Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với Trương Thị Ngọc Nhung về tội "Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa"

Chủ đề   RSS   
  • #264233 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với Trương Thị Ngọc Nhung về tội "Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa"

    Số hiệu

    04/2012/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với Trương Thị Ngọc Nhung về tội "Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa"

    Ngày ban hành

    12/03/2012

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ….

    Ngày 12 tháng 3 năm 2012, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    1- Trương Thị Ngọc Nhung sinh năm 1951; trú tại nhà số 40A Trương Công Định, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; trình độ văn hóa: lớp 12/12; nghề nghiệp: nội trợ; con ông Trương Ngọc Châu (đã chết) và bà Nguyễn Thị Hường; có chồng là Đinh Đức Liên (bị cáo trong vụ án) và 04 con; có 02 tiền án: tại bản án hình sự phúc thẩm số 201/HSPT ngày 21-6-1989, Tòa án phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 12 năm tù về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”, tại bản án hình sự phúc thẩm số 120/HSPT ngày 23-2-1993, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 14 năm tù về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”, tổng hợp với hình phạt 12 năm tù tại bản án số 201/HSPT ngày 21-6-1989 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của 02 bản án là 20 năm tù; bị bắt giam ngày 13-9-2003.

    2- Đinh Đức Liên sinh năm 1946; trú tại nhà số 40A Trương Công Định, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; trình độ văn hóa: lớp 12/12; nghề nghiệp: buôn bán; con ông Đinh Văn Vĩnh và bà Đinh Thị Bội; có vợ là Trương Thị Ngọc Nhung (bị cáo trong vụ án) và 04 con; nhân thân: tại bản án hình sự phúc thẩm số 1377/HSPT ngày 28-6-2000 bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”; bị bắt giam ngày 28-7-1998.

    * Người bị hại:

    1- Bà Nguyễn Thị Ngân Giang, trú tại nhà số 4/18 Hương Lộ 11, phường 15, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    2- Bà Mạc Thị Phước, trú tại nhà số 486 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

    3- Bà Hà Thị Lan, trú tại nhà số 8/6 Nguyễn Thiện Thuật, phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

    4- Bà Nguyễn Thị Lượng, trú tại nhà số 63 Trương Công Định, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

    5- Ông Tào Cường Đình, trú tại nhà số 51 Trương Công Định, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

    6- Ông Hứa Phúc Nam, trú tại nhà số 17/61 Đào Duy Từ, phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

    7- Bà Đinh Thị Hiền, trú tại nhà số 42/5 Hoàng Hoa Thám, phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

     

    NHẬN THẤY:

    Trương Thị Ngọc Nhung và Đinh Đức Liên bị Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xét xử về các hành vi phạm tội như sau:

    Trương Thị Ngọc Nhung là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Z30D của Bộ Công an tại tỉnh Bình Thuận. Do bị bệnh nên từ năm 1993 Nhung được Trại giam Z30D giải quyết cho ra ngoài nhiều lần để chữa bệnh. Trong khoảng thời gian được tại ngoại, Nhung đã cùng chồng là Đinh Đức Liên dùng thủ đoạn gian dối bằng cách dùng căn nhà số 40A Trương Công Định, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (căn nhà này vợ chồng Nhung trốn tránh pháp luật không đưa vào để thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 120/HSPT ngày 23-2-1993 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đã bị Phòng Thi hành án tỉnh Lâm Đồng kê biên ngày 20-8-1997) để hùn vốn hoặc thế chấp cho nhiều người để vay tiền rồi chiếm đoạt. Cụ thể:

    1- Từ tháng 6-1995 đến tháng 7-1997, lấy lý do hùn vốn sửa chữa, nâng cấp khách sạn Thiên Thanh tại nhà số 40A Trương Công Định, Nhung đã trực tiếp vay của bà Nguyễn Thị Ngân Giang, trú tại 4/18 Hương Lộ 11, phường 15, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh 20.000.000 đồng với lãi suất 05%/tháng và cùng với Liên vay tiếp bà Giang 50.000.000 đồng với lãi suất như trên. Sau khi trả được cho bà Giang 07 tháng tiền lãi, thì Nhung và Liên chiếm đoạt luôn số tiền gốc đã vay là 70.000.000 đồng.

    2- Từ ngày 28-6-1996 đến ngày 28-4-1997, cũng lấy lý do hùn vốn kinh doanh để nâng cấp khách sạn Thiên Thanh tại nhà số 40A Trương Công Định và mua căn nhà liền kề số 38 Trương Công Định (thực chất chủ sở hữu của ngôi nhà này không bán), Nhung đã thỏa thuận và trực tiếp ký hai “Hợp đồng hùn vốn kinh doanh” với bà Mạc Thị Phước, trú tại nhà số 486 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh để vay của bà Phước 1.400.000.000 đồng với lãi suất 04%/tháng. Trong việc vay vốn này, ngày 16-7-1997, Đinh Đức Liên đã trực tiếp xuống Ủy ban nhân dân phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh để cùng Nhung ký vào “Đơn xin xác nhận chữ ký” nhằm đảm bảo cho Nhung thực hiện việc giao dịch với bà Phước. Cho đến nay, Nhung đã trả được cho bà Phước 362.000.000 đồng tiền lãi, còn lại chiếm đoạt số tiền gốc đã vay.

    3- Mặc dù trong các hợp đồng đã ký trước đó với bà Mạc Thị Phước có điều khoản cấm Nhung và Liên dùng tài sản là ngôi nhà số 40A Trương Công Định liên doanh với người khác, nhưng vào ngày 04-02-1997, Nhung và Liên vẫn dùng ngôi nhà này thế chấp cho bà Hà Thị Lan, trú tại 8/6 Nguyễn Thiện Thuật, phường 11, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh để vay 210 lượng vàng SJC, với lãi suất 1,845%/tháng. Đến ngày 17-9-1997 cũng với hình thức trên, Nhung và Liên tiếp tục vay của bà Lan 1.825.500.000 đồng, với lãi suất 1,25%/tháng. Sau khi nhận tiền, vàng, Nhung và Liên trả cho bà Lan 407.000.000 đồng tiền lãi rồi chiếm đoạt số tiền, vàng gốc đã vay.

    4- Từ tháng 1-1998 đến ngày 17-7-1998, lấy lý do nâng cấp khách sạn Thiên Thanh tại số 40A Trương Công Định, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng 300.500.000 đồng, với lãi suất 07%/tháng và 12 lượng vàng SJC. Sau khi nhận tiền, vàng, Nhung đã trả cho bà Lượng 25.000.000 đồng tiền lãi, còn lại chiếm đoạt số tiền, vàng gốc đã vay.

    5- Từ tháng 2-1998 đến ngày 16-4-1998, Nhung trực tiếp vay của ông Tào Cường Đình, trú tại nhà số 51 Trương Công Định, phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng 435.000.000 đồng với lãi suất 1,5%/ngày. Sau khi nhận tiền, Nhung đã trả 40.000.000 đồng tiền lãi, còn lại chiếm đoạt số tiền gốc đã vay.

    6- Từ tháng 11-1997 đến tháng 7-1998, với thủ đoạn hứa trả lãi suất 05%/tháng/số tiền vay, Nhung và Liên đã vay rồi chiếm đoạt 240.000.000 đồng của ông Hứa Phúc Nam, trú tại nhà số 17/61 Đào Duy Từ, phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Nam có đơn bãi nại, không yêu cầu vợ chồng Nhung phải trả khoản tiền lãi nêu trên.

    7- Ngày 26-7-1995, cũng với thủ đoạn hứa trả lãi 03%/tháng/số tiền vay, Nhung đã trực tiếp vay rồi chiếm đoạt 20.000.000 đồng của bà Đinh Thị Hiền, trú tại 42/5 Hoàng Hoa Thám, phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Hiền có đơn bãi nại, không yêu cầu bị cáo trả lại khoản tiền này.

    Như vậy, trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 1998, Trương Thị Ngọc Nhung đã dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 07 người với tổng số tiền là 4.290.500.000 đồng và 222 lượng vàng SJC. Trong đó, Đinh Đức Liên tham gia đồng phạm với Nhung trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 05 người với số tiền là 3.815.500.000 đồng và 222 lượng vàng SJC. Năm 1998, Đinh Đức Liên đã bị điều tra, truy tố và xét xử về 03 trong tổng số 05 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 590.500.000 đồng và 12 lượng vàng SJC của 03 người bị hại là bà Nguyễn Thị Ngân Giang, bà Nguyễn Thị Lượng bà ông Hứa Phúc Nam. Vì vậy, trong vụ án này, Đinh Đức Liên phải tiếp tục chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đồng phạm với Nhung trong việc chiếm đoạt 3.225.000.000 đồng và 210 lượng vàng SJC của 02 người bị hại là bà Mạc Thị Phước và bà Hà Thị Lan.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 152/2005/HSST ngày 28-7-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng áp dụng khoản 3 Điều 157; điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 38; Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1985; áp dụng thêm điểm i khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với Trương Thị Ngọc Nhung; xử phạt:

    - Trương Thị Ngọc Nhung tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”; tổng hợp với hình phạt 10 năm 28 ngày tù còn lại của bản án hình sự phúc thẩm số 120/HSPT ngày 23-2-1993 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, buộc bị cáo Nhung chấp hành hình phạt chung của 02 bản án là tù chung thân. Thời hạn tù tính từ ngày 13-9-2003.

    - Xử phạt Đinh Đức Liên 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, tổng hợp với hình phạt 15 năm tù tại bản án hình sự sơ thẩm số 10/HSST ngày 20-02-2000 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của 02 bản án là 20 năm tù. Thời hạn tính từ ngày 28-7-1998.

    -  Về trách nhiệm dân sự: Buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho những người bị hại: bà Hà Thị Lan 1.325.500.000 đồng và 210 lượng vàng SJC, bà Mạc Thị Phước 1.400.000.000 đồng; buộc Trương Thị Ngọc Nhung bồi thường cho ông Tào Cường Đình 435.000.000 đồng và bà Nguyễn Thị Ngân Giang 20.000.000 đồng.

    Ngày 05-8-2005, Đinh Đức Liên kháng cáo cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo cùng với Trương Thị Ngọc Nhung chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước là không đúng.

    Ngày 09-8-2005, Trương Thị Ngọc Nhung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước là không đúng.

    Tại phiên tòa hình sự phúc thẩm, bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung rút kháng cáo về nội dung xin giảm nhẹ hình phạt; còn lại, các bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo kêu oan về việc bị Tòa án cấp sơ thẩm quy kết lừa đảo chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1833/2005/HSPT ngày 26-10-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Điều 238; điểm c khoản 2 Điều 248; khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự quyết định:

    “1. Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung. Bản án hình sự sơ thẩm số 152/HSST/2005 ngày 28-7-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng công dân” có hiệu lực pháp luật.

    2. Hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đã quy kết và xử phạt các bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung và bị cáo Đinh Đức Liên về hành vi chiếm đoạt của bà Mạc Thị Phước 1,4 tỷ đồng. Giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung”.

    Ngày 30-6-2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng có Cáo trạng số09/KSĐT-P1 truy tố Trương Thị Ngọc Nhung và Đinh Đức Liên về hành vi chiếm đoạt số tiền 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999.

    Tại Công văn số01/LN-HS ngày 26-11-2010,liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng thống nhất đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 1833/2005/HSPT ngày 26-10-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh theo hướng hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại.

    Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số04/QĐ-VKSTC-V3 ngày 25-2-2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1833/2005/HSPT ngày 26-10-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy bản án hình sự phúc thẩm để xét xử lại. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại.

     

    XÉT THẤY:

    Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt Trương Thị Ngọc Nhung tù chung thân về 07 hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tổng cộng 4.290.500.000 đồng và 222 lượng vàng SJC của 07 người bị hại; Đinh Đức Liên 18 năm tù về 02 hành vi đồng phạm với bị cáo Nhung lừa đảo, chiếm đoạt 3.225.000.000 đồng và 210 lượng vàng SJC của 02 người bị hại. Trong đó, các bị cáo đều bị Tòa án cấp sơ thẩm quy kết và xử phạt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước và phải liên đới bồi thường cho bà Phước khoản tiền này.

    Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Trương Thị Ngọc Nhung và Đinh Đức Liên đã nhận số tiền 1.400.000.000 đồng từ bà Mạc Thị Phước. Đây và vấn đề quan trọng, quyết định đến việc xác định hành vi phạm tội của các bị cáo nhưng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm điều tra, làm rõ và tại cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Vì thế, việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm số 152/2005/HSST ngày 28-7-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng để điều tra lại đối với các bị cáo về hành vi chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước là có cơ sở và cần thiết.

    Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã có hành vi nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử phúc thẩm là: Mặc dù, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên “Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung. Bản án hình sự sơ thẩm số 152/HSST/2005 ngày 28-7-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng công dân” có hiệu lực pháp luật”, nhưng đồng thời lại “hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm nêu trên đã quy kết và xử phạt các bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung và bị cáo Đinh Đức Liên về hành vi chiếm đoạt của bà Mạc Thị Phước 1,4 tỷ đồng. Giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung” là không đúng với quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, vì khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại, nếu bị cáo Trương Thị Ngọc Nhung không bị kết án về hành vi chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước thì bị cáo vẫn chịu trách nhiệm dân sự và án phí dân sự về khoản tiền này tại bản án hình sự sơ thẩm số 152/2005/HSST ngày 28-7-2005 nêu trên; ngược lại, nếu bị cáo Nhung vẫn bị kết án về hành vi chiếm đoạt số tiền 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước thì bị cáo Nhung lại phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự và án phí dân sự hai lần về một hành vi phạm tội.

    Ngoài ra, vụ án này được xét xử phúc thẩm ngày 26-10-2005, nhưng đến ngày 21-10-2009, Tòa án cấp phúc thẩm mới chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm khoản 5 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự.

    Do đó, để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và triệt để, cần thiết phải hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại đối với các bị cáo về hành vi chiếm đoạt 1.400.000.000 đồng của bà Mạc Thị Phước. Trên cơ sở kết quả điều tra lại của vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyết định việc truy tố các bị cáo theo quy định của pháp luật.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

    Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1833/2005/HSPT ngày 26-10-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 152/2005/HSST ngày 28-7-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng để điều tra lại theo quy định của pháp luật; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

     

     
    3507 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận