Người dân Việt Nam dường như bị ăn sâu bởi nền văn hóa làng, xã; triết lý sống vì cái tình, đoàn kết, bắt chước nhau được đề cao hơn pháp luật. Bởi vậy, cha ông ta có câu “phép vua thua lệ làng”. Sau này chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn cán bộ “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào văn hóa làng, xã cũng trở nên tốt đẹp mà cần phải có sự chọn lọc; và trên tiến trình xây dưng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì quá trình chọn lọc đó là vô cùng cấp thiết. Điều này có nghĩa người dân thượng tôn pháp luật nhưng pháp luật cũng mang đặc trưng của văn hóa.
Quay lại tình hình tai nạn giao thông của nước nhà, rõ ràng một phần lỗi rất lớn do Công an giao thông. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” vậy mà các bác Công an tạo bệnh để chữa bệnh, và trong quá trình tạo bệnh các bác đã làm tăng số vụ tại nạn giao thông, tăng số người bị thương, tăng số người chết. Vậy trách nhiệm của ngành công an ở đây là gì?
Với đặc tính của người Việt “không nhớ luật khi không thấy quan”, bởi vậy họ tham gia giao thông dường như “quên” luật. Chỉ khi thấy những chiếc áo vàng đứng trước thì mới nhớ luật. Những chiến sĩ công an là người biết rõ điều này hơn ai hết, đáng lẽ ra các bác phân chia nhau “đứng đường” để dân thấy mà đi đúng luật, để tai nạn giảm bớt. Nhưng các bác lại không làm thế, mà tập trung “một mớ” rồi núp trong chỗ khuất, ngồi đợi con mồi sa lưới thì xử phạt.
Tính ra cái cách đó của các bác cũng có nhiều cái lợi đấy chứ: nguồn thu ngân sách gia tăng, thành tích xử phạt được nâng cao, thù lao hoa hồng cũng nhiều hơn, răn đe sự vi phạm pháp luật của người dân… còn việc dân bị phạt, tai nạn thì tự dân thôi. Ôi trời! Đạo đức còn đâu?
Thay vì việc đứng thành “đám to tướng” thì các bác phân các chiến sĩ “đứng đường” thưa ra, chỗ nào tai nạn nhiều thì đứng, đứng ra cho người tham gia giao thông thấy để tuân thủ pháp luật. Vậy có hay hơn không?
Dân không bị phạt, ngân sách không có thu nhưng tính mạng người dân được an toàn thì đất nước sẽ phồn vinh.
Kết luận: Hình ảnh người chiến sĩ công an giao thông giúp dân, phân luồng giao thông, giảm kẹt xe, lội nước dắt xe cho dân… thật là thân thương và đáng kính biết bao. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn giao thông hiện nay gia tăng lỗi cũng do một bộ phận điều hành thiếu tính toán và trách nhiệm, ngành công an nên nhận lỗi và sửa sai.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 30/05/2013 05:02:24 CH