công quyền.
Chính vì thế, trong tâm lý của nhiều người đến tuổi nghỉ hưu cho rằng, có muốn làm thêm cũng không được nữa. Nhiều người còn quan niệm rằng, nếu đã đóng BHXH cho từng ấy năm rồi, giờ có làm thêm vượt quá số tuổi hưu trí thì cũng vẫn chỉ được hưởng nhiêu đó lương hưu.
Đó là lý do khiến những người trong cuộc không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
Lý do của những người ngoài cuộc: sợ bị giành hết việc làm
Với tâm lý lười biếng, ngại đương đầu với thử thách nhất là khi thị trường việc làm đang diễn ra khốc liệt như hiện nay, người trẻ rất sợ những người già “trụ” lại quá lâu trong công việc của họ.
Người trẻ có kiến thức mới, tiếp thu được nhiều thành tựu khoa học mới, nhưng trái lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn, còn người già thì có thể thừa kinh nghiệm thực tiễn nhưng lại thiếu kiến thức mới, thành tựu khoa học mới. Nhưng trong thị trường lao động, cái người ta cần hơn cả cái chuyện bằng cấp loại gì, đó là kinh nghiệm của bạn đạt được bao lâu?
Đó là câu chuyện ở nước mình, mọi người luôn tâm niệm rằng hết tuổi lao động thì nghỉ ngơi cho khỏe, cho thanh thản đầu óc, làm từng ấy năm là được rồi.
Còn với những nước phát triển xung quanh ta, hết tuổi lao động, mọi người vẫn còn có thể tiếp tục làm nữa, chỉ khi nào hết sức, hết khả năng cống hiến cho đời thì mới thôi không làm việc nữa. Nếu như có lần du lịch sang các nước bạn, bạn sẽ thấy những người đã đến tuổi nghỉ hưu họ vẫn làm việc một cách mẫn cán và siêng năng, đây không phải là số ít mà là số nhiều đấy các bạn.
Bởi những lý do nêu trên mà theo quan điểm của tôi nên tăng tuổi nghỉ hưu lên từ 5 – 10 năm để tránh lãng phí nguồn nhân lực, hơn nữa để tăng sức cạnh tranh trong thị trường lao động hiện nay, cho những người trẻ thấy được trước mắt mà phải phấn đấu hơn nữa năng lực của mình.
Thêm cái cũng không kém phần quan trọng đó là cần phải thay đổi chính sách, chế độ hưu trí cho phù hợp. Chứ như hiện nay, nhiều đánh giá cho rằng lúc làm đóng BHXH rất nhiều nhưng đến lúc nhận thì tính ra không được bao nhiêu. Nên đa phần những người có điều kiện hiện nay, mua thêm các loại bảo hiểm bên ngoài để nhận lại khoản hưu trí nhiều hơn so với các loại bắt buộc.