Hiện nay tình trạng sử dụng điện lưới hoặc thuốc nổ để bắt cá trên sông, hồ, biển là rất nhiều, hằng năm không biết bao nhiêu người dân phải tử thương vì thuốc nổ, điện lưới để đánh bắt cá. Mặt khác hành vi này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng con người mà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên môi trường.
Theo một ngư dân đã giải nghệ hành nghề đánh cá bằng thuốc nổ kể lại, mỗi lần ra khơi, họ dùng dây cột bao thuốc nổ và kíp mìn kéo theo tàu. Nếu xuất hiện lực lượng tuần tra, chỉ cần dùng dao chém đứt dây là thoát. Đến ngư trường cần đánh cá, họ kéo những bao thuốc nổ lên, hì hục nhồi thuốc vào các vỏ lon. Những lon "bò húc", Coca cola, được dùng làm "bom con", loại lon đựng dầu nhớt, sữa bột cho trẻ em chứa khoảng 4kg thuốc nổ gọi là "bom trung". Còn thùng sơn chứa khoảng trên chục kilôgam thuốc là "bom mẹ". Họ chỉ sử dụng "bom mẹ" khi trúng đàn cá cực lớn. Nếu không gặp được đàn cá lớn thì tiếp tục san thuốc nổ ra làm "bom con" và "bom trung" để "bùm" là đủ.
Những lon thuốc này được cắm sẵn kíp nổ. Dây cháy chậm sẽ được dùng trong lúc quan sát đàn cá. Tùy mực nước sâu cạn mà dùng dây cháy ngắn hay dài. Nhưng chiếm đa số các vụ tử nạn trên biển đều là do chủ quan hoặc trục trặc dây cháy chậm.
Quy định pháp luật về xử lý hành vi này thế nào?
Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.
- Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.
Theo Điều 305 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, mặc dù pháp luật xử phạt rất nặng đối với hành vi sử dụng lưới điện, vật liệu nổ để khai thác thủy sản, tuy nhiên có thể thấy là các ngư dân đã có cách đối phó với lực lượng chức năng nên việc phát hiện xử lý là rất khó khắn, thiết nghĩ nên có những biện pháp kịp thời nào đó để ngăn chặn những hành vi này tiếp diễn. Để đảm bảo an toàn tính mạng con người cũng như bảo đảm nguồn tài nguyên thủy sản không bị cạn kiệt bỏi những hành vi này.