Tình huống phát sinh là tài sản cố định của Nhà nước, được giao cho doanh nghiệp quản lý và không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì doanh nghiệp có phải trích khấu hao hay không? Nếu có thì tiến hành trích như thế nào?
Phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao
Liên quan nội dung này, tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có nêu rằng tài sản cố định hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều phải tính hao mòn, trừ các trường hợp quy định còn lại tại Điều này. Đối với doanh nghiệp thì không phải tính hao mòn, khấu hao đối với các trường hợp tại Khoản 3 như sau:
- Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản quy định tại Điều 100 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
- Tài sản cố định đặc thù quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
- Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được (bao gồm cả tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết).
- Các tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.
Theo đó, trong trường hợp thông thường, đối với tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì phải tính hao mòn mà không phải trích khấu hao.
Nguyên tắc tính hao mòn, trích khấu hao tài sản cố định
Liên quan nội dung này, nguyên tắc tính hao mòn tài sản cố định được hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 23/2023/TT-BTC như sau:
- Việc tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán.
- Tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư này thực hiện tính hao mòn và trích khấu hao tài sản cố định theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
- Đối với tài sản cố định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong năm thì việc tính hao mòn trong năm đó được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản.
Còn đối với trích khấu hao tài sản cố định thì thực hiện nguyên tắc theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 23/2023/TT-BTC như sau:
- Nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định đối với tài sản cố định quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư này thực hiện theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.
- Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư này thì việc trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện từ ngày tài sản cố định được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và dừng trích khấu hao tài sản cố định từ sau ngày kết thúc việc sử dụng tài sản cố định vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định phải được phân bổ cho từng hoạt động sự nghiệp, từng hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để hạch toán chi phí của từng hoạt động tương ứng.
Dựa theo các hướng dẫn nêu trên, có thể thấy rằng tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phải tính hao mòn mỗi năm 01 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán. Và thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định hữu hình thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 23/2023/TT-BTC, trừ một số trường hợp đặc thù.