So sánh tính nhân đạo của Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật hình sự 2015

Chủ đề   RSS   
  • #450590 29/03/2017

    nguyenanh1292
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/04/2014
    Tổng số bài viết (3079)
    Số điểm: 68071
    Cảm ơn: 576
    Được cảm ơn 4262 lần


    So sánh tính nhân đạo của Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật hình sự 2015

    >>> Điểm danh những quy định hay tại các Bộ luật cổ

    Bộ luật Hồng Đức là một bộ luật điển hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam, đánh dấu thời kỳ phát triển cực thịnh của chế độ phong kiến tập quyền ở Việt Nam. Bộ luật này chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc và kỹ thuật lập pháp hiện đại, tiến bộ hơn so với các Bộ luật khác cùng thời.

    So với Bộ luật hình sự hiện nay, ít nhiều vẫn còn kế thừa những quy định hay đó,  do vậy, mời các bạn hãy cùng tham khảo bảng so sánh dưới đây để xem ngày nay chúng ta đã kế thừa những gì của người xưa nhé!

    Tiêu chí

    Bộ luật Hồng Đức

    Bộ luật hình sự 2015

    Thay phạt tù bằng phạt tiền

    Chỉ áp dụng đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những kẻ phế tật (tức những kẻ si, câm, cơ thể què quặt, gẫy tay chân) phạm tội lưu, đồ trở xuống được chuộc bằng tiền

    (Điều 16)

    Không căn cứ vào nhân thân của người phạm tội mà căn cứ vào việc người phạm tội đó đã phạm tội gì.

    Có thể xem chi tiết tại đây.

     

    Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội

    Khi phạm tội chưa già, tàn tật. Khi già, tàn tật mới phát giác tội thì xử tội theo luật già, tàn tật…Khi còn nhỏ mà phạm tội, khi lớn mới phát giác tội thì xử tội theo luật tuổi nhỏ

    (Điều 17)

    - Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

    - Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

    (Điều 7)

    Vấn đề tra khảo người phạm tội

    - Những người đáng được nghị xét giảm tội như 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, người bị phế tật thì không được tra khảo họ, chỉ cần căn cứ lời khai của nhân chứng mà định tội.

    - Nếu trái luật này thì coi như cố ý buộc tội cho người. Luật có ghi điều được phép ẩn giấu cho nhau như người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người bệnh nặng đều không được buộc họ làm chứng

    (Điều 665)

    Nếu tù có bệnh ung nhọt, không chờ lành lại tra khảo thì người ra lệnh bị xử biếm. Nếu tù bệnh ấy mà đánh roi, trượng thì phạt 30 quan tiền, nhân đó tù chết thì bị biếm 2 tư…

    (Điều 669)

    Ngục giám vô cớ hành hạ tù nhân đến bị thương thì xử theo luật đánh người bị thương. Nếu xén bớt áo quần, cơm, đồ ăn của tù nhân thì căn cứ vào việc bớt xén đó kết tội ăn trộm; hoặc bởi đánh đập, bớt cơm mà tù nhân chết thì bị xử đồ hay lưu. Ngục quan và giám ngục quan biết sự việc không tố giác thì cũng bị tội trên, nhưng được giảm một bậc

    (Điều 697)

    Ngục giám vô cớ hành hạ tù nhân đến bị thương thì xử theo luật đánh người bị thương. Nếu xén bớt áo quần, cơm, đồ ăn của tù nhân thì căn cứ vào việc bớt xén đó kết tội ăn trộm; hoặc bởi đánh đập, bớt cơm mà tù nhân chết thì bị xử đồ hay lưu. Ngục quan và giám ngục quan biết sự việc không tố giác thì cũng bị tội trên, nhưng được giảm một bậc

    (Điều 707)

    - Không được bức cung, nhục hình.

    - Trong trường hợp phạm tội bức cung sẽ bị xử phạt tù 06 tháng đến chung thân, trường hợp phạm tội nhục hình sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm.

    (Điều 373, 374)

    Trách nhiệm của quan chức nếu để cho dân khổ

    Ở những phường hẻm hay trong kinh thành hoặc ở hương thôn, xã có người bệnh tật không ai nuôi nấng, nằm ở dọc đường sá, cầu, điếm, chùa, quán thì cho phép quan bản phường xã đó dựng lều cho họ ở, chăm sóc che chở, cấp cơm cháo, thuốc men cứu sống họ, không được bỏ mặc họ rên rỉ, khốn khổ. Không may kẻ ấy chết thì trình quan trên, liệu bề chôn cất, không được để hài cốt phơi bày ra đó. Nếu trái lệnh này thì quan phường xã bị biếm (biếm ở đây có nghĩa là giáng chức) hay bị bãi chức...

    (Điều 294)

    Những người góa vợ, góa chồng cô độc và người tàn phế nặng, nghèo khổ không người thân nương tựa, không khả năng tự kiếm sống thì quan sở tại phải nuôi dưỡng họ, nếu bỏ rơi họ thì bị đánh 50 roi biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo mà thuộc lại ăn bớt thì xử theo luật người giữ kho ăn trộm của công

    Không phải chịu trách nhiệm

    Tội hiếp dâm

    Kẻ nào hiếp dâm thì xử lưu hay chết. Phải nộp tiền tạ tội hơn một bậc đối với tiền tạ tội gian dâm thường. Nếu gây thương tích cho người đàn bà thì xử nặng hơn một bậc đánh người bị thương. Nếu làm chết người đàn bà thì điền sản kẻ phạm tội phải giao cho nhà người bị chết

    (Điều 402)

    Tội hiếp dâm bị phạt tù từ 02 năm đến chung thân, tùy mức độ nghiêm trọng.

    (Điều 141)

    Tội hiếp dâm trẻ em

    Gian dâm với con gái nhỏ 12 tuổi trở xuống, dù nó thuận tình thì vẫn xử như tội hiếp dâm

    (Điều 404)

    Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, dù thuận tình bị xử phạt từ 07 năm tù cho đến tử hình tùy mức độ nghiêm trọng.

    (Điều 142)

    Xử lý trong trường hợp chồng đánh vợ

    Chồng đánh vợ bị thương thì xử như tội đánh người bị thương nhưng nhẹ hơn 3 bậc. Nếu đánh chết thì xử như tội đánh chết người nhưng nhẹ hơn 3 bậc, tiền đền mạng bớt 3 phần. Cố ý giết vợ thì giảm một bậc tội; nếu có tội bị chồng đánh, không may chết thì xử riêng. Đánh vợ bé bị thương, sứt gãy trở lên thì nhẹ tội hơn đánh vợ 2 bậc….

    (Điều 482)

    Tùy mức độ:

    Nhẹ thì bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP

    Nặng thì có thể bị xử lý hình sự tội cố ý gây thương tích (nếu gây thương tích cho vợ) hoặc tội giết người (trong trường hợp làm vợ chết) theo Bộ luật hình sự

     

    Quy định tử hình đối với phụ nữ mang thai

    Đàn bà phạm tội tử hình trở xuống, nếu đang mang thai thì phải đợi sau khi sinh đẻ 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh. 

    Dù đã sinh nhưng chưa hết hạn 100 ngày mà hành hình thì ngục quan và ngục lại bị xử biếm hay bị phạt. Nếu khi chưa sinh mà thi hành tội đánh roi thì ngục quan bị phạt 20 quan tiền, ngục lại bị đánh 80 trượng. Nếu do đánh roi đưa đến trọng thương hay chết thì xử vào tội “quá tất sát thương” (lỡ tay giết người, làm bị thương người)…

    (Điều 680)

    Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai.

    Trường hợp này chuyển từ tử hình sang chung thân.

    (Điều 40)

    Trấn lột quần áo

    Trấn lột quần  áo, đồ đạc của trẻ em, của kẻ khùng điên, của người say rượu thì bị xử tội đồ (bị đầy hoặc giam giữ ở nơi kín) và phải đền gấp đôi

    (Điều 435)

    Bị xử phạt tội cướp tài sản theo Bộ luật hình sự.

    (Điều 168)

    Cưỡng ép kết hôn

    Mãn tang chồng nhưng người vợ thủ tiết, nếu ngoài ông bà, cha mẹ, kẻ nào khác gả ép người phụ nữ đó thì bị biếm ba tư và buộc phải ly dị. Trả người đàn bà về chồng cũ…” hoặc quy định tại Điều 338: “những nhà quyền thế mà ức hiếp để cưới con gái lương dân thì xử phạt, biếm hay đồ

    (Điều 320)

    Bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm

    (Điều 181)

     

     Một câu hỏi đặt ra rằng, theo các bạn, còn điều gì hay tại Bộ luật Hồng Đức mà hiện nay chúng ta chưa kế thừa không?

    (Bài viết có sự tham khảo của bài viết tại website của Bộ Tư pháp về “Tính nhân đạo của Bộ luật Hồng Đức và sự hoàn thiện của Bộ luật hình sự 2015)

     
    15804 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận