Theo nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2018.
Tăng lương là tin vui nhất của những người làm công ăn lương thế nhưng nhiều người đón nhận nó một cách rất thờ ơ, hờ hững, bởi so với công sức và thời giá bây giờ thì mức tăng chẳng thấm tháp vào đâu; hoặc với một số người lương với họ không có ý nghĩa gì, họ kiếm thêm từ những nguồn khác còn nhiều gấp bội.
|
Không ngân sách nào có thể gánh nổi bộ máy cồng kềnh hiện nay. |
Số tiền lương tăng cho mỗi người có thể là nhỏ, nhưng đó là một sự cố gắng vô cùng lớn của Chính phủ khi phải trả lương cho một bộ máy cán bộ, công chức rất hùng hậu, cồng kềnh.
Nghị quyết của Quốc hội một lần nữa khẳng định việc tăng lương phải kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Ai cũng hiểu, với bộ máy hiện nay, không ngân sách nào có thể gánh nổi. Và với cách trả lương như hiện nay thì vẫn chưa đảm bảo công bằng, cán bộ - công chức chưa đủ sống và quan trọng hơn là việc trả lương lại không theo vị trí công việc, không đúng giá trị sức lao động, đóng góp của người lao động bỏ ra. Bởi vì trong bộ máy có tới trên 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng hàng tháng vẫn lĩnh lương. Nhiều người mong rằng, công cuộc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy sớm loại bỏ những công chức, viên chức yếu kém như vậy ra khỏi bộ máy để lấy tiền đó trả lương cho những người làm việc thực sự.
Nói thì đơn giản như vậy nhưng thực thi lại là việc vô cùng khó. Hàng chục năm qua, chúng ta tiến hành tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhưng đâu có hiệu quả. Bộ máy hành chính, quản lý hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ngày càng phình to.
Vì sao lại như vậy? Vì chúng ta không có thước đo chuẩn để loại bỏ những người yếu kém ra khỏi bộ máy. Chúng ta có những hội đồng đánh giá, tuyển dụng khắt khe nhưng lại vẫn do “quan hệ và tiền tệ” quyết định nên nhiều người đỗ công chức, viên chức với điểm số cao lại không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Hàng loạt hệ lụy đeo bám chúng ta xuất phát từ khâu tuyển dụng, đánh giá và loại bỏ cán bộ, công chức chưa được thực hiện nghiêm túc. Nếu có một cuộc chơi thật minh bạch, cạnh tranh chắc chắn sẽ không ai phải kêu ca về hiệu quả bộ máy nữa. Không cần phải học tập đâu xa, chúng ta hãy nhìn vào chính sự điều hành, sử dụng lao động của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài sẽ rõ. Họ có chế độ lương – thưởng rất minh bạch, xứng đáng cho những người làm việc thực sự; có đào thải nếu lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc. Khi đã ở trong một guồng máy như vậy thì mỗi cá nhân nếu không cố gắng, không thích ứng, không trau dồi để tiến bộ thì sẽ bị “đánh văng” ra khỏi guồng máy bất cứ lúc nào.
Còn với các cơ quan Nhà nước, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, lâu nay chúng ta đã tạo ra một sự nuông chiều tai hại khiến cho cả guồng máy này trì trệ, người làm tốt cũng như không làm được việc hưởng lương như nhau, cuối năm có thưởng cũng bằng nhau, có chăng chỉ hơn nhau cái danh hiệu lao động tiên tiến hay xuất sắc.
Thêm một năm Quốc hội giao Chính phủ lo việc tăng lương cơ sở cho những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước, lại là một sự lo toan, cân đối vô cùng vất vả, khó bền vững. Đã đến lúc, nếu muốn đất nước phát triển, chúng ta phải tạo áp lực công việc, đánh giá lao động và trả lương theo đúng vị trí việc làm và năng lực của cán bộ. Tiền lương chỉ có giá trị thúc đẩy năng suất, hiệu quả công việc khi nó được trả xứng đáng cho người la động, còn như hiện nay, chỉ cần làm “tròn vai” là được lĩnh lương thì sẽ không có động lực cho bất kỳ ai phấn đấu, không tạo ra tăng trưởng, không có nguồn thu cho ngân sách… Cái vòng luẩn quẩn này sẽ còn đeo bám chúng ta dài dài./.