Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hiểu nôm na là việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đây là thủ tục đặc biệt được quy định khá cụ thể trong các Bộ luật tố tụng (Dân sự, Hình sự, Hành chính) và được hướng dẫn chi tiết tại Quyết định 625/QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, việc giải quyết đơn của đương sự hoặc kiến nghị của các cơ quan, tổ chức về giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều hạn chế. Không ít người bức xúc, bất mãn khi bước đi trên con đường tố tụng này nói riêng và tố tụng tại Tòa án các cấp nói chung. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng nhanh, trình tự thủ tục còn rườm rà, qua quá nhiều bước là những áp lực không dễ giải tỏa.
Chính những áp lực vô hình đó đã đẩy đưa những con số về thời hạn, thời hiệu thời gian xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trở nên mơ hồ và dễ bị lợi dụng. Không ít đơn chìm dần theo thời gian và được giải quyết qua loa, nhưng cũng có đơn may mắn tiếp tục vận hành theo vòng xoay tố tụng. Một thủ tục tưởng chừng như đơn giản lại hóa phức tạp, ngay cả nhiều luật sư hành nghề lâu năm vương vào cũng ngán ngẩm, không mặn mà khi tư vấn, hướng dẫn đương sự khiếu nại theo thủ tục này, thù lao không tương xứng với thời gian thụ động chờ đợi kết quả; khác ở cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm là chủ động để làm việc.
Trong tranh chấp, ai cũng có lý lẽ riêng, chứng cứ riêng; vậy nên công lý của bên này đôi khi là bất công đối với bên kia. Vậy làm sao để công lý được đặt đúng chỗ của nó?
Bản thân tôi làm trong ngành, các luật sư, thậm chí các bạn đang học luật có thể hướng dẫn đương sự về thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, dù là ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm. Nhưng để trả lời đâu là sự thật trong một vụ án tranh chấp? Làm sao để công lý được đặt đúng chỗ của nó? Thì quá khó! Khó bởi có không ít chứng cứ mơ hồ, đối lập, một chứng cứ có nhiều cách hiểu hoặc nhiều hướng nhận định... Tất cả đều là "đặc sản" được "sản sinh" từ các mối quan hệ xã hội phức tạp tranh chấp nhau mà ra.
Công lý có thể mơ hồ, nhưng sự thật thì mỗi bên trong tranh chấp tự hiểu được nó ở nơi đâu.
Cầu mong sao không còn ai tranh chấp với ai, để mỗi người, mỗi gia đình được sống trong an hòa, hưng thịnh.