Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như thế nào? Người vi phạm sẽ phải chịu những loại trách nhiệm gì khi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm? Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc giải đáp những thắc mắc trên.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm là gì?
Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm là gì. Tuy nhiên tại Điều 20 Hiến pháp 2013 có quy định:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Như vậy, danh dự nhân phẩm của con người là đối tượng được Pháp luật bảo vệ, nếu xâm phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mức xử phạt khi vi phạm hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm
- Tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Tại điểm b Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.
- Tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình:
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
+ Đồng thời, có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu và buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh.
Có thể thấy Pháp luật quy định mức xử phạt của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cao nhất là 20 triệu và buộc khắc phục hậu quả, thấp nhất là 2 triệu.
Khi nào hành vi phạm tội được xem là tái phạm?
Theo Khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020:
Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó
Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Như vậy sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính và đã chấp hành xong quyết định xử phạt, tùy theo quyết định xử phạt trong thời hạn 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong hoặc hết thời hiệu thi hành mà không tái phạm thì người đó sẽ được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mức xử phạt khi tái phạm
- Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm là một trong những tình tiết tăng nặng.
Tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, một người vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Như vậy, nếu Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng thì vi phạm hành chính nhiều lần bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
- Trường hợp tái phạm và trường hợp nghị định quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tiết tăng nặng thì xử lý như sau:
+ Khoản 4 Điều 23 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính:
Là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
+ Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
Thứ hai, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
Có bị truy cứu TNHS nếu tiếp tục tái phạm sau khi đã bị XPHC không ?
Theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự 2013 quy định:
Tại Khoản 1, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Tại Khoản 2, sẽ bị phạt tù từ 02 tháng đến 03 năm nếu thuộc trường hợp phạm tội từ 02 lần trở lên.
Như vậy, người đã bị xử phạt hành chính với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nếu tiếp tục vi phạm thì chưa chắc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ khi trong trường hợp họ xúc phạm nghiêm trọng và đã bị xử lý theo Khoản 1 nêu trên và phạm tội lần 2 thì sẽ tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù.