11/06/2009
Tập đoàn Siemens (Đức) vừa phải nộp 1,6 tỷ
đô la Mỹ tiền phạt về tội đưa hối lộ - món tiền phát lớn nhất trong
lịch sử kinh tế. Thủ đoạn dùng hối lộ như là vũ khí cạnh tranh của tập
đoàn công nghệ lớn nhất nước Đức, kéo dài nhiều năm nay, cuối cùng đã
bị đưa ra ánh sáng.
Một
buổi sáng hai năm về trước, Reinhard Siekaczek đang ngủ thì chuông cửa
reo vang. Vẫn mặc bộ đồ ngủ, ông vội vã xuống cầu thang ra mở cửa.
Trước mặt ông là sáu viên cảnh sát Đức lạnh lùng đi cùng một viên công
tố. Họ đọc lệnh bắt ông. Vào lúc đó, Siekaczek - nguyên kế toán viên
của tập đoàn công nghệ Siemens - biết rằng phần đời bí mật của mình đã
kết thúc. “Tôi biết chuyện này thế nào cũng đến. Tôi đợi các ông đã lâu”, ông nói và mời những người cảnh sát vào nhà.
Theo
nội dung những cuộc thẩm vấn và những văn kiện tòa án tại Đức và Mỹ,
ông Siekaczek - nguyên cán bộ quản lý cấp trung ở Siemens - là một
trong số ít người đã tổ chức đường dây hối lộ nhắm tới các quan chức có
thế lực ở khắp địa cầu, từ Trung Quốc tới Venezuela, từ Ý tới Israel.
Kết quả điều tra của cơ quan công tố cùng với lời khai của ông
Siekaczek về chi tiết của những vụ đưa hối lộ đã làm công chúng kinh
ngạc khi nhận ra rằng, tệ hối lộ đã ăn sâu như thế nào trong một tập
đoàn công nghệ tinh vi, uy tín, hoạt động khắp toàn cầu.
Hối lộ là một chiến lược cạnh tranh
Ông
Siekaczek khai rằng, từ năm 2001 đến 2006, tại công ty viễn thông
Siemens, ông theo dõi một quỹ đen có ngân sách hàng năm từ 40 đến 50
triệu đô-la Mỹ dùng vào việc mua chuộc các viên chức chính phủ khắp thế
giới. Theo hồ sơ tòa án, để giành được một hợp đồng cung cấp dịch vụ
điện thoại di động ở Bangladesh, họ đã đưa 5 triệu đô-la cho con trai
của Thủ tướng Bangladesh lúc ấy và vài viên chức cao cấp khác. Nhóm của
ông Siekaczek cũng đã lót tay 12,7 triệu đô-la cho các quan chức
Nigeria để giành các hợp đồng của chính phủ nước này. Ở Argentina, một
công ty con khác của Siemens đã đưa hối lộ đến 40 triệu đô-la để giành
một hợp đồng trị giá 1 tỉ đô-la sản xuất thẻ căn cước cho cả nước. Ở
Israel, họ đưa cho các quan chức chính phủ 20 triệu đô-la để có được dự
án xây một nhà máy điện. Ở Venezuela, họ lót tay 16 triệu đô-la để được
xây dựng đường sắt đô thị. Ở Trung Quốc, họ hối lộ 14 triệu đô-la để
được cung cấp thiết bị y tế. Còn ở Iraq, 1,7 triệu đô-la đã được trao
cho cựu Tổng thống Saddam Hussein và tay chân của ông ta… Những vụ hối
lộ này khiến các đối thủ cạnh tranh của Siemens giận dữ vì bị gạt ra
khỏi các hợp đồng, còn cư dân địa phương các nước nói trên phải trả giá
đắt cho những nhu cầu thiết yếu như đường xá, nhà máy điện, bệnh viện…
vì những dự án này đều đội giá thành do tham nhũng, hối lộ.
Hoạt
động đưa hối lộ của Siemens bắt đầu từ lâu trước khi ông Siekaczek sử
dụng kỹ năng kế toán của mình để tổ chức các vụ chuyển tiền. Sau Chiến
tranh Thế giới lần thứ hai, cơ ngơi của công ty Siemens tan nát, các
nhà máy bị ném bom, bản quyền sáng chế bị tịch thu. Công ty phải tìm
tới thị trường các nước kém phát triển để cạnh tranh, và đưa hối lộ trở
thành một kỹ thuật kinh doanh đáng tin cậy và phổ biến. Uwe Dolata,
phát ngôn viên hiệp hội các nhà điều tra hình sự liên bang Đức, nhận
xét: “Hối lộ đã trở thành mô hình kinh doanh của Siemens. Siemens đã
thể chế hóa hành vi tham nhũng”.
Trước năm 1999, theo luật Đức,
tiền hối lộ được khấu trừ vào doanh số chịu thuế vì được coi như một
khoản chi phí kinh doanh. Ở công ty Siemens, tiền hối lộ được ghi trong
sổ sách là “N.A.”, viết tắt cụm từ tiếng Đức “ntzliche Aufwendungen”,
nghĩa là “tiền có ích”. Từ đó, Siemens sẵn sàng lót tay bất cứ ở đâu mà
các nhà quản trị cảm thấy cần tiền, sẵn sàng đưa hối lộ cho các quan
chức chính quyền không chỉ ở các nước nổi tiếng tham nhũng như Nigeria
mà cả ở các nước nổi tiếng minh bạch như Na Uy. Tháng 2-1999, Đức tham
gia Công ước quốc tế cấm hối lộ ở nước ngoài - một văn kiện được hầu
hết các nước công nghiệp phê chuẩn. Từ năm 2000, nhà cầm quyền các nước
Áo và Thụy Sĩ bắt đầu đặt nghi vấn về những khoản thanh toán hàng triệu
đô-la của Siemens chuyển ra các tài khoản nước ngoài. Công ty viễn
thông mà ông Siekaczek làm việc là một trong những nơi vi phạm rõ ràng
nhất. Tài liệu tòa án cho thấy, công ty này đã sử dụng hơn 800 triệu
đô-la trong số 1,4 tỉ đô la tiền đưa hối lộ mà Siemens đã chi ra từ năm
2001 đến 2007.
Theo lời khai của ông Siekaczek, các nhà quản
trị công ty viễn thông Siemens đã dùng nhiều thủ đoạn làm cho quá trình
hối lộ diễn ra rất kín kẽ để đối phó với khả năng bị lộ. “Chúng
tôi không cần phải lách luật vì chúng tôi biết rõ những gì mình đang
làm là phi pháp. Vấn đề là cần phải tìm được người chịu trách nhiệm sao
cho thật ổn định, không hai lòng, không tư túi”, ông Siekaczek nói.
Lúc
đầu, với tư cách kế toán viên, ông Siekaczek chuyển tiền sang các tài
khoản ngân hàng ở Áo và Liechtenstein là những nơi luật về tính bí mật
của ngân hàng khiến cho việc che giấu tài khoản được thuận lợi. Sau đó
ông nhờ người tin cẩn ở Thụy Sĩ lập ra những công ty ma để làm bình
phong cho các vụ chuyển tiền của Siemens ra các tài khoản ngân hàng
nước ngoài ở Dubai và British Virgin Islands. Theo ông Siekaczek, ở
những nước tham nhũng nặng, tiền hối lộ có khi chiếm đến 40% giá trị
hợp đồng giành được, nhưng thông thường thì tỷ lệ này vào khoảng 5% -
6%.
Cách thức hối lộ thông thường là Siemens thuê một “chuyên
viên tư vấn bên ngoài” hỗ trợ giành hợp đồng, dự án; chuyên viên này
thường là người địa phương và có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo.
Siemens sẽ đưa tiền cho nhân vật trung gian này để ông/bà ta chuyển tới
nhân vật có thẩm quyền quyết định. Siemens công nhận rằng, họ đã có
khoảng 2.700 hợp đồng tư vấn kinh doanh như vậy ở khắp nơi trên thế
giới. Chính những tư vấn viên này là trung tâm của đường dây hối lộ,
mỗi năm chuyển hàng trăm triệu đô-la tới tay các quan chức tham nhũng.
Đáng
chú ý là những người như ông Siekaczek không coi “việc làm phi pháp”
của mình là đáng xấu hổ mà như là một “trách nhiệm kinh tế”. “Nếu
Siemens không đưa hối lộ, chúng tôi sẽ không giành được hợp đồng và
hàng ngàn nhân viên sẽ bị mất việc”, ông nói.
Chạy trời không khỏi nắng
Sau
khi bị cảnh sát Đức bắt giam năm 2006 và hợp tác tích cực với cơ quan
điều tra, ông Siekaczek bị tuyên án hai năm tù treo và phạt tiền
150.000 đô-la Mỹ. “Tôi chưa bao giờ
nghĩ tới chuyện đi tù vì công ty. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau
rằng nếu chẳng may mọi việc bại lộ, chúng tôi sẽ đi tù cùng nhau chứ
không phải chỉ một người”, ông Siekaczel nói. Và ông luôn luôn
khẳng định mình không bao giờ thiết kế ra một vụ hối lộ, chưa bao giờ
trực tiếp đưa tiền cho một quan chức tham nhũng nào mà chỉ là “người
chi tiền”. Cảnh sát Đức cũng xác nhận họ chưa có bằng cứ chứng minh ông
ta “tư túi”, kiếm chác cho riêng mình, dù hồ sơ cho thấy ông Siekaczek
đã theo dõi việc chuyển ngân 65 triệu đô-la tiền hối lộ ra những tài
khoản nước ngoài rất khó phát hiện.
Để bảo vệ chứng cứ rằng mình
không làm việc đơn lẻ, ông Siekaczek và một đồng nghiệp nữa đã bí mật
sao chép các tài liệu chi tiết về các vụ chuyển tiền và lưu trữ chúng
trong một tầng hầm tại trụ sở của tập đoàn Siemens ở thành phố Munich,
Đức. Ông từ bỏ công việc ở Siemens vào năm 2006, vài tháng trước khi bị
bắt vào ngày 15/11 năm đó.
Chiến lược hối lộ bí mật của Siemens
bị phơi bày khi các điều tra viên nhiều nước xem xét các vụ chuyển tiền
khả nghi. Thoạt tiên các công tố viên Đức bắt đầu dòm ngó Siemens từ
năm 2005. Sang năm 2006, cơ quan công tố các nước Ý, Liechtenstein và
Thụy Sĩ gửi những yêu cầu điều tra đến các đồng sự ở Đức, kèm theo danh
sách những nhân vật đáng ngờ trong bộ máy của Siemens; từ đó cảnh sát
Đức quyết định hành động bằng một chiến dịch truy quét rộng rãi. Vào
buổi sáng ngày ông Siekaczek bị bắt, hơn 200 cảnh sát Đức đã đồng thời
khám xét nhiều nơi trên đất Đức, lục soát trụ sở công ty Siemens tại
Munich và nhà riêng nhiều nhân vật trong ban quản trị. Bên cạnh những
tài liệu chi tiết mà ông Siekaczek sao chép lại, cơ quan điều tra còn
tịch thu được 5 terabytes dữ liệu, tương đương với độ dài của 5 triệu
cuốn sách. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc vào đầu năm 2007
bởi vì cổ phiếu của Siemens được giao dịch trên thị trường chứng khoán
New York và chiến dịch truy quét Siemens ở châu Âu đã làm dư luận Mỹ
rúng động.
Nỗ lực khắc phục hậu quả
Biết
rằng “thiên la địa võng” đã giăng ra, Siemens phải khuất phục. Tập đoàn
đã thuê một công ty luật Mỹ, Debevoise & Plimpton, làm một cuộc
điều tra nội bộ và hợp tác tích cực với các cơ quan điều tra liên bang
Mỹ. Công ty Debevoise đã huy động 300 luật sư, chuyên gia pháp lý và
kiểm toán rà soát lại hàng ngàn vụ chuyển tiền của tập đoàn trên khắp
thế giới. FBI cùng với Công ty Debevoise đã thực hiện hơn 1.700 cuộc
thẩm vấn ở 34 quốc gia, thu thập hơn 100 triệu văn bản, thiết lập những
đơn vị đặc nhiệm ở Trung Quốc và Đức để xử lý dữ liệu từ cuộc điều tra
này. Bản thân tập đoàn Siemens đã phải bỏ ra gần 1 tỉ đô-la để thanh
toán chi phí của công cuộc điều tra nội bộ. Ngoài ra, Siemens đã chi ra
2,6 tỉ đô-la để làm sạch tên tuổi và thương hiệu, 1,6 tỉ đô-la nộp phạt
cho chính phủ Đức và Mỹ. Luật sư Bruce E. Yannett của Công ty luật
Debevoise nhận xét: “Các nhà quản trị
Siemens cho thấy rõ rằng, họ muốn chúng tôi điều tra đến tận cùng và sẽ
đi theo nó đến bất cứ nơi nào chứng cứ chỉ ra”.
Trong lúc đó, tập đoàn Siemens cố gắng loại bỏ các nhà quản trị cấp
cao và cải tổ chính sách của công ty. Nhiều viên chức cấp cao của
Siemens đã bị bắt. Tổng giám đốc điều hành Klaus Kleinfeld bị mất chức
vào tháng 4-2007. Năm ngoái, Siemens báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ
rằng họ có bằng cớ cho thấy các nhà quản trị cũ của công ty có những
quỹ mờ ám và lạm dụng quyền lực. Hồi tháng 8, Siemens tìm cách thu hồi
tiền từ 11 thành viên ban quản trị cũ do các hoạt động liên quan đến
chiến lược hối lộ. Các cuộc thương lượng về vấn đề này vẫn đang được
tiến hành.
Đầu năm nay, tổng giám đốc mới của Siemens, ông Peter
Loscher, cam kết sẽ biến Siemens thành một “siêu phẩm hiện đại nhất”
trong lĩnh vực chống tham nhũng. “Hành vi đạo đức và kết quả hoạt động
tuyệt vời không mâu thuẫn với nhau. Chúng tôi sẽ trở thành doanh nghiệp
tốt nhất, đồng thời là doanh nghiệp trong sạch nhất”, ông Peter nói.
Chống tham nhũng, hối lộ cần sự hợp tác quốc tế
Siemens
không phải là tập đoàn khổng lồ duy nhất rơi vào tầm ngắm của các cơ
quan bảo vệ pháp luật. Trong ba mươi năm qua, từ khi Quốc hội Mỹ ban
hành luật cấm các công ty Mỹ đưa hối lộ để giành quyền kinh doanh ở
nước ngoài, các cơ quan điều tra đã phanh phui nhiều vụ bê bối ở các
tập đoàn nổi tiếng như Daimler hoặc Johnson&Johnson, thậm chí công
ty Halliburton của Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney. Nhưng trường hợp của
Siemens đáng chú ý hơn cả vì quy mô rộng lớn, số tiền hối lộ khổng lồ
cũng như “nhiệt tình” đưa hối lộ của công ty nhằm giành lấy các hợp
đồng thương mại.
Trong vụ dàn xếp tuần trước với bộ Tư pháp và
Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Siemens thừa nhận đã vi phạm các điều khoản về
kế toán quy định trong bộ luật Foreign Corrupt Practices Act - luật cấm
hối lộ ở nước ngoài. Tuy toàn bộ các tài liệu đều chứa đầy từ “hối lộ”,
bộ Tư pháp Mỹ cho phép Siemens chỉ nhận tội vi phạm về kế toán bởi vì
tập đoàn này đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, và nếu thừa nhận
phạm tội hối lộ, Siemens sẽ bị cấm tham gia đấu thầu các dự án của
chính phủ Mỹ.
Nhưng cả chính phủ Đức lẫn bộ Tư pháp Mỹ đều
khẳng định cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và không loại trừ việc đem
ra xét xử các viên chức điều hành hiện thời cũng như đã nghỉ việc của
tập đoàn Siemens. Tập đoàn này vẫn đang đối mặt với những hậu quả pháp
lý chưa đoán trước được.
Vụ Siemens còn là điển hình của một
hiện tượng hãy còn hiếm hoi: sự cộng tác xuyên quốc gia giữa các cơ
quan thực thi pháp luật nhiều nước nhằm chống lại tình trạng tham
nhũng, hối lộ lây lan xuyên biên giới cùng với dòng chảy tự do của vốn
đầu tư trong thời đại toàn cầu hóa. “Không
có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, tham nhũng hối lộ liên lục
địa sẽ còn có nhiều cơ hội để tồn tại cho dù ai cũng biết “tham nhũng
đe dọa tính liêm chính của thị trường toàn cầu và xói mòn chế độ pháp
quyền ở những nước tham nhũng” - nhận xét của bà Lori Weinstein, công tố viên bộ Tư pháp Mỹ phụ trách vụ án hối lộ của tập đoàn Siemens.
Nguồn Báo Tuần Tin Tức CHLBĐ