Tăng giá vào lễ 30/4-1/5, chủ nhà nghỉ có bị phạt?

Chủ đề   RSS   
  • #609678 18/03/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Tăng giá vào lễ 30/4-1/5, chủ nhà nghỉ có bị phạt?

    Lễ 30/4 và 1/5  sắp đến, nhiều người đã nhanh chóng lên kế hoạch cho chuyến du lịch nhiều ngày cùng với gia đình bạn bè. Nhưng chắc hẳn, vấn đề giá cả vào ngày lễ của các nhà nghỉ luôn là nỗi lo của nhiều người. Vậy tăng giá vào lễ 30/4, 1/5 chủ nhà nghỉ, homestay có bị phạt?

    1. Quy định về niêm yết giá của nhà nghỉ

    Đầu tiên cần phải nói, 30/4 và 1/5 năm 2024 rơi vào thứ ba và thứ tư trong tuần, tức là nếu bạn có thể sắp xếp rãnh được cả ngày thứ hai, tức là bạn sẽ có một chuỗi 4 ngày nghỉ lễ liên tục từ chủ nhật ngày 28/4 đến thứ tư 1/5. Đó chính là cơ hội tốt để bạn có thể đi du lịch với người thân và bạn bè.

    Đối với việc kinh doanh nhà nghỉ căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật du lịch 2017, quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch:

    + Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật du lịch 2017

    + Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;

    + Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;

    + Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;

    + Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;

    + Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 48 Luật Du lịch 2017 quy định như sau:

    Các loại cơ sở lưu trú du lịch

    + Khách sạn.

    + Biệt thự du lịch.

    + Căn hộ du lịch.

    + Tàu thủy lưu trú du lịch.

    + Nhà nghỉ du lịch.

    + Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

    + Bãi cắm trại du lịch.

    + Các cơ sở lưu trú du lịch khác.

    Xét các quy định trên, có thể thấy, nhà nghỉ được coi là các cơ sở lưu trú du lịch, và phải được niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật.

    2. Xử lý trường hợp tăng giá bất hợp lí vào lễ 30/4-1/5, đối với nhà nghỉ?

    Căn cứ Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP, quy định như sau:

    Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ

    - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

    + Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Hành vi vi phạm quy định trên trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;

    + Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh Mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc khoản 5 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 29 Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/07/2024) quy định niêm yết giá:

    - Niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ.

    Từ hai quy định trên, ta có thể thấy giá của nhà nghỉ phải được niêm yết một cách rõ ràng, công khai, nếu chủ nhà nghỉ tự tiện tăng giá vượt quá giá niêm yết hoàn toàn có thể bị phạt 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Bên cạnh đó, căn cứ điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, tổ chức là chủ thể có thể bị phạt gấp đôi. 

    Ngoài ra, chủ nhà nghỉ du lịch còn buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết.

    Như vậy, hành vi tăng giá vào lễ 30/4, 1/5 của chủ nhà nghỉ hoàn toàn có thể bị phạt  khi giá được nâng cao hơn giá niêm yết.

    3. Các điều kiện kinh doanh của nhà nghỉ

    Căn cứ  khoản 1 Điều 49 Luật Du lịch 2017 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như sau:

    + Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

    + Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

    + Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

    Nếu chủ nhà nghỉ không đảm bảo các điều kiện trên, sẽ bị phạt và không được phép tiếp tục kinh doanh.

    Tổng kết lại, dẫu biết là lễ 30/4 và 1/5 tới là cơ hội “hốt bạc” của các chủ nhà nghỉ, nhưng hành vi tăng giá quá giá niêm yết là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt. Chưa kể đến, cái hại về sau là “tiếng xấu đồn xa”, có thể hủy hoại danh tiếng và cơ hội làm ăn của các nhà nghỉ.  

     
    469 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận