Cô gái bán trà sữa pha cần sa - Minh họa
Vừa qua, trên MXH lan truyền nhanh chóng video ghi lại quá trình xử lý một cô gái vì hành vi buôn bán loại trà sữa có pha cần sa. Nhiều người thắc mắc tại sao cần sa được xem là ma túy (theo pháp luật Việt Nam) nhưng cô này chỉ bị các anh công an lập biên bản rồi thả đi mà không bị khởi tố vì bất kỳ tội gì? Xin giải đáp cụ thể thắc mắc trên!
Trước hết, việc bắt giam để điều tra, khởi tố cần phải dựa vào yếu tố “hành vi có dấu hiệu cấu thành tội gì hay không?
Để xác định yếu tố này, các đồng chí cảnh sát cần thu thập chứng cứ ngay tại nơi xảy ra vụ việc. Trong quá trình kiểm tra, họ nhận thấy có 15 chai trà sữa bên trong chứa chất được xác định là cần sa. Tiếp đó, chúng ta cần xem lại quy định của Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) để biết những tội nào có liên quan đến việc mua, bán, tàng trữ loại chất ma túy này.
>>> Vì sao trồng cần sa lại bị bắt vì tội tàng trữ ma túy? Cần sa có phải chất ma túy?
Điều 249 của Bộ luật quy định về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, đối với tội này thì người phạm tội phải tàng trữ từ 1 gam nhựa cần sa hoặc 10kg các bộ phận của cây cần sa trở lên mới có thể bị truy tố, tuy nhiên cô này cũng không giữ nhựa cần sa hoặc các bộ phận tương tự => Không phạm tội.
Điều 250 của Bộ luật quy định về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Tương tự như tội “Tàng trữ”, cô này phải vận chuyển từ 1 gam nhựa cần sa hoặc 10kg các bộ phận của cây cần sa trở lên mới có thể bị truy tố => Không phạm tội.
Điều 251 của Bộ luật quy định về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Người phạm tội phải được xác định là có hành vi "mua" hoặc "bán" chất ma túy (không cần biết khối lượng bao nhiêu) tuy nhiên trong trường hợp này các đồng chí cảnh sát không bắt quả tang được hành vi mua bán. => Cô này không phạm tội.
Theo Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự, 3 căn cứ để tạm giữ một người trong trường hợp khẩn cấp là:
“a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.”
Với những tang vật có được, có thể nói rằng hành vi của cô gái chưa đủ yếu tố cấu thành những tội liên quan đến ma túy để có thể truy tố, chính vì vậy các đồng chí đang làm nhiệm vụ có toàn quyền quyết định có cần thiết phải tạm giam cô này để điều tra thêm hay không.
Nếu hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, vẫn có quy định xử phạt hành chính với hành vi tàng trữ chất có liên quan đến ma túy tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;”
Sau khi lập biên bản xử lý, cô này sẽ được thả và ghi nhận lỗi vi phạm. Nếu vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm tương tự và lại bị xử lý hành chính, lúc này cho dù lượng ma túy tàng trữ chưa đáp ứng đủ những con số đã nêu trong bài, tuy nhiên tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về tội này” sẽ là căn cử để cấu thành tội phạm!
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 22/04/2021 10:04:32 SA