Tình huống phát sinh là bà cụ sinh năm 1960 ở với con trai cùng con dâu và cháu, có hành vi mua bán hêroin. Thực tế bà này đã lớn tuổi, không đi xe máy được để lấy hàng chỉ có con hoặc người khác lấy về rồi đưa cho bà bán. Nếu điều tra các con không nhận và bà cũng không khai ai lấy cho, bà nhận của bà thì xử lý như thế nào? Và bà lớn tuổi quá nên để xử lý bà này có khác với người khác không? Có quy định áp dụng trường hợp người chưa đủ tuổi vị thành niên, thế người lớn tuổi thì xử lý như thế nào?
Liên quan vấn đề này thì hiện không có quy định nào xử lý cho người cao tuổi giống như người chưa thành niên. Khi người cao tuổi có hành vi cấu thành tội phạm hình sự thì vẫn bị truy tố như người bình thường. Nếu có khác biệt thì cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội từ đủ 70 tuổi trở lên theo Điểm o Khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự 2015.
Liên quan đến tình tiết sự việc thì tại Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 có nêu:
"Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội."
Theo đó, đối với những người khác (không phải bà cụ), muốn xác định có phạm tội hay không thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh rằng họ có liên quan, có tội. Còn nếu không có cơ sở nào chứng minh được thì phải suy đoán vô tội. Trong trường hợp đầu bài, cơ quan điều tra phải bằng nghiệp vụ của mình điều tra xem các con, cháu hay có người nào khác liên quan đến vụ án ma túy hay không? Khi không điều tra, chứng minh được thì không có căn cứ buộc tội.