Theo quy định pháp luật VN, đối tượng được sử dụng các công cụ, dụng cụ hỗ trợ mà bạn nêu là rất hạn chế và phải được sự cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, có khả năng người này đã vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ.
Về “phòng vệ chính đáng”, theo Điều 15 Bộ luật Hình sự của VN quy định như sau:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để đánh giá có “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hay không phải căn cứ mức độ tương xứng của hành vi và dựa vào nhiều tình tiết như tính chất quan trọng của lợi ích bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm và cường độ của hành vi xâm hại và hành vi chống trả, sự tương quan sức lực giữa bên xâm hại và bên chống trả, kể cả công cụ, phương tiện được sử dụng để chống trả là có cần thiết và tương xứng hay không.
Vì bạn không nêu chi tiết vụ việc, đặc biệt là hậu quả của hành vi gây thương tích, như: tỷ lệ thương tật,… nên tôi chưa thể xác định ban đầu là người đó có phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật VN hay không.
Còn bạn muốn tìm hiểu pháp luật TQ thì có rất nhiều kênh khác nhau, bạn có thể vào các website của các cơ quan nhà nước TQ, hoặc có thể qua các tài liệu, sách, tạp chí… ở các thư viện hoặc nhà sách,…