Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, đại biểu HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra chiều 19/9, đã thống nhất thông qua nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Chính sách này được thực hiện từ ngày 1/8/2023 đến khi hết thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15.
Kinh phí chi thu nhập tăng thêm lấy từ nguồn cải cách tiền lương
Ngày 19/9, HĐND TPHCM khóa X, tổ chức kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề). Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trình bày tờ trình của UBND TPHCM về ban hành nghị quyết của HĐND TPHCM quy định về chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
UBND TPHCM đề xuất mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Cụ thể, trong 5 tháng cuối năm 2023, hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 0,8 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ đối với các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo hệ số căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ.
Đối với các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa 3 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2024 đến hết thời gian thí điểm của Nghị quyết 98/2023/QH15, UBND TPHCM trình HĐND thành phố quyết định mức chi thu nhập tăng thêm theo hệ số và theo mức tiền cụ thể trong dự toán ngân sách hàng năm.
Kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98/2023/QH15 từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố. Cụ thể, trong 5 tháng cuối năm 2023, nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn cải cách tiền lương được cân đối trong dự toán năm 2023.
Từ năm 2024 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết 98/2023/QH15, trên cơ sở nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý, UBND TPHCM trình HĐND thành phố bố trí dự toán chi thu nhập tăng thêm trong dự toán ngân sách.
Chi thu nhập tăng thêm theo hệ số lương
UBND TPHCM đề xuất mức chi thu nhập tăng thêm theo hệ số căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ đối đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi thành phố quản lý; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố
Chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thực hiện công tác hỗ trợ, phục vụ theo quy định của pháp luật thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù do thành phố quản lý và các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó là người được tuyển dụng vào làm việc theo chỉ tiêu biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù; công chức đang làm việc trong các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố.
04 nhóm cán bộ được hưởng thu nhập tăng thêm
Việc chi thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn được TPHCM thực hiện từ năm 2018 theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố, khi TPHCM thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14. Khác với Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND, nghị quyết mới này đã mở rộng đối tượng được hưởng chi thu nhập tăng thêm.
Theo đó, ngoài cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý, người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường xã, thị trấn trên địa bàn, lần này TP HCM mở rộng 4 nhóm đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm, bao gồm:
(1) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH TPHCM.
(2) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thực hiện công tác hỗ trợ, phục vụ theo quy định của pháp luật thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù do thành phố quản lý và một số cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố.
(3) Người được tuyển dụng vào làm việc theo chỉ tiêu biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền giao số lượng người làm việc và kinh phí hoạt động theo quy định pháp luật.
(4) Công chức đang làm việc tại các cơ quan Trung ương trên địa bàn TPHCM (Sở Ngoại vụ; Cục Thống kê thành phố và các Chi cục Thống kê cấp huyện; Cục Quản lý thị trường; TAND thành phố và TAND cấp huyện; Viện KSND thành phố và Viện KSND cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự thành phố và Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại thành phố; Cục Thuế thành phố và các Chi cục Thuế trực thuộc; Cục Hải quan thành phố và các Chi cục Hải quan trực thuộc; Kho bạc Nhà nước thành phố và Kho bạc Nhà nước cấp huyện; Bảo hiểm xã hội thành phố).
Nguồn: Xây dựng chính sách