Đánh giá sơ bộ về sự tác động của EVFTA đến Thương mại điện tử:
Các bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Các bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm:
- Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin;
- Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…);
- Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.
- Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.
Đánh giá sơ bộ về sự tác động của EVFTA đến Lao động:
Liên quan đến các quyền của người lao động, Việt Nam cần sớm thực hiện Công ước số 87 về quyền tự do liên kết (công đoàn) và Công ước số 98 về quyền được công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể của người lao động. Đây là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại/tái cấu trúc hệ thống công đoàn, đưa công đoàn thực sự trở thành tổ chức của người lao động, phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường hiện đại.
Cụ thể, tại Điều 13.4 về các tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương đối với lao động yêu cầu các bên tham gia Hiệp định phải tuân thủ các nghĩa vụ theo ILO và Tuyên bố ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc và những hành động tiếp theo, năm 1998. Cụ thể, người lao động có quyền tự do liên kết (theo Công ước số 87) và được công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể (theo Công ước số 98). Đây là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại hệ thống công đoàn, đưa công đoàn thực sự trở thành tổ chức của người lao động.
Theo đó, thể hiện trong 8 công ước cơ bản, bao gồm các nội dung về: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp… Những quy định này thực tế Việt Nam đã xây dựng các quy định tương ứng để điều chỉnh.
Đánh giá sơ bộ về nội dung về Đối xử quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa:
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020-2022 nhằm bổ sung các Biểu thuế xuất thẩu ưu dãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng trong cam kết EVFTA.
Đối với quy định về hàng hóa tân trang tại Điều 2.6 của Hiệp định, đối chiếu với Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Luật Thương mại năm 2005 cho thấy pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định về hàng tân trang. Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa cũng không có quy định về hàng hóa tân trang. Tương tự như vậy tại Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA cũng không có quy định về hàng tân trang. Hiện tại, Việt Nam mới có quy định về hàng tân trang tại Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTTP.
Do đó, Bộ Công thương cần bổ sung quy định về hàng tân trang vào Thông tư hướng dẫn, cụ thể là Thông tư 11/2020/TT-BCT để kịp thời đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định.
(Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc thông tin về những cam kết chính về sự tác động của EVFTA đến thương mại điện tử, lao động và mở cửa thị trường. Đây là một trong những nội dung mới, có ý nghĩa đặc biệt mà các FTA thế hệ mới đề cập đến).