Lao động chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thấy những hệ lụy lâu dài từ việc tăng giờ làm thêm. Nếu tăng ca liên tục, lao động sẽ bị vắt kiệt sức. Đây chính là lý do khiến các công nhân chỉ làm việc tới 35-40 tuổi là bị cho thôi việc.
Theo khảo sát về tiền lương, thời gian làm thêm của Viện Công nhân và Công đoàn được tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), trong đó trực tiếp lấy ý kiến của gần 1.400 lao động thuộc 70 doanh nghiệp và điều tra ngoài khu trọ với gần 1.200 lao động thuộc hơn 20 doanh nghiệp trong các ngành công thương, nông nghiệp, khai khoáng trong cả nước.
Kết quả về tiền lương có tới gần 33% lao động được khảo sát cho biết, thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ, 12% trong số này cho biết, thu nhập và tiền lương không đủ sống và phải làm thêm, chỉ có 16% là thu nhập có dư (chủ yếu là công nhân mỏ, khai khoáng). Như vậy sau từ 5-7 năm làm việc họ có thể tiết kiệm tiền để mua được một căn nhà ở quê.
Chính vì thu nhập không đủ sống nên một số lao động “muốn” làm thêm để tăng thu nhập, lo cho gia đình. Những lao động này đều cho biết, thực ra họ không mong muốn làm thêm nhưng vì thu nhập thấp không đủ sống nên phải làm. Khảo sát này cũng cho thấy có tới 97% doanh nghiệp tăng thời gian làm thêm của người lao động. Thu nhập thực tế của người lao động chỉ tăng trên tiền lương cơ bản khoảng 1 triệu đồng.
Lao động chấp nhận tăng ca là bước đường cùng. Ngoài lương cơ bản khoảng 3,5 - 4 triệu đồng thì lao động cộng thêm khoảng 1 triệu đồng tiền tăng ca, 50.000 đồng tiền hỗ trợ chỗ ở, tiền đi lại..., được khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập có thể tăng lên một chút, nhưng hệ lụy tới sức khoẻ rất lớn. Tăng thời giờ làm thêm sẽ khiến lao động bị kiệt quệ, không còn sức lao động. Lao động sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh tật về cơ xương khớp, tim mạch, sức khoẻ tâm thần... Do vậy, lao động chấp nhận tăng ca bởi nếu không tăng ca họ sẽ bước vào con đường cùng do thu nhập không đủ sống.