Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hai trong số những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với cam kết sâu rộng và cụ thể không chỉ về tự do hóa thương mại, mà còn dành cả sự chú ý đến vấn đề thương mại công bằng và phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Điều 13.17.2 EVFTA quy định các bên sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn gen với mục đích đúng đắn và sẽ không áp dụng các hạn chế đi ngược lại với mục tiêu của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Các bên sẽ khuyến khích việc sử dụng bền vững và bảo tồn Đa dạng sinh học, trong đó có việc tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng chúng; thông qua và thực thi các biện pháp hiệu quả, phù hợp cam kết của các hiệp ước quốc tế mà các bên tham gia, hướng tới giảm thiểu việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã.
Hiệp định yêu cầu bảo vệ đa dạng sinh học ở mức độ cao. Theo đó, mỗi bên phải thúc đẩy, khuyến khích việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Bảo tồn đa dạng sinh học Hiệp định yêu cầu bảo vệ đa dạng sinh học ở mức độ cao. Các bên sẽ khuyến khích việc sử dụng bền vững và bảo tồn Đa dạng sinh học, trong đó có việc tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng chúng. Giảm thiểu việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã.
Điều 13.6. EVFTA liên quan đến cam kết theo Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992 (CBD) tập trung vào Điều 15 của Công ước CBD, chủ quyền tài nguyên của các quốc gia và quyền quyết định việc được phép tiếp cận nguồn gen là của Chính phủ mỗi Bên và tùy thuộc vào pháp luật trong nước; Kế hoạch chiến lược về Đa dạng sinh học 2011-2020 và Mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi; Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (CITES) và các văn kiện quốc tế liên quan khác.
Năm 2022 là năm đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực. Để ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu bảo tồn cấp quốc gia và đóng góp thực hiện thành công các mục tiêu toàn cầu đã được thông qua tại Khung Toàn cầu về đa dạng sinh học sau 2020. Chiến lược nhấn mạnh chú trọng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực của các tổ chức, nhân lực làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, hệ thống chính sách, pháp luật sẽ được rà soát đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác bảo tồn ở vùng sâu, vùng xa tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, Chính phủ đang trong quá trình thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lần đầu tiên công tác bảo tồn ĐDSH được tiếp cận dưới góc độ quy hoạch quốc gia, mang tính toàn diện, bao trùm. Quy hoạch nhằm mục gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
đất nước.
(Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin quan trọng về tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến Bảo vệ đa dạng sinh học – một vấn đề mà có lẽ ít người quan tâm hiện nay, nhưng sẽ có ý nghĩa to lớn đến vấn đề thương mại tự do trong tương lai khi mà các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang ngày càng phổ biến và đóng vai trò cực kỳ quan trọng).