Rao ngọc, bán đá là gì? Ý nghĩa của cụm từ rao ngọc, bán đá như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610085 29/03/2024

    Rao ngọc, bán đá là gì? Ý nghĩa của cụm từ rao ngọc, bán đá như thế nào?

    Tình trạng mua bán gian lận, chất lượng sản phẩm không như lời quảng cáo của người bán ngày càng phổ biến. Mọi người thường dùng cụm từ "Rao ngọc, bán đá" để nói về hành vi này. Vậy thì hành vi "rao ngọc, bán đá là gì? Ý nghĩa của cụm từ rao ngọc, bán đá như thế nào?"

    Rao ngọc, bán đá là gì? Ý nghĩa của cụm từ rao ngọc, bán đá như thế nào?

    Rao ngọc có thể hiểu là thể hiện bằng việc chào bán một món đồ quý giá, có giá trị cao như ngọc.

    Bán đá có nghĩa là thể hiện việc thực tế giao dịch, bán cho người mua một món đồ rẻ tiền, không có giá trị như đá.

    Rao ngọc, bán đá là một thành ngữ tiếng Việt mang ý nghĩa phê phán hành vi lừa dối, không có chữ tín, gian trá trong kinh doanh, buôn bán.

    Ví dụ:

    - Một cửa hàng quảng cáo bán trang sức quý nhưng thật thứ lại bán đá giả;

    - Một quán ăn quảng cáo bán “thịt bò Kobe” nhưng thực thế lại bán bò pha trộn.

    Ý nghĩa câu thành ngữ này được sử dụng ẩn dụ để nói về hành vi của những người buôn bán gian lận. Họ quảng cáo và chào bán sản phẩm của mình với những lời hứa hẹn hấp dẫn khiến người mua tin tưởng họ sẽ mua được món đồ tốt.

    Tuy nhiên, thực tế sản phẩm mà họ bán ra lại không hề như những gì họ quảng cáo, thường là hàng giả, hàng kém chất lượng, hoặc không đúng với mô tả.

    Người mua sẽ phải chịu thiệt hại về tiền bạc khi mua phải sản phẩm không đúng chất lượng.

    Người bán sẽ mất đi uy tín và lòng tin của khách hàng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

    Câu thành ngữ này là lời nhắc nhở người mua nên cẩn thận và người bán nên quan trọng chữ tín. Khi đã hứa với ai điều gì, thì phải cố gắng thực hiện cho bằng được. Nếu không, thì sẽ mất đi lòng tin của người khác.

    rao-ngoc-ban-da

    Hành vi “rao ngọc, bán đá” có bị xem là hành bị cấm trong hoạt động quảng cáo không?

    Căn cứ tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 có quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:

    - Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này.

    - Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.

    - Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

    - Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

    - Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

    - Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

    - Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

    - Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

    - Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

    - Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

    - Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

    - Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

    - Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

    - Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.

    - Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

    Theo như phân tích trên thì hành vi “rao ngọc, bán đá” là một trong các hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng và bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo.

    Theo đó tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

    Mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP).

    Như vậy, theo quy định trên thì việc rao ngọc, bán đá là hành vi quảng cáo không đúng chất lượng thuộc một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng (đối với tổ chức).

     
    152 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận