Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265170 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    15/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    09/05/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

    ……..

    Ngày 09 tháng 5 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Đại sinh năm 1945; trú tại: thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Hoàng sinh năm 1961; trú tại: thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân sinh năm 1951; trú tại: thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

    2. Cụ Nguyễn Xuân Phong 85 tuổi (hồ sơ không rõ năm sinh); trú tại: thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

    3. Bà Nguyễn Thị Sáu sinh năm 1956; trú tại: Thái Xuân, Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

    4. Bà Nguyễn Thị Thu Lan sinh năm 1954; trú tại: Phú Sơn, Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (bà Lan ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc Thuỵ sinh năm 1954; trú tại: thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định).

    NHẬN THẤY:

    Cố Nguyễn Nhiếp (chết không rõ năm) và vợ là cố Phùng Thị Trợ (chết năm 1967), không để lại di chúc, có 2 người con chung gồm cụ Nguyễn Thế và cụ Nguyễn Xuân Phong.

    Cụ Nguyễn Thế (chết năm 1969) và vợ là cụ Hồ Thị Mười (chết năm 1985), không để lại di chúc, có 5 người con chung là các ông, bà: Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Thị Thu Lan, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Sáu.

    Cố Phùng Thị Trợ để lại một nửa thửa đất có diện tích 1.867,6m2 tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơ, tỉnh Bình Định. Năm 1968, vợ chồng cụ Thế và cụ Mười làm nhà ở trên diện tích đất này và quản lý, sử dụng nhà đất. Năm 1969, cụ Thế chết, cụ Mười xây lại nhà mới. Sau khi cụ Mười chết, nhà đất do ông Hoàng quản lý, sử dụng. Năm 2001, căn nhà do cụ Mười xây cất bị đổ do bão, chỉ còn lại tường, nền móng. Sau đó, vợ chồng ông Hoàng xây dựng lại nhà như hiện nay để ở.

    Ngày 01-3-2001, ông Nguyễn Văn Đại có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của cha mẹ ông để lại là nhà, đất ở thôn Bằng Châu (hiện đang do ông Hoàng quản lý) và xin chia bằng hiện vật.

    Bị đơn là ông Nguyễn Văn Hoàng khai: khi cha mẹ còn sống đã chia nhà, đất cho ông và ông Đại nên không đồng ý chia theo yêu cầu của ông Đại. Đồng thời, ông Hoàng còn có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án chia thừa kế tài sản là nhà, đất hiện ông Đại đang quản lý.

    Các bà Nguyễn Thị Thu Lan, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Sáu nhất trí với lời khai của ông Hoàng và yêu cầu nếu phải chia thừa kế theo pháp luật thì phần mà các bà được hưởng sẽ cho ông Hoàng.

    Cụ Nguyễn Xuân Phong khai: đất mà ông Đại và ông Hoàng đang tranh chấp có nguồn gốc là của cố Phùng Thị Trợ (mẹ cụ) cho cụ nhưng cụ đã có nhà, đất nên năm 1968 cụ cho vợ chồng cụ Thế làm nhà, cụ không yêu cầu đòi lại. Ngày 22-4-2004, cụ Nguyễn Xuân Phong có “Đơn xin tham gia tố tụng” cụ cho rằng diện tích đất này mẹ cụ đã chia cho cụ và cụ cho ông Hoàng.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/DSST ngày 21-03-2005, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định quyết định có nội dung:

    - Căn cứ khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự và các điều 678, 679, 738 và 740 Bộ luật dân sự, tuyên xử:

    - Công nhận nền móng nhà và đất tọa lạc tại thôn Bằng Châu, thị trấn ĐậpĐá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích 1.867,6m2, số thửa 1977, tờ bản đồ số 3 là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thế và cụ Hồ Thị Mười có tổng giá trị 2.573.949.680đ.

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Thu Lan, mỗi kỷ phần thừa kế là 514.789.936đ (2.573.949.680đ : 5 kỷ phần); công nhận sự thỏa thuận của các bà: Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Thu Lan cho kỷ phần thừa kế cho ông Nguyễn Văn Hoàng.

    - Giao cho ông Nguyễn Văn Đại sở hữu nhà có diện tích 84,9m2 tọa lạc trên phần đất có diện tích 219,1m2 tương ứng với kỷ phần thừa kế của ông được hưởng (gồm lối đi 13,5m2= 2m x 6,75m và 277m2 đất có nền móng nhà) tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có tứ cận: đông giáp đất chia giao cho ông Hoàng; tây giáp nhà ông Hoàng mua của ông Lai và có lối đi chia giao cho ông Đại; nam giáp nhà ông Hoàng; bắc giáp nhà ông Phương và ông Minh số thửa 1977, tờ bản đồ số 3 (có sơ đồ bản vẽ kèm theo).

    - Giao cho ông Nguyễn Văn Hoàng sở hữu nhà có diện tích 98,5m2 tọa lạc trên phần đất có diện tích 1.674.7m2 tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định số thửa 1977, tờ bản đồ số 3 (có sơ đồ bản vẽ kèm theo); công nhận sự thỏa thuận của các bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Thu Lan cho kỷ phần thừa kế (giá trị thành tiền 514.789.936đ) cho ông Nguyễn Văn Hoàng sở hữu.

    - Bác yêu cầu của ông Hoàng không đồng ý chia thừa kế phần di sản do cha mẹ ông là cụ Thế, cụ Mười chết để lại cho các anh chị em ông, vì không có cơ sở.

    - Tách yêu cầu của ông Hoàng yêu cầu chia thừa kế nhà từ đường họ Nguyễn hiện ông Đại đang quản lý để giải quyết thành việc kiện khác nếu tộc họ có đơn khởi kiện.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí định giá và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

    Ngày 04-4-2005, cụ Nguyễn Xuân Phong và các ông, bà Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Thị Thu Lan, Nguyễn Thị Sáu và Nguyễn Thị Thanh Xuân kháng cáo có nội dung:

    - Đất đang tranh chấp nguồn gốc của cố Phùng Thị Trợ mua của Cụ Lê Thị Năm vào ngày 19-8-1963. Cố Trợ có 2 người con chung là cụ Nguyễn Thế và cụ Nguyễn Xuân Phong. Cố Trợ chết không để lại di chúc nên đất này là di sản thừa kế của cố Trợ và phải chia thừa kế cho cụ Thế, cụ Phong mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm chia cho các con cụ Thế là không đúng.

    - Việc Tòa án cấp sơ thẩm cắt đất chia cho ông Đại 291,1m2 có cả lối đi và nền móng nhà cũ là sai. Mặt khác, đất đang tranh chấp có cả phần diện tích 149m2 mà vợ chồng ông Hoàng mua của ông Cáp Huấn và bà Võ Thị Kỷ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ diện tích đất là di sản của vợ chồng cụ Thế để chia cho ông Đại là gây thiệt hại đến quyền lợi của ông Hoàng.

    - Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét đến công sức của ông Hoàng trong việc chăm sóc, mai táng cho cụ Mười.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 29-6-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

    “Áp dụng khoản 2 Điều 275; khoản 1 Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự. Sửa án sơ thẩm.

    Áp dụng Điều 678; 679; 738; 740 Bộ luật dân sự. Xử:

    - Công nhận diện tích đất 1.867,6 m2 tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, Bình Định có số thửa 1977, tờ bản đồ số 3 là di sản thừa kế của cố Phùng Thị Trợ có tổng giá trị là 2.568.320.000đ.

    - Hàng thừ kế thứ nhất của cố Phùng Thị Trợ gồm cụ Nguyễn Thế, cụ Nguyễn Xuân Phong. Mỗi kỷ phần thừa kế là: 933,8 m2 đất = 1.284.160.000đ.

    - Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Thế và cụ Hồ Thị Mười gồm: Ông Nguyễn Văn Đại, ông Nguyễn Văn Hoàng, bà Nguyễn Thị Thu Lan, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, bà Nguyễn Thị Sáu. Mỗi kỷ phần thừa kế trị giá là 257.210.000đ.

    - Công nhận sự tự nguyện của cụ Nguyễn Xuân Phong, bà Nguyễn Thị Thu Lan, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, bà Nguyễn Thị Sáu cho kỷ phần thừa kế của các ông, bà cho ông Hoàng được nhận hưởng.

    - Tạm giao cho ông Nguyễn Văn Hoàng quyền sử dụng 1.867,6 m2 đất tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, Bình Định số thửa 1977, tờ bản đồ số 3 có tứ cận: đông giáp đất HTX Đập Đá; tây giáp nhà ông Hoàng mua của ông Lai và ông Huấn; nam giáp sông Đập Đá; bắc giáp nhà ông Phương và ông Minh và ông Hoàng được sở hữu nền nhà cũ trên đất.

    - Ông Nguyễn Văn Hoàng phải có nghĩa vụ giao cho ông Nguyễn Văn Đại số tiền: 257.210.000đ giá trị 186,76 m2 đất và 1 phần giá trị cây lâu niên là kỷ phần của ông được hưởng di sản thừa kế.

    Tách yêu cầu của ông Hoàng về việc chia thừa kế nhà từ đường họ Nguyễn hiện ông Đại đang quản lý để giải quyết bằng vụ kiện khác nếu có đơn yêu cầu”.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, chi phí định giá và điều kiện thi hành án.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Đại khiếu nại có nội dung nguồn gốc đất là của cố Phùng Thị Trợ (là bà nội của ông) đã cho cụ Nguyễn Thế và cụ Hồ Thị Mười (là cha và mẹ của ông). Việc Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định là của cố Phùng Thị Trợ để chia cho cụ Nguyễn Xuân Phong một nửa diện tích đất là không đúng. Phần di sản mà ông được hưởng, ông xin chia bằng hiện vật, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại chia cho ông bằng tiền là không thỏa đáng.

    Tại Quyết định số27/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 27-3-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 29-6-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 04/DSST ngày 21-03-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định với nhận định:

    “Cụ Phùng Thị Trợ (chết năm 1967) có hai người con là ông Nguyễn Thế (chết năm 1969) và ông Nguyễn Xuân Phong. Ông Thế có vợ là bà Hồ Thị Mười (chết năm 1985) có 5 người con là ông Đại, ông Hoàng, bà Xuân, bà Lan, bà Sáu.

    Diện tích 1867,6m2 đất tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định đang tranh chấp có nguồn gốc là do cụ Phùng Thị Trợ mua của cụ Lê Thị Năm vào ngày 19-8-1963. Theo ông Phong thì số đất này cụ Trợ cho vợ chồng ông Thế, bà Mười làm nhà ở còn ông đã ở chỗ khác, ông không tranh chấp, lời khai của ông Phong phù hợp với lời khai của nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ kiện. Thực tế, sau khi cụ Trợ chết (năm 1967), năm 1968 vợ chồng ông Thế, bà Mười đã làm nhà ở trên diện tích đất này. Năm 1969, ông Thế chết, bà Mười đã xây dựng lại nhà mới. Năm 1985, bà Mười chết không để lại di chúc, nhà đất do ông Hoàng quản lý. Năm 2001 bão làm đổ nhà chỉ còn lại móng nhà và bức tường. Tuy nhiên, sau đó ông Phong lại có đơn phản tố cho rằng diện tích đất này ông được cụ Trợ cho để làm nhà ở và ông đã cho lại ông Hoàng từ năm 1965 nhưng lại không có tài liệu chứng minh.

    Như vậy, có căn cứ để khẳng định diện tích đất nêu trên cụ Trợ đã cho vợ chồng ông Thế, bà Mười và các con của ông, bà ở ổn định từ năm 1968 đến nay do đó diện tích đất 1.867,6m2 không còn là di sản thừa kế của cụ Trợ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định là di sản thừa kế của ông Thế, bà Mười là phù hợp với thực tế và các chứng cứ có tại hồ sơ.

    Mặt khác, ngày 24-5-2001, ông Đại có đơn khởi kiện và tạm nộp án phí nếu Tòa án cấp phúc thẩm xác định đất là di sản thừa kế của cụ Trợ (trên đất không có nhà cửa, hoặc vật kiến trúc của cụ Trợ) mà cụ Trợ chết năm 1967, và năm 2004 ông Phong mới có đơn phản tố yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Trợ thì thời hiệu khởi kiện cũng đã hết. Như vậy, án phúc thẩm xác định chia di sản thừa kế của cụ Trợ là vi phạm thủ tục tố tụng.

    Về yêu cầu chia di sản thừa kế theo kỷ phần bằng hiện vật của ông Đại, thấy đây là yêu cầu chính đáng của ông Đại để giải quyết đất làm nhà ở, diện tích đất đang do ông Hoàng quản lý có điều kiện để chia. Bản án phúc thẩm xử ông Đại được nhận kỷ phần thừa kế bằng giá trị là không phù hợp và không đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của ông Đại”.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 29-6-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Về nguồn gốc thửa đất có diện tích 1.867,6m2.

    Thửa đất có diện tích 1.867,6m2 tại thôn Bằng Châu, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có nguồn gốc là do cố Phùng Thị Trợ mua của cụ Lê Thị Năm vào ngày 19-8-1963. Trong quá trình giải quyết vụ án cụ Phong đều khai diện tích đất này cố Trợ để lại cho vợ chồng cụ Thế, cụ Mười làm nhà ở, còn cụ ở chỗ khác và không tranh chấp. Lời khai của cụ Phong phù hợp với lời khai của ông Hoàng, ông Đại, bà Xuân, bà Lan và bà Sáu. Mặt khác, sau khi cố Trợ chết, năm 1968 vợ chồng ông Thế đã làm nhà ở trên thửa đất này. Năm 1969, cụ Thế chết, cụ Mười xây lại nhà mới. Năm 1985, cụ Mười chết; nhà, đất do ông Hoàng quản lý. Năm 2001, căn nhà do cụ Mười xây cất bị đổ do bão, chỉ còn lại tường, nền móng. Như vậy, có đầy đủ căn cứ để khẳng định diện tích đất trên tuy cố Trợ đứng tên mua, nhưng thực tế cố Trợ đã cho vợ chồng cụ Thế. Vợ chồng cụ Thế và các con của cụ Thế đã ở ổn định từ năm 1968 đến nay, nên diện tích 1.867,6 m2 đất không còn là di sản của cố Trợ để lại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định nhà, đất là di sản của cụ Thế, cụ Mười để chia thừa kế theo pháp luật cho các con của hai cụ là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm đã căn cứ vào giấy tờ mua bán đất do cố Trợ đứng tên và lời khai sau này của cụ Phong để xác định diện tích đất này là di sản của cố Trợ để chia thừa kế là không phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và thực tế.

    Về thời hiệu khởi kiện.

    Ngày 01-3-2001, ông Đại có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nhà đất của cụ Thế, cụ Mười. Ngày 24-5-2001, ông Đại nộp tạm ứng án phí. Theo quy định tại mục 1, phần IV của Thông tư liên tịch số01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-01-1999 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì: “...thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện”. Như vậy, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế tài sản của cụ Thế, cụ Mười là nhà, đất vẫn còn đến ngày 10-3-2003. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án là đúng. Ngày 04-4-2005, cụ Phong mới có đơn kháng cáo cho rằng diện tích đất trên là của cố Trợ để lại nên yêu cầu được thừa kế. Tòa án cấp phúc thẩm xác định đất là di sản thừa kế của cố Trợ trong khi tại thời điểm cố Trợ chết năm 1967 trên đất không có nhà của cố Trợ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế về đất nếu là của cố Trợ thì cũng chỉ đến ngày 10-9-2000 là hết. Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý, giải quyết là vi phạm thủ tục tố tụng về thời hiệu khởi kiện.

    Về quyết định chia tài sản thừa kế của Tòa án cấp phúc thẩm.

    Thực tế, thửa đất đang tranh chấp có diện tích 1.867,6m2. Ông Đại không có nhà riêng, đất riêng (ông Đại chỉ đang quản lý nhà thờ họ Nguyễn) và có yêu cầu chia nhà, đất để ở. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét đến nhu cầu nhà ở và tình hình thực tế sử dụng đất nên quyết định chia cho ông Đại một phần nhà đất là đúng vừa hợp lý, hợp tình vừa đảm bảo quyền lợi của các đương sự. Tuy nhiên, khi quyết định chia cho ông Đại một phần diện tích đất, nhưng lại chưa xem xét đến diện tích đất ông Hoàng mua và đã xây nhà là chưa phù hợp với thực tế. Trong thời hạn kháng cáo, cụ Nguyễn Xuân Phong kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét thời hiệu khởi kiện và những lời khai của cụ Nguyễn Xuân Phong trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm nên đã chấp nhận nội dung kháng cáo của cụ Nguyễn Xuân Phong. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng thửa đất đang tranh chấp được nằm bên trong có tứ cận giáp sông, nhà đất của người khác và không có lối đi còn phần đất phía trước diện tích có tranh chấp là của ông Lai, ông Huấn, bà Giới giáp với đường quốc lộ mà ông Hoàng đã mua và xây nhà để từ đó quyết định giao toàn bộ diện tích đất trên cho ông Hoàng và chia cho ông Đại bằng tiền là không đúng, không đảm bảo quyền lợi chính đáng của ông Đại.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Chấp nhận kháng nghị số27/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 27-3-2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hủy bản án dân sự phúc thẩm số 38 ngày 29-6-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã xét xử vụ án tranh chấp về tài sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Đại với bị đơn là ông Nguyễn Văn Hoàng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Xuân Phong và các ông, bà: Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Thu Lan.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

    Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định không đúng người để lại tài sản thừa kế, vi phạm thủ tục tố tụng về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, từ đó dẫn đến sai lầm trong việc quyết định chia tài sản thừa kế.

     
    2874 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận