Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tài khoản giao thông, từ khái niệm cơ bản đến các quy định liên quan đến việc mở, sử dụng, khóa và đóng tài khoản giao thông mới nhất theo Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
(1) Tài khoản giao thông là gì?
Theo quy định tại Điều 43 Luật Đường bộ 2024, tài khoản giao thông được hiểu là một loại tài khoản được mở ra dành riêng cho chủ sở hữu phương tiện giao thông đường bộ.
Tài khoản này có chức năng kết nối với các phương tiện thanh toán hợp pháp, cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
Tài khoản giao thông là một phần quan trọng trong việc quản lý và tối ưu hóa các hoạt động giao thông. Nó được sử dụng để thanh toán các loại phí, giá trị dịch vụ, và các khoản chi phí liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện. Các giao dịch này được gọi là thanh toán điện tử giao thông đường bộ, giúp giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt và nâng cao tính hiệu quả trong việc thu phí.
Luật Đường bộ 2024 cũng đã quy định rõ ràng rằng, khi thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên các tuyến đường cao tốc, chủ phương tiện phải thực hiện theo hình thức điện tử không dừng. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người lái xe mà còn góp phần vào việc quản lý giao thông một cách thông minh hơn, giảm ùn tắc và tiết kiệm thời gian cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông.
Đây có thể được xem là sự chuyển mình quan trọng trong công tác quản lý giao thông, hướng tới một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn trong tương lai.
(2) Quy định về mở, sử dụng, khóa, đóng tài khoản giao thông
Ngày 30/9/2024, Chính phủ đã thông qua Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trong đó có quy định chi tiết về việc mở, sử dụng, khóa và đóng tài khoản giao thông.
>>> Xem toàn văn Nghị định 119/2024/NĐ-CP tại đây
1- Mở tài khoản giao thông
Đối tượng được mở tài khoản giao thông là chủ phương tiện là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi chủ phương tiện gắn thẻ đầu cuối lần đầu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ sẽ mở tài khoản giao thông và cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử.
Lưu ý, mỗi tài khoản giao thông có thể chi trả cho nhiều phương tiện thuộc sở hữu của chủ phương tiện, nhưng mỗi phương tiện chỉ nhận chi trả từ một tài khoản. Tại thời điểm thanh toán, tài khoản giao thông chỉ được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ phương tiện có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và chịu trách nhiệm về tính trung thực khi mở tài khoản giao thông. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ kiểm tra và xác minh thông tin mà chủ phương tiện cung cấp, đồng thời công khai các điều khoản liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản giao thông cho chủ phương tiện.
Cuối cùng, nếu chủ phương tiện có bất kỳ thay đổi thông tin nào trong hồ sơ mở tài khoản giao thông thì phải thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ trong vòng 10 ngày kể từ ngày thay đổi và chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng quy định.
(căn cứ Điều 11 Nghị định 119/2024/NĐ-CP)
2- Sử dụng tài khoản
Trong quá trình sử dụng tài khoản giao thông, chủ phương tiện cần lưu ý những điều sau đây:
- Bảo đảm phải có đủ tiền trong phương tiện thanh toán kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử.
- Nếu tài khoản giao thông không đủ số tiền thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc, chủ phương tiện không được điều khiển xe đi qua trạm thu phí đường cao tốc.
- Nếu tài khoản giao thông không đủ số tiền thanh toán tiền sử dụng đường bộ, chủ phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ.
- Nếu tài khoản giao thông không đủ số tiền thanh toán tiền sử dụng đường bộ và không thuộc 02 trường hợp đi vào cao tốc và trạm thu phí nêu trên, chủ phương tiện có thể thực hiện các hình thức thanh toán khác tại điểm thu.
- Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán sử dụng tài khoản giao thông do mình quản lý để thực hiện thanh toán cho các dịch vụ mà họ cung cấp.
- Khi có yêu cầu từ chủ tài khoản, nhà cung cấp dịch vụ có thể sử dụng thông tin tài khoản giao thông để thực hiện thanh toán thông qua hệ thống quản lý dữ liệu.
- Nếu nhà cung cấp dịch vụ không duy trì được thanh toán điện tử, Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định việc sử dụng tài khoản giao thông để đảm bảo hoạt động thanh toán không bị gián đoạn, trên cơ sở có sự đồng ý của chủ tài khoản.
(căn cứ Điều 12 Nghị định 119/2024/NĐ-CP)
3- Khóa tài khoản
Việc khóa tài khoản giao thông được thực hiện dựa trên yêu cầu của chủ tài khoản hoặc cơ quan có thẩm quyền:
Khóa tài khoản theo yêu cầu của chủ tài khoản:
- Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ khóa tài khoản khi có yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ.
- Yêu cầu khóa tài khoản có thể bị từ chối nếu chủ tài khoản chưa thanh toán xong khoản nợ cho nhà cung cấp dịch vụ.
- Thời gian khóa tài khoản giao thông thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản giao thông với Nhà cung cấp dịch vụ.
Khóa tài khoản theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền:
- Nhà cung cấp dịch vụ phải khóa tài khoản theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
- Sau khi khóa tài khoản, nhà cung cấp phải thông báo cho chủ tài khoản hoặc người đại diện về lý do khóa.
- Thời gian khóa tài khoản giao thông thực hiện theo yêu cầu trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
(căn cứ Điều 13 Nghị định 119/2024/NĐ-CP)
4- Đóng tài khoản
Nhà cung cấp dịch vụ thực hiện đóng tài khoản trong các trường hợp sau:
- Khi có yêu cầu đóng tài khoản từ chủ tài khoản hoặc người giám hộ, người đại diện; với điều kiện chủ tài khoản đã hoàn thành nghĩa vụ liên quan.
- Chủ tài khoản cá nhân chết, tuyên bố đã chết, hoặc mất tích; tổ chức bị chấm dứt hoạt động, phá sản, hoặc giải thể theo quy định.
- Đóng tài khoản theo thỏa thuận giữa nhà cung cấp dịch vụ và chủ tài khoản.
- Khi chủ tài khoản thực hiện hành vi vi phạm quy định hoặc thỏa thuận liên quan đến tài khoản.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Sau khi tài khoản đã được đóng, chủ tài khoản muốn sử dụng lại tài khoản giao thông phải làm thủ tục mở tài khoản theo quy định tại Điều 11 Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
Trên đây là những quy định mới nhất về tài khoản giao thông trong thanh toán điện tử tiền sử dụng đường bộ tại Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
Nghị định 119/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.