Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ có những quy định điều chỉnh về phá sản của tổ chức có tư cách pháp nhân, chưa hề quy định về phá sản của một cá nhân. Một số quốc gia như Anh, Pháp và đặc biệt là Hoa Kỳ đã rất thành công trong việc xây dựng những quy định điều chỉnh vấn đề pháp lý này, điển hình là Luật phá sản Hoa Kỳ. Nước ta nên tiến hành xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh về phá sản cá nhân bởi những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, giải quyết phá sản của cá nhân là một con đường để bảo vệ quyền bình đẳng của con người
Quyền bình đẳng trước pháp luật được Hiến pháp quy định, bảo vệ. Quyền này chỉ rõ theo điều 22 Hiến pháp năm 1992 và điều 51 Hiến pháp 2013, cho thấy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế : doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh và cá nhân tiêu dùng đều được bình đẳng trước pháp luật. Hiến pháp là một đạo luật có hiệu lực pháp luật cao nhất, nó được xem là “luật gốc” “luật mẹ”, các văn bản pháp luật khác phải tuân theo nó để xây dựng những quy định luật theo đúng tinh thần nó mang lại. Hiến pháp đã đề cao quyền bình đẳng của các chủ thể kinh doanh như vậy nhưng pháp luật phá sản Việt Nam lại không hề đề cập đến. Cho nên đây là một bất cấp rất lớn của pháp luật phá sản Việt Nam cần phải khắc phục.
Thứ hai, phá sản cá nhân giúp giải quyết hiệu quả quan hệ chủ nợ - con nợ trong xã hội. Phá sản của cá nhân được giải guyết theo pháp luật sẽ chung hòa lợi ích của các bên. Chủ nợ sẽ đòi lại các khoản nợ của mình nếu tài sản còn đủ, con nợ cũng sẽ không còn phải nơm nóp lo sợ, tránh khỏi những hành vi trái pháp luật của chủ nợ.
Thứ ba, giải quyết phá sản cá nhân góp phần bảo vệ trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, tạo điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới.