Tình huống phát sinh là Vợ A (người Việt Nam) và chồng B (người nước ngoài) mua đất trong thời kỳ hôn nhân thì đây là tài sản riêng hay tài sản chung. Vì quy định liên quan đên đất đai quy định người sử dụng đất không bao gồm người nước ngoài. Tuy nhiên tài sản này lại hình thành từ tiền chung của 2 vợ chồng.
"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
...
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng."
Theo đó, quyền sử dụng đất nếu không phải có từ thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng thì khi hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều được xem là tài sản chung, không phân biệt là người chồng có phải là người mang quốc tịch Việt Nam hay không.
Đối vấn đề đứng tên trên Giấy chứng nhận, tại Điều 34 của Luật trên cũng cõ nêu:
"Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung
1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này."
Từ quy định trên cũng như để phù hợp với quy định của Luật Đất đai thì người vợ sẽ đứng tên 1 mình trên Giấy chứng nhận mà không ghi thông tin người chồng. Việc người vợ đứng tên một mình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đồng nghĩa với việc xác định đó là tài sản riêng của người vợ. Khi giao dịch, chuyển nhượng sau này thì vẫn cần có sự đồng ý của người chồng và người chồng vẫn được hưởng phần lợi tức phát sinh từ giao dịch này.