Hôm qua là ngày Quốc tế thiếu nhi, chắc hẳn cơ quan bố mẹ nhà nào có con còn trong độ tuổi nhi đồng sẽ được tổ chức trao quà. Và sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói khi có một số cơ quan tặng quà theo thành tích học tập của các em và các món quà này được quy ra tiền. Điều này có thể mang lại niềm vui, sự tự hào cho các bậc cha mẹ có con đạt thành tích cao trong năm học vừa qua nhưng lại vô tình làm đau lòng những phụ huynh có con không học giỏi bằng và tạo ra tâm lý mặc cảm, tự ti đối với những bé này.
Các bậc phụ huynh ngày nay, một mặt vẫn thường hay kêu ca, phàn nàn về một nền giáo dục quá tải, coi trọng thành tích, chạy theo thành tích, không xem trọng giáo dục thể chất và kỹ năng sống cho các em. Nhưng mặt khác, vẫn rất hào hứng chụp ảnh bằng khen, giấy khen, bảng điểm của con mình để khoe lên mạng xã hội, hay mừng ra mặt khi con nhận quà to từ cơ quan làm việc của bố mẹ vào những dịp này, nhờ thành tích học tập tốt.
Tự hỏi có phải chăng Quốc tế thiếu nhi, là ngày vui của trẻ em, là ngày nhắc nhở với phụ huynh về quyền bình đẳng của trẻ em, vậy tại sao còn tư duy phân biệt giữa trẻ học giỏi và trẻ học chưa giỏi bằng quà. Chưa hết, khi những món quà ấy được quy ra thành tiền, tạo nên sự phân cấp, phân bậc lại khiến trẻ em vô tình lại hình thành suy nghĩ học giỏi sẽ có tiền. Vừa nghe qua có vẻ như cách làm này thực tiễn, nhằm tạo được mục tiêu, động lực cho các em cố gắng phấn đấu, vươn lên trong học tập. Nhưng trên thực tế, điều này lại khác xa, nó có nhiều cái hại hơn cái lợi mà theo Nghiên cứu sinh Vũ Thị Phương Lê nêu ra như sau:
“- Thứ nhất, việc trao phần thưởng mang nặng tính vật chất không tạo ra được động lực từ bên trong cho trẻ. Trẻ học vì phần thưởng chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác. Vậy thì khi không còn phần thưởng nữa thái độ của trẻ sẽ ra sao? Điều này cũng khiến cho trẻ dần bị cách xa với mục đích chân chính của giáo dục.
- Thứ hai, việc trao phần thưởng vật chất cho các cháu rất có thể sẽ tạo ra cảm giác tự ti của những bạn ở nhóm yếu thế hơn, khiến các cháu dần trở nên mất tự tin vào bản thân. Nên nhớ rằng, mỗi đứa trẻ có một nhịp độ phát triển riêng, thế mạnh riêng, không ai giống ai. Việc đánh giá thành tích học tập chung chung một cách nào đó đã bỏ qua việc nhìn nhận sự cố gắng của từng cá nhân trong lộ trình của chính họ. Điều này tạo nên những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới tâm lý.
- Cuối cùng, hình thức thưởng tiền này không chỉ tạo nên áp lực đối với con cái, mà còn đối với chính cha mẹ.”
Công bằng mà nói, gần đây nhiều cơ quan đã thay đổi tư suy và cách thức tặng quà này. Tức em nào cũng được nhận những phần quà giống nhau, quà tặng có thể là những cuốn sách, vé xem phim hoặc những món đồ chơi ưa thích. Cách làm này mới thực đúng với ý nghĩa của ngày lễ. Tuy nhiên, hình thức khen thưởng cho con cán bộ công nhân viên chức dựa trên thành tích học tập vẫn còn không hiếm ở các cơ quan nhà nước. Kết quả là, ngày vui của người này có thể là ngày buồn với người khác. Nhiều người bảo việc tặng quà khi các bậc cha mẹ có con học giỏi là để “ghi nhận công lao nuôi dưỡng giáo dục của các bậc phụ huynh, qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cơ quan đối với thế hệ tương lai của đất nước!”. Nhưng có thật như vậy là "ghi nhận công lao nuôi dưỡng của phụ huynh" và "quan tâm đến thế hệ tương lai" một cách chân thành? Chẳng lẽ các em học chưa giỏi thì cha mẹ không có công lao nuôi dưỡng và sự tưởng thưởng các em có thành tích học giỏi mới chính là quan tâm đến thế hệ tương lai?
Cập nhật bởi Kimtam1912 ngày 02/06/2018 09:25:11 CH
sai chính tả