Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với những thắng lợi vẻ vang của cách mạng, của dân tộc và những bước phát triển của đất nước, đội ngũ luật sư Việt Nam đã vượt qua khó khăn thử thách để ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của nghề luật sư trong xã hội.
Sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam (12/5/2009) đã đánh dấu một bước phát triển mới, vững mạnh của đội ngũ luật sư Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của giới luật sư cả nước, tạo bước ngoặt quan trọng trong việc đổi mới về tổ chức, hoạt động luật sư, khẳng định vị trí, vai trò của luật sư trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.
I. Quá trình hình thành và phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động luật sư đã có từ trước Cách mạng tháng 8/1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 về tổ chức đoàn thể luật sư. Sắc lệnh này đã quy định việc duy trì tổ chức luật sư trong đó đã có sự vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật của chế độ cũ về luật sư nhưng không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hoà. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 (Điều 67) đã khẳng định quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư bào chữa là quyền quan trọng của bị cáo, một trong những quyền cơ bản của công dân.
Mặc dù trong điều kiện mới lập nước, Việt Nam vừa trải qua cuộc kháng chiến vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng sự coi trọng việc bảo đảm quyền bào chữa trước Toà án của bị cáo đã được ghi trong Hiến pháp và được cụ thể và mở rộng hơn chủ thể tham gia bào chữa được ghi nhận tại Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 quy định nguyên cáo, bị cáo có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình. Để cụ thể hóa Sắc lệnh này Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 01/NĐ - VY ngày 12-01-1950 quy định về bào chữa viên để phù hợp với điều kiện Việt Nam khi đó, thể hiện mục tiêu của nhà nước dân chủ cộng hòa là xây dựng một nền tư pháp công bằng, dân chủ của chế độ mới. Thực hiện quy định của pháp luật về bào chữa viên, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đội ngũ bào chữa viên đã được hình thành và ngày càng phát triển. Bên cạnh các luật sư đã tham gia kháng chiến, còn có nhiều luật sư, luật gia đã làm việc trong bộ máy chế độ cũ cũng hăng hái gia nhập đội ngũ bào chữa viên của chế độ mới.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ CNXH ở miền Bắc, Hiến pháp năm 1959 ra đời tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Sau khi thống nhất đất nước Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 ngoài việc khẳng định bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, còn quy định việc thành lập tổ chức luật sư để giúp cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện quy định của Hiến pháp, ngày 31/10/1983 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 691/QLTPK về công tác bào chữa, trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện làm bào chữa viên, quy định ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một Đoàn bào chữa viên để tập hợp các luật sư đã được công nhận trước đây và các bào chữa viên, đến cuối năm 1987 trên cả nước đã có 30 Đoàn bào chữa viên với gần 400 thành viên. Riêng Đoàn luật sư TP.Hà Nội thành lập năm 1984 và có 16 luật sư thành viên.
Năm 1986, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động tư pháp. Các đạo luật về tố tụng được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ trong tố tụng, tăng cường bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước Toà án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.
Trong bối cảnh đó, Pháp lệnh tổ chức luật sư đầu tiên được ban hành ngày 18/12/1987. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa lịch sử trong việc khôi phục nghề luật sư và mở đầu cho quá trình phát triển nghề luật sư ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Pháp lệnh tổ chức luật sư quy định tiêu chuẩn để được công nhận là luật sư, chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực giúp đỡ pháp lý của luật sư. Pháp lệnh cũng qui định về việc tổ chức các đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ sau gần 10 năm, ở hầu hết ở các tỉnh, thành phố đã thành lập được đoàn luật sư, với đội ngũ luật sư lên tới hàng nghìn người. Hoạt động nghề nghiệp luật sư cũng đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài việc tham gia tố tụng, các luật sư đã từng bước mở rộng hoạt động nghề nghiệp sang lĩnh vực tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra những chủ trương, biện pháp cải cách mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động của các hệ thống chính trị, trong đó có việc đổi mới tổ chức hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước. Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã được ban hành. Nội dung của Pháp lệnh thể hiện quan điểm cải cách mạnh mẽ tổ chức và hoạt động luật sư theo hướng chính quy hoá, chuyên nghiệp hoá đội ngũ luật sư, nghề luật sư, tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế của nghề luật sư ở Việt Nam. Với nội dung tiến bộ, phù hợp với yêu cầu khách quan, Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chỉ sau 5 năm thi hành Pháp lệnh, đội ngũ luật sư đã tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đã thành lập trên 1.000 tổ chức hành nghề là các văn phòng luật sư, các công ty luật hợp danh. Trong tham gia tố tụng, nhiều luật sư đã dần khẳng định trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp khi tham gia tranh tụng tại các phiên tòa. Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư cũng đã có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là tư vấn cho khách hàng trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại ngày càng nhiều và ngày càng nâng cao về chất lượng dịch vụ. Có thể nói Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã tạo một bộ mặt mới với triển vọng phát triển mạnh mẽ nghề luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế - quốc tế ở Việt Nam.
Việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã tạo ra vị thế và những cơ hội mới phát triển đất nước, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các thiết chế cùng với cơ chế vận hành theo lộ trình phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Trong các năm 2005, 2006, 2007, Việt Nam đã ban hành một số lượng lớn các đạo luật mới hoặc thay thế các đạo luật không còn phù hợp, trong đó có Luật Luật sư được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2007 thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001.
Luật Luật sư được ban hành đã góp phần nâng cao vị thế của luật sư, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ luật sư, nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm với nghề luật sư ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt Luật Luật sư đã quy định hoàn chỉnh hệ thống các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có thể nói, Luật Luật sư là mốc son đánh dấu một bước phát triển và hoàn thiện của Hệ thống pháp luật ở Việt Nam, và qua đó mở ra nhiều triển vọng, vị thế mới cho nghề luật sư ở Việt Nam.
II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT LUẬT SƯ VÀ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ Ở VIỆN NAM
1. Thực trạng pháp luật luật sư về tổ chức và hoạt động
Cùng với sự phát triển của đất nước sau hơn 20 năm đổi mới, đội ngũ luật sư Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong 9 năm (2001-2010), số lượng luật sư đã tăng 250% so với trước khi Pháp lệnh luật sư 2001 có hiệu lực. Để làm được điều này thực sự không dễ dàng khi nhận thức của xã hội về nghề luật sư chưa tương xứng với tốc độ phát triển. Đó thực sự là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của bản thân giới luật sư trong quá trình hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng vị trí trên cơ sở uy tín, đạo đức nghề nghiệp.
Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 được ban hành là cơ sở pháp lý hình thành và mở ra triển vọng phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian này, số lượng luật sư cả nước tăng chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Pháp lệnh luật sư 2001 và Luật Luật sư được ban hành, số lượng Luật sư tăng lên đáng kể cụ thể tính đến ngày 31.5.2005 có 1.883 Luật sư và 1.535 Luật sư tập sự, đến hết tháng 6 năm 2008 tăng lên gần 4.200 Luật sư và 2.000 người tập sự hành nghề Luật sư. Đến tháng 9 năm 2011, số luật sư ở Việt Nam đã tăng đến gần 8600 người được cấp chứng chỉ HNLS, trên 7500 luật sư được cấp thẻ thành viên Đoàn luật sư và có trên 3500 người tập sự hành nghề luật sư.
Cùng với sự phát triển và nâng lên về số lượng, chất lượng của đội ngũ luật sư Việt nam. Trước hết, về tiêu chuẩn luật sư, Pháp lệnh luật sư năm 2001, Luật Luật sư đã đặc biệt chú trọng nâng cao tiêu chuẩn chuyên môn, về phẩm chất đạo đức đối với Luật sư. Đồng thời, theo hướng “chuyên nghiệp hoá” đội ngũ luật sư, Pháp lệnh luật sư năm 2001, Luật Luật sư quy định cán bộ, công chức không được hành nghề luật sư.
Có thể nói, trong những năm gần đây, chất lượng của đội ngũ Luật sư đã được nâng lên đáng kể, về cơ bản đủ khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý tin cậy cho khách hàng. Trong số những người đã qua đào tạo nghề luật sư, có nhiều người đã tập sự hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam nên có hiểu biết về pháp luật quốc tế và thông thạo ngoại ngữ. Một số luật sư Việt Nam đã theo học các khoá đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài và được công nhận là luật sư của nước sở tại (Mỹ, Úc, Pháp).
2. Hoạt động hành nghề của luật sư
Thứ nhất, về phạm vi hành nghề. Có thể thấy rằng sau khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 và đặc biệt sau khi Luật Luật sư được ban hành, hoạt động hành nghề luật sư ở Việt Nam có những bước chuyển biến rõ rệt. Theo quy định của Pháp lệnh luật sư thì dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Luật Luật sư đã mở rộng hơn phạm vi hành nghề luật sư với việc quy định luật sư được đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng. Có thể nói trên cơ sở những quy định ngày càng thông thoáng hơn của pháp luật cộng với sự nỗ lực của các luật sư, dịch vụ pháp lý của luật sư ở Việt Nam tăng đáng kể về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng.
+ Tham gia tố tụng là lĩnh vực hành nghề chủ yếu của các luật sư Việt Nam hiện (70%) . Trong thời gian qua, các luật sư đã tham gia giải quyết hàng trăm nghìn vụ án. Vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng đã có những bước phát triển về chất. Xuất phát từ việc pháp luật tố tụng đang từng bước được hoàn thiện, các cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự. Ý kiến của luật sư tại phiên toà đã được cơ quan công tố quan tâm và coi trọng. Việc tham gia tố tụng của các luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
+ Tư vấn pháp luật là lĩnh vực hành nghề quan trọng của luật sư trong thời kỳ Việt Nam hội nhập quốc tế. Các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, thương mại. Trong lĩnh vực pháp luật dân sự thì tư vấn về đất đai, hôn nhân gia đình đang là mảng tư vấn phổ biến và sôi động nhất. Với điều kiện hội nhập quốc tế trên quy mô toàn cầu hoá, các luật sư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hoá có yếu tố nước ngoài...
+ Bên cạnh các hoạt động nói trên, các luật sư Việt Nam còn tham gia tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách. Việc tham gia vào hoạt động này không chỉ mang tính chất tự nguyện của luật sư đối với xã hội mà còn là trách nhiệm của đội ngũ luật sư góp phần bảo đảm sự công bằng cho các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Trong thời gian qua, các luật sư đã tham gia trợ giúp pháp lý cho hàng chục nghìn vụ việc, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người thuộc diện chính sách và các tổ chức , đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác.
Thứ hai, về hình thức hành nghề của luật sư. Theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001, luật sư chỉ được hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư (thành lập hoặc tham gia thành lập Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh hoặc làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư, kể cả tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam). Luật Luật sư đã mở rộng hình thức hành nghề của luật sư, theo đó luật sư không chỉ hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư như quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001, mà còn được phép hành nghề với tư cách cá nhân dưới hình thức tự mình nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, hoặc làm việc cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động.
Thứ ba, về hình thức tổ chức hành nghề luật sư. Theo quy định của Luật Luật sư thì tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:
+ Văn phòng luật sư là tổ chức hành nghề luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;
+ Công ty luật bao gồm Công ty luật hợp danh và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn. So với Pháp lệnh luật sư năm 2001, Luật Luật sư đã quy định thêm loại hình Công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Hơn nữa, để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư còn quy định Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có thể là Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Như vậy, hình thức tổ chức hành nghề luật sư cũng được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư lựa chọn mô hình hoạt động nhằm phát huy hết khả năng sử dụng các điều kiện để hành nghề một cách thuận lợi nhất.
3. Về tổ chức luật sư Việt Nam
Luật Luật sư hiện hành đã quy định hệ thống tổ chức luật sư từ trung ương đến các địa phương, đó là Tổ chức luật sư toàn quốc và Đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam đã tạo cho giới luật sư Việt Nam có mái nhà chung, là nơi tập hợp đoàn kết đội ngũ luật sư góp phần vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và giữ vững an ninh - ổn định chính trị. Liên đoàn luật sư Việt Nam là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư, đồng thời thực hiện công tác tự quản thống nhất của tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư trong phạm vi toàn quốc.
Sau hai năm thành lập, công tác tổ chức bộ máy nhân sự của Liên đoàn luật sư Việt Nam cơ bản đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định. Với 05 Ủy ban chuyên môn là Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư; Ủy ban giám sát, khen thưởng kỷ luật luật sư; Ủy ban đào tạo, bồi dưỡng xây dựng và phổ biến pháp luật; Ủy ban hợp tác quốc tế và Ủy ban phát triển kinh tế tài chính, các Ủy ban đã phát huy được vai trò trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ với các lĩnh vực được phân công, vừa xử lý trực tiếp các vấn đề có liên quan, vừa tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Liên đoàn trong công tác lãnh đạo chỉ đạo các lĩnh vực thuộc về trách nhiệm Ủy ban.
Bên cạnh các Ủy ban, Liên đoàn còn thành lập 02 Trung tâm là Trung tâm bồi dưỡng luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật đã đi vào hoạt động, góp phần thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp cho luật sư.
Cùng với việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy nhân sự, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã xây dựng hoàn thiện các Quy chế nội bộ bao gồm: Quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, các cơ quan giúp việc, các Ủy ban và đơn vị trực thuộc Liên đoàn. Bộ máy làm việc của Liên đoàn đã hoạt động rất hiệu quả và đi dần vào nề nếp nhờ có các quy chế làm việc được ban hành, tạo dựng một cơ chế làm việc đồng bộ trong toàn Liên đoàn.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp luật sư luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm xây dựng các giá trị chuẩn mực của luật sư, tạo lập niềm tin của nhân dân, của Đảng, Nhà nước với Liên đoàn luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư trong việc thực hiện các dịch vụ pháp lý với khách hàng và người dân, cũng như sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho luật sư luôn được Liên đoàn quan tâm thể hiện qua việc phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó đã phát huy tác động tích cực trong việc nắm bắt các diễn biến về tư tưởng, chính trị của luật sư và nâng cao ý thức trách nhiệm của luật sư trong việc thực hiện các dịch vụ pháp lý phục vụ nhân dân. Các hiện tượng vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong 02 năm vừa qua là có chiều hướng giảm hơn so với các năm trước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư đã được triển khai ngay từ khi Liên đoàn mới được thành lập cho đến nay Liên đoàn trực tiếp và kết hợp với Bộ Tư pháp, với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức được hơn 20 lớp bồi dưỡng và toạ đàm về pháp luật và kỹ năng hành nghề cho luật sư với hàng nghìn lượt luật sư tham dự ở nhiều đoàn luật sư trong toàn quốc. Công tác bồi dưỡng luật sư đang đi vào nề nếp và tiếp tục sẽ được đẩy mạnh trong những năm tiếp theo.
Công tác hợp tác quốc tế của Liên đoàn đã được đẩy mạnh ngay từ ngày đầu Liên đoàn mới thành lập, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và sẵn sằng hợp tác với các Hiệp hội luật sư nước ngoài và các tổ chức quốc tế quan tâm tới hoạt động luật sư, nghề luật sư và tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư.
Tháng 5 năm 2010, Hiệp hội luật sư Châu Á Thái Bình Dương (LawAsia) đã kết nạp Liên đoàn luật sư Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Cho đến nay Liên đoàn luật sư Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với: Đoàn luật sư Nauy, Canada, Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ, Liên hội luật sư Nhật Bản, Liên đoàn luật sư Đức. Liên đoàn đang hợp tác với tổ chức Jica Nhật Bản, dự án JPP của EU, Đan Mạch, Thụy Điển đồng tài trợ, chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP, trung tâm nhân quyền thuộc trường Đại học Oslo Nauy….
Các quan hệ hợp tác quốc tế và đối ngoại luôn được quán triệt đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, đảm bảo và tôn trọng lợi ích của các bên.
Liên đoàn luật sư Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan quản lý nhà nước khác, các cơ quan Tư pháp trong việc quản lý luật sư, công tác xây dựng các văn bản pháp luật và các Quy chế phối hợp có liên quan tới luật sư.
Liên đoàn luật sư Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng quy chế tập sự kiểm tra đánh giá các kỳ thi hết tập sự hành nghề luật sư, góp ý vào nhiều các văn bản pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo ban hành. Ngoài ra nhiều hoạt động về quản lý luật sư của Bộ Tư pháp đã được phối hợp với công tác tự quản của Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Liên đoàn luật sư Việt Nam đã hoàn thiện 2 văn bản dự thảo với 2 cơ quan là Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ công an để thống nhất quy chế phối hợp trong hoạt động tố tụng của luật sư nhằm bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư.
Trải qua hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ luật sư Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thử thách, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chặng đường phát triển tiếp theo đã được mở ra nhiều cơ hội và thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thử thách đòi hỏi đội ngũ luật sư Việt Nam phải luôn phấn đấu, vượt mọi khó khăn để vươn lên. Chúng tôi mong rằng, cùng với sự phát triển của đội ngũ luật sư quốc tế, Việt Nam sẵn sàng và mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với các luật sư đồng nghiệp và bạn bè quốc tế./.
(http://liendoanluatsu.org.vn)
Thạc sĩ, luật sư: ĐẶNG VĂN CƯỜNG - ĐT: 0977999896 - http://trungtamtuvanphapluat.vn
Địa chỉ: Văn phòng luật sư Chính Pháp, Số 65b phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội.
- Điện thoại/Fax:0437.327.407
-Gmail: LuatsuChinhPhap@gmail.com
- Website: http://luatsuchinhphap.hanoi.vn
- https://www.facebook.com/luatsuchinhphap
I. DỊCH VỤ PHÁP LÝ CỦA VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP:
Tranh tụng + Tư vấn + Đại diện ngoài tố tụng + Soạn thảo văn bản. Cụ thể như sau:
1. Luật sư bào chữa, tranh tụng trong các vụ án: Hình sự, Dân sự, Lao động, Hành chính, Kinh doanh, thương mại;
2. Luật sư thay mặt khách hàng: làm người đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng và Đại diện ngoài tố tụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực pháp lý; Thương thuyết, Đàm phán hợp đồng; Thu hồi các khoản nợ khó đòi...
3. Luật sư tư vấn pháp luật: Trực tiếp, bằng văn bản hoặc Email cho các tố chức, cá nhân đối với mọi lĩnh vực pháp luật. Tư vấn theo vụ việc hoặc tư vấn pháp luật thường xuyên cho Doanh nghiệp. Tư vấn thường xuyên cho các Báo điện tử trong mục Giải đáp pháp luật và Dịch vụ luật sư riêng.
4. Luật sư thực hiện thủ tục hành chính trọn gói: Đăng ký kinh doanh; Xin cấp GCN QSD đất lần đầu, Khai nhận di sản thừa kế, Đăng ký sang tên khi mua bán, chuyển nhượng BĐS, Chuyển mục đích sử dụng đất...
5. Luật sư soạn thảo: Hợp đồng, Di chúc, Đơn thư và các văn bản pháp lý khác theo yêu cầu.
II. TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ cho mọi đối tượng (Liên hệ ngoài giờ hành chính):
1. Hình thức tư vấn miễn phí:
Luật sư Đặng Văn Cường thường xuyên tư vấn pháp luật miễn phí qua 3 hình thức:
- Điện thoại: 0977.999.896
- Gmail: Luatsuchinhphap@gmail.com
- Website: http://luatsuchinhphap.hanoi.vn
- Website: http://trungtamtuvanphapluat.vn
- https://www.facebook.com/cuongluatsuchinhdai
2. Thời gian tư vấn pháp luật miễn phí: Từ 19h-21h hàng ngày và cả ngày Thứ 7 + Chủ nhật
III. BÀO CHỮA MIỄN PHÍ:
Ths. Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội thường xuyên bào chữa miễn phí cho các đối tượng là: Người chưa thành niên; Người nghèo, Thân nhân liệt sĩ và Người có công với cách mạng.
Văn phòng luật sư Chính Pháp cần tuyển dụng: Luật sư và Cộng tác viên làm việc tại Hà Nội và trưởng Chi nhánh ở các tỉnh Phía Bắc.