Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265363 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    12/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    16/08/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

    ……..

    Ngày 18 tháng 6 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa:    

    Nguyên đơn: Bà Vũ Thị Kim sinh năm 1942; trú tại tổ 5, Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội;

    Bị đơn: Ông Vũ Duy Mỗi sinh năm 1935; trú tại tổ 6, Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Vũ Thị Quang sinh năm 1934;

    2. Bà Vũ Thị Tầm sinh năm 1948;

    3. Anh Vũ Duy Thuyết sinh năm 1942;

    4. Anh Vũ Duy Kiệm sinh năm 1950;               

    5. Anh Vũ Duy Thiệp sinh năm 1953;

    6. Chị Vũ Thị Tiếp sinh năm 1958;

    Đều trú tại: Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 01-4-2002 và các lời khai của nguyên đơn là bà Vũ Thị Kim thì cụ Vũ Duy Mẫn có hai vợ là cụ Nguyễn Thị Bủng và cụ Nguyễn Thị Hai; cụ Mẫn và cụ Bủng có hai con chung là ông Vũ Duy Mần (ông Mần chết năm 1995 có vợ là bà Nguyễn Thị Tâm chết năm 1994; ông Mần và bà Tâm có bốn người con là các anh, chị Vũ Duy Thuyết, Vũ Duy Thiệp, Vũ Duy Kiệm, Vũ Thị Tiếp) và bà Vũ Thị Quang; cụ Mẫn và cụ Hai có hai con chung là ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim. Cụ Mẫn chết năm 1964, cụ Bủng chết năm 1978, cụ Hai chết năm 1969 đều không để lại di chúc; toàn bộ tài sản của các cụ để lại tọa lạc tại xóm 1, thôn Đại Từ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) bao gồm:

    - 5 gian nhà cổ lợp ngói, 3 gian nhà ngang cùng công trình phụ trên khoảng 1 sào 5 thước đất thổ cư.

    - 1 thửa đất (ao, vườn) khoảng 1 sào 3 thước, trên đất có trồng một số cây lưu niên như tre, xoan, dừa, ổi, vối.

    Năm 1957, ông Vũ Duy Mỗi lấy vợ là bà Đỗ Thị Á và vợ chồng về chung sống cùng các cụ tại 5 gian nhà cổ, sau đó ông Mỗi đi bộ đội đến năm 1962 thì giải ngũ nhưng lại về sống tại phố Đại La; năm 1966, bà Á tôn tạo lại thửa đất ao, vườn và làm nhà cấp 4 trên một phần thửa đất; năm 1972 ông Mỗi, bà Á ly hôn, bà Á vẫn ở tại nhà cấp 4 này đến năm 1977 thì dỡ nhà chuyển sang nơi khác sống; năm 1977, ông Mỗi và bà Nguyễn Thị Tầm (vợ 2) về sống tại thửa đất ao, vườn mà bà Á đã tôn tạo.

    Cùng thời gian này, bà có mở quán bán hàng nước trên một phần thửa đất, nhưng vì mâu thuẫn với gia đình ông Mỗi nên bà không bán hàng nữa; năm 1980, ông Mỗi chặt toàn bộ tre, xoan trên đất để dựng nhà 3 gian cấp 4 và 1 gian bếp; năm 1995, gia đình bà sửa lại gian quán bán hàng với diện tích khoảng 10m2 để tiếp tục sử dụng.

    Bà yêu cầu Toà án chia thừa kế di sản của cha mẹ để lại theo pháp luật. Trong quá trình tố tụng, bà (bà Kim) chỉ yêu cầu chia thừa kế di sản của cha mẹ để lại là đất ao, vườn; không yêu cầu chia thừa kế di sản là nhà, đất thổ cư.

    Bị đơn là ông Vũ Duy Mỗi trình bày rằng về quan hệ gia đình và nguồn gốc khối tài sản như bà Kim trình bày là đúng. Năm 1961 cụ Mẫn đã lập chúc thư cho ông sử dụng đất ao, vườn, nhưng khi đó ông không có nhà nên ông Vũ Duy Mần đã sử dụng đất và chặt hết các cây lưu niên trên đất; năm 1975, vợ chồng ông về ở trên đất, do trên đất không có tài sản gì nên vợ chồng ông đã đắp đất, xây nhà cấp 4, bếp; năm 1995, vợ chồng ông có xây thêm mấy gian nhà cấp 4, rồi bà Kim mượn 1 gian nhà để cho con gái mở hiệu cắt tóc, gội đầu, nhưng sau đó bà Kim đã phá gian nhà này và xây lại quán; năm 2001 ông đòi lại gian quán để quy hoạch lại đất ở, nhưng bà Kim không trả; nay bà Kim yêu cầu chia thừa kế, ông không đồng ý.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị Quang trình bày rằng về quan hệ gia đình và nguồn gốc khối tài sản như bà Kim, ông Mỗi trình bày là đúng. Bà Kim đã sử dụng đất ao, vườn của các cụ làm quán bán hàng cách đây gần 20 năm, nhưng do có mâu thuẫn nên tạm nghỉ vài năm, nay lại tiếp tục bán hàng; do có việc chia thừa kế, bà đề nghị ông Mỗi cho bà Kim sử dụng khoảng mấy chục mét vuông đất, còn bà không yêu cầu hưởng tài sản của cha mẹ trên thửa đất do ông Mỗi quản lý.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh, chị Vũ Duy Thuyết, Vũ Duy Thiệp, Vũ Duy Kiệm và Vũ Thị Tiếp (con của ông Vũ Duy Mần) đề nghị Tòa án hòa giải để giữ tình cảm trong gia tộc và không yêu cầu hưởng di sản trên thửa đất do ông Mỗi quản lý.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Tầm (vợ ông Mỗi) thống nhất với trình bày của ông Mỗi và bổ sung thêm là nếu bà Kim rút đơn khởi kiện thì vợ chồng bà đồng ý hỗ trợ cho bà Kim 36.000.000 đồng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 30/DSST ngày 19-8-2002, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì quyết định:

    - Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế nhà đất của bà Vũ Thị Kim đối với ông Vũ Duy Mỗi.

    - Xác định ngôi nhà cấp 4 ba gian cổ nằm trên diện tích đất 347m2 tại thửa 451 tờ bản đồ số 04 do ông Vũ Duy Thuyết đang quản lý và diện tích đất 106m2 tại thửa 449 tờ bản đồ số 04 do anh Vũ Duy Kiệm đang quản lý ở xóm 1 Đại Từ –Đại Kim- Thanh Trì – Hà Nội thuộc quyền sở hữu sử dụng trước đây của cụ Vũ Duy Mẫn, cụ Nguyễn Thị Bủng và cụ Nguyễn Thị Hai.

    - Xác định nhà đất do ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Tầm đang quản lý tại thửa 465, diện tích thực tế 449m2 tờ bản đồ số 04 ở tại xóm 1 Đại Từ, Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội. Trong đó, diện tích đất ở do các cụ Vũ Duy Mẫn, cụ Nguyễn Thị Bủng và cụ Nguyễn Thị Hai để lại là 335m2. Tổng giá trị di sản của các cụ là 1.008.114.606đ, phần xây dựng tôn tạo của vợ chồng ông Mỗi là  157.770.468đ và phần xây dựng tôn tạo của bà Kim là 2.574.460đ.

    - Ghi nhận việc khước từ không hưởng tài sản thừa kế của bà Vũ Thị Quang cùng các con của ông Vũ Duy Mần là: anh Vũ Duy Thuyết, anh Vũ Duy Kiệm, anh Vũ Duy Thiệp và chị Vũ Thị Tiếp đối với khối di sản của cụ Vũ Duy Mẫn, cụ Nguyễn Thị Bủng và cụ Nguyễn Thị Hai do ông Vũ Duy Mỗi đang quản lý sử dụng.

    - Ghi nhận việc khước từ không hưởng tài sản thừa kế của ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim đối với khối di sản của cụ Vũ Duy Mẫn, cụ Nguyễn Thị Bủng và cụ Nguyễn Thị Hai hiện do anh Vũ Duy Thuyết và anh Vũ Duy Kiệm đang quản lý sử dụng.

    - Giao anh Vũ Duy Thuyết được sở hữu sử dụng 3 gian nhà cấp 4 nằm trên diện tích đất 347m2 tại thửa 451 tờ bản đồ số 04 ở xóm 1 Đại Từ - Đại Kim - Thanh Trì - Hà Nội.

    - Giao anh Vũ Duy Kiệm được sử dụng, quản lý diện tích đất 106m2 thửa 449 tờ bản đồ số 04 ở xóm 1 Đại Từ, Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội.

    Xác định thời điểm mở thừa kế lần thứ nhất vào năm 1963 khi cụ Vũ Duy Mẫn mất.

    Xác định thời điểm mở thừa kế lần thứ hai vào năm 1970 khi cụ Nguyễn Thị Hai mất.

    Xác định thời điểm mở thừa kế lần ba vào năm 1978 khi cụ Nguyễn Thị Bủng mất.

    Bác yêu cầu chia thừa kế theo di chúc của ông Vũ Duy Mỗi đối với phần di sản do cụ Mẫn và cụ Bủng để lại.

    Chúc thư do ông Mỗi xuất trình đã được Viện nghiên cứu Hán nôm hiệu đính ngày 19-5-1999 là chúc thư không có giá trị pháp lý.

    Các cụ Mẫn, cụ Bủng và cụ Hai không có di chúc để lại nên di sản của các cụ được chia thừa kế theo pháp luật.

    Hàng thừa kế thứ nhất của các cụ còn lại là ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim, mỗi kỷ phần có giá trị là 504.057.303đ.

    Xác định công sức trông nom quản lý di sản của ông Mỗi và bà Kim bằng 1/10 kỷ phần thừa kế của bà Kim, trong đó ông Mỗi hưởng 2/3 là 33.603.820đ. Bà Kim hưởng 1/3 là 16.801.910đ.

    Bà Kim chịu 1/2 công sức tôn tạo nền do ông Mỗi, bà Tầm bỏ ra là  6.130.000đ.

    Trị giá kỷ phần di sản của bà Kim còn được hưởng là 464.323.483đ.

    Trị giá kỷ phần di sản của ông Mỗi còn được hưởng là 543.791.123đ.

    Về chia hiện vật cụ thể như sau:

    Chia bà Kim phần di sản trị giá bằng 1/3 mái bếp nằm trên diện tích đất ở có các chiều: Chiều giáp mặt đường (phía Bắc) dài 8,2m được tính từ ranh giới quán nhà bà Kim kéo thẳng cho đến hết gian quán bán hàng nhà ông Mỗi. Từ đường làng nhìn vào về phía tay phải giáp ao HTX về phía tay trái giáp nhà cấp 4 (xây năm 1980) và sân gạch của ông Mỗi mỗi chiều dài 12m, chiều rộng phía Nam được nối bằng một đường thẳng của 2 điểm cuối giáp ao HTX và nhà, sân của ông Mỗi. Tổng diện tích đất bà Kim được chia là 98,4m2, trên đất có quán bán hàng nhà bà Tầm, ông Mỗi đất cấp 4 và nhà tạm bám mái gạch kê thửa đất giáp ao HTX. Tổng giá trị là 308.807.354đ. Bà Kim phải tự mở lối đi ra đường làng.

    Chia ông Vũ Duy Mỗi phần di sản trị giá 1/3 mái nhà cấp 4 (xây năm 1980) và sử dụng tài sản do 2 vợ chồng tôn tạo, xây dựng lập nằm trên diện tích đất còn lại là 236,6m2. Có giá trị di sản là 712.839.000đ. Giá trị tài sản do 2 vợ chồng tạo dựng là 144.237.114đ. Tổng cộng là 857.076.114đ. Tự mở lối đi ra đường làng.

    Ông Mỗi phải có trách nhiệm thanh toán khoản tiền chênh lệch cho bà Kim là 155.516.129đ.

    Đối với diện tích gia đình ông Mỗi có lấn ra đất công, đã có công trình xây dựng và diện tích đất 5% của cụ Hai được HTX chia cho bà Kim đã sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Thanh Trì.

    Bác toàn bộ các yêu cầu khác của các bên đương sự.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

    Ngày 21-8-2002, ông Vũ Duy Mỗi kháng cáo cho rằng cha mẹ ông đã có di chúc để lại cho ông toàn bộ đất tranh chấp, nếu trong trường hợp buộc phải chia thừa kế thì đề nghị xem xét thỏa đáng công sức của vợ chồng ông.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 218/DSPT ngày 22-11-2002, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ của ông Vũ Duy Mỗi.

    Về nội dung: Sửa một phần bản án sơ thẩm và xử:

    1- Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế nhà đất của bà Vũ Thị Kim đối với ông Vũ Duy Mỗi.

    - Xác định 03 gian nhà cổ cấp 4 nằm trên diện tích đất 347m2 tại thửa số 451, tờ bản đồ số 04 do ông Vũ Duy Thuyết đang quản lý và diện tích đất 106m2 tại thửa số 449, tờ bản đồ số 04 do ông Vũ Duy Kiệm đang quản lý ở xóm 1 thôn Đại Từ - xã Đại Kim- Thanh Trì - Hà Nội là thuộc quyền sở hữu và sử dụng trước đây của cụ Vũ Duy Mẫn, Nguyễn Thị Bủng và Nguyễn Thị Hai.

    - Xác định nhà đất do ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim đang quản lý tại thửa số 465, tờ bản đồ số 04 diện tích đo thực tế là 449m2 ở xóm 1 Đại Từ - Đại Kim- Thanh Trì - Hà Nội. Trong đó di sản của cụ Mẫn, cụ Bủng và cụ Hai để lại gồm: 1/3 mái bếp làm năm 1980 giá 74.646 đ, 1/3 mái nhà làm năm 1980 giá 3.039.960 đ và 335m2 đất trị giá 1.005.000.000đ. Cộng là 1.008.114.606đ.

    - Xác định phần xây dựng tôn tạo của vợ chồng ông Mỗi trên đất trị giá  157.770.468 đ và của bà Kim trị giá 2.574.460đ.

    2) Ghi nhận việc khước từ không hưởng tài sản thừa kế của bà Vũ Thị Quang cùng các con của ông Vũ Duy Mần là ông Vũ Duy Thuyết, ông Vũ Duy Kiệm, ông Vũ Duy Thiệp và bà Vũ Thị Tiếp đối với khối di sản của cụ Mẫn, cụ Bủng và cụ Hai để lại hiện do vợ chồng ông Vũ Duy Mỗi và bà Kim đang quản lý sử dụng.

    - Ghi nhận việc khước từ không hưởng tài sản thừa kế của ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim đối với khối di sản của cụ Mẫn, cụ Bủng và cụ Hai để lại hiện do gia đình ông Vũ Duy Thuyết và ông Vũ Duy Kiệm đang quản lý sử dụng.

    - Giao cho ông Vũ Duy Thuyết được sở hữu sử dụng 03 gian nhà cấp 4 nằm trên diện tích đất 347m2 tại thửa số 451, tờ bản đồ số 04 ở xóm 1 Đại Từ - Đại Kim - Thanh Trì - Hà Nội.

    - Giao cho ông Vũ Duy Kiệm được sử dụng, quản lý diện tích đất 106m2 tại thửa số 449, tờ bản đồ số 04 ở xóm 1 Đại Từ - Đại Kim – Thanh Trì – Hà Nội.

    3) Xác định thời điểm mở thừa kế lần thứ nhất là năm 1963 khi cụ Vũ Duy Mẫn chết, thời điểm mở thừa kế lần thứ hai là năm 1970 khi cụ Nguyễn Thị Hai chết, thời điểm mở thừa kế lần thứ ba là năm 1978 khi cụ Nguyễn Thị Bủng chết.

    - Xác định chúc thư do ông Mỗi xuất trình đã được Viện nghiên cứu Hán nôm hiệu đính ngày 19-5-1999 là chúc thư không có giá trị pháp lý.

    - Bác yêu cầu chia thừa kế theo di chúc của ông Vũ Duy Mỗi đối với phần di sản của các cụ Mẫn, cụ Bủng để lại.

    -  Xác nhận cụ Mẫn, cụ Bủng và cụ Hai không có di chúc để lại nên di sản của các cụ được chia thừa kế theo pháp luật.

    - Xác định công sức trông nom, bảo quản và duy trì khối di sản của ông Mỗi là 252.028.652đ, của bà Kim là 16.801.910đ.

    - Sau khi trừ công sức của bà Kim và ông Mỗi, khối di sản còn lại trị giá 739.284.044đ được chia thừa kế theo pháp luật.

    - Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Mẫn, cụ Hai và cụ Bủng còn lại là ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim. Mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng 369.642.022đ.

    - Bà Kim phải thanh toán trả cho vợ chồng ông Mỗi tiền đổ đất tôn nền là 6.130.000đ.

    Cụ thể: ông Mỗi được hưởng bằng giá trị là 627.800.674đ và bà Kim được hưởng bằng giá trị là 380.313.932đ.

    4- Chia hiện vật như sau:

    - Chia cho bà Vũ Thị Kim phần di sản trị giá bằng 1/3 mái bếp nằm trên diện tích đất ở có các chiều: Chiều giáp mặt đường (phía Bắc) dài 8,2m được tính từ danh giới quán nhà bà Kim với nhà cấp 4 của ông Mỗi làm năm 1980 kéo thẳng về phía bên tay phải đứng từ đường nhìn vào cho đến hết gian quán bán hàng nhà ông Mỗi. Chiều phía Tây giáp ao hợp tác dài 12m tính từ danh giới giáp đường làng kéo vào phía trong của thửa đất. Chiều phía đông dài 12m tính từ điểm tiếp giáp giữa gian quán của bà Kim và nhà cấp 4 do ông Mỗi làm năm 1980 với đường làng kéo vào phía trong của thửa đất. Chiều phía Nam được nối bằng 1 đường thẳng của hai điểm cuối cạnh phía Tây và cạnh phía Đông. Tổng diện tích đất bà Kim được chia là 98,4m2 trên đất có quán bán hàng, bếp cấp 4 và nhà tạm bán mái của vợ chồng ông Mỗi làm và gạch kẻ thửa đất giáp ao hợp tác xã. Tổng giá trị nhà đất của bà Kim được chia là 308.807.354đ.

    - Chia cho ông Vũ Duy Mỗi phần di sản trị giá 1/3 mái nhà cấp 4 (xây năm 1980) và được sở hữu tài sản do vợ chồng ông Mỗi xây dựng nằm trên diện tích đất còn lại là 236,6m2. Tổng giá trị nhà đất ông Mỗi được chia là 857.076.114đ, trong đó phần di sản có giá trị là 712.839.000đ và phần tài sản do vợ chồng ông Mỗi tạo dựng là 144.237.114đ.

    - Bà Kim và ông Mỗi phải tự mở lối đi trên phần diện tích nhà đất của mình được chia để đi ra đường làng.

    - Ông Mỗi phải có trách nhiệm thanh toán tiền chênh lệch về tài sản cho bà Kim là 70.506.578đ.

    5) Đối với diện tích đất công do gia đình ông Mỗi lấn chiếm đã có các công trình xây dựng và diện tích đất 5% của cụ Hai được Hợp tác xã chia cho bà Kim đã sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì.

    - Bác tất cả các yêu cầu khác của các đương sự.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Vũ Duy Mỗi khiếu nại cho rằng bà Kim khởi kiện yêu cầu chia thừa kế khi đã hết thời hiệu, nhưng Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án là không đúng; mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bản chúc thư do cha ông để lại không có giá trị pháp lý là không đúng.

    Tại Quyết định số105/KN-VKSTC-V5 ngày 06-10-2003, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 218/DSPT ngày 22-11-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, sửa bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số232/GĐT-DS ngày 10-12-2003, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao quyết định:

    Hủy bản án sơ thẩm số 30/DSST ngày 19-8-2002 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì và bản án phúc thẩm số 218/DSPT ngày 22-11-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

    Giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân thành phố Hà Nội điều tra xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 23, 28-7-2004, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    1) Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế nhà đất của bà Vũ Thị Kim đối với ông Vũ Duy Mỗi.

    - Xác định 03 gian nhà cổ cấp 4 nằm trên diện tích đất 347m2 tại thửa số 451 tờ bản đồ số 04 do ông Vũ Duy Thuyết đang quản lý và diện tích đất 106m2 tại thửa số 449 tờ bản đồ số 04 do ông Vũ Duy Kiệm đang quản lý tại xóm 1 thôn Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội thuộc quyền sở hữu và sử dụng trước đây của cụ Vũ Duy Mẫn, cụ Nguyễn Thị Bủng, cụ Nguyễn Thị Hai.

    - Xác định nhà đất do ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim đang quản lý tại thửa số 465 tờ bản đồ số 04 diện tích đo thực tế là 449m2tại xóm 1 (nay là tổ 6) Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Trong đó di sản của cụ Mẫn, cụ Bủng, cụ Hai để lại gồm một phần mái nhà làm năm 1980, một phần mái bếp làm năm 1980 và 335m2 đất có tổng trị giá thành tiền là 1.005.000.000 đồng.

    - Xác định phần xây dựng tôn tạo của vợ chồng ông Mỗi, bà Tầm trên đất có giá trị 157.770.468 đồng và của bà Kim có giá trị 2.574.460 đồng.

    2) Ghi nhận việc khước từ không hưởng tài sản thừa kế của bà Vũ Thị Quang cùng các con của ông Vũ Duy Mần là ông Vũ Duy Thuyết, ông Vũ Duy Kiệm, ông Vũ Duy Thiệp và bà Vũ Thị Tiếp đối với khối di sản của cụ Mẫn, cụ Bủng, cụ Hai để lại hiện do vợ chồng ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim đang quản lý sử dụng.

    - Ghi nhận việc khước từ không hưởng tài sản thừa kế của ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim đối với khối di sản của cụ Mẫn, cụ Bủng, cụ Hai để lại hiện do gia đình ông Vũ Duy Thuyết, ông Vũ Duy Kiệm đang quản lý sử dụng.

    - Giao cho ông Vũ Duy Thuyết được sở hữu sử dụng 03 gian nhà cấp 4 nằm trên diện tích đất 347m2 tại thửa số 451 tờ bản đồ số 04 tại xóm 1 Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.

    - Giao cho ông Vũ Duy Kiệm được sử dụng diện tích đất 106m2 tại thửa số 449 tờ bản đồ số 04 ở xóm 1 Đại Từ, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.

    3) Xác định thời điểm mở thừa kế lần thứ nhất là năm 1963 khi cụ Vũ Duy Mẫn chết. Thời điểm mở thừa kế lần thứ hai là năm 1969 khi cụ Nguyễn Thị Hai chết. Thời điểm mở thừa kế lần thứ ba là năm 1978 khi cụ Nguyễn Thị Bủng chết.

    - Xác định chúc thư do ông Mỗi xuất trình đã được Viện nghiên cứu Hán nôm hiệu đính ngày 19-5-1999 là chúc thư không có giá trị pháp lý.

    - Bác yêu cầu chia thừa kế theo di chúc của ông Vũ Duy Mỗi đối với phần di sản của các cụ Mẫn, cụ Bủng để lại.

    - Chia thừa kế theo pháp luật.

    - Xác định công sức trông nom, bảo quản và duy trì khối di sản của ông Mỗi là 251.250.000 đồng, của bà Kim là 16.801.910 đồng.

    - Sau khi trừ công sức của ông Mỗi và bà Kim khối di sản còn lại có giá trị là 736.948.090 đồng được chia thừa kế theo pháp luật.

    - Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Mẫn, cụ Hai, cụ Bủng còn lại là ông Vũ Duy Mỗi và bà Vũ Thị Kim. Mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng 368.474.045 đồng.

    - Bà Kim phải thanh toán trả cho vợ chồng ông Mỗi tiền đổ đất tôn nền là 6.130.000 đồng.

    Cụ thể: Ông Mỗi được hưởng tài sản có giá trị 625.851.045 đồng. Bà Kim được hưởng tài sản có giá trị 379.145.955 đồng.

    4) Chia hiện vật cụ thể như sau:

    a, Chia cho bà Vũ Thị Kim phần di sản bằng giá trị một phần mái bếp nằm trên diện tích đất ở có các chiều: Chiều giáp mặt đường (phía Bắc) dài 8,2m được tính từ gianh giới quán nhà bà Kim với nhà cấp 4 của ông Mỗi làm năm 1980 kéo thẳng về phía bên tay phải đứng từ đường nhìn vào cho đến hết gian quán bán hàng nhà ông Mỗi. Chiều phía Tây giáp đất ao hợp tác xã dài 12m tính từ gianh giới giáp đường làng kéo vào phía trong của thửa đất. Chiều phía Nam được nối bằng đường thẳng của hai điểm cuối cạnh phía Tây và phía Đông. Tổng diện tích đất bà Kim được chia là 98,4m2. Trên đất có quán bán hàng, bếp cấp 4 và nhà tạm bán mái của vợ chồng ông Mỗi làm và gạch kè thửa đất giáp ao hợp tác xã. Tổng giá trị nhà đất của bà Kim được chia là 308.807.354 đồng.

    b, Chia cho ông Vũ Duy Mỗi phần di sản giá trị một phần mái nhà cấp 4 (xây năm 1980) và được sở hữu tài sản do vợ chồng ông Mỗi xây dựng nằm trên diện tích đất còn lại là 236,6m2. Tổng giá trị nhà đất ông Mỗi được chia là 857.076.114 đồng.

    c, Bà Kim, ông Mỗi phải tự mở lối đi trên phần diện tích nhà đất của mình được chia để đi ra đường làng.

    d, Ông Mỗi có trách nhiệm thanh toán tiền chênh lệch về tài sản cho bà Kim là 70.338.601 đồng (bảy mươi triệu ba trăm ba mươi tám ngàn sáu trăm linh một đồng).

    5) Đối với diện tích đất công do gia đình ông Mỗi sử dụng đã có các công trình xây dựng và diện tích đất 5% của cụ Hai được hợp tác xã chia cho bà Kim đã sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai.

    6) Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

     Ngày 02-8-2004, ông Vũ Duy Mỗi kháng cáo với nội dung: các cụ đã có chúc thư cho ông diện tích đất ao, vườn, nên diện tích đất ao, vườn này không còn là di sản của các cụ nữa. Mặt khác, thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Kim là không đúng.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 14-3-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

    1. Chấp nhận kháng cáo của ông Vũ Duy Mỗi, xác định thời hiệu khởi kiện của bà Vũ Thị Kim trong vụ án thừa kế về việc yêu cầu chia di sản đối với thửa đất ao (thửa số 465-tờ bản đồ số 4) diện tích 335m2 và cây cối lưu niên trên đất đã hết sau ngày 09-9-2000.

    Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 23, 28-7-2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và đình chỉ giải quyết vụ án thừa kế này.

    2. Về án phí:

    Ông Vũ Duy Mỗi không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho ông Vũ Duy Mỗi 50.000 án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 006386 ngày 02-8-2004 của Phòng Thi hành án thành phố Hà Nội.

    Bà Vũ Thị Kim phải nộp 4.803.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm  đã nộp theo biên lai số 001213 ngày 04-4-2002 của Đội Thi hành án huyện Thanh Trì là 1.000.000 đồng. Bà Vũ Thị Kim còn phải nộp tiếp số tiền là 3.803.000 đồng.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Vũ Thị Kim khiếu nại cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết và đình chỉ giải quyết vụ án, đồng thời buộc bà phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là không đúng pháp luật.

    Tại Quyết định số44/2008/DS-KN ngày 13-3-2008, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản phúc thẩm số 43/DSPT ngày 14-3-2005 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ cho Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại, với nhận định:

    “…Theo các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì 5 gian nhà cổ lợp ngói cùng các công trình phụ trên đất thổ c­ư 453m2 và đất ao, v­ườn có diện tích 335m2 là di sản thừa kế của vợ chồng cụ Mẫn, cụ Bủng, cụ Hai. Tuy thửa đất thổ c­ư (có căn nhà 5 gian trên đất này) và thửa đất ao, v­ườn không liền thửa (đất thổ cư­ thuộc thửa số 449 và thửa số 451 tờ bản đồ số 04; đất ao, vư­ờn thuộc thửa số 465 tờ bản đồ số 4), như­ng đều tọa lạc tại xóm 1, thôn Đại Từ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (nay là ph­ường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Do các cụ đều chết tr­ước ngày 01-7-1991 và di sản các cụ để lại có nhà nên việc xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế để giải quyết tranh chấp quyền thừa kế trong tr­ường hợp này phải áp dụng khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban th­ường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở đ­ược xác lập tr­ước ngày 01-7-1991 và theo h­ướng dẫn tại Thông t­ư liên tịch số01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-01-1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở đ­ược xác lập trư­ớc ngày 01-7-1991 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    Theo quy định tại các văn bản pháp luật nêu trên thì đối với di sản là nhà ở mà thời điểm mở thừa kế trư­ớc ngày 01-7-1991 thì đến ngày 10-3-2003 mới hết thời hiệu khởi kiện. Do bà Kim khởi kiện yêu cầu Toà án chia thừa kế cả nhà, đất thổ c­ư và đất ao, v­ườn vào ngày 01-4-2002 (Biên lai thu tạm ứng án phí đề ngày 04-4-2002), nên phải xác định là bà Kim khởi kiện khi vẫn còn thời hiệu khởi kiện (Mặc dù sau đó bà Kim thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ còn yêu cầu chia thừa kế di sản của các cụ để lại là đất ao, v­ườn và mặc dù thửa đất thổ cư­ có nhà ở không liền thửa với thửa đất ao, v­ườn nh­ưng đều thuộc khối di sản của các cụ để lại). Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng do bà Kim đã thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất ao, v­ườn mà không yêu cầu chia thừa kế nhà và đất thổ c­ư nữa, nên xác định là di sản thừa kế có tranh chấp trong vụ án này không có nhà ở, nên đã không áp dụng quy định tại các văn bản pháp luật nêu trên và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hiệu khởi kiện, là không đúng pháp luật.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 23,28-7-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và đình chỉ giải quyết vụ án thừa kế, nh­ưng vẫn buộc bà Kim phải nộp 4.803.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm là trái với quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 14-3-2005 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 23,28-7-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định cụ Vũ Duy Mẫn (chết năm 1964) và hai người vợ là cụ Nguyễn Thị Bủng (chết năm 1978), cụ Nguyễn Thị Hai (chết năm 1969) tạo lập được 5 gian nhà cổ lợp ngói (sau này anh Vũ Duy Thuyết đã sửa lại thành nhà 3 gian), 3 gian nhà ngang cùng các công trình phụ trên thửa đất thổ cư 453m2 (đất tại thửa số 449 và 451, tờ bản đồ số 04) và một thửa đất ao, vườn 335m2 (đất tại thửa số 465, tờ bản đồ số 4) tại xóm 1, thôn Đại Từ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội); hiện nay anh Vũ Duy Thuyết và anh Vũ Duy Kiệm (con ông Vũ Duy Mần) đang quản lý nhà cổ và thửa đất thổ cư, còn thửa đất ao, vườn 335m2 đã được san lấp, tôn tạo và gia đình ông Vũ Duy Mỗi đã làm nhà trên đất để ở, bà Vũ Thị Kim cũng đang quản lý một gian quán khoảng 10m2 tại đây.

    Tại đơn khởi kiện ngày 01-4-2002, bà Vũ Thị Kim yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của cha mẹ để lại theo pháp luật (yêu cầu chia thừa kế cả nhà, đất thổ cư và đất ao, vườn), nhưng trong quá trình tố tụng, bà Kim thay đổi yêu cầu, chỉ còn yêu cầu chia thừa kế đất ao, vườn (không yêu cầu chia thừa kế nhà, đất thổ cư).

    Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ và xác minh để làm rõ tại các thời điểm mở thừa kế thì thửa đất ao, vườn có cùng thửa hoặc liền kề với thửa đất thổ cư (trên đó có căn nhà cổ) hay không? nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định là còn thời hiệu chia thừa kế (vì cho rằng tài sản của các cụ để lại có bao gồm cả nhà, nên dù bà Kim có yêu cầu chia thừa kế đất ao, vườn thì vẫn áp dụng Pháp lệnh thừa kế và Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để xác định thời hiệu khởi kiện chia thừa kế được tính đến ngày 10-3-2003 mới hết); còn Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với thửa đất ao, vườn (vì cho rằng trên thửa đất ao, vườn không có nhà nên áp dụng Pháp lệnh thừa kế và Điều 648 Bộ luật dân sự để xác định thời hiệu khởi kiện chia thừa kế tài sản chỉ là đất ao, vườn và không có nhà được tính đến hết ngày 09-9-2000 là hết) đều là chưa đủ căn cứ. Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hiệu khởi kiện, nhưng vẫn buộc bà Kim phải nộp 4.803.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, là trái với quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự.

    Do đó, cần hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo hướng xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ về quá trình sử dụng, đăng ký, kê khai đối với thửa đất ao, vườn, nhằm xác định thửa đất này có còn là di sản của các cụ hay không? làm rõ tại thời điểm mở thừa kế thì thửa đất thổ cư (trên đó có căn nhà cổ) có cùng thửa hoặc liền kề với thửa đất ao, vườn hay không? trên thửa đất ao, vườn có tài sản (nhà) của các cụ không? Trong trường hợp thửa đất ao, vườn và thửa đất thổ cư (trên có căn nhà cổ) nằm liền kề nhau thì phải xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp thừa kế phát sinh từ giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 và áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để giải quyết vụ án; trong trường hợp thửa đất ao, vườn nằm tách biệt hoàn toàn với thửa đất thổ cư (trên có căn nhà cổ) thì phải áp dụng quy định của pháp luật thừa kế và Luật đất đai để xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 14-3-2005 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 23, 28-7-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là bà Vũ Thị Kim với bị đơn là ông Vũ Duy Mỗi; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các bà Vũ Thị Quang, Vũ Thị Tầm, các anh, chị Vũ Duy Thuyết, Vũ Duy Kiệm, Vũ Duy Thiệp, Vũ Thị Tiếp.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Cần xác định rõ thửa đất đang tranh chấp có còn là di sản thừa kế hay không?

     
    2891 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận