Quyết định tái thẩm về vụ án "Tranh chấp đòi nhà cho thuê"

Chủ đề   RSS   
  • #263842 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định tái thẩm về vụ án "Tranh chấp đòi nhà cho thuê"

    Số hiệu

    47/2008/DS-TT

    Tiêu đề

    Quyết định tái thẩm về vụ án "Tranh chấp đòi nhà cho thuê"

    Ngày ban hành

    25/12/2008

    Cấp xét xử

    Tái thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 25 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa tái thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp đòi nhà cho thuê” giữa:

    Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thi Ngọc Cầm, sinh năm 1937, trú tại: Phòng 104, lô D cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; ủy quyền cho bà Đinh Thị Hiền, trú tại: 452/6 Huỳnh Văn Bánh, phường 14, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh (văn bản ủy quyền lập ngày 12-4-2005).

    Bị đơn: Công ty In Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, trụ sở: 101 A Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội so ông Nguyễn Kim Bảng, cán bộ công ty đại diện theo ủy quyền của Giám đốc (văn bản ủy quyền ngày 05-01-2005).

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Hà Thị Thú, sinh năm 1950;

    2. Bà Hoàng Thị Trúc, sinh năm 1945;

    3. Bà Vũ Thị Hồng, sinh năm 1950;

    4. Bà Trương Thanh Quý, sinh năm 1942;

    5. Ông Tạ Ngọc Dân, sinh năm 1960;

    6. Ông Phí Đức Vượng, sinh năm 1960;

    7. Ông Long Liên Tân, sinh năm 1958;

    8. Ông Lê Khắc Thuận, sinh năm 1952;

    9. Ông Đào Trọng Nhận, sinh năm 1963;

    10. Ông Nguyễn Khắc Đoàn, sinh năm 1960;

    11. Bà Hà Thị Nhung, sinh năm 1949.

    Đều trú tại: Số 9 phố Văn Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện đề 15-8-2003 và các lời khai, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm trình bày như sau:

    Năm 1937, vợ chồng cụ Nguyễn Huy Bích và Nguyễn Cống Truật nhận bà làm con nuôi do các cụ không có con. Tuy bà không có các giấy tờ về thủ tục nhận con nuôi của các cụ, nhưng thực tế bà đã được các cụ nuôi dưỡng ngay từ lúc bà còn rất nhỏ tại nhà của các cụ tại số 9 Văn Miếu, phường Văn Miếu, thành phố Hà Nội. Năm 1952, cụ Bích chết và năm 1976, cụ Truật chết đều không để lại di chúc; bà là người duy nhất được thừa kế nhà số 9 Văn Miếu của cụ Bích và cụ Truật.

    Năm 1952, cụ Truật cho nhà in Vũ Hùng thuê diện tích tầng 1 nhà số 9 Văn Miếu để làm xưởng in (có tầng 2 của nhà 2 tầng cụ Truật và bà ở).Năm 1959, nhà in Vũ Hùng sáp nhập vào xưởng in Công tư hợp doanh Minh Sang (sau này được đổi tên thành Công ty In Khoa học kỹ thuật Hà Nội). Từ năm 1970, Công ty in không sử dụng diện tích thuê làm xưởng in nữa mà bố trí chỗ ở cho cán bộ nhân viên của công ty nhưng vẫn trả tiền thuê nhà cho cụ Truật đến khi cụ Truật chết (năm 1976) thì trả cho bà. Năm 1994, bà đã yêu cầu Công ty in trả lại tầng 1 nhà số 9 Văn Miếu cho bà nhưng do không thỏa thuận được với các hộ gia đình đang ở về điều kiện hỗ trợ nên Công ty chưa trả nhà cho bà.

    Bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty In Khoa học kỹ thuật Hà Nội và những người đang sinh sống tại tầng 1 số nhà 9 Văn Miếu phải trả lại nhà, và sẽ thuê chỗ khác cho các hộ gia đình đang ở tầng 1 trong một thời gian hoặc hỗ trợ bằng tiền để tạo lập chỗ ở khác.

    Đại diện Công ty In Khoa học kỹ thuật Hà Nội trình bày: Công ty không hề biết về hợp đồng thuê nhà số 9 Văn Miếu với bà Cầm từ trước tới nay, vì vậy không có ngôi nhà này trong bảng kê tài sản cố định của công ty. Trước đây một số người ở tại số 9 Văn Miếu có làm việc cho công ty song đến nay họ đã nghỉ hưu (chỉ còn anh Nhận hiện còn công tác), trong thời gian họ sống tại đó họ tự sửa chữa, chuyển nhượng nhà cho người khác công ty không biết. Những hộ đang sống tại số 9 Văn Miếu hiện tại công ty không hề quản lý về nhân sự mà do chính quyền địa phương quản lý. Vì vậy, công ty đề nghị chủ nhà và các hộ dân hiện đang sinh sống tại đó tự thương lượng, điều đình với nhau.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đại diện cho 9 hộ gia đình và 2 cá nhân) trình bày: Các hộ gia đình, cá nhân được nhà in Minh Sang bố trí ở tại số 9 Văn Miếu bắt đầu từ 1970 (thời gian mỗi hộ khác nhau), công ty trừ tiền thuê nhà vào lương và trả cho chủ nhà cho đến năm 1990 thì công ty không  trừ tiền nhà nữa. Trước yêu cầu đòi nhà của bà Cầm, ban đầu người liên quan cho rằng nếu bà Cầm có đủ giấy tờ chứng minh nhà số 9 Văn Miếu là của bà thì đồng ý trả nhà, nhưng với điều kiện Công ty in và bà Cầm phải có trách nhiệm đền bù thỏa đáng; nhưng sau đó thay đổi ý kiến cho rằng bà Cầm không phải là con nuôi của cụ Bích và cụ Truật, tầng 1 nhà số 9 Văn Miếu là tài sản của Nhà nước vì tài sản của nhà in tư nhân Vũ Hùng đã được đưa vào hợp doanh với nhà in Minh Sang trong những năm 1960-1961.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 21/2005/DSST ngày 21-4-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    - Xác nhận tầng 1 nhà số 9 Văn Miếu là của cụ Bích và cụ Truật; bà Cầm là con nuôi và là người thừa kế duy nhất của cụ Bích và cụ Truật; có giao dịch thuê nhà giữa Công ty in và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với bà Cầm.

    - Chưa chấp nhận yêu cầu đòi nhà của bà Cầm do bà Cầm chưa đưa ra phương án rõ ràng và cụ thể về điều kiện hỗ trợ nơi ở mới cho những người đang ở tại đây.

    Bà Cầm và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 183/2005/DSPT ngày 09-9-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    Hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 05-5-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Cầm; buộc các hộ gia đình và cá nhân đang ở tại tầng 1 nhà số 9 Văn Miếu phải trả toàn bộ diện tích đang sử dụng cho bà Cầm và được chuyển đến ở tại các địa chỉ mới do bà Cầm thuê trong thời hạn 2 năm; phần sửa chữa nhà của các hộ đang ở thuê tự thỏa thuận với chủ nhà, nếu không thỏa thuận được sẽ khởi kiện thành vụ kiện khác.

    Ngày 10-5-2006, những người liên quan bị buộc phải trả nhà kháng cáo cho rằng bà Cầm không đủ tư cách khởi kiện và nhà số 9 Văn Miếu là tài sản của Nhà nước đã bị đưa vào cải tạo tư bản tư doanh.

    Ngày 01-9-2006, bà Vũ Thị Hồng nhận tiền đền bù của đại diện nguyên đơn và đã trả nhà cho bà Cầm, nên nguyên đơn rút yêu cầu Tòa án buộc bà Hồng phải trả phần nhà có liên quan đến bà Hồng.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 206/2006/DSPT ngày 13-10-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    - Không chấp nhận kháng cáo của bà Hà Thị Thú, bà Hoàng Thị Trúc, bà Trương Thanh Quý, ông Tạ Ngọc Dân, ông Phí Đức Vượng, bà Hà Thị Nhung, ông Lê Khắc Thuận, ông Đào Trọng Nhận và Nguyễn Khắc Đoàn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

    - Chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn do bà Hiền đại diện đối với bà Vũ Thị Hồng.

    Căn cứ khoản 4, Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2005; điểm b khoản 2, Điều 3 mục II Nghị quyết58/1998/NQ-UBTVQH 10 ngày 20-8-1998.

    Căn cứ điểm 3 Điều 25; khoản 1 Điều 131; các Điều 195, 243, 245, 248, 249 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 7 Nghị định 70/CP của Chính phủ về án phí Tòa án, xử như sau:

    1. Xác định tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội thuộc quyềnsở hữu của cụ Nguyễn Huy Bích và cụ Nguyễn Cống Truật.

    2. Xác nhận bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm, sinh năm 1937 là con nuôi của cụ Nguyễn Huy Bích và cụ Nguyễn Cống Truật. Cụ Bích chết năm 1952, cụ Truật chết năm 1976, không có di chúc. Bà Cầm là người thừa kế duy nhất của hai cụ theo pháp luật.

    3. Xác định có giao dịch thuê nhà giữa Công ty in Khoa học Kỹ thuật, trụ sở 101A Nguyễn Khuyến, Hà Nội và các ông bà: Hà Thị Nhung, Hoàng Thị Trúc, Dương Thanh Quý, Tạ Ngọc Dân, Phí Đức Vượng, Hà Thị Thú, Lê Khắc Thuận, Đào Trọng Nhận, Nguyễn Khắc Đoàn với bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm do bà Đinh Thị Hiền đại diện theo ủy quyền.

    4. Buộc Công ty in Khoa học Kỹ thuật, trụ sở 101A Nguyễn Khuyến, Hà Nội và các hộ gia đình các ông bà đã ghi rõ họ tên, tại điểm 3 nói trên quyết định này và tất cả những thành viên của các hộ gia đình nói trên phải trả lại toàn bộ diện tích mà họ đang sử dụng tại tầng 1 nhà số 9, phố Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm do bà Đinh Thị Hiền đại diện (theo ủy quyền).

    5. Buộc gia đình bà Hà Thị Nhung và các thành viên gia đình bà có hộ khẩuhoặc không có hộ khẩu thường trú tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội phải trả lại toàn bộ diện tích nhà mình đang sử dụng tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện và chuyển về ở tại tầng 2, diện tích 28,8mnhà 3 tầng, số 117, tổ 5, phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội (nhà 3 tầng này nằm ở phía trái đường nhìn vào nhà vì số nhà 117, tổ 5, Quang Trung có hai căn hộ cùng số nhà).

    6. Bên gia đình ông Tạ Ngọc Dân và các thành viên của gia đình có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu thường trú tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội phải trả lại toàn bộ diện tích đang sử dụng tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện và phải chuyển về ở tại tầng 3, diện tích 15,5mcủa ngôi nhà 3 tầng mà bà Nhung ở tầng 2 như đã ghi trên.

    7. Buộc gia đình bà Trương Thanh Quý bao gồm tất cả các thành viên có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu thường trú tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội phải trả lại toàn bộ diện tích nhà gia đình đang sử dụng tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện và được chuyển về ở tầng 3, diện tích 28,4m2 tại ngôi nhà 4 tầng ở bên cạnh ngôi nhà 3 tầng gia đình bà Nhung, nhà 4 tầng này có cùng số nhà 117, tổ 5, phường Quang Trung,, Đống Đa, Hà Nội (số nhà này có hai ngôi nhà nên phải viết rõ như trên để tránh nhầm lẫn khi thi hành án).

    8. Buộc gia đình anh Phí Đức Vượng gồm tất cả các thành viên gia đình có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu thường trú tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội phải trả lại toàn bộ diện tích nhà mình đang sử dụng tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện và phải chuyển về ở tại tầng 1, diện tích 27,3mtại số nhà 115, tổ 5, phường Quang Trung,, Đống Đa, Hà Nội.

    9. Buộc gia đình bà Hoàng Thị Trúc và tất cả các thành viên có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu thường trú tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội phải trả lại toàn bộ diện tích nhà mình đang sử dụng tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện và chuyển về ở tại tầng 2, diện tích 27,3mnhà 3 tầng tại số nhà 115, tổ 5, phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội.

    10.  Buộc ông Lê Khắc Thuận và ông Đào Trọng Nhận về ở chung tại tầng 2 ngôi nhà 53A phố Bà Triệu, Hà Nội, diện tích 15m2 để trả nhà đang ở tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện.

    11. Buộc gia đình bà Hà Thị Thú bao gồm tất cả các thành viên có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu thường trú tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội phải trả lại toàn bộ diện tích nhà mình đang sử dụng tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện và chuyển về ở tại tầng 2, diện tích 15mngôi nhà 53A phố Bà Triệu, Hà Nội.

    12. Buộc ông Nguyễn Khắc Đoàn và các thành viên cùng ở với ông nếu có tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội phải trả lại toàn bộ diện tích nhà mình đang sử dụng tại tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cho bà Cầm do bà Hiền đại diện và chuyển về ở tại tầng 3, ngôi nhà 53A phố Bà Triệu, Hà Nội.

    - Các hộ gia đình nói trên về nhà 115, 117 tổ 5, Quang Trung, Đống Đa và nhà 53A phố Bà Triệu, Hà Nội thời hạn 2 năm kể từ ngày đến ở trong thời gian 2 năm không phải trả tiền thuê nhà cho chủ nhà, hết thời hạn trên phải ký hợp đồng thuê nhà với chủ nhà và phải trả tiền cho họ.

    - Gia đình bà Nhung và ông Dân ở ngôi nhà 2 tầng số nhà 117, tổ Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội được sử dụng chung lối đi qua phòng tầng 1 để lên các tầng và dùng điện nước của ngôi nhà (lối đi gian tầng 1, rộng 0,7m ở phía lên cầu thang).

    - Gia đình bà Quý ở tầng 3 căn hộ 4 tầng số nhà 117, tổ 5, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội được đi qua tầng 1, tầng 2 của chủ nhà để lên tầng tầng 3 của mình và được dùng chung điện nước, dùng chung sân thượng với chủ nhà.

    - Gia đình ông Vượng và gia đình bà Trúc ở ngôi nhà 2 tầng số115, tổ 5, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Ngôi nhà này có lối đi bên cạnh để lên cầu thang cuối cùng để lên tầng 2, không đi qua tầng 1, điện nước dùng chung trong ngôi nhà.

    - Ông Đoàn và gia đình bà Thú ở 53A Bà Triệu được đi chung lối đi tầng 1 và cầu thang cả ngôi nhà, dùng chung điện nước với chủ nhà.

    Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đòi nhà cho thuê giữa bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm do bà Đinh Thị Hiền làm đại diện đối với bà Vũ Thị Hồng.

    Các quyết định khác như phần sửa chữa, phần nhà mà ông Vượng mua của bà Dung, phần án phí sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

    Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hà Thị Thú, bà Hoàng Thị Trúc, ông Trương Thành Quý, ông Tạ Ngọc Dân, ông Phí Đức Vượng, bà Hà Thị Nhung, ông Nguyễn Khắc Đoàn có đơn khiếu nại yeu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị tái thẩm vụ án với lý do mới tìm thấy các tài liệu là “Quyết định kiểm kê tài sản” ngày 18-02-1960 của Viện công tố thành phố Hà Nội; “Quyết định bàn giao tài sản nhà in Vũ Hùng cho Sở Văn hòa Hà Nội” số 1052/KS ngày 05-5-1961 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội; án hình số 55-CT ngày 17-6-1961 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với bị cáo Vũ Đình Tuệ (chủ nhà in Vũ Hùng) mà trong quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm Tòa án không thu thập được, thể hiện tầng 1, nhà số 9 Văn Miếu là tài sản của Nhà nước.

    Tại Quyết định kháng nghị số258/2008/KN-DS ngày 20-10-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 206/2006/DSPT ngày 13-10-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội theo trình tự tái thẩm, hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 21/2006/DSST ngày 05-5-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với nhận định:

    Tòa án các cấp chưa thu thập được chứng cứ, tài liệu chứng minh công ty in có thuê nhà cụ Truật và bà Cầm hay không? Nếu có, thì từ bao giờ?

    Các quyền lợi mới được những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xuất trình (Bản án hình sự số 55-CT ngày 17-6-1961 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Quyết định kiểm kê tài sản của Viện Công tố thành phố Hà Nội ngày 18-02-1960; Quyết định bàn giao tài sản nhà in Vũ Hùng cho Sở Văn hóa Hà Nội số 1052/VKS ngày 05-5-1961 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) có xuất xứ từ hồ sơ vụ án hình sự xét xử bị cáo Vũ Đình Tuệ là các chứng cứ mới phát hiện chưa được tòa án các cấp xem xét có ý nghĩa quan trọng để xác định bản chất, nội dung vụ án nhà số 9 Văn Miếu (tầng 1) đã bị Nhà nước quản lý hay chưa, để trên cơ sở đó mà chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi nhà của bà Cầm.

        Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Theo các giấy tờ về sở hữu trước năm 1960 thì nhà số 9 Văn Miếu là của cụ Bích và cụ Truật. Sau khi cụ Bích chết, cụ Truật cho nhà in tư nhân Vũ Hùng thuê phần tầng 1 của căn nhà làm xưởng in. Năm 1961, Vũ Đình Tuệ (chủ nhà in Vũ Hùng) thuộc đối tượng bị cải tạo tư bản tư doanh và còn bị xử lý về hình sự vì có hành vi chống chính quyền cách mạng.

    Quá trình điều tra, truy tố, xét xử Vũ Đình Tuệ, các cơ quan pháp luật đã có nhiều văn bản liên quan đến tài sản của Vũ Đình Tuệ tại số 9 Văn Miếu như: “Quyết định kiểm kê tài sản” ngày 18-02-1960 của Viện công tố thành phố Hà Nội, “Quyết định bàn giao tài sản nhà in Vũ Hùng cho Sở Văn hóa Hà Nội” số 1052/KS ngày 05-5-1961 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Tại bản án hình sự số 55-CT ngày 17-6-1961, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử phạt Vũ Đình Tuệ 5 năm tù và tịch thu 1/2 tài sản. Các tài liệu này là các nguồn chứng cứ quan trọng có liên quan đến việc xác định Nhà nước đã quản lý nhà số 9 Văn Miếu hay chưa. Nếu có căn cứ xác định trong quá trình xét xử Vũ Đình Tuệ, các cơ quan có thẩm quyền đã thực tế bố trí sử dụng hoặc đã có văn bản tịch thu tầng 1 nhà số 9 Văn Miếu cùng với các tài sản khác của Vũ Đình Tuệ, thì diện tích nhà này thuộc sở hữu Nhà nước, chủ nhà không có quyền đòi lại nữa. Các tài liệu nêu trên chưa được xem xét trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Vì vậy, cần phải xét xử sơ thẩm lại để thu thập các chứng cứ có liên quan đến các tài liệu nêu trên, xác định diện tích tầng 1 nhà số 9 Văn Miếu có còn thuộc sở hữu của cụ Bích và cụ Truật hay không.

    Về tư cách khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm: Bà Cầm không xuất trình được giấy tờ gì về thủ tục nhận bà là con nuôi của cụ Bích và cụ Truật. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm dựa vào lý lịch của bà Cầm, lý lịch của ông Huỳnh Văn Mạnh (chồng bà Cầm), các giấy tờ về hộ khẩu của bà Cầm tại nhà số 9 Văn Miếu và lời khai của một số người làm chứng để xác định bà Cầm là con nuôi của cụ Bích và cụ Truật. Tuy nhiên các giấy tờ này đều được lập sau năm 1975. Đơn khiếu nại của một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án còn cho rằng bà Cầm không phải là con nuôi cụ cụ Bích và cụ Truật từ năm 1937 như bà Cầm khai, mà đến năm 1964 mới về ở tại nhà số 9 Văn Miếu. Do đó, cũng cần thu thập chứng cứ để xác định có đúng bà Cầm là con nuôi của cụ Bích, cụ Truật và là thừa kế duy nhất của các cụ hay không.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án phúc thẩm số 206/2006/DSPT ngày 13-10-2003 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 21/2006/DSST ngày 05-5-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án đòi nhà cho thuê giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm với bị đơn là Công ty In Khoa học Kỹ thuật; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Hà Thị Thú, Hoàng Thị Trúc, Vũ Thị Hồng, Trương Thanh Quý, Tạ Ngọc Dân, Phí Đức Vượng, Long Liên Tân, Lê Khắc Thuận, Đào Trọng Nhận, Nguyễn Khắc Đoàn, Hà Thị Nhung.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Phát hiện chứng cứ mới làm thay đổi bản chất, nội dung vụ án mà Tòa án các cấp chưa thu thập được.

     

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 10:05:01 SA
     
    4001 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận