Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến để sửa đổi Luật hôn nhân gia đình năm 2000, trong đó có hai nội dung lớn là khả năng công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới và mở rộng độ tuổi được phép kết hôn.
Theo khảo sát hồi tháng 6 của ICS (tổ chức về quyền lợi người đồng tính, song tính và chuyển giới lớn nhất Việt Nam) hỏi ý kiến 5.000 người đồng tính về vấn đề hôn nhân, có 71,1% muốn kết hôn với người đồng giới, 24,7% muốn chung sống có đăng ký, chỉ 4,2% chấp nhận chung sống không đăng ký. Còn trong một cuộc thăm dò ý kiến "bạn nghĩ gì về hôn nhân đồng tính?" trên báo chí vào cuối tháng 6 với hơn 3.000 độc giả tham gia, có gần 80% (gần 2.400 phiếu) cho rằng nên ủng hộ họ, gần 10% (295 phiếu) phản đối kịch liệt, hơn 10% còn lại không quan tâm hoặc có ý kiến khác.
Động thái này của Bộ Tư Pháp mở ra hy vọng mới cho những người đồng tính, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những luồng quan điểm rất khác nhau về vấn đề công nhận hay không công nhận.
Thế giới ngày nay đang ngầm công nhận một giới tính thứ 3, đây được xem như là một sản phẩm của tự nhiên. Và một khi đã công nhận thì nên để họ hưởng những quyền lợi công bằng như những người khác. Luật pháp sinh ra là để bảo vệ quyền lợi của con người, đồng tính cũng là con người, pháp luật cũng phải bảo vệ họ. Thừa nhận hôn nhân đồng tính tuân theo lẽ tự nhiên và tôn trọng tối đa quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.
Tham khảo thực tiễn pháp luật thế giới, rất nhiều quốc gia đã " gật đầu" với hôn nhân đồng tính từ cách đây hàng chục năm. Theo thống kê, hiện nay có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận hôn nhân đồng giới là hợp pháp. Bên cạnh đó có 44 quốc gia khác cũng chấp nhận hai người đồng giới đăng ký sống hợp pháp cùng nhau dưới những hình thức hôn nhân dân sự, quan hệ có đăng ký, quan hệ gia đình...có đủ quyền lợi như vợ chồng dị tính khác
Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên luật hóa quan hệ hôn nhân đồng tính.
Cập nhật bởi ngothilechieu ngày 06/07/2012 06:51:30 CH