“Bần cùng sinh đạo tặc” có lẽ đây là lời lý giải chính xác nhất cho những hành vi côn đồ, thiếu văn hóa và trái luật của các ngân hàng trong thời gian qua.
Năm 2008 dưới tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước nhà cũng trên “bước tiến” khủng hoảng và tiếp diễn đến mãi bây giờ. Thời điểm phát sinh suy thoái các ngân hàng trong nước vẫn hoạt động bình thường, lợi nhuận lớn, và dường như là pháo đài bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, đến năm 2012 Chính phủ không còn đủ sức để bao bọc đứa con cưng của mình nữa, và chính thức từ đây các ngân hàng bị đẩy vào sân chơi chung của sự suy thoái.
Từ vị thế siêu lợi nhuận giờ thì đầy nợ xấu, đa phần món nợ đó bị chiềm trong bất động sản; mà tình hình bất động sản hiện hành là quả bong bóng căng to đang xì hơi. Vì thế nợ xấu giờ trở nên cực xấu. Với mục đích bảo toàn lợi ích của mình các Ngân hàng thay vì đòi nợ một cách đúng pháp luật thì đã hành xử côn đồ, trái pháp luật.
1. Siết nợ kiểu luật “rừng”
Năm 2012, một ngân hàng thương mại thuê vệ sĩ bao vây con đường ngang qua nhà máy cồn ethanol của Công ty Cổ phần Đồng Xanh (Quảng Nam). và hút số cồn còn lại trong nhà máy của Công ty Đồng Xanh để bán xử lý nợ quá hạn của công ty này. Khi bị dân ngăn cản không cho phá cửa vào nhà máy, nhóm vệ sĩ đã xô xát với người dân gây náo loạn.
2. Tranh giành con nợ
*Đầu tháng 5/2013, các ngân hàng như: SeABank, MB, Techcombank, Ocean Bank, LienVietPost Bank... chặn xe, mắc võng bao vây trước hai cổng của Công ty Cổ phần XNK Châu Âu và Công ty Sản xuất - Thương mại Âu Mỹ nằm tại khu công nghiệp Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) để ngăn chặn không cho hàng xuất ra khỏi công ty. Nguyên nhân là do công ty Âu Mỹ đã vay lượng vốn không hề nhỏ của nhiều ngân hàng, nhưng hiện đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và có nguy cơ phá sản.
*Ngày 9/5/2013, Mười lăm người tự xưng là đại diện cho MB và VIB đã tự ý vào kho hàng của Công ty Cổ phần SX&TM Inox Thành Trung tại Hà Nội và lấy đi 40 cuộn inox vốn là hàng hóa bảo đảm thế chấp vay vốn của công ty Thành Trung tại SeABank và do Công ty Bảo vệ Đông Nam Á trông giữ, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng bảo vệ.
3. Luật “rừng” xử lại ngân hàng
Quả là “gieo gió ắt gặp bão”, khi ngân hàng dùng luật “rừng” để đòi nợ thì chủ nợ của họ cũng dùng cách này để đối xử với họ.
Tháng 8/2012, một số chi nhánh HDBank Hà Nội đã bị một nhóm người xưng danh là khách hàng mang băng rôn, biểu ngữ bao vây trước cửa. Với lý do là HDBank nợ tiền công ty, từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trước đó.
Mối quan hệ giữa Ngân hàng và Doanh nghiệp là mối quan hệ vô cùng quan trọng – sợi dây liên kết để cùng nhau phát triển kinh tế cũng như chia sẻ khó khăn. Có thời kỳ doanh nghiệp ăn nên làm ra thì trả lãi đúng hạn cho ngân hàng, ngân hàng lời và sẵn sàng cho doanh nghiệp huy động tiếp, đôi khi không cần tài sản thế chấp. Khi kinh tế khủng hoảng có doanh nghiệp nào muốn nợ ngân hàng đâu, chỉ vì họ không có tiền để trả; đáng lẽ ra ngân hàng phải chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, để doanh nghiệp an tâm làm ăn thì ngân hàng mới lớn mạnh vậy mà ngân hàng lại là kẻ sống theo tiêu chí “có phúc cùng hưởng, có họa tự chịu”.
Xét về lý lẫn về tình thì cách hành xử của các ngân hàng là côn đồ, thiếu văn hóa, coi thường pháp luật và không thể chấp nhận được.
Bài viết có tham khảo: http://www.tienphong.vn