Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Căn 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”
Theo quy định của pháp luật, sự kiện bất khả kháng là sự kiện được sử dụng để miễn trách nhiệm dân sự cho người vi phạm hợp đồng hoặc có hành vi gây thiệt hại cho người khác.
Sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện khách quan, ngoài ý chí của người có hành vi vi phạm, tác động vào hành vi của người vi phạm. Việc không thể khắc phục được sự kiện này không thể tránh khỏi không chỉ riêng đối với người vi phạm mà còn đối với bất cứ một người nào khác cũng nằm trong điều kiện và hoàn cảnh đó.
Bên cạnh Bộ luật dân sự năm 2015, định nghĩa sự kiện bất khả kháng cũng được quy định rải rác tại các văn bản pháp luật khác nhau. Một số văn bản pháp luật đưa ra ví dụ các trường hợp cụ thể được coi là bất khả kháng, bao gồm các sự kiện tự nhiên như thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ, lũ lụt, sóng thần, bệnh dịch hay động đất hoặc các sự kiện do con người tạo nên như bạo động, nổi loạn, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa và bất kỳ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng nào. Các quy định này về cơ bản phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015.
Các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015, một sự kiện sẽ được coi là bất khả kháng nếu:
- Xảy ra một cách khách quan,
- Không thể lường trước được
- Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.