Tác động của Hiệp định CPTPP đến nội dung thương mại dịch vụ xuyên biên giới?

Chủ đề   RSS   
  • #611013 26/04/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Tác động của Hiệp định CPTPP đến nội dung thương mại dịch vụ xuyên biên giới?

    Chương Thương mại dịch vụ (TMDV) đặt ra các quy tắc cho hoạt động thương mại dịch vụ giữa các nước thành viên, bao gồm các nghĩa vụ yêu cầu các nước phải đối xử công bằng giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Đồng thời, các nước thành viên cũng xác định những ngành dịch vụ mà mỗi nước có thể dành ưu đãi cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước hơn các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hay là xác định những ngành dịch vụ mà mỗi nước muốn duy trì sự linh hoạt cần thiết để thực thi các chính sách của mình, ví dụ như chính sách xã hội, y tế, giáo dục v.v.. Ngoài ra, chương TMDV cũng yêu cầu các quy trình và thủ tục cấp phép phải minh bạch, công bằng và dễ hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp.

    Các loại dịch vụ xuyên biên giới điều chỉnh bởi CPTPP:

    (1) Cung cấp qua biên giới: Từ lãnh thổ của một Bên đến lãnh thổ của một Bên khác (Dịch chuyển dịch vụ)

    Ví dụ: Dịch vụ quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube,…

    (2) Cung cấp trong lãnh thổ của một Bên cho cá nhân thuộc Bên khác (dịch chuyển người mua)

    Ví dụ: Bênh viện quốc tế Singapore tiếp nhận và chữa trị cho bệnh nhân người Việt Nam tại Singapore.

    Hoặc Công ty lữ hành của Việt Nam tiếp nhận đoàn khách dụ lịch Nhật Bản đến thăm quan, du lịch tại Việt Nam.

    (3) Cung cấp do công dân của Bên này đang hoạt động trên lãnh thổ của Bên khác (dịch chuyển người bán). Ngoại trừ trường hợp cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của một Bên thông qua dự án đầu tư được bảo đảm.

    Ví dụ: Dịch vụ tư vấn pháp lý của luật sư Việt Nam, chuyên gia tài chính của Việt Nam được mời sang Singapore tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp tại Singapore.

    Một số cam kết liên quan đến lĩnh vực này có thể kể đến:

    - Không áp dụng hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ, tổng trị giá các giao dịch về dịch vụ hoặc tài sản dưới hình thức hạn ngạch, tổng số các hoạt động dịch vụ hoặc tổng số lượng dịch vụ đầu ra tính theo số lượng đơn vị dưới hình thức hạn ngạch hoặc yêu cầu về nhu cầu kinh tế, tổng số thể nhân có thể được tuyển dụng trong một lĩnh vực dịch vụ cụ thể hoặc một nhà cung cấp dịch vụ được phép tuyển dụng cần thiết hoặc trực tiếp liên quan tới việc cung cấp một dịch vụ cụ thể dưới hình thức hạn ngạch hoặc yêu cầu về nhu cầu kinh tế.

    - Không áp dụng hạn chế hoặc yêu cầu các hình thức pháp nhân cụ thể hoặc liên doanh thông qua đó người cung cấp dịch vụ có thể cung cấp dịch vụ.

    - Không yêu cầu hiện diện tại nước sở tại của nhà cung cấp dịch vụ của một Bên khác phải thiết lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hay bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào, hoặc phải sinh sống, trên lãnh thổ Bên đó như một điều kiện để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

    - Công nhận trình độ, giáo dục, hoặc kinh nghiệm có được, các yêu cầu được đáp ứng, hoặc giấy phép hay các chứng nhận được một Bên hoặc nước không phải thành viên Hiệp định cấp.

    Chương TMDV có 2 Phụ lục riêng về dịch vụ chuyên môn và dịch vụ chuyển phát nhanh.

    Phụ lục về dịch vụ chuyên môn đề cập tới dịch vụ tư vấn pháp lý và dịch vụ kiến trúc và tư vấn kỹ thuật. Đối với dịch vụ tư vấn pháp lý, các nước thành viên thừa nhận tầm quan trọng của việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý qua biên giới và cam kết nỗ lực thúc đẩy hoạt động này. Đối với dịch vụ kiến trúc và tư vấn kỹ thuật, các nước thành viên đồng ý tiếp tục các công việc đã và đang thực hiện trong khuôn khổ APEC để thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau, bao gồm khả năng thiết lập cơ chế đăng ký hoặc cấp phép trên cơ sở tạm thời hoặc trên cơ sở dự án cụ thể.

    Phụ lục về dịch vụ chuyển phát nhanh đặt ra các quy định nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân với các nhà cung cấp dịch vụ mà Nhà nước sở hữu hoặc các nhà cung cấp độc quyền của Nhà nước như xác định phạm vi độc quyền trên cơ sở các tiêu chí khách quan, tạo đủ cơ hội cho việc tham vấn và cung cấp thông tin về mức độ mở cửa, không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh của Bên khác phải cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập cơ bản như một điều kiện để được phép hoặc cấp phép hoạt động, v.v. Tuy nhiên, so với cam kết trong Hiệp định TPP trước đây, Hiệp định CPTPP cho phép các nước thành viên tạm ngưng áp dụng các nghĩa vụ về việc không được trợ cấp chéo. Theo đó, Chính phủ vẫn được phép cho nhà cung cấp dịch vụ thuộc diện độc quyền bưu chính được trợ cấp chéo cho chính dịch vụ chuyển phát nhanh của mình hoặc của bất kỳ nhà cung cấp cạnh tranh nào bằng nguồn tiền lấy từ dịch vụ bưu chính độc quyền. Chính phủ cũng không có nghĩa vụ phải bảo đảm rằng các nhà cung cấp dịch vụ thuộc diện độc quyền bưu chính không lạm dụng vị trí độc quyền để hoạt động không phù hợp với các cam kết của nước đó về đối xử quốc gia hay tiếp cận thị trường.

    Việc công nhận chuyên môn, xu hướng chuyển giao nguồn lao động trong các lĩnh vực Kỹ sư, kiến trúc sư, Luật sư. Do đó, Việt Nam cần sẵn sàng để đón nhận luồng dịch chuyển này, cũng như tự nâng cao tiêu chuẩn giáo dục, cũng như các tiêu chí để công nhận chuyên môn trong những lĩnh vực này.

    (Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin về sự tác động của CPTPP đến thương mại dịch vụ xuyên biên giới – một trong những nội dung quan trọng xuất hiện trong các FTA thế hệ mới).

     
    90 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận