Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265368 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    14/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    25/07/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 25 tháng 7 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Bà Trần Thị Nhuần, sinh năm 1921; trú tại: 16/31 khu phố Thắng Lợi, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

    Ngày 20-3-2002 bà Nhuần khởi kiện, sau đó ngày 21-02-2004 bà Nhuần chết, nên những người thừa kế của bà Nhuần là các con của bà Nhuần ủy quyền cho bà Lê Thị Ngon (chị) sinh năm 1947; trú tại:13/14 khu phố Thắng Lợi 2, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương (văn bản ủy quyền ngày 26-3-2004).

    Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Yến, sinh 1922; trú tại: 20/21 khu phố Thắng Lợi, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

    Bà Yến ủy quyền cho anh Trần Văn Bảnh (con trai), sinh năm 1959; trú tại: 482A khu phố Nguyễn Trãi, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương (văn bản ủy quyền ngày 23-10-2003).

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Tám; trú tại Hoa Kỳ, ủy quyền cho bà Trần Thị Thơ; trú tại: 33/16 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương  (văn bản ủy quyền ngày 12-01-2004).

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 20-3-2002 và trình bày bổ xung của phía nguyên đơn trong quá trình tố tụng thì: cụ Trần Căn Cần và cụ Lê Thị Xông (chết khoảng năm 1948) có 4 người con chung là:

    Ông Trần Văn Câu (chết) có 4 người con là chị Trần Thị Thơ, chị Trần Thị Đem, chị Trần Thị Coi và chị Trần Thị Tám.

    Bà Trần Thị Luận (chết) có 5 người con là anh Hồ Văn Ph­ước, chị Hồ Thị Mứt, chị Hồ Thị Giả, anh Hồ Ngọc Hải và chị Hồ Thị Dân.

    Bà Trần Thị Nhuần (chết năm 2004) có 6 người con là anh Lê Văn Ngó, anh Lê Văn Thắng, anh Lê Văn Đoan, chị Lê Thị Ngon (chị), chị Lê Thị Ngon (em) và chị Lê Thị Út.

    Ông Trần Văn Bành (chết) có vợ là bà Nguyễn Thị Yến.

    Cụ Cần và cụ Xông chết từ năm 1948 không để lại di chúc, tài sản hai cụ để lại là một căn nhà ngói âm d­ương 3 gian, nền đất, vách ván gỗ và một số cây ăn trái trên diện tích 6.700m2 đất, tọa lạc tại ấp Thắng Lợi, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Sau khi hai cụ chết, bà Luận và bà Nhuần đi lấy chồng ở chỗ khác, ông Bành kết hôn với bà Nguyễn Thị Yến vào năm 1954 và về ở trên nhà đất của hai cụ. Năm 1974, ông Bành chết, bà Yến tiếp tục quản lý, sử dụng nhà đất này cho đến nay. Năm 2001 bà Yến dỡ bỏ nhà cũ của các cụ, xây nhà mới hoàn toàn trên nền nhà cũ, cây trái thì bà Yến đã chặt bán hết, chỉ còn lại tre, tầm vông và một số tủ, ván. Nay nguyên đơn chỉ yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất, không yêu cầu chia thừa kế giá trị nhà, tủ, ván.

    Bị đơn (bà Yến) thống nhất với trình bày của nguyên đơn về nguồn gốc đất tranh chấp, nhưng cho rằng căn nhà ngói âm dương 3 gian không phải do cha, mẹ chồng xây dựng mà do vợ chồng bà xây dựng vào năm 1965; hơn nữa, từ đó đến nay vợ chồng bà đã nhiều lần sửa chữa, xây dựng lại nhà và trồng cây lâu năm, nhưng không ai phản đối, nên không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn và người có quyền lợi,  nghĩa vụ liên quan.

    Ông Hồ Văn Phước và bà Trần Thị Thơ đại diện cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (theo như bản án phúc thẩm ghi) thống nhất như trình bày của nguyên đơn và có yêu cầu chia thừa kế như yêu cầu của nguyên đơn.     

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 27/DSST ngày 31-8-2004, Toà án nhân dân tỉnh Bình D­ương quyết định:

     “1. Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Ngon (chị) và các nguyên đơn do bà Lê Thị Ngon (chị) đại diện về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Trần Văn Cần và bà Lê Thị Xông để lại.

    2. Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Lê Thị Ngon (chị) và các nguyên đơn do bà Lê Thị Ngon (chị) đại diện phải nộp 18.928.000 đồng, được trừ 500.000 đồng tạm ứng đã nộp. Báo cho các đương sự biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Lê Thị Ngon (chị) kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 67/DSPT ngày 11-3-2005, Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 27/DSST ngày 31-8-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Đình chỉ giải quyết vụ án”.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Lê Thị Ngon (chị) khiếu nại.

    Tại Quyết định số30/2008/KN-DS ngày 05-3-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 67/DSPT ngày 11-3-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 27/DSST ngày 31-8-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với nhận định:

    Có căn cứ xác định trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc diện tích đất có tranh chấp do bà Yến quản lý, sử dụng có nguồn gốc là của cụ Cần và cụ Xông. Tuy nhiên, nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng khi hai cụ chết, trên đất còn có căn nhà ngói 3 gian của hai cụ, còn bà Yến thì cho rằng căn nhà đó là do vợ chồng bà xây cất. Trong trường hợp này, lẽ ra Tòa án phải thu thập chứng cứ để xác định tại thời điểm cụ Cần và cụ Xông chết thì tài sản 2 cụ để lại có cả nhà và đất hay chỉ có đất không, trên cơ sở đó mới có căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế tài sản còn hay hết, vì cụ Cần và cụ Xông đều chết trước ngày 01-7-1991 (nếu tài sản 2 cụ để lại có nhà ở thì theo quy định tại Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991” và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-01-1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì đến ngày 10-3-2003mới hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế; còn trường hợp di sản của cụ Cần và cụ Xông để lại không có nhà ở thì thời hiệu khởi kiện thừa kế quyền sử dụng đất chỉ đến ngày 10-9-2000).

    Với các chứng cứ hiện có trong hồ sơ vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm xác định nhà, đất đang có tranh chấp không phải là tài sản của hai cụ và bác yêu cầu của nguyên đơn là chưa đủ căn cứ, còn Tòa án cấp phúc thẩm xác định di sản của cụ Cần và cụ Xông để lại không có nhà ở mà chỉ có đất không nên nguyên đơn khởi kiện vào ngày 20-3-2002 là khởi kiện khi đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế và quyết định hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án cũng là không đủ căn cứ.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Vợ chồng cụ Trần Văn Cần và cụ Lê Thị Xông chết vào khoảng năm 1948, không để lại di chúc. 

    Theo lời khai của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tài sản của cụ Cần, cụ Xông có căn nhà 3 gian lợp ngói âm dương, nền đất, vách ván trên diện tích đất 6.700m2 (hiện bà Nguyễn Thị Yến đang quản lý, sử dụng); năm 1954, bà Yến kết hôn với ông Bành và hai người về ở tại nhà đất của cụ Cần, cụ Xông; năm 2001, bà Yến mới dỡ bỏ nhà cũ của cụ Cần, cụ Xông để xây cất căn nhà như hiện nay; do đó, bà Nhuần (sau khi bà Nhuần chết thì các con của bà Nhuần) yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất và không yêu cầu chia giá trị căn nhà và các đồ dùng khác.

    Trong khi đó, bị đơn là bà Nguyễn Thị Yến thừa nhận nguồn gốc diện tích đất có tranh chấp là của cụ Cần, cụ Xông, nhưng lại cho rằng căn nhà 3 gian lợp ngói âm dương, nền đất, vách ván không phải là của cụ Cần, cụ Xông để lại mà do vợ chồng bà xây cất; quá trình quản lý, sử dụng vợ chồng bà đã nhiều lần sửa chữa nhà; năm 2001 bà phá bỏ nhà cũ, xây cất lại nhà mới và trồng thêm nhiều cây lưu niên, nhưng các con, cháu của cụ Cần và cụ Xông không phản đối; do đó, nhà, đất là của vợ chồng bà, bà không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

    Theo các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án (trong đó có lời khai các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Thìn, bà Phạm Thị Mên, ông Tô Công Dũ) thì khi còn sống cụ Cần, cụ Xông sinh sống tại nhà của các cụ tại thửa đất có tranh chấp; sau khi hai cụ chết, bà Luận và bà Nhuần lấy chồng về ở nhà chồng; năm 1954, bà Yến kết hôn với ông Bành và hai vợ chồng bà Yến sinh sống tại nhà, đất của cụ Cần, cụ Xông để lại. Thực tế, bà Yến cũng thừa nhận là sau khi kết hôn với ông Bành, bà Yến và ông Bành sống tại nhà, đất của cụ Cần, cụ Xông. Do đó, có căn cứ xác định sau khi cụ Cần, cụ Xông chết, tài sản của hai cụ để lại có nhà ở trên diện tích đất nêu trên. Như vậy, do cụ Cần, cụ Xông đều chết khoảng năm 1948 (trước ngày 01-7-1991) và do có bà Trần Thị Tám (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) đang định cư ở Mỹ, nên theo Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991; theo Nghị quyết số1037/2006/NQ-UBTVQH 11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt nam định cư ở nước ngoài tham gia và theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-01-1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì ngày 20-3-2002 bà Nhuần khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Cần và cụ Xông là vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế.

    Tòa án cấp sơ thẩm nhận định nguyên đơn không xuất trình đư­ợc căn cứ chứng minh khi cụ Cần và cụ Xông chết trên đất có nhà, trong khi đó bà Yến sử dụng đất từ năm 1958 đến nay và năm 2002 bà Yến đã đư­ợc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời cho rằng nếu nh­ư trư­ớc đây trên đất có nhà của cụ Cần, cụ Xông như­ nguyên đơn trình bày, thì quá trình sử dụng bà Yến đã sửa chữa nhiều lần và năm 2001 bà Yến tháo dỡ toàn bộ để xây dựng lại mới, như­ng các nguyên đơn và những ngư­ời có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến phản đối; từ đó quyết định bác yêu cầu chia thừa kế của bà Nhuần và của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không đúng; bởi vì: như trên đã phân tích là có căn cứ xác định sau khi cụ Cần, cụ Xông chết, tài sản của hai cụ để lại có nhà trên diện tích đất tranh chấp, nên việc Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Yến là không đúng theo quy định của Luật đất đai và chưa đủ căn cứ để khẳng định là khi bà Yến tháo dỡ nhà cũ, xây dựng nhà mới thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có biết mà không phản đối. Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định di sản của cụ Cần và cụ Xông để lại không có nhà ở mà chỉ có đất, nên nguyên đơn khởi kiện vào ngày 20-03-2002 là đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế, từ đó quyết định hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án cũng là không có căn cứ.

    Ngoài ra, theo các tài liệu có tại hồ sơ vụ án thì ngoài nguyên đơn và bị đơn còn có nhiều người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là các con, cháu của cụ Cần và cụ Xông (như chị Trần Thị Tám, chị Trần Thị Đem, chị Trần Thị Côi, chị Trần Thị Thơ, chị Hồ Thị Mức, anh Hồ Văn Giả, anh Hồ Ngọc Hải, chị Hồ Thị Dân và anh Hồ Văn Phước), nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Trần Thị Tám là xác định không đủ người tham gia tố tụng.

    Hơn nữa, khi còn sống, bà Nhuần có đơn khởi kiện ngày 20-3-2002, nên Tòa án xác định bà Nhuần là nguyên đơn trong vụ án là đúng; nhưng ngày 21-02-2004 (trước khi xét xử sơ thẩm) bà Nhuần đã chết, nên lẽ ra, phải xác định những người thừa kế của bà Nhuần là nguyên đơn trong vụ án mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định bà Nhuần là nguyên đơn trong vụ án là không đúng.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 67/DSPT ngày 11-3-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 27/DSST ngày 31-8-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Nhuần với bị đơn là bà Nguyễn Thị Yến; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Tám.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.                 

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Chưa đủ căn cứ để khẳng định khi bị đơn tháo dỡ nhà cũ, xây dựng nhà mới, những người có quyền lợi liên quan có biết mà không phản đối; thời hiệu khởi kiện vẫn còn, nên Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng; còn nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng các cấp Tòa án không đưa họ tham gia tố tụng là thiếu sót.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 30/05/2013 07:34:51 SA
     
    3406 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận