Quyết định giám đốc thẩm xét xử ông Phạm Văn An về việc đòi quyền sở hữu nhà

Chủ đề   RSS   
  • #265519 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử ông Phạm Văn An về việc đòi quyền sở hữu nhà

    Số hiệu

    48/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử ông Phạm Văn An về việc đòi quyền sở hữu nhà

    Ngày ban hành

    06/12/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

      …..

    Ngày 06 tháng 12 năm 2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “đòi quyền sở hữu nhà" giữa:

    Nguyên đơn: Ông Phạm Văn Phúc, sinh năm 1954;

    Trú tại: Số 67 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội.

    Bị đơn:

    1. Ông Phạm Văn An, sinh năm 1956;

    Trú tại: Số 167 phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

    2. Ông Phạm Tiến Dũng, sinh năm 1961;

    Trú tại: Số 82 phố Hàng Bạc) quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Phạm Thị Ngân Bình sinh năm 1959 (Quốc tịch Hoa Kỳ hiện trú tại Hoa Kỳ).

    Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1956; trú tại P2, C1A, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (Hợp đồng ủy quyền ngày 10-7-2008).

    2. Ông Phạm Tiến Cường sinh năm 1967 (hiện trú tại Cộng hòa Liên bang Nga).

    3. Bà Ngô Thị Mai Lan, sinh năm 1958 ; trú tại số 67 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    4. Anh Phạm Quang Anh, sinh năm 1980;

    5. Cháu Phạm Thị Thu Trang, sinh năm 1997;

    Cùng trú tại: Số 67 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    6. Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, sinh năm 1960;

    7. Cháu Phạm Thanh Sơn, sinh năm 1996;

    Cùng trú tại: Số 167 phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

    8 . Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, sinh năm 1970 ;

    9 . Cháu Phạm Tiến Thành, sim năm 1993 ;

    10. Cháu Phạm Tiến Đạt, sinh năm 1996;

    Cùng trú tại Số 82 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 28-5-2007 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Phạm Văn Phúc trình bày:

    Năm 1982, ông mua nhà số 82 phố Hàng Bạc của vợ chồng cụ Nguyễn Thuận Vy và cụ Nguyễn Thị Gái với giá 750.000 đồng. Hợp đồng mua bán nhà ngày 20-10-1982 có chữ ký bên bán là cụ Vy, cụ Gái; chữ ký bên mua là ông và ông Phạm Văn An (em trai của ông). Hợp đồng có chứng thực của chính quyền địa phương nhưng chưa làm thủ tục sang tên quyền sở hữu nhà tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong số 750.000 đồng tiền mua nhà: có 500.000 đồng là của ông, còn lại 250.000 đồng là của ông An. Cùng năm 1982, nhà 82 phố Hàng Bạc bị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi do bị xét thuộc diện nhà có nguồn gốc bất minh (Z30).

    Năm 1993, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có thông báo kết luận việc giải quyết tồn đọng Z30, nhà 82 phố Hàng Bạc giao cho Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm xử lý, gia đình cụ Mạc (cha của ông) được trả lại 1 phần. Tại Quyết định số327/QĐ-UB ngày 20-01-1993, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định trả lại nhà 82 phố Hàng Bạc cho gia đình cụ Mạc. Quá trình Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm giải quyết trả lại nhà 82 phố Hàng Bạc, các anh em trong nhà không ai có trách nhiệm gì đối với ngôi nhà này, ông là người đã nộp 36.000.000 đồng vào ngân sách Nhà nước để lấy tại nhà 82 phố Hàng Bạc.

     Sau khi nhận lại nhà 82 phố Hàng Bạc, ông Dũng và ông An là người sử dụng nhà. Nay ông yêu cầu ông Dũng, ông An trả lại nhà 82 phố Hàng Bạc vì ngôi nhà này thuộc quyền sở hữu của ông.

    Bị đơn là ông Phạm Tiến Dũng và ông Phạm Văn An trình bày:

    Nguồn gốc nhà 82 phố Hàng Bạc là do cụ Mạc và cụ Lạng (cha mẹ của các ông) bỏ tiền ra mua. Khi mua nhà hai cụ để ông Phúc và ông An đứng tên hợp đồng vì lúc này hai ông đã đi làm đứng tên hợp đồng sẽ tiện cho việc giao dịch. Do đó, trong hợp đồng mua bán nhà 82 phố Hàng Bạc mới có chữ ký của ông An và ông Phúc.

    Sau khi mua nhà, do cụ Mạc bị quy thuộc diện Z30 nên nhà 82 phố Hàng Bạc bị Nhà nước tịch thu. Năm 1993, Nhà nước trả lại nhà 82 phố Hàng Bạc (thời điểm này cụ Mạc đã chết), ông Phúc được gia đình ủy quyền đi làm thủ tục nhận lại nhà. Sau khi nhận lại nhà cả mấy anh em cùng ở tại 82 phố Hàng Bạc để kinh doanh.

    Ngày 20-7-1999, anh em trong nhà đã họp bàn về tài sản của cha mẹ để lại, trong biên bản họp anh em đều thừa nhận nhà 67 phố Phùng Hưng và nhà 82 phố Hàng Bạc là tài sản của cha mẹ của các ông để lại. Từ năm 1999 đến nay, gia đình ông Phúc ở tại 67 phố Phùng Hưng, nhà 82 phố Hàng Bạc do các ông sử dụng. Ngày 25-5-2005, tại Uỷ ban nhân dân phường Hàng Bạc, ông Phúc đã cùng các ông thông nhất để tên cụ Mạc trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà 82 phố Hàng Bạc. Do đó, ngày 30-2-2005, Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà 82 phố Hàng Bạc, phần tên người sử dụng ghi “gia đình ông Phạm Văn Mạc (đã chết), ông Phạm Tiến Dũng đại diện gia đình đứng kê khai".

    Các ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phúc vì nhà 82 Phố Hàng Bạc là của cha mẹ các ông để lại, không phải của riêng ông Phúc.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/2009/DSST ngày 29-12-2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Phúc đòi quyền sở hữu nhà 82 phố Hàng Bạc đối với ông Dũng và ông An.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 05-01-2009, ông Phúc kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số134/2009/DS-PT ngày 07-9-2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định:

    Công nhận nhà 82 phố Hàng Bạc thuộc sở hữu của ông Phúc.

    Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 611293 ngày 30-12-2005 của Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cấp cho gia đình ông Phạm Văn Mạc.

    Ông Dũng là những người đang ở tại căn nhà 82 phố Hàng Bạc phải có trách nhiệm giao quyền sở hữu nhà này cho ông Phúc.

    Ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông An và ông Dũng có đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm.

    Tại Quyết định số06/QĐ-KNGĐT ngày 25-01-2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 134/2009/DSPT ngày 07-9-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên và giữ nguyên hiệu lực của bản án sơ thẩm số 19/2008/DSST ngày 29-2-2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với nhận định:

    Tại Quyết định thu hồi nhà số 85 QĐ/UB ngày 08-6-1983 và Quyết định trả nhà số237/QĐ-UB ngày 20-01-1993 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đều thể hiện việc thu nhà và trả nhà 82 phố Hàng Bạc cho gia đình cụ Phạm Văn Mạc. Nội dung biên bản giao trả nhà 82 phố Hàng Bạc ngày 13-2-1993 của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cũng thể hiện trả nhà cho gia đình cụ Mạc và ông Phạm Văn Phúc là người đại diện của gia đình có Mạc ký nhận nhà. Tại “Biên bản về việc giải quyết tồn tại Z30” lập ngày 04-9-1992, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và cụ Mạc thống nhất: chính quyền trả lại nhà 82 phố Hàng Bạc cho gia đình cụ Mạc và gia đình cụ Mạc có trách nhiệm thanh toán trả lại cho Hợp tác xã 202 số tiền “đầu tư sửa chữa nhà theo thời giá xây dựng tại thời điểm ra quyết định (sau khi đã được trừ đi 19 lạng vàng giá trị nhà của gia đình do Hợp tác xã phá đi)’’. Đến ngày 31-3-1997, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi 36.000.000 đồng của gia đình cụ Phạm Văn Mạc thanh toán kinh phí xã cải tạo xây dựng thêm ở 82 phố Hàng Bạc; ông Phúc là người đại diện cho gia đình cụ Mạc ký nộp tiền trong phiếu thu. Do đó, số tiền 36.000.000 đồng này là tiền trả cho Hợp tác xã 202 về xây dựng và sửa chữa nhà 82 phố Hàng Bạc khi nhà bị thu hồi theo thỏa thuận ngày 4-9-1992 giữa cụ Mạc và Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đây không phải là số tiền để mua lại nhà 82 phố Hàng Bạc.

     Mặt khác, sau khi cụ Lạng và cụ Mạc chết, ngày 26-7-1999, ông Phúc, ông An, ông Cương, ông Dũng đã cùng nhau lập “Biên bản chia tài sản " của bố mẹ để lại (có các ông bà trong họ làm chứng) gồm nhà 82 phố Hàng Bạc và nhà 67 phố Phùng Hưng cùng 550 cây vàng do cụ Mạc và cụ Lạng để lại. Cùng ngày, ông Phúc, ông An, ông Cường, ông Dũng lập biên bản bàn giao tài sản, thống nhất nhà số 82 phố Hàng Bạc thuộc quyền sở hữu cha ông An, ông Dũng, ông Cường.

    Hơn nữa, tại đơn trình báo của ông Phúc đề ngày 24-5-2006 gửi Ủy ban nhân dân phường Hàng Bạc và Công an phường Hàng Bạc có nội dung: “ Bố mẹ tôi qua đời, để lại cho anh em chúng tôi 2 ngôi nhà 67 Phùng Hưng và 82 pho Hàng Bạc (chủ sở hữu 2 ngôi nhà trên là ông Phạm Văn Mạc và bà Phạn Thị Lạng). Hiện tại ngôi nhà 82 phố Hàng Bạc tạm thời em tôi là Phạm Tiến Dũng trông coi sử dụng... Tôi đề nghị Ủy ban nhân dân phường và Công an phường không cho em tôi là Phạm Tiến Dũng sửa chữa, cải tạo nhà 82 Hàng Bạc vì đây là nhà đồng thừa kế. Hiện anh em chúng tôi chưa thống nhất được với nhau về chia thừa kế, khả năng phải nhờ tới Tòa án giải quyết theo pháp luật. Nay tôi đề nghị Ủy ban nhân dân phường và Công an phường để nguyên hiện trạng nhà 82 Hàng Bạc chờ giải quyết thừa kế”. Tại biên bản giải quyết về đơn trình báo này của ông Phúc tại Ủy ban nhân dân phường Hàng Bạc, ông Phúc cũng thừa nhận nhà 82 phố Hàng Bạc là nhà của bố mẹ để lại.

    Như vậy căn cứ vào các tài liệu nêu trên có đủ cơ sở để khẳng định nhà 82 phố Hàng Bạc là của cụ Phạm Văn Mạc và cụ Phạm Thị Lạng chết để lại, không phải là sở hữu riêng của ông Phúc. Do đo, Tòa cáp sơ thẩm bác yêu cầu đòi quyền sở hữu nhà 82 phố Hàng Bạc của ông Phúc là đúng. Tòa cấp phúc thẩm công nhận nhà 82 phố Hàng Bạc thuộc quyền sở hữu của một mình ông Phúc là sai. Nhà 82 phố Hàng Bạc là tài sản chung chưa chia của các đồng thừa kế. Nếu các đương sự yêu cầu chia tài sản chung thì giải quyết ở vụ kiện khác.

    Về tố tụng: Tòa cấp phúc thẩm tuyên“ Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 611293 ngày 30-12-2005 của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cấp cho gia đình ông Phạm Văn Mạc” là vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự”

     Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị số06/QĐ-KNGĐT ngày 25-01-2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Nguồn gốc ngôi nhà số 82 phố Hàng Bạc là của cụ Nguyễn Thuận Vy và cụ Nguyễn Thị Gái. Ngày 20-l0-1982, vợ chồng cụ Vy, cụ Gái có "Đơn xin mua bán nhà” số 82 phố Hàng Bạc cho ông Phạm Văn An và ông Phạm Văn Phúc với giá 750.000 đồng, đơn trên được Uỷ ban nhân dân phường Hàng Bạc và Hàng Mã chứng thực nhưng các bên chưa làm thủ tục sang tên quyền sở hữu.

    Năm 1983, thực hiện chính sách của Nhà nước (diện Z30), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định căn nhà 82 phố Hàng Bạc là của cụ Phạm Văn Mạc (cha của ông Phúc, ông An) được mua bằng nguồn tài sản bất minh và tại Quyết định số 85QĐ/UB ngày 08-6-1983, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thu hồi nhà 82 phố Hàng Bạc. Nhưng tại Quyết định số237/QĐ-UB ngày 20-01-1993, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trả lại nhà 82 phố Hàng Bạc cho gia đình cụ Mạc. Ngày 13-02-1993, ông Phúc là người đại diện cho gia đình cụ Mạc ký biên bản giao trả nhà và nhận lại căn nhà trên. Sau khi nhận lại nhà, ông Phúc ở tại 82 phố Hàng Bạc đến năm 1997 thì chuyển về ở tại ngôi nhà 67 phố Phùng Hưng (là tài sản của vợ chồng cụ Mạc); còn ông An và ông Dũng tiếp tục sử dụng nhà 82 phố Hàng Bạc và có hộ khẩu tại đây quá trình giải quyết vụ án ông Phúc cho rằng ông là người bỏ tiền ra mua nhà của cụ Vy và cụ Gái, cũng là người nộp 36.000.000 đồng vào ngân sách Nhà nước để nhận lại nhà nên nhà 82 phố Hàng Bạc thuộc quyền sở hữu của ông. Trong khi đó ông An, ông Dũng, bà Bình, ông Cường cho rằng cụ Mạc và cụ Lạng mới là người bỏ tiền mua nhà, ông Phúc và ông An chỉ đại diện đứng tên; do đó, sau khi hai cụ chết nhà 82 phố Hàng Bạc là di sản của hai cụ.

    Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì tuy hợp đồng mua bán nhà đứng tên ông Phúc và ông An nhưng tại Quyết định thu hồi nhà số 85QĐ ngày 08-6-1983 và Quyết định trả nhà số237/QĐ-UB ngày 20-01-1993, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đều xác định việc thu nhà và trả nhà 82 phố Hàng Bạc là do chính quyền thành phố thực hiện với gia đình cụ Mạc chứ không phải cá nhân ông Phúc còn ông Phúc chỉ là người đại diện gia đình do ông Phúc đứng tên chủ hộ tại sổ hộ khẩu ở 82 phố Hàng Bạc. Biên bản giao trả nhà 82 phố Hàng Bạc ngày 13-2- 1993 thể hiện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trả nhà cho gia đình cụ Mạc, còn ông Phúc chỉ là người đại diện cho gia đình ký nhận lại nhà. Đối với số tiền 36.000.000 đồng, ông Phúc cho rằng ông đã bỏ ra để mua tại nhà 82 phố Hàng Bạc, thực tế đây là số tiền Hợp tác xã 202 đầu tư sửa chữa nhà trong thời gian nhà nước quản lý và tại “ Biên bản về việc giải quyết tồn tại Z30" ngày 04-9-1992, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và cụ Mạc đã thống nhất gia đình Cụ Mạc có nghĩa vụ thanh toán cho Hợp tác xã 202 số tiền trên để nhận lại nhà. Ngày 31-3-1997, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thu 36.000.000 đồng của gia đình cụ Mạc về việc thanh toán kinh phí cải tạo, xây dựng thêm ở nhà 82 phố Hàng Bạc và ông Phúc là người đại diện cho gia đình cụ Mạc ký nộp tiền trong phiếu thu. Do đó, có cơ sở xác định số tiền 36.000.0000 đồng không phải là số tiền mà Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; bán nhà và ông Phúc bỏ ra để mua lại nhà 82 phố Hàng Bạc.

    Mặc khác, ngày 26-7-1999, ông Phúc cùng với ông An, ông Dũng, ông Cường đã lập “Biên bản chia tài sản” của cha mẹ để lại. Theo đó, các đương sự thống nhất xác định tài sản của cha mẹ các ông để lại gồm có nhà 82 phố Hàng Bạc, nhà 67 phố Phùng Hưng và 550 cây vàng. Cùng ngày, ông Phúc, ông An, ông Dũng, ông Cường còn lập "Biên bản bàn giao tài sản" có nội dung xác định kể từ ngày lập biên bản thì nhà 82 phố Hàng Bạc thuộc quyền sở hữu của ông An, ông Dũng, ông Cường.

    Hơn nữa, tại “Đơn trình báo" đề ngày 24-5-2006 gửi Uỷ ban nhân dân phường Hàng Bạc và Công an phường Hàng Bạc, ông Phúc đã khẳng định khi cha mẹ qua đời để lại nhà 82 phố Hàng Bạc, đây là “nhà đồng thừa kế" và đề nghị giữ nguyên hiện trạng nhà 82 phố Hàng Bạc để chờ giải quyết thừa kế. Tại biên bản họp giải quyết về đơn trình báo nêu trên của ông Phúc thì ông Phúc lại một lần nữa khẳng định nhà 82 phố Hàng Bạc là tài sản thừa kế. Như vậy, có căn cứ xác định quá trình chính quyền địa phương thu nhà, trả nhà; khi giải quyết tranh chấp ở địa phương và khi Tòa án giải quyết vụ án thì ông Phúc đã nhiều lần thừa nhận căn nhà 82 phố hàng Bạc là của cha mẹ của ông và xác định là tài sản thừa kế chưa chia.

     Ngoài ra, tại biên bản làm việc về việc cấp giây chứng nhận quyền sử dụng đất đối với căn nhà 82 phố Hàng Bạc ngày 25-5-2005, ông Phúc và ông An đã thống nhất ủy quyền cho ông Dũng đại diện gia đình kê khai, đăng ký và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nhà 82 phố Hàng Bạc nên ông Dũng (đại diện cho gia đình) đứng tên đăng ký kê khai và ngày 30-12-2005 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà 82 phố Hàng Bạc.

    Như vậy, với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở xác định căn nhà 82 phố Hàng Bạc ông Phúc, ông An đứng tên mua và ông Dũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản của cụ Mạc và cụ Lạng, khi hai cụ chết là di sản thừa kế chưa chia mà không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của ông Phúc. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi quyền sở hữu căn nhà 82 phố Hàng Bạc của ông Phúc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc ông Phúc nộp số tiền sửa nhà cho Hợp tác xã 202, việc ông Phúc đứng tên trong hợp đồng mua nhà và lời khai của ông Phúc để công nhận nhà 82 phố Hàng Bạc thuộc quyền sở hữu của ông Phúc là không có căn cứ. Do ông Phúc chỉ yêu cầu xác định ông là chủ sở hữu căn nhà trên, còn các đương sự khác chỉ yêu cầu công nhận căn nhà là tài sản thừa kế của cụ Mạc, cụ Lạng chưa chia mà chưa có yêu cầu chia nên nếu các đương sự có yêu cầu chia tài sản chung thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết bằng vụ kiện khác theo đúng quy định của pháp luật. Thêm nữa, trong thực tế ông Dũng chỉ là người đại diện cho những người thừa kế của vợ chồng cụ Mạc đứng tên đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đối với căn nhà 82 phố Hàng Bạc là không trái pháp luật. Nhưng khi giải quyết vụ án Tòa án cấp phúc thẩm lại hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 611293 ngày 30-12-2005 mà Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cấp cho gia đình cụ Mạc là không đúng thẩm quyền và không đúng quy định của pháp luật.

    Vì các lẽ trên; căn cứ khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Chấp nhận Quyết định kháng nghị số06/QĐ-KNGĐT ngày 25-01-2010 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

     Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 134/2009/DSPT ngày 07-9-2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giữ nguyên hiệu lực của bản án dân sự sơ thẩm số 19/2008/DSST ngày 29-12-2008 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án "Đòi quyền sở hữu nhà" giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn Phúc với bị đơn là ông Phạm Văn An và ông Phạm Tiến Dũng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.

     
    4399 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận