Quyết định giám đốc thẩm vụ án kinh tế tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết

Chủ đề   RSS   
  • #264215 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm vụ án kinh tế tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết

    Số hiệu

    06/2003/HĐTP-KT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm vụ án kinh tế tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết

    Ngày ban hành

    29/05/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ06/2003/HĐTP-KT NGÀY 29-05-2003
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CUNG CẤP VÀ 
    LẮP ĐẶT HỆ THỐNG LỌC NƯỚC TINH KHIẾT

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    ..................

    Tại phiên toà ngày 29-05-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế tranh chấp hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất nước uống tinh khiết Hải Cường; có trụ sở tại số 107B Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn: Doanh nghiệp tư nhân thương mại Dân Xuân (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ- kỹ thuật và thương mại Dân Xuân) có trụ sở tại số 106 Bis, đường 3 tháng 2, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY

    Ngày 03-07-2000 giữa Công ty TNHH thương mại sản xuất nước uống tinh khiết Hải Cường (sau đây gọi tắt là bên A) và Doanh nghiệp tư nhân thương mại Dân Xuân (sau đây gọi tắt là bên B) đã cùng nhau ký kết hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết số78/HĐLĐ- 2000 với nội dung chính như sau:

    Bên B nhận cung cấp và lắp đặt cho bên A một hệ thống xử lý nước dùng để sản xuất nước tinh khiết công suất 4m3/giờ, trị giá 1.420 USD và hệ thống lọc nước tinh khiết có công suất 2m3/giờ, trị giá 39.362,23 USD. Tổng giá trị hợp đồng là 40.782,23 USD (bao gồm cả thuế VAT). Thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 24 ngày, kể từ ngày nhận mặt bằng (16-09-2000), chậm nhất đến hết ngày 10/10/2000 phải xong. Phương thức thanh toán làm 4 đợt (đợt 1: 30% giá trị hợp đồng, đợt 2: 40% giá trị hợp đồng; đợt 3: 25% giá trị hợp đồng; đợt cuối là 5% giá trị hợp đồng). Trong quá trình lắp ráp, xử lý kỹ thuật, những vật tư phát sinh theo yêu cầu của bên A sẽ được thanh toán thêm theo giá thoả thuận. Thời gian bảo hành phần kỹ thuật thiết bị (phần cứng) là 1 năm.

    Thực hiện hợp đồng bên B đã tiến hành lắp đặt 2 hệ thống trên như thoả thuận. Ngày 08-11-2000 hai bên bàn giao vật tư và ký kết biên bản nghiệm thu vật tư thiết bị. Ngày 30-12-2000 hai bên ký biên bản nghiệm thu lắp đặt hệ thống hoàn thành, đồng thời cùng ký biên bản thanh lý hợp đồng. Sau khi hai hệ thống này đã được đưa vào hoạt động, bên A đã thanh toán cho bên B 95% giá trị hợp đồng, giữ lại 5% tiền bảo hành là 2.039,11 USD và thời hạn thanh toán cuối cùng là ngày 30-12-2001.

    Diễn biến tranh chấp: - Ngày 10-01-2001 doanh nghiệp Dân Xuân có Công văn số10/KT- 2001 gửi Công ty Hải Cường đề nghị xác nhận lại số tiền còn nợ của hợp đồng số 78/HĐLĐ là 2.039,11 USD.

    – Ngày 03-02-2001, 2 bên lập biên bản kiểm tra hệ thống lọc nước. Kết quả xác định cho thấy các cột siêu tinh lọc có các sợi bị gãy đoạn ở những mức độ khác nhau ở cả 6 cột của hệ thống lọc nước tinh khiết.

    – Ngày 09-03-2001, 2 bên lập biên bản xác nhận thông số làm việc của 2 bộ RO trước khi xử lý bảo hành và sau khi thay mới thuộc hệ thống lọc nước tinh khiết.

    – Ngày 31-03-2001 Công ty Hải Cường có công văn gửi cho doanh nghiệp Dân Xuân thông báo thiết bị của hệ thống lọc nước bị hư và yêu cầu Dân Xuân cử người và đem vật tư đến sửa chữa.

    – Ngày 9-04-2001 hai bên lập biên bản xác nhận tình trạng hư hỏng 6 bộ siêu lọc của hệ thống lọc nước tinh khiết. Kết quả 6 bộ siêu lọc RO đều bị gãy các sợi lọc. Đại diện doanh nghiệp Dân Xuân có tháo gỡ 1 bộ siêu lọc mang về để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

    Ngày 20-04-2001 Công ty Hải Cường có công văn gửi doanh nghiệp Dân Xuân thông báo thiết bị của hệ thống lọc nước tinh khiết bị hư và yêu cầu Dân Xuân cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra lại, giám định lại hệ thống máy.

    Ngày 09-05-2001 doanh nghiệp Dân Xuân có Công văn số 70 gửi Công ty Hải Cường yêu cầu thực hiện đúng theo nội dung thoả thuận của hợp đồng số42/HĐLĐ- 2001 ngày 12-04-2001.

    Ngày 30-05-2001 doanh nghiệp Dân Xuân có lập giấy xác nhận sửa chữa và thay vật tư là 04 màng RO. RE- 4040 TE; 01 màng RO- 4040.

    Ngày 02-06-2001 Công ty Hải Cường có công văn gửi cho doanh nghiệp Dân Xuân tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp Dân Xuân thực hiện đúng hợp đồng số78/HĐLĐ- 2000 ngày 03-07-2000 và hợp đồng số42/HĐLĐ- 2001 ngày 12-04-2001.

    Ngày 05-06-2001 Công ty Hải Cường có công văn gửi doanh nghiệp Dân Xuân tiếp tục yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng số 78 nêu trên, yêu cầu doanh nghiệp Dân Xuân cử nhân viên kỹ thuật đến sửa chữa bảo trì.

    Ngày 12-06-2001 doanh nghiệp Dân Xuân có Công văn số92/01- CV gửi Công ty Hải Cường yêu cầu thanh toán phần còn nợ cũng như thực hiện nghiêm chỉnh các thoả thuận trong hợp đồng.

    Qua nhiều lần thương lượng qua lại giữa các bên không thành.

    Ngày 10-07-2001 Công ty Hải Cường có đơn khởi kiện đối với doanh nghiệp Dân Xuân tới Toà Kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu:

    - Phải thay thế 8 lõi lọc RO mới trị giá 3.440 USD.

    – Phải lắp đặt hệ thống xử lý Nitrát của hợp đồng số42/HĐLĐ- 2001 ngày 12-04-2001 (nội dung này nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện trước phiên toà sơ thẩm).

    – Phải cử nhân viên kỹ thuật sửa chữa ngay hoặc trả số tiền 776 USD để Công ty Hải Cường lắp đặt thiết bị khác.

    – Phải bồi thường thiệt hại do không xử lý kịp thời hiện tượng tắc RO, làm giảm năng xuất máy, giảm sản lượng sản phẩm với giá trị 1/10 số tiền thiệt hại là 1.234.278.000 đồng thành tiền 123.427.800 đồng.

    Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 09/KTST ngày 16-01-2002 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    1/ Chấp nhận một phần yêu cầu Công ty Hải Cường buộc doanh nghiệp tư nhân Dân Xuân phải bồi thường cho Công ty Hải Cường 6 bộ siêu lọc bị hư hỏng trong thời gian bảo hành trị giá 1.695,30 USD, thanh toán bằng VNĐ tại thời điểm thanh toán theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh tại thời điểm thanh toán.

    – Phải trả cho Công ty Hải Cường tiền sửa chữa máy đo PH là 2.835.000 đồng.

    2/ Chấp nhận yêu cầu độc lập của doanh nghiệp tư nhân Dân Xuân, buộc Công ty Hải Cường phải trả cho doanh nghiệp tư nhân Dân Xuân 2.039,11USD tiền Công ty Hải Cường còn lưu giữ trong thời gian bảo hành.

    Án phí: - doanh nghiệp tư nhân Dân Xuân phải nộp 1.421.955 đồng án phí kinh tế sơ thẩm.

    – Công ty trách nhiệm hữu hạn nước uống tinh khiết Hải Cường phải nộp 13.031.269 đồng án phí kinh tế sơ thẩm.

    Ngày 23-01-2002 Công ty trách nhiệm hữu hạn nước uống tinh khiết Hải Cường có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm

    Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 15/KTPT ngày 07-05-2002 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Sửa Bản án sơ thẩm.

    Buộc doanh nghiệp tư nhân Dân Xuân phải bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Cường số tiền 146.916.678 đồng và 5.135,30 USD trong đó:

    – Tiền sửa máy đo PH:

    2.835.000 đồng

    – Tiền bồi thường thiệt hại

     

    do công xuất máy bị giảm sút:

    144.081.678 đồng

    – Tiền bồi thường 6 bộ siêu lọc:

    1.695,30 USD

    – Tiền bồi thường 8 màng lọc RO:

    3.440,00 USD

    Án phí: Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Cường phải nộp 7.833.914,48 đồng án phí kinh tế sơ thẩm.

    Doanh nghiệp tư nhân Dân Xuân phải nộp 9.799.385 đồng án phí kinh tế sơ thẩm.

    Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

    Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, doanh nghiệp tư nhân Dân Xuân có đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại kháng nghị số 01/2003/KT - TK đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 15/PTKT ngày 07-05-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nhận định:

    Hợp đồng cung cấp và lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết số78/HĐLĐ- 2000 ngày 03-07-2000 giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại sản xuất nước uống tinh khiết Hải Cường và Doanh nghiệp tư nhân thương mại Dân Xuân đã được hai bên thực hiện xong. Ngày 08-11-2000 hai bên đã lập biên bản nghiệm thu vật tư thiết bị với nội dung các vật tư thiết bị được chuyển giao đầy đủ đúng số lượng và yêu cầu kỹ thuật theo hợp đồng. Riêng than hoạt tính USA, bên B phải có tài liệu để chứng minh cho rõ xuất xứ. Ngày 30-12-2000 hai bên ký biên bản nghiệm thu với nội dung hệ thống lọc nước tinh khiết đã được lắp đặt hoàn chỉnh và đã vận hành tốt, nước đầu ra đạt kết quả kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn nước tinh khiết của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh. Cùng ngày 30-12-2000 hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng với nội dung bên B đã hướng dẫn qui trình kỹ thuật, cách vận hành sử dụng, chế độ bảo trì bảo dưỡng hệ thống cho bên A. Hệ thống trên đã được lắp đặt hoàn chỉnh và hoạt động tốt, đạt yêu cầu. Bên B đã bàn giao hệ thống cho bên A.

    Bên B sẽ bảo hành phần kỹ thuật thiết bị của hệ thống (phần cứng) là 12 tháng tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu công trình. Phần thanh toán bên A đã thanh toán cho bên B đợt 1: 30% giá trị hợp đồng; đợt 2: 40% giá trị hợp đồng. Riêng đợt 3: 25% giá trị hợp đồng được thanh toán ngay sau khi hệ thống lắp đặt xong, cho vận hành thử và ký biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng này.

    Bên A giữ lại số tiền bảo hành hệ thống là 5% giá trị hợp đồng với số tiền là 2039,11 USD được ngân hàng bên A xác nhận bảo lãnh và được chuyển vào tài khoản bên B ngay sau khi hết thời hạn bảo hành. Ngày 10-01-2001 bên A xác nhận còn nợ bên B số tiền 2039,11 USD còn được giữ lại trong thời hạn bảo hành. Trong thời hạn bảo hành giữa các bên đã xảy ra tranh chấp, Toà án cấp sơ thẩm buộc bên B phải bồi thường cho bên A giá trị 6 bộ siêu lọc và tiền sửa chữa máy đo PH và buộc bên A phải trả cho bên B số tiền còn giữ lại trong thời hạn bảo hành. Toà án cấp phúc thẩm buộc bên B phải trả cho bên A các khoản tiền theo quyết định của Bản án sơ thẩm và phải bồi thường thêm cho bên A tiền thay thế 8 màng lọc RO trị giá 3440 USD và 144.081.678 đồng do công suất máy bị giảm sút, thiết bị máy móc bị hư hỏng. Tuy nhiên Toà án cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ 8 màng lọc RO bên A tự mua về có được lắp ráp thay thế số bị hỏng hay không? Số bị hỏng loại ra có được lưu giữ để xác định nguyên nhân hư hỏng hay không? Vì sao thay thế 8 màng lọc RO này sản lượng nước lại đủ công suất thiết kế. Mặt khác, ngày 10-07-2001 bên A khởi kiện đối với bên B tới Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, mà tới ngày 13-07-2001 bên A mới mua 8 màng lọc này, nhưng trước đó chất lượng nước vẫn tốt (chỉ không đạt khối lượng công suất); trong khi bên B yêu cầu dừng hoạt động máy để tìm nguyên nhân hư hỏng, nhưng bên A không chấp nhận mà vẫn cho máy chạy hết công suất: Toà án cấp phúc thẩm chưa xác định được lỗi của bên nào, số sản lượng hao hụt thực tế bao nhiêu, chỉ căn cứ vào trình bày của bên A để buộc bên B phải bồi thường lượng nước hao hụt, trong khi lại không trừ số tiền bảo hành của bên B mà bên A vẫn lưu giữ là không đúng.

    Về 6 bộ siêu lọc bị hư hỏng, trị giá 1695,30 USD, thì thấy rằng tại biên bản nghiệm thu vật tư thiết bị ngày 8-11-2000 hai bên đã xác nhận các vật tư thiết bị được chuyển giao đầy đủ đúng số lượng và yêu cầu kỹ thuật theo hợp đồng số 78/HĐLĐ - 2000 ngày 03-07-2000. Riêng than hoạt tính USA bên B phải có tài liệu để chứng minh cho rõ xuất xứ. Sau khi công trình được hoàn thành, ngày 30-12-2000 hai bên ký biên bản nghiệm thu với nội dung: qua xem xét thực tế hệ thống lọc nước tinh khiết đã được lắp đặt hoàn chỉnh và đã vận hành tốt, nước đầu ra đạt kết quả kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn nước tinh khiết của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng ngày 30-12-2000 hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng với nội dung: bên B đã hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách vận hành sử dụng, chế độ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cho bên A. Hệ thống trên đã được lắp đặt hoàn chỉnh và hoạt động tốt, đạt yêu cầu. Bên B đã bàn giao hệ thống cho bên A. Sau gần 4 tháng đưa vào sử dụng thì phát hiện 6 bộ siêu lọc bị hư hỏng và bên A tự mình đề nghị kiểm tra giám định chất lượng hàng hoá. Tại giấy chứng nhận kết quả giám định số CF11/01.22. 1797 ngày 24-04-2001 của Trung tâm giám định hàng hoá xuất nhập khẩu đã kết luận các máy móc thiết bị là mới 100%, xuất xứ Ý, Mỹ, Canada... ngoại trừ mục 15 và 16 nêu trong bảng (06 bộ siêu lọc và 01 bộ đèn cực tím diệt khuẩn) bị hư hỏng, chất lượng không đạt yêu cầu so với hợp đồng mua bán, cần phải được thay thế. Việc hư hỏng 6 bộ siêu lọc này là có thật, nhưng chưa làm rõ hư hỏng do nguyên nhân nào? do kỹ thuật hay do sử dụng? Bên A đồng ý để bên B lấy về 1 bộ gửi sang Mỹ kiểm tra xác định nguyên nhân hư hỏng, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ bên B có thực hiện hay không?

    Việc xác định đúng nguyên nhân hư hỏng 6 bộ siêu lọc này làm cơ sở để buộc bên B phải chịu hoặc không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

    Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 09/KTST ngày 16-10-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế phúc thẩm số 15/PTKT ngày 07-05-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    Tại Kết luận số 07/KL - AKT ngày 17-03-2003 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo hướng chấp nhận kháng nghị, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    XÉT THẤY

    Tại Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 30-12-2000 các bên đã xác nhận: Bên B đã cung cấp và lắp đặt cho bên A một hệ thống xử lý nước dùng để sản xuất nước uống tinh khiết công suất 4m3/giờ từ nguồn nước giếng và một hệ thống lọc nước tinh khiết công suất 2m3/giờ theo hợp đồng số 78/HĐLĐ - 2000 đã ký ngày 03-07-2000.

    Bên B đã hướng dẫn qui trình kỹ thuật, cách vận hành sử dụng, chế độ bảo trì bảo dưỡng hệ thống cho bên A.

    Hệ thống trên đã được lắp đặt hoàn chỉnh và hoạt động tốt, đạt yêu cầu. Bên B đã bàn giao hệ thống cho bên A.

    Trong thời gian bảo hành một số thiết bị hư hỏng, bao gồm 6 bộ siêu lọc, 8 màng lọc RO, máy đo độ PH. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân của sự hư hỏng này do vật tư không đúng theo hợp đồng, hay do bên A vận hành sử dụng không đúng qui trình kỹ thuật dẫn đến thiết bị bị hư hỏng, chưa xác định lỗi của bên nào đã quyết định buộc bên B phải bồi thường cho bên A là chưa đủ căn cứ.

    Ngày 10-07-2001 bên A khởi kiện đối với bên B yêu cầu đòi bồi thường 8 màng lọc RO, nhưng ngày 13-07-2001, sau khi đã khởi kiện 3 ngày, bên A đã tự đi mua của cơ sở Trường Long 8 màng lọc RO trị giá 49.568.000 đồng và từ thời điểm đó thì hệ thống lọc nước tinh khiết đủ công suất thiết kế là 2m3/ giờ. Việc mua bán này là có thật hay không, chưa có cơ sở vững chắc; vì hợp đồng mua bán giữa bên A với cơ sở Trường Long không có ngày tháng; hóa đơn bán hàng không hợp lệ, không phải là hoá đơn có thuế giá trị gia tăng do Bộ Tài chính phát hành, phần người mua hàng không có chữ ký. Khi xảy ra sự cố kỹ thuật bên B đã yêu cầu cho dừng máy để xác định nguyên nhân hư hỏng, nhưng bên A không chấp nhận, như vậy bên A cũng phải chịu trách nhiệm.

    Toà án cấp phúc thẩm chưa xác định được lỗi của bên nào, số sản lượng hao hụt thực tế bao nhiêu, chỉ căn cứ vào trình bày của bên A, trên cơ sở bản tính toán sẵn của bên A để chấp nhận buộc bên B phải bồi thường cho bên A, hơn nữa lại không trừ số tiền bảo hành của bên B mà bên A vẫn đang lưu giữ là không đúng.

    Mặt khác, tại Điều 3 hợp đồng đã ký các bên thoả thuận thanh toán bằng đô la Mỹ, trong trường hợp bên A thanh toán bằng Việt Nam đồng thì trị giá USD sẽ được qui đổi căn cứ vào tỷ giá USD bán ra của Ngân hàng ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh vào từng thời điểm thanh toán cụ thể. Như vậy, Toà án cần phải điều tra xác minh lại để xác định là các bên có mở tài khoản ngoại tệ không? và thực tế hai bên đã thanh toán cho nhau bằng đồng tiền nào? Nếu việc thanh toán bằng đô la Mỹ mà một trong các bên không có tài khoản ngoại tệ thì các bên đã vi phạm điều cấm về chính sách quản lý ngoại hối được quy định tại Nghị định số 63/1998/NĐ - CP ngày 17-08-1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối, hợp đồng kinh tế nêu trên sẽ bị vô hiệu, Toà án sẽ không xem xét việc phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo qui định tại Điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,

    QUYẾT ĐỊNH

    Huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 09/KTST ngày 16-10-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế phúc thẩm số 15/KTPT ngày 07-05-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết sơ thẩm vụ án theo thủ tục chung.

     

    Lý do huỷ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    - Toà án đã chưa điều tra đầy đủ nên không xác định được chính xác lỗi của các bên,

    - Toà án chỉ căn cứ vào mức tính toán của bên A để buộc bên B phải bồi thường thiệt hại là không đúng.

    - Toà án cần làm rõ các vấn đề liên quan tới tài khoản ngoại tệ của các bên, thực tế các bên đã thanh toán với nhau bằng loại tiền nào và việc thanh toán này có vi phạm chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước hay không.

     

     
    3648 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận