Liên quan đến đường dây "sex tour" ngàn đô vừa bị C45 triệt phá ngày 27.5, nhiều bạn đọc thắc mắc rằng những "đại gia" chịu chơi dám bỏ ra đến 20.000 USD để "mây mưa" với các người đẹp có tiếng tăm ấy là ai? Vì sao không thấy báo chí nhắc đến dù biết họ là những "đại gia" có "số má".
Bí mật đời tư?
Trao đổi với Thanh Niên Online về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, hành vi mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, mức độ vi phạm trong trường hợp này chỉ là vi phạm hành chính chứ không phải hành vi phạm tội để bị xem đó là tội phạm. Vì vậy, việc nêu danh tính của "đại gia mua dâm" lên mặt báo là không nên.
Theo LS Thảo, nếu xác định đó là hành vi vi phạm hành chính thì cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính để xử lý. Trong trường hợp bị phát hiện, người mua dâm sẽ bị xử lý theo Điều 22 của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Theo đó người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Chỉ khi nào quy định pháp luật thay đổi cho phép công bố công khai danh tính người vi phạm hành chính trong lĩnh vực này thì mới có thể đưa tên các “đại gia có số má” mua dâm lên phương tiện thông tin đại chúng
Ngoài ra, việc đưa tên tuổi, hình ảnh của những người mua dâm lên báo sẽ làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự, quan hệ gia đình, bạn bè và đối tác của họ. Có một số trường hợp đặc biệt như người mua dâm là những người góa vợ, độc thân hay vì nhiều yếu tố chưa thể lập gia đình thì việc họ mua dâm cũng là do hoàn cảnh tạo nên. Do vậy, chỉ nên xử phạt, không công khai danh tính sẽ là một cách xử lý hợp lý, hợp tình.
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, khi xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bán dâm, mua dâm không thuộc trường hợp phải công bố công khai theo quy định tại Điều 72,
"Chỉ khi nào quy định pháp luật thay đổi cho phép công bố công khai danh tính người vi phạm hành chính trong lĩnh vực này thì mới có thể đưa tên các “đại gia có số má” mua dâm lên phương tiện thông tin đại chúng"
LS Nguyễn Đức Chánh
|
Luật Xử lý vi phạm hành chính mà tự ý nêu tên những người mua dâm đó lên mặt báo thì sẽ là hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và bí mật đời tư của họ.
“Đối với trật tự xã hội, hành vi của họ đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo luật, không thể vì bức xúc hay cảm tính việc xử lý chưa đủ răn đe mà xâm phạm quyền nhân thân của người mua dâm. Chỉ khi nào quy định pháp luật thay đổi cho phép công bố công khai danh tính người vi phạm hành chính trong lĩnh vực này thì mới có thể đưa tên các “đại gia có số má” mua dâm lên phương tiện thông tin đại chúng”, LS Chánh nói.
Còn LS Trần Minh Hiếu (thuộc Đoàn luật sư Đồng Nai) nhận định, mại dâm được xác định là tệ nạn xã hội, người mua và người bán đều vi phạm pháp luật. Vấn đề có nên nêu tên người mua dâm trên mặt báo hay không, cụ thể là những đại gia là giám đốc, doanh nhân thành đạt... hiện nay đang còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong đường dây "sex tour ngàn đô" xuyên quốc gia vừa bị triệt phá, hành vi của những "đại gia" mua dâm không phải tội phạm.
Cần nâng mức phạt
Nhiều người đặt câu hỏi, với hành vi bán dâm chỉ phạt hành chính từ 100.000 - 500.000 đồng thì có đủ răn đe hay "mở đường" cho các đường dây mại dâm ở Việt Nam hoạt động? Các LS đều chung ý kiến, mức phạt trên khó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và không đủ sức răn đe, cảm hóa các đối tượng vi phạm. Bởi lẽ, số tiền 20.000 USD có được cho mỗi đêm "mây mưa" với các đại gia thì số tiền phạt hành chính không đáng gì để người vi phạm lo sợ. Vì vậy, thời gian tới các nhà làm luật cần nghiên cứu và nâng số tiền xử phạt hành chính về hành vi mua bán dâm lên rất nhiều lần thì mới phù hợp.
LS Chánh cho rằng, nên áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung như lao động công ích có thời hạn... Đồng thời bổ sung quy định cho phép công bố công khai thông tin người mua dâm, thì mới có thể hạn chế hành vi mua dâm của các đại gia.
Ngọc Lê
(Nguồn:.thanhnien.com)