Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng dân sự (vay tài sản" giữa Bà Nguyễn Thị Tý và ông Nguyễn Văn Lộc

Chủ đề   RSS   
  • #265441 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng dân sự (vay tài sản" giữa Bà Nguyễn Thị Tý và ông Nguyễn Văn Lộc

    Số hiệu

    01/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng dân sự (vay tài sản" giữa Bà Nguyễn Thị Tý và ông Nguyễn Văn Lộc

    Ngày ban hành

    06/01/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    Ngày 06/01/2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng dân sự (vay tài sản), giữa các đương sự:

     Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Tý, sinh năm 1937; trú tại số nhà 21C Hồ Tùng Mậu, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; do ông Nguyễn Văn Sỹ, sinh năm 1957 làm đại diện theo Giấy uỷ quyền ngày 22/9/2003 của bà Nguyễn Thị Tý;

    Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1939 và bà Trần Thị Phục, sinh năm 1939; trú tại số nhà 50/3 Xuân An, phường 3 , thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

     Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Lê Thị Giàu, sinh năm 1955; trú tại số nhà 41/5 Phan Đăng Lưu, phường 1, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Bà Lê Thị Có, sinh năm 1959; trú tại số nhà 410B Hậu Giang, phường 12, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh;

    3. Ông Lê Văn Hiếu, sinh năm 1959; trú tại số nhà 17 Flint- Kitchener- Ontano - Canada;

    4. Bà Lê Thị Nghĩa, sinh năm 1962; trú tại số nhà 2337 Hồng Lạc, phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh;

    5. Bà Lê Thị Vân, sinh năm 1966; trú tại số nhà 04 Orchides 34000 Montellier - Pháp;

    6. Bà Lê Thị Xuân, sinh năm 1969; trú tại số nhà 460 bis Hậu Giang, phường 12, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh;

    7. Ông Lê Văn Dũng, sinh năm 1973, trú tại số nhà 21 Hồ Tùng Mậu, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;

    8. Ông Trần Thanh Việt, sinh năm 1967; trú tại số nhà 15 Trần Bình Trọng phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;

    9. Chị Nguyễn Thị Bích Thảo, sinh năm 1970; trú tại số nhà 50/3 Xuân An, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

    NHẬN THẤY

    Theo Đơn khởi kiện đề ngày 06/10/2002, lời trình bày của nguyên đơn - bà Nguyễn Thị Tý và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì thấy:

    Vào ngày 01/3/1996, ông Lê Văn Sang (chồng bà Nguyễn Thị Tý) có cho chị Nguyễn Thị Bích Thảo vay số tiền là 60 triệu đồng lãi suất được thoả thuận trả hàng tháng giữa hai bên. Khi nhận tiền, chỉ Thảo có viết giấy nhận tiền vào ngày 01/3/1996 với nội dung: "... có mượn của ông Lê Văn Sang... số tiền là 60 triệu đồng, có thế chấp một sổ hữu chủ nhà mang số 50/7 Nhà Chung Đà Lạt do ba má ... đứng tên là Nguyễn Văn Lộc và Trần Thị Phục…”

    Khi ông Sang bị bệnh, ông Sang có lên nhà ông Lộc, bà Phục trình bày toàn bộ việc vay mượn giữa chị Thảo và ông Sang và việc chị Thảo đưa sổ sở hữu nhà của ông Lộc, bà Phục để làm tin; theo đề nghị của ông Sang, hai bên đã ra công chứng để hợp pháp hoá việc thế chấp và khoản nợ vay của chị Thảo; anh Trần Thanh Việt (là con rể ông Sang) thay mặt cho ông Sang đã cùng với ông Lộc, bà Phục ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản số 01 ngày 07/11/1996, với nội dung (tóm tắt):

    Bên nhận thế chấp (bên A): ông Trần Thanh Việt, bên thế chấp: ông Nguyễn Văn Lộc, bà Trần Thị Phục (bên B). Bằng hợp đồng này bên B đồng ý thế chấp và bên A đồng ý nhận thế chấp ngôi nhà mang biển số 50/3 Xuân An, Đà Lạt thuộc quyền sở hữu của bên B (theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 10217/NĐXD Q57 do Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 08/4/1994; Ngôi nhà trên hai bên thoả thuận trị giá 100 triệu đồng, tài sản thế chấp trên dùng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán món nợ sau: Bên A đồng ý cho bên B vay 65 triệu đồng, lãi suất l,28%/tháng (trả lãi hàng tháng), thời hạn 13 tháng bắt đầu từ ngày 07/11/1996; Hàng tháng bên B phải trả cho bên A 5.000.000 đồng tiền gốc được trừ vào tiền nợ vay cùng với lãi hàng tháng trên số nợ gốc của tháng trước; bên A phải giao đủ tiền vay cho bên B, bảo quản giấy tờ sở hữu nhà thế chấp và trả lại cho bên B khi bên B đã thanh toán xong nợ vay và lãi; bên B có nghĩa vụ giao giấy tờ sở hữu nhà cho bên A khi đã nhận đủ tiền vay, trả lãi và nợ đúng hạn. Khi giao nhận giấy tờ, giao và trả tiền hai bên có nghĩa vụ lập biên nhận kèm theo... Hợp đồng thế chấp tài sản này được Phòng công chứng số 1 tỉnh Lâm Đồng xác nhận cùng ngày. Ông Sang tiếp tục giữ tài sản thế chấp là Sổ sở hữu nhà cửa số 50/3 Xuân An, Đà Lạt.

    Ngày 17/01/1997 ông Sang chết.

    Ngày 12/9/2002, anh Trần Thanh Việt có giấy uỷ quyền cho bà Nguyễn Thị Tý được toàn quyền quyết định, giải quyết và thu hồi món nợ theo nội dung các điều khoản ghi trong Hợp đồng thế chấp ký ngày 07/11/1996 được lập tại Phòng công chứng số 1 tỉnh Lâm Đồng.

    Ngày 06/10/2002, bà Nguyễn Thị Tý căn cứ vào Hợp đồng thế chấp lập ngày 07/11/1996, căn cứ vào Giấy uỷ quyền của anh Trần Thanh Việt ngày 12/9/2002, đã có đơn khởi kiện ông Nguyễn Văn Lộc và bà Trần Thị Phục yêu cầu bên thế chấp (ông Lộc, bà Phục) có nghĩa vụ trả số tiền đã vay là 65 triệu đồng, cùng lãi suất 1,28%/ kháng kể từ ngày 07/11/1996 cho đến nay theo đúng nội dung hợp đồng thế chấp.

    Tại phiên toà phúc thẩm ngày 27/11/2003 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, bà Tý khai việc vay mượn diễn ra vào năm 1996 giữa chồng bà Tý là ông Sang với ông Nguyễn Vãn Lộc, bà Trần Thị Phục, còn chị Thảo là người đến lấy tiền tại gia đình bà Tý. Vợ chồng bà Tý đã đưa cho chị Thảo 60 triệu đồng, lãi suất một tháng 1,28 %, do 4 - 5 tháng không trả lãi cho gia đình bà Tý nên số tiền mới là 65 triệu đồng (cả gốc và  lãi). Khi đến nhận tiền, chị Thảo đem theo sổ sở hữu nhà mang tên ông Lộc, bà Phục.Do không trả nợ nên 5 tháng sau mới đưa ra công chứng làm hợp đồng thế chấp, lúc đó ông Sang bị bệnh nên có nhờ con rể (anh Việt) đi công chứng thay cho cha. Ngày 17/01/1997, ông Sang mất. Gia đình bà Tý có 7 người con, nay bà Tý kiện ông Lộc và bà Phục, chứ không kiện chị Thảo để yêu cầu trả cho bà Tý số tiền 65 triệu đồng và lãi phát sinh đến tháng 8/2003, hiện gia đình bà Tý không có ý định chia thừa kế phần tài sản của ông Sang để lại.

    Người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn - ông Nguyễn Văn Sỹ thừa nhận trước đó cụ Nguyễn Thị Bích Thảo đã trả tiền lãi cho ông Sang được 02 tháng là 9.600.000đồng.

     Bị đơn - ông Nguyễn Văn Lộc và bà Trần Thị Phục trình bày:

    Trước đây ông Lộc, bà Phục không vay mượn, cũng không thế chấp nhà đất để vay tiền của gia đình bà Nguyễn Thị Tý; Sổ chứng nhận nhà cửa mang tên ông Lộc, bà Phục là do con gái Nguyễn Thị Bích Thảo lấy của gia đình mang đi cầm cho ông Sang vì Thảo có quan hệ làm ăn với ông Sang... Sau đó, ông Sang có đến phân trần về việc làm ăn với Thảo, lúc này ông Sang chuẩn bị đi mổ, nên để ông Sang yên tâm, ông Lộc, bà Phục đã đồng ý ký thế chấp nhà; trên thực tế hai bên không hề giao, nhận tiền bạc gì cả. Ông Lộc, bà Phục không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì lý do ông Lộc, bà Phục không nhận tiền của ông Sang và anh Việt nên không có nghĩa vụ trả nợ và đề nghị huỷ bỏ hợp đồng thế chấp.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - chị Nguyễn Thị Bích Thảo trình bày:

    Chị Thảo thừa nhận có vay của ông Lê Văn Sang 60 triệu đồng, có thế chấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại số 50/7 Nhà Chung (số mới là 50/3 Xuân An), thành phố Đà Lạt cho ông Sang để làm tin. Khi ông Sang bị bệnh phải đi mổ có lên nói với cha mẹ chị Thảo là ông Lộc, bà Phục về toàn bộ việc vay mượn của chị Thảo. Vì chị Thảo không có quyền gì trong sổ sở hữu nhà nên ông Sang đề nghị cha mẹ chị Thảo ký hợp đồng thế chấp. Việc ký hợp đồng là để mọi người cùng biết chị Thảo có nợ ông Sang 60 triệu đồng; hợp đồng này được ký giữa anh Trần Thanh Việt và ông Lộc, bà Phục là những người không liên quan gì đến khoản nợ. Trong hợp đồng còn khoản 4 (giao tiền và làm biên nhận) là chưa thực hiện. Việc trả nợ 60 triệu đồng do chị Thảo mượn nên chị Thảo sẽ có trách nhiệm trả, cha mẹ chị Thảo không liên quan. Do làm ăn bị thua lỗ nên chị Thảo chỉ đồng ý trả 1/2 số tiền nợ là 30 triệu đồng, không trả lãi và trả dần mỗi tháng 01 triệu đồng cho đến khi hết nợ. Nếu bà Tý được uỷ quyền của ông Sang kiện chị Thảo với tư cách là bị đơn về giấy ghi nợ ngày 01/3/1996 thì chị Thảo chấp nhận, còn nếu Toà án xét xử dựa vào hợp đồng đã được công chứng ngày 07/11/1996 giữa anh Việt và ông Lộc, bà Phục thì chị Thảo không liên quan trong hợp đồng đó.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - anh Trần Thanh Việt trình bày:

    Anh chỉ đứng tên dùm trong Hợp đồng thế chấp ngày 07/11/1996 thay cho ông Sang (bố vợ anh Việt) vì lúc đó ông Sang đang ốm nặng, việc giao tiền giữa các bên, anh Việt không biết. Khi ông Sang bị bệnh có lên nhà ông Lộc, bà Phục trình bày toàn bộ việc vay mượn giữa chị Thảo và ông Sang, chị Thảo có đưa sổ sở hữu nhà của cha mẹ cho ông Sang, nên hai bên ra công chứng để hợp pháp hoá việc thế chấp và khoản nợ vay của chị Thảo. Trên giấy nợ ghi 60 triệu đồng và 5 triệu đồng (là tiền lãi của tháng cuối cùng: 4.800.000 đồng và 200.000 đồng tiền công chứng) nên lập hợp đồng là 65 triệu đồng. Lúc làm hợp đồng thế chấp ông Sang không uỷ quyền gì; cho chị Thảo vay vô thời hạn nhưng lúc ký hợp đồng thế chấp thì thời hạn vay là 13 tháng; tiền chị Thảo nhận trước, khi ông Sang bệnh không yên tâm về việc trả nợ của chị Thảo mới nói ra công chứng ký hợp đồng thế chấp; trong hợp đồng này anh Việt không đưa tiền cho ông Lộc, bà Phục. Sau một thời gian dài không thấy ông Lộc, bà Phục trả nợ nên tháng 7/2002, anh Việt có ra phường làm giấy uỷ quyền cho mẹ vợ ông là bà Nguyễn Thị Tý đi kiện gia đình ông Lộc, bà Phục để đòi số tiền trên.

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 93/DSST ngày 23/6/2003, Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt đã quyết định "Bác yêu cầu kiện hợp đồng vay tài sản của Nguyên đơn ông Trần Thanh Việt, huỷ Hợp đồng thế chấp ngày 07/11/1996 giữa ông Việt với ông Lộc, bà Phục; huỷ bỏ quyết định đề biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02 ngày 09/12/2002 của Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt; trả lại ông Lộc, bà Phục giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa số10217/NĐ-XD-Q57 ngày 08/4/1994, bà Nguyễn Thị Tý được quyền thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông Sang để khởi kiện bà Nguyễn Thị Bích Thảo bằng một vụ án khác..."

    Ngày 01/7/2003, anh Trần Thanh Việt và bà Nguyễn Thị Tý có đơn kháng cáo.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 13/DSPT ngày 27/11/2003, Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định: "Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm số 93/DSST ngày 23/6/2003 của Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt điều tra xét xử lại. . ."

    Ngày 16/3/2004, Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt có Quyết định số 44/QĐ chuyển hồ sơ vụ án đến Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng giải quyết theo thẩm quyền.

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2006/DSST ngày 24/02/2006, Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định: 1. “Chấp nhận một phồn yêu cầu của nguyên đơn và Nguyễn Thị Tý buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Lộc, bà Trần Thị Phục có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Tý, bà Lê Thị Giàu, bà Lê Thị Có, ông Lê Văn Hiếu, bà Lê Thị Nghĩa, chị Lê Thị Vân, chị Lê Thị Xuân, anh Lê Văn Dũng số tiền nợ gốc là 60 triệu đồng và tiền lãi là 81.792.000 đồng, tổng cộng 141.792.000 đồng; 2. Tiếp tục giao cho bà Nguyễn Thị Tý, bà Lê Thị Giàu, bà Lê Thị Có, ông Lê Văn Hiếu, bà Lê Thị Nghĩa, chị Lê Thị Vân, chị Lê Thị Xuân, anh Lê Văn Dũng có trách nhiệm quản lý bảo quản 01 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa số 10217NĐ/XDQ57 ngày 08/4/1994 do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp mang tên Trần Thị Phục, Nguyễn Văn Lộc và thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện thế chấp tài sản...”

    Ngày 13/3/2006 chị Nguyễn Thị Bích Thảo, bà Trần Thị Phục và ông Nguyễn Văn Lộc có đơn kháng cáo.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số293/2006/DS-PT ngày 25/7/2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phục, ông Lộc và chị Thảo sửa một phần bổn án sơ thẩm về trách nhiệm trả nợ và án phí phải chịu. . . tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tý; buộc chị Nguyễn Thị Bích Thảo có nghĩa và hoàn trả cho ông Lê Văn Sang (do ông Sang chết ngày 27/10/1997, nên các đồng thừa kế của ông Sang là bà Lê Thị Tý vợ cha ông Sang và các con của ông Sang là: Lê Thị Giàu, Lê Thị Có, Lê Văn Hiếu, Lê Thị Nghĩa, Lê Thị Vân, Lê Thị Xuân và Lê Văn Dũng nhận), với số nợ gốc 60 triệu đồng, tiền lãi phát sinh là 81.792.000 đồng, tổng cộng 141.792.000 đồng; Tiếp tục giao cho bà Nguyễn Thị Tý và các anh chị Lê Thi Giàu, Lê Thị Có, Lê Văn Hiếu, Lê Thị Nghĩa, Lê Thị Vân, Lê Thị Xuân và Lê Văn Dũng có trách nhiệm quản lý 01 Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa số 10217NĐ/XDQ57 ngày 08/4/1994 do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp cho bà Trần Thị Phục và ông Nguyễn Văn Lộc đứng tên và sẽ thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về việc xử lý đối với tài sản thế chấp.. ."

    Ngày 21/4/2009, chị Nguyễn Thị Bích Thảo và ông Nguyễn Văn Lộc có đơn đề nghị xem xét lại Bản án dân sự phúc thẩm số293/2006/DS-PT ngày 25/7/2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định số261/2009/DS-KN-TKT ngày 11/6/2009, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số293/2006/DS-PT ngày 25/7/2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2006/DSST ngày 24/02/2006 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Bản án dân sự phúc thẩm số293/2006/DS-PT ngày 25/7/2006 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Quyết định kháng nghị số261/2009/DS-KN-TKT ngày 11/6/2009 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2006/DSST ngày 24/02/2006 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Bản án dân sự phúc thẩm số293/2006/DS-PT ngày 25/7/2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các đương sự thì có căn cứ xác định chị Nguyễn Thị Bích Thảo đã vay của ông Lê Văn Sang 60 triệu đồng và đã giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với nhà số 50/3 đường Xuân An, phường 3 , thành phố Đà Lạt do ông Nguyên Văn Lộc và bà Trần Thị Phục (bố, mẹ chị Thảo) đứng tên cho ông Sang để làm tin.

    Ngày 07/11/1996, anh Trần Thanh Việt (đại diện cho ông Sang) cùng ông Lộc, bà Phục ký Hợp đồng thế chấp, theo đó ông Lộc, bà Phục đồng ý thế chấp nhà 50/3 Xuân An, Đà Lạt (trị giá 100 triệu đồng) để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán món nợ vay 65 triệu đồng (với lãi suất 1,28%/tháng; thời hạn vay 13 tháng, kể từ ngày 07/11/1996). Hợp đồng này được Công chứng viên Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Lâm Đồng chứng nhận ngày 09/11/1996. Khi thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng này, chị Thảo có mặt và không phản đối; theo bà Phục khai thì ngoài vợ chồng bà, vợ chồng anh Việt, còn có ông Sang và chị Thảo. Việc ký hợp đồng này theo anh Việt và bà Tý là để hợp thức hoá khoản vay giữa chị Thảo với ông Sang từ ngày 01/3/1996. Hợp đồng thế chấp này các bên không thực hiện, không có việc giao nhận tiền, cũng không có việc chuyển gíao nghĩa vụ dân sự từ chị Thảo sang ông Lộc, bà Phục.

    Bà Tý (theo ủy quyền của anh Việt) căn cứ Hợp đồng thế chấp đề ngày 07/11/1996 để khởi kiến yêu cầu buộc bà Phục, ông Lộc (với tư cách bị đơn) thanh toán 65 triệu đồng và tiền lãi phát sinh...; Vì vậy, nếu theo đơn kiện thì bà Phục, ông Lộc là bị đơn trong vụ án. Tuy nhiên, trong vụ án này, chị Thảo là người vay tiền của ông Sang, còn ông Lộc, bà Phục là những người dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của chị Thảo (căn cứ vào lời trình bày của các đương sự). Do vậy, bà Tý phải khởi kiện yêu cầu chị Thảo trả nợ, nếu chị Thảo không trả được nợ gốc và lãi thì ông Lộc, bà Phục có trách nhiệm trả thay; nếu ông Lộc, bà Phục không trả được thì bà Tý có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá tài sản bảo lãnh để thu hồi nợ.

    Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng khi xét xử sơ thẩm vụ án này đã không xem xét, đánh giá đúng bản chất, giá trị pháp lý của hợp đồng thế chấp đề ngày 07/11/1996 nên đã xác định ông Lộc, bà Phục là bị đơn còn chị Thảo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc ông Lộc, bà Phục có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Tý và các con 60 triệu đồng nợ gốc và 81.792.000 đồng tiền lãi, tổng cộng 141.792.000 đồng là không đúng pháp luật.

    Toà án cấp phúc thẩm cũng xác định ông Lộc, bà Phục là bị đơn; chị Thảo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng sửa một phần án sơ thẩm buộc chị Thảo có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Lê Văn Sang (do ông Sang chết nên các đồng thừa kế của ông Sang là bà Tý và các con nhận) với số nợ gốc 60 triệu đồng và tiền lãi phát sinh 81.792.000 đồng, tổng cộng là 141.792.000 đồng; tiếp tục giao cho bà Tý và các con có trách nhiệm quản lý Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa cấp cho bà Phục và ông Lộc cũng là không đúng pháp luật.

    Về tiền lãi phát sinh của 60 triệu đồng gốc cũng cần được tính lại theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 313, Điều 473 Bộ luật dân sự 1995 và hướng dẫn tại mục 4 phần I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ tài chính hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản: “…Đối với các hợp đồng vay tài sản giao kết trước ngày 01/7/1996 thì chỉ tính số tiền lãi chưa trả theo quy định của Bộ luật dân sự; đối với khoản tiền lãi đã trả thì không phải giải quyết lại...”; ". ..Nếu mức lãi suất không vượt quá 50% mức lãi suất cao nhất của loại vay tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm vay, thì Toà án buộc bên vay phải trả lãi theo đúng mức lãi suất mà hai bên đã thoả thuận tại thời điểm này.

    Bởi các lẽ trên; căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 3 Điều 297; khoản 2, 3 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH

    Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2006/DSST ngày 24/02/2006 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Bản án dân sự phúc thẩm số293/2006/DS-PT ngày 25/7/2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

     

     
    6990 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận