Sống và Yêu, Like và Unlike
Phương Văn
Sống là đôi chút mơ màng
Yêu là đôi chút thở than một mình
*
Sống là cục tác lá chanh
Yêu là ủn ỉn đưa hành cho nhau
*
Sống là đôi lúc lan man
Yêu là đôi lúc lang thang một mình
*
Sống là một sự bắt đầu
Yêu là một sự từ lâu đã thành
*
Sống là có phút để dành
Yêu là có phút tanh bành cả ra
*
Sống là có lúc thờ ơ
Yêu là có lúc giả vờ quan tâm
*
Sống là có lúc dập dồn
Yêu là có lúc phải hôn từ từ
*
Sống là có lúc như vua
Yêu là có lúc về chùa lá đa
*
Sống thì bay thấp mây mưa
Yêu thì đúng lúc bay vừa rất dâm
*
Sống như một giấc mơ
Mớ như một khúc sông
Sống khung một bức tranh
Tránh không được lúc xương
*
Sống là lúc đứng lúc ngồi
Yêu là có lúc chia đôi đồng riềng
*
Sống không mong lúc thượng vàng
Yêu dù hạ cám vẫn mang vào lòng
*
Sống thời bưng bát cơm đầy
Yêu thời có lúc đắng cay dăm phần
*
Sống vài thế thái nhân tình
Yêu nhiều tư thế thân hình quấn nhau
*
Sống chỉ một cuộc bể dâu
Yêu vài tư thế lâu lâu mới xài
*
Sống là không cậy chữ tài
Yêu là không tưởng chỉ vài trống canh
*
Sống vì bát sáo nước trong
Yêu thì mới biết đau lòng cò con
*
Sống là phải biết xếp hàng
Yêu là phải biết chen ngang lúc cần
*
Sống là không lộn cái tròng
Yêu là nên trọng cái …tình nhé anh
(Bùi Bút Tre nhân 8/3)
*
Sống không ném đá đằng sau
Yêu đừng vạch áo của nhau giữa đường
***
(Từ Facebook)
Gần đây Facebook có tổ chức một cuộc bình chọn nhân vật toàn cầu. Thể thức rất đơn giản, nhân vật nào được like nhiều nhất thì thắng, nhân vật nào bị unlike nhiều nhất cũng thắng nhưng là thắng kiểu trái cóc xanh.
Giải nhất thuộc về một người Việt Nam, nhà văn Chu Lai. Điều này rất dễ đoán vì người VN sau vụ bình chọn Vote cho Hạ Long đã quá thõi mấy việc bơm vá trên internet. Ngoài ra còn vì cái tên Chu Lai = Choose Like rất gợi ý định hướng của ban bánh khảo nữa.
Ban bánh khảo, vốn đang có xu thế bài hoa, cũng chọn một nhân vật khác, cựu thủ tướng Chu Ân Lai của TQ, với ngầm ý Chu Ân Lai = Choose Unlike.
Thế nhưng chả mấy ai unlike cả.
Hóa ra để unlike, thì trước đó phải ấn like cái đã, rồi ấn tiếp để thành unlike. Giống như muốn tắt một cái máy tính thì trước hết phải bật nó lên. Trước khi ghét thì phải thích cái đã.
Ví dụ như đồng chí, ví dụ là ích-xì đi, tức là xờ nhẹ, xờ xấu xa, chỉ vì đóng tàu to, thế mà ai cũng ghét được. Ấy là bởi vì trước đó người ta đã chót thích đồng chí ấy.
Hay là có đồng chí khác, ví dụ là ét sì đi, tức là sờ nặng, sờ sung sướng, tự nhiên được thích mặc dù trước đó chả ai yêu ghét gì đồng chí này. Ấy là bởi vì chẳng qua ghét xờ nhẹ mà chuyển qua thích sờ nặng thôi.
Hay là cách đây chưa lâu, có đồng chí lãnh đạo chức to (sau thời chiến, các đồng chí gọi là lãnh đạo, thực ra có lãnh đạo được cái gì đâu, nên cứ gọi là cán bộ chức to cho đúng), tạm gọi là 6Dê đi, được nhân dân thích quá trời. Dù đồng chí này chả hơn gì lãnh đạo các nước khác, nếu như không nói là kém hơn. So với lãnh đạo chế độ cũ, cũng chả có gì hơn, ngoài việc đánh nhau giỏi hơn. Thế mà được thích, ấy là chỉ vì người ta quá ghét các đồng chí cùng thời mà đâm ra thích đồng chí này, thế thôi.
Thế tại sao người ta ghét các đồng chí cùng thời ấy? Là bởi vì trước đó người ta thích các đồng chí thời trước.
Thế tại sao ngày trước người ta thích các đồng chí ấy? Là vì trước nữa, người ta ghét hội khác.
Vậy nếu như không có cái sự thích-ghét, cứ neutral hết cả đi, thì có tốt hơn không?
Tất nhiên là khác rồi. Nếu đang tốt mà khác đi thì tức là xấu đi. Còn đang thậm xấu mà khác đi thì là tốt lên.
Đấy, cái like và unlike nó ảnh hưởng thế đấy. Vậy nên ở đây có những người không thích Facebook.
Còn bạn có thích không? Thích thì bấm like, còn không thích thì bấm like rồi bấm tiếp để thành unlike.