Hiện nay, nước ta có tổng cộng 7 Quân khu được đánh số từ Quân khu 1 đến Quân khu 9, tuy nhiên lại không có Quân khu 8 và Quân khu 6
(1) Quân khu là gì?
Quân khu là một đơn vị quân sự có quy mô lớn trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trên cấp Sư đoàn, bao gồm các quân binh chủng hợp thành (Bộ binh, Pháo binh, Công binh, Tăng - Thiết giáp, Đặc công, Hóa học, Thông tin Liên lạc) và các cơ quan chuyên ngành theo chức năng.
Một Quân khu có các chức năng cơ bản sau:
- Tác chiến bảo vệ lãnh thổ Quân khu.
- Xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân ở địa phương.
- Tham mưu giúp Đảng ủy, chỉ huy Bộ Quốc phòng về công tác tổ chức, xây dựng, quản lý
- Chỉ huy lực lượng vũ trang trong một khu vực nhằm bảo vệ khu vực đặc trách được giao
Ở Việt Nam, việc thành lập các Quân khu được tiến hành từ thời Chiến tranh Đông Dương. Sau năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn dùng tên gọi "Quân khu" để chỉ các tổ chức bộ đội địa phương của mình cả ở miền Bắc lẫn miền Nam.
Theo quy định tại Điều 15 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008 và 2014) thì chỉ huy, lãnh đạo mỗi Quân khu là Tư lệnh Quân khu và Chính ủy Quân khu với quân hàm cao nhất là Trung tướng.
(2) Tại sao ở Việt Nam không có Quân khu 6 và Quân khu 8?
Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có tất cả 7 Quân khu, lần lượt là Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 và cuối cùng là Quân khu 9 và một Bộ Tư lệnh có chức năng như một Quân khu quản lý Thủ đô là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, quân đội ta cũng có Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên khác với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Quân khu 7.
Vậy tại sao lại không có sự xuất hiện của Quân khu 6 và Quân khu 8?
Thực tế thì hai Quân khu 6 và Quân khu 8 đã từng tồn tại trong hệ thống Quân khu của nước ta, và cả hai Quân khu đều được thành lập vào năm 1961.
Theo đó, Quân khu 6 trước kia nằm ở Nam Trung Bộ, bao gồm các tỉnh là: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Đắc Lắc và Quảng Đức.
Còn Quân khu 8 bao gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Bến Tre.
Tuy nhiên, sau khi biên chế lại, hai Quân khu trên đã được sáp nhập vào các Quân khu khác nên số lượng Quân khu chỉ còn lại là 7 mà thôi.
Cụ thể, từ tháng 5/1976 thì Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định sáp nhập Quân khu 6 vào Quân khu 5 nên hiện nay sẽ không còn Quân khu 6 nữa.
Đối với Quân khu 8 thì sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước thì Quân khu 8 và Quân khu 9 đã được sáp nhập lại thành Quân khu 9.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi tại sao ở Việt Nam không có Quân khu 6 và Quân khu 8 đã được làm sáng tỏ, đó là hai Quân khu này thực tế là có tồn tại nhưng sau các cuộc cải cách biên chế, hai Quân khu này đã được sáp nhập nên hiện nay Việt Nam không còn hai Quân khu này nữa.
(3) Quân khu và quân đoàn có phải là một?
Quân đoàn cũng là đơn vị có quy mô lớn thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm các quân chủng, binh chủng hợp thành. Vậy quân khu và quân đoàn có phải là một?
Quân đoàn là đơn vị cơ động lớn nhất của Lục quân, có nhiệm vụ bảo vệ các địa bàn chiến lược trọng yếu của quốc gia. Quân đoàn có các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và các đơn vị trực thuộc.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của hai đơn vị này là khác nhau. Quân khu là tổ chức quân sự có nhiệm vụ trấn giữ một địa bàn trên lãnh thổ còn Quân đoàn cơ bản là một đơn vị chiến đấu ở cấp chiến lược trong quân đội do Bộ Quốc phòng trực tiếp điều động.
Như vậy có thể khẳng định, quân khu và quân đoàn là hai đơn vị độc lập, khác nhau hoàn toàn và Quân khu là đơn vị có cấp bậc cao hơn Quân đoàn.