Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa anh Nguyễn Quang Phúc và ông Nguyễn Đình Huệ

Chủ đề   RSS   
  • #265445 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa anh Nguyễn Quang Phúc và ông Nguyễn Đình Huệ

    Số hiệu

    05/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa anh Nguyễn Quang Phúc và ông Nguyễn Đình Huệ

    Ngày ban hành

    03/03/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ………..

    Ngày 03 tháng 3 năm 2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự ' Tranh chấp về thừa kế tài sản" giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Anh Nguyễn Quang Phúc, sinh năm 1962; trú tại: thôn Câu Lâu Tây, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Bị đơn: ông Nguyễn Đình Huệ, sinh năm 1950; trú tại: thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Người có quyền lợi nghĩa vu liên quan:

    1. Ông Nguyễn Nghệ, sinh năm 1945; trú tại: đội 2/1 xã Nam Đàn, huyện Krông Nô tỉnh Đăklăk.

    2. Bà Nguyễn Thị Hòe, sinh năm 1935; trú tại: đội 10A xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    3. Bà Nguyễn Thị Muồn, sinh năm 1937; trú tại: đội 2, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    4. Bà Nguyễn Thị Liều, sinh năm 1948; trú tại: 2121 Tatanka CT- Gienland Newjersey 08381 USA.

    5. Chị Nguyễn Thị A; trú tại: 76 Bạch Đằng, phường Sơn Phong, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam

    6. Chị Nguyễn Thị Bê; trú tại: 76 Bạch Đằng, phường Son Phong, thị xã Hội Anh tỉnh Quảng Nam.

    7. Chị Nguyễn Thị Cúc; trú tại: thôn Hòa Bình, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    8. Chị Nguyễn Thị Xê, anh Nguyễn Quang Phục, anh Nguyễn Quang Phước chị Nguyễn Thị Bích Liên, anh Nguyễn Quang Phú (cháu ông Huệ); cùng trú tại: thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    9. Anh Nguyễn Quang Thắng; trú tại: tổ 16b, ấp Ruộng Hời, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

    10. Chị Nguyễn Thị Hiển, chị Nguyễn Thị Sáu; cùng trú tại:152 Nguyễn Công Trứ, thành phố Đà Nẵng.

    11. Chị Lê Thị Hồng và các cháu Nguyễn Quang Yên sinh năm 1995, cháu Nguyễn Quang Tĩnh sinh năm 2002; cùng trú tại: thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chị Lê Thị Hồng là người giám hộ đại diện theo pháp luật cho hai cháu Yên và Tĩnh.

    12. Anh Nguyễn Quang Vinh; trú tại: thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    13. Ông Nguyễn Mười, sinh năm 1952; trú tại: đội 1, thôn 3, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    14. Bà Trần Thị Minh Văn, sinh năm 1947; trú tại: thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 18/7/2007 và các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do các nguyên đơn xuất trình thì:

    Vợ chồng cụ Nguyễn Trạng và cụ Huỳnh Thị Đương có 6 người con chung là:

    1. Ông Nguyễn Thám (chết năm 1975), không rõ họ tên của vợ, có 9 người con là các anh, chị: Nguyễn Thị A, Nguyễn Thị Bê, Nguyễn Thị Xê, Nguyễn Quang Phúc, Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Quang Phục, Nguyễn Quang Phước, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Quang Phú.

    2. Ông Nguyễn Nhu (chết năm 1972), không rõ họ tên của vợ, có 5 người con là các anh, chị: Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Thị Hiển, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Quang Tám

    3. Bà Nguyễn Thị Hòe;

    4. Bà Nguyễn Thị Muồn;

    5. Ông Nguyễn Nghệ;

    6. Bà Nguyễn Thị Liễu.

    Năm 1949 cụ Đương chết không để lại di chúc. Năm 1950 cụ Trạng kết hôn với cụ Nguyễn Thị Mến có hai người con chung là ông Nguyễn Đình Huệ và ông Nguyễn Mười.

    Năm 1982 cụ Trạng- chết, năm 1983 cụ Mến chết đều không để lại di chúc. Sau khi cụ Mến chết, tài sản để lại là căn nhà ngói 3 gian trên diện tích đất 1.200m2 tại thôn câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hiện do gia đình ông Nguyễn Đình Huệ quản lý, sử dụng.

    Năm 1992, anh Nguyễn Quang Phúc, bà Nguyễn Thị Hòe, bà Nguyễn Thị Muồn, ông Nguyễn Nghệ và bà Nguyễn Thị Liễu (là các con, cháu của cụ Trạng, cụ Đương) khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Trạng, cụ Đương. Bị đơn là ông Nguyễn Đình Huệ đồng ý chia thừa kế, nhưng yêu cầu xem xét đến công sức của vợ chồng ông trong việc tu bổ đất, sửa chữa nhà.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/DSST ngày 21/02!1992, Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xác định nhà, đất có tranh chấp là tài sản chung của 3 cụ Trạng, Đương, Mến; từ đó quyết định chia thừa kế.

    Sau khi xét xử sơ thẩm: ông Huệ kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Xuyên kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm nêu trên. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, ngày 10/8/1992 các đồng nguyên đơn có đơn rút yêu cầu khởi kiện.

    Tại Quyết định số 25 ngày 13/8/1992, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) áp dụng Điều 46, 65 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, đình chỉ việc giải quyết vụ án.

    Ngày 25/5/2006, bà Nguyễn Thị Liễu và anh Nguyễn Quang Phúc khởi kiện cho rằng: Căn cứ Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì di sản của cụ Trạng, cụ Đương, cụ Mến chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế, nên yêu cầu Tòa án chia tài sản chung.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST ngày 28/8/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam nhận định: Căn cứ Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đóng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì di sản của cụ Trạng cụ Đương, cụ Mến đủ điều kiện chuyển tài sản chung của các đồng thừa kế và chia tài sản chung.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Đình Huệ và vợ là bà Trần Thị Minh Văn; anh Nguyễn Quang Phúc va bà Nguyễn Thị Liễu kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 57/2007/DSPT ngày 22/5/2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng nhận định: "Sau khi kết thúc thời hạn 10 năm và tại phiên tòa hôm nay các bên lại tiếp tục tranh chấp về hàng thừa kế. Thể hiện anh Phúc cho rằng đất đai là thuộc di sản của bà Đương, ông Trạng cho nên ông Huệ và ông Mười không thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Đương, nhưng các con đẻ của bà Đương thì thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Mến. Còn ông Huệ có ý kiến đất đai, nhà cửa đều là tài sản do bà Mến và ông Trạng để lại là những người con đẻ của bà Đương không thuộc hàng thừa kế của bà Mến…"; do đó, khối di sản do người chết để lại chưa đủ điều kiện để chuyển thành tài sản chung; từ đó, quyết định: "…Hủy bản án sơ thẩm09/2006/DS-ST ngày 28/8/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc chia tài sản chung là đình chỉ việc giải quyết vụ án..."

    Ngày 18/7/2007, anh Phúc khởi kiện cho rằng: Bà Nguyễn Thị Liễu đi định cư tại Hoa Kỳ năm 1997; ngày 27/7/2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 hướng dẫn giải quyết giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 39, chương XI của Nghị quyết nêu trên thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế di sản của cụ Trạng, cụ Đương, cụ Mến vẫn còn; do đó, yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Trạng và cụ Đương là nhà đất do gia đình ông Huệ đang quản lý, sử dụng (theo anh Phúc thì tài sản này do cụ Trạng, cụ Đương tạo lập, cụ Mến chỉ có đóng góp trong việc tôn tạo đất sửa chữa nhà), đồng thời anh Phúc đề nghị được nhận ngôi nhà gia đình ông Huệ đang sử dụng để ở và thờ cúng tổ tiên.

    Bị đơn (là ông Nguyễn Đình Huệ) không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn và cho rằng nhà, đất cụ Trạng và cụ Đương tạo lập chung đã được cụ Trạng và cụ Mến giao lại cho vợ chồng ông Nguyễn Thám (là con trai trưởng của cụ Trạng, cụ Đương) quản lý, sử dụng; còn cụ Trạng và cụ Mến tạo lập chỗ ở mới là nhà, đất mà gia đình ông đang quản lý, sử dụng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05/2007/DSST ngày 18/12/2007, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam nhận định: theo hướng dẫn tại Nghị quyết số l037/2006/NQ-TVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991, có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì khi nguyên đơn khởi kiện (ngày 18/7/2007) là còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với tài sản của cụ Trạng, cụ Đương và cụ Mến; nhà, đất có tranh chấp (do gia đình ông Huệ quản lý, sử dụng) là tài sản chung của cả 3 cụ (mỗi cụ có quyền sở hữu 1/3 tài sản) để chia thừa kế, cụ thể như sau:

    Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Quang Phúc đối với ông Nguyễn Đình Huệ về việc chia di sản thừa kế do cụ Nguyễn Trạng, cụ Huỳnh Thị Đương, cụ Nguyễn Thị Mến để lại gồm nhà và đất tại thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Giao cho anh Nguyễn Quang Phúc được sở hữu ngôi nhà xây, cây lưu niên gắn liền quyền sử dụng đất 521m2 tại thôn câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có giá trị tổng cộng là 83.411.355 đồng (có sơ đồ kèm theo).

    Giao cho ông Nguyễn Đình Huệ được quyền sử dụng diện tích đất 706m2 gắn với các công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu của ông Huệ, bà Văn tại thôn Câu Lâu Đông, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (có sơ đồ kèm theo). Các bên không phải thối trả giá trị cho nhau.

    Anh Nguyễn Quang Phúc có nghĩa vụ thối trả cho bà Nguyên Thị Liễu số tiền 22.748.655 đồng. Cháu Nguyễn Quang Yên và Nguyễn Quang Tĩnh mỗi cháu 1.516.577 đồng giao cho bà Lê Thị Hồng nhận thay.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ do chậm thi hành án và tuyên bố quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 20/12/2007, vợ chồng ông Huệ kháng cáo cho rằng nhà, đất có tranh chấp là tài sản do cụ Trạng, cụ Mến tạo lập sau khi cụ Đương chết; do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định là tài sản chung của 3 cụ để chia thừa kế là không đúng

    Ngày 02/01/2008, anh Phúc kháng cáo yêu cầu ông Huệ phải thanh toán chênh lệch kỷ phần thừa kế cho các thừa kế khác. Ngày 22/9/2009 (tại phiên toà phúc thẩm) anh Phúc rút kháng cáo.

    Tại Quyết định số95/2008/DSPT-QĐ ngày 22/8/2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng nhận định:

    Nguyên đơn rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn kháng cáo, nhưng "Trong 5 lần mở phiên tòa (vào các ngày 23/4/2008, 15/5/2008, 18/6/2008, 19/8/2008, 22/8/2008) thì có 4 phiên tòa (vào các ngày 23/4/2008, 15/5/2008, 19/8/2008, 22/8/2008) ông Nguyễn Đình Huệ và bà Trầm Thị Minh Văn vắng mặt. Xét việc ông Huệ, bà Văn nặc dù đã được tống đạt giấy báo phiên tòa hợp lệ nhiều lần, nhưng vẫn cố tình vắng mặt, gây khó khăn cho việc xét xử phúc thẩm… được coi là từ bỏ việc kháng cáo";

    Từ đó, quyết định:

    1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đôi với kháng cáo của ông Nguyễn Đình Huệ, bà Trần Thị Mình Văn và kháng của ông Nguyên Quang Phúc.

    2. Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2007/DSST ngày 18/12/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam có hiệu lực pháp luật kể tìm ngày 22/8/2008.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi có quyết định phúc thẩm, ông Huệ khiếu nại.

    Tại Quyết định số208/2009/KN-DS ngày 20/5/2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội Đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định phúc thẩm nêu trên, hủy bản án dân sự sơ thẩm số 05/2007/DSST ngày 18/12/2007 của Tòa. án nhân dân tình Quảng Nam; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm lại với nhận định :

    Về tố tụng :

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của ủy ban Thường vụ Quốc hội thì: Thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia". Như vậy, điều kiện để áp dụng Nghị quyết này là các giao dịch dân sự về nhà ở phải được xác lập trước ngày 01/7/1991, có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Trong vụ án này, giao dịch dân sự về thừa kế nhà ở xác lập trước ngày 01/7/1991 (các cụ Đương, Trạng, Mến đều chết trước ngày 01/7/1991) và có bà Nguyễn Thị Liễu đang định cư ở nước ngoài; tuy nhiên, việc bà Nguyễn Thị Liễu ra nước ngoài định cư vào thời điểm nào chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xác minh làm rõ, nhưng đã nhận đơn khởi kiện đề ngày 18/7/2007 của anh Nguyễn Quang Phúc để thụ lý giải quyết vụ án chia thừa kế là chưa đủ cơ sở

    Theo biên bản phiên tòa phúc thẩm (mở lần thứ nhất) ngày 23/4/2008 thì Tòa án cấp phúc thẩm hoãn phiên tòa vì bị đơn vắng mặt chưa rõ lý do". Như vậy ở lần triệu tập này không có căn cứ để xác định ông Huệ đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng.

    Phiên tòa phúc thẩm (lần thứ hai) ngày 15/5/2008, Tòa án cấp phúc thẩm hoãn phiên tòa với lý do Tòa án đã chấp nhận đơn của ông Huệ gửi ngày 06/5/2008, nội dung trình bày không nhận được giấy triệu tập phiên tòa ngày 23/4/2008, đồng thời đề nghị được xét xử phúc thẩm vào tháng 6/2008 vì ông đang điều trị bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh

    Phiên tòa phúc thẩm (lần thứ 3) ngày 18/6/2008 thì ông Huệ có mặt, nhưng vì vắng mặt nguyên đơn (ông Phúc), nên Tòa án cấp phúc thẩm hoãn phiên tòa.

    Phiên tòa phúc thẩm (lần thứ 4) ngày 19/8/2008, ông Huệ có mặt tại phiên toà, nộp giấy báo phiên tòa tại bàn thư ký lúc 8h (thư ký phiên tòa đã nhận giấy báo và ghi vào giấy báo), nhưng biên bản phiên tòa lại ghi vợ chồng ông Huệ vắng mặt là không chính xác.

    Phiên tòa phúc tham (lần thứ 5) ngày 22/8/2008. Theo biên bản lập lúc 5h ngày 21/8/2008 (BL260) thì ông Nguyễn Văn Tiến (thư ký Toà án nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cùng với các ông Huỳnh Mênh (cán bộ tư pháp xã Duy Phước), ông Đặng Ngọc Hùng (phó thôn) đến nhà vợ chồng ông Huệ để giao giấy báo phiên tòa, thông báo Tòa án sẽ xét xử phúc thẩm vào ngày hôm sau (22/8/2008) nhưng không giao được giấy báo vì ông Huệ không có nhà. Theo xác nhận của ông Hùng thì "...theo thông tin của bà con hàng xóm thì ông Huệ, bà Văn có mặt ở nhà, nhưng cố tình đóng cửa không nhận giấy báo". Tuy nhiên, theo đơn khiếu nại (kèm tài liệu) của vợ chồng ông Huệ thì sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hoãn phiên tòa ngày 19/8/2008 thì ông Huệ phải đi khám bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh quảng Nam, theo kết luận của bác sỹ thì ông Huệ "có những nốt nổi.. phổi phải"; theo xác nhận của ông Trần Thanh Tâm và ông Lê Châu Phú thì sau khi khám bệnh ông Huệ ở lại nhà ông Tâm ở Tam Kỳ (không về Duy Xuyên) để hàng ngày đến bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam điều trị ngoại trú đến ngày 23/8/2008. Như vậy, ở lần triệu tập phiên tòa này cũng không có căn cứ khẳng định là vợ chồng ông Huệ ở nhà nhưng không nhận giấy báo, nên lần triệu tập phiên tòa này không có cơ sở xác định ông Huệ được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng.

    Do đó, việc Toà án cấp phúc thẩm cho rằng vợ chồng ông Huệ, bà Văn cố tình vắng mặt là từ bỏ việc kháng cáo để đình chỉ việc xét xử phúc thẩm là không đúng quy định của pháp luật.

    Về nội dung:

    Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng trình bày rằng diện tích đất tranh chấp là do cụ Nguyễn Trạng và có Huỳnh Thị Đương tạo lập, sau khí cụ Đương chết, cụ Trạng kết hôn với cụ Mến và về ở trên đất này để xác định diện tích đất tranh chấp là tài sản chung của ba cụ Huỳnh Thị Đương, Nguyễn Trạng và Nguyễn Thị Mến để chia thừa kế là chưa đủ cơ sở vững chắc, bởi lẽ: trong hồ sơ còn có lời khai của nhiều nhân chứng (như những người trong gia tộc cụ Nguyễn Trạng của cụ Nguyễn Trấn, của cụ Nguyễn Văn Tiền, của cụ Nguyễn Thị Nhiều, của ông Nguyễn Bộn...) khẳng định diện tích đất tranh chấp mà cụ Trạng và cụ Đương tạo lập, sau khi cụ Đương chết, cụ Trạng đã giao lại cho vợ chồng con trai trường là ông Nguyên Thám quản lý, sử dụng; còn cụ Trạng kết hôn với cụ Mến và tạo lập nhà, đất khác để sinh sống (là nhà đất hiện có tranh chấp). Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đánh giá toàn diện lời khai của các nhân chứng, chưa xác minh làm ra nguồn gốc tài sản quyền sở hữu về tài sản, nhưng đã giải quyết yêu cầu chia thừa kế là không đủ căn cứ. Mặt khác, ông Nguyễn Đình Huệ là người quản lý, sử dụng ổn định căn nhà do cha, mẹ để lại, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm khi chia thừa kế đã buộc ông Huệ phải giao căn nhà này cho anh Nguyễn Quang Phúc quản lý, sử dụng là không phù hợp với thực tế.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    Căn Cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì cụ Nguyễn Trạng có hai vợ là cụ Huỳnh Thị Đương và cụ Nguyễn Thị Mến. Cụ Trạng và cụ Đương có 6 người con chung là: 1. Ông Nguyễn Thám (chết năm 1975) có 9 người con là các anh, chị Nguyễn Thị A, Nguyễn Thị Bê, Nguyễn Thị Xê, Nguyễn Quang Phúc, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Quang Phục, Nguyễn Quang Phước, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Quang Phú; 2. Ông Nguyễn Nhu (chết năm 1972) có 5 người con là các anh, chị Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Thị Hiển, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Quang Tám; 3. Bà Nguyễn Thị Hòe; 4. Bà Nguyễn Thị Muồn; 5. Ông Nguyễn Nghệ; 6. Bà Nguyễn Thị Liễu (hiện đang định cư tại Hoa Kỳ). Năm 1949, cụ Đương chết không để lại di chúc, năm 1950 cụ Trạng kết hôn với cụ Nguyễn Thị Mến. Cụ Trạng và cụ Mến có hai người con chung là ông Nguyễn Đình Huệ và ông Nguyễn Mười. Năm 1982, cụ Trạng chết, năm 1983 cụ Mến chết đều không để lại di chúc. Ngày 18/7/2007, anh Phúc khởi kiện cho rằng: bà Liễu ra nước ngoài định cư năm 1997, căn cứ Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế tài sản của cụ Trạng, cụ Đương vẫn còn; do vậy, anh Phúc yêu cầu Tòa án thụ lý, giải quyết chia thừa kế tài sản của cụ Trạng và cụ Đương vì cho rằng nhà, đất do gia đình ông Huệ quản lý, sử dụng là tài sản do cụ Trạng và cụ Đương tạo lập, cụ Mến chỉ có công tôn tạo đất, sửa chữa nhà, đồng thời anh Phúc đề nghị được nhận căn nhà mà gia đình ông Huệ đang quản lý sử dụng để ở và thờ cúng tổ tiên. Trong khi đó ông Huệ, ông Mười không đồng chia thừa kế, đồng thời cho rằng nhà, đất mà cụ Trạng, cụ Đương tạo lập chung thì cụ Trạng, cụ Mến đã giao lại cho ông Nguyễn Thám (là con trai trưởng của cụ Trạng với cụ Đương) quản lý, sử dụng; còn cụ Trạng và cụ Mến đi nơi khác tạo lập chỗ ở mới (là nhà đất có tranh chấp). Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế tài sản của cụ Trạng, cụ Đương, cụ Mến vẫn còn, từ đó chia thừa kế, còn Tòa án cấp phúc thẩm xác định bên kháng cáo được triệu tập hợp lệ 2 lần, nhưng vắng mặt được coi là từ bỏ việc kháng cáo, nên đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

    Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì:

    Về tố tụng:

    Ngày 28/10/1995, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật dân sự năm 1995 , tại Điều 4 của Nghị quyết nêu trên quy định "Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 "tạm thời chưa xem xét, giải quyết mà chờ thực hiện theo quy định của Quốc hội. Sau đó, ngày 20/8/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 trong đó, Điều 2 quy định về phạm vi áp dụng của Nghị quyết là hướng dẫn giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở đang thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01/7/1991"; trừ các "giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân xác lập trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tồ chức nước ngoài tham gia". Như vậy, theo quy định trên thì toàn bộ các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01/7/1991, có tranh chấp phải áp dụng Nghị quyết58/1998/NQ-UBTVQH10 để giải quyết (trừ loại giao dịch "mà có" người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước ngày 01/7/1991 tham gia, chỉ khi ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số1037/2006/NQ-TVQH11 ngày 27/7/2006 mới được giải quyết).

    Trong vụ án này, cụ Trạng, cụ Đương, cụ Mến chết trước ngày 01/7/1991, không để lại di chúc, ngày 18/7/2007 nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản là nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất; do đó, trường hợp này lẽ ra, cần phải xác minh làm rõ bà Nguyễn Thị Liễu ra nước ngoài định cư trước hay sau ngày 01/7/1991, thì mới có cơ sở để xác định tranh chấp thuộc phạm vi áp dụng của Nghị quyết 1037 hay Nghị quyết 58, thời hiệu khởi kiện về thừa kế tài sản của cụ Trạng, cụ Đương, cụ Mến còn hay đã hết? trên cơ sở này quyết định thụ lý vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện cho đương sự theo quy định tại Điều 168, 171 Bộ luật tố tụng dân sự mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh, làm rõ vấn đề trên, nhưng đã xác định ngày 18/7/2007, nguyên đơn khởi kiện là vẫn còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với tài sản của cụ Trạng, cụ Đương, cụ Mến; từ đó thụ lý, giải quyết chia thừa kế tài sản của các cụ Trạng, Đương, Mến là không đủ cơ sở Tòa án cấp phúc thầm không phát hiện ra sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm, nên vẫn thụ lý, giải quyết vụ án và xác định sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn (anh Phúc) và bị đơn (ông Huệ) kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút kháng cáo, còn bị đơn được triệu tập hợp lệ 2 lần, nhưng vắng mặt là từ bỏ việc kháng cáo; từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật là không đủ cơ sở, vi phạm thủ tục tố tụng, bởi lẽ: Phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất ngày 23/4/2008: ông Huệ vắng mặt, nhưng không có căn cứ để xác định ông Huệ đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt; Phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai ngày 15/5/2008: Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn của ông Huệ gửi ngày 06/5/2008, nội dung ông Huệ trình bày không nhận được giấy triệu tập phiên tòa ngày 23/4/2008, đồng thời đề nghị được xét xử phúc thẩm vào tháng 6/2008 vì ông đang điều trị bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh; Phiên tòa phúc thẩm lần thứ 3 ngày 18/6/2008: ông Huệ có mặt; Phiên tòa phúc thẩm lần thứ 4 ngày 19/8/2008: ông Huệ có mặt tại phiên tòa, nộp giấy báo phiên tòa tại bàn thư ký lúc 8h, thư ký phiên tòa đã nhận giấy báo và ghi xác nhận vào giấy báo, nhưng biên bản phiên tòa lại ghi vợ chồng ông Huệ vắng mặt là không chính xác; Phiên tòa phúc thẩm lần thứ 5 ngày 22/8/2008: Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ biên bản do thư ký Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên, cán bộ Tư pháp xã Duy Xuyên và cán bộ thôn lập lúc 15h ngày 21/8/2008 để xác định vợ chồng ông Huệ có mặt ở nhà, nhưng không nhận giấy báo là không đủ cơ sở (lẽ ra, có thể kết hợp với Công an khu vực kiểm tra tạm trú, tạm vắng để xác định chính xác vợ chồng ông Huệ có nhà hay không); trong khi đó, theo cung cấp của ông Huệ thì ngày 19/8/2008 ông không có ở Duy Xuyên mà đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam và ở lại Quảng Nam điều trị đến ngày 23/8/2008 đồng thời ông Huệ xuất trình bệnh án.

    Về nội dung:

    Trong quá trình giải quyết vụ án nhiều người làm chứng có lời khai với nội dung không thống nhất. Một số người làm chứng cho rằng nhà đất tranh chấp do cụ Trạng và cụ Đương tạo lập, cụ Mến kết hôn với cụ Trạng và về ở trên đất có tranh chấp. Một số người làm chứng khác như cụ Nguyễn Trấn, cụ Nguyễn Văn Tiền, cụ Nguyễn Thị Nhiều, ông Nguyễn Bộn... là những người trong gia tộc họ Nguyễn lại xác nhận nhà, đất tranh chấp đo cụ Nguyễn Trạng và cụ Mến tạo lập được sau khi cụ Đương chết; còn nhà, đất mà cụ Trạng và cụ Đương tạo lập chung thì cụ Trạng và cụ Mến đã giao cho vợ chồng ông Nguyễn Thám (là con trai trưởng của cụ Trạng với cụ Đương) quản lý, sử dụng (lời khai của những người làm chứng này phù hợp với lời khai của vợ chổng ông Huệ). Trong trường hợp này, lẽ ra, cần xem xét đánh giá toàn diện lời khai của những người làm chứng, xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu về tài sản có tranh chấp thì mới đủ cơ sở giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ những vấn đề trên, mà chỉ căn cứ lời khai của một số người làm chứng để xác định nhà đất có tranh chấp do cụ Trạng, cụ Đương tạo lập, sau khi cụ Đương chết cụ Trạng kết hôn với cụ Mến và về ở trên đất này để xác định là tài sản chung của 3 cụ để chia thừa kế là chưa đủ cơ sở vững chắc.

    Mặt khác, ông Huệ là người quản lý, sử dụng ổn định căn nhà ngói 3 gian do cụ Trạng, cụ Mến để lại, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại buộc ông Huệ phải giao căn nhà này cho anh Phúc quản lý, sử dụng là không hợp lý, hợp tình, không phù hợp với thực tế.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số95/2008/RDSPT-QĐ ngày 22/8/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 05/2007/DSST ngày 18/12/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là anh Nguyễn Quang Phúc với bị đơn là ông Nguyễn Đình Huệ; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Nghệ, bà Nguyễn Thị Hòe, bà Nguyễn Thị Muồn, bà Nguyễn Thị Liễu, chị Nguyễn Thị A, chị Nguyễn Thị Bê, chị Nguyễn Thị Cúc chị Nguyễn Thị Xê, anh Nguyễn Quang Thắng, chị Nguyễn Thị Hiển, chị Nguyễn Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng, anh Nguyễn Quang Vinh, ông Nguyễn Mười, bà Trần Thị Minh Văn.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam giải quyết lại theo đúng qui định của pháp luật.

     

     
    4464 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận