Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "tranh chấp về quyền sở hữu tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265372 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "tranh chấp về quyền sở hữu tài sản"

    Số hiệu

    16/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "tranh chấp về quyền sở hữu tài sản"

    Ngày ban hành

    28/07/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 28 tháng 7 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (chia tài sản chung) giữa:

    Nguyên đơn: Bà Lương Thị Nghĩa, sinh năm 1919; uỷ quyền cho anh Vũ Anh Tuấn, sinh năm 1959; cùng trú tại số nhà 206 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

    Bị đơn:

    1. Ông Lương Nguyên Kế, sinh năm 1940;

    2. Bà Lương Bích Hạnh, sinh năm 1941;

    3. Bà Lương Ngọc Oanh, sinh năm 1944;

    4. Bà Lương Ngọc Trâm, sinh năm 1946;

    Đều trú tại số nhà 19 phố Huế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ông Đào Công Vũ, sinh năm 1930;

    2. Chị Đào Hồng Giang, sinh năm 1967;

    Đều trú tại P305 Khu tập thể Viện nghệ thuật lưu trữ điện ảnh số 22 Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

    3. Chị Ngô My Lan, sinh năm 1962; trú tại P303, Khu tập thể Viện nghệ thuật lữu trữ điện ảnh 22 Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

    4. Chị Lê Việt Hà, sinh năm 1976; trú tại số nhà 189 đường Chùa Bộc, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

     

     

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện đề ngày 08-9-2003, lời trình bày của bà Lương Thị Nghĩa và anh Vũ Anh Tuấn trong quá trình giải quyết vụ án và các tài liệu, chứng cứ do bà Nghĩa, anh Tuấn xuất trình cho Toà án thì thấy:

    Cụ Lương Văn Phả có vợ là cụ Đoàn Thị Lịch sinh được 01 người con chung là bà Lương Thị Nghĩa. Năm 1929, cụ Lịch chết; năm 1936, cụ Phả kết hôn với cụ Nguyễn Thị Hiếu và sinh được 5 con chung gồm ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Mỹ Dung (chết năm 2004), bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm.

    Cụ Phả chết năm 1968, cụ Lịch chết năm 1929, cụ Hiếu chết năm 1984 đều không để lại di chúc. Di sản của các cụ để lại là nhà đất tại số 19 phố Huế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (sau này tách ra thành hai nhà là số nhà 19A và số nhà 19B phố Huế).

    Nguồn gốc nhà đất tại số nhà 19 phố Huế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là của cụ Lương Văn Phả mua của cụ Phan Ngọc Lan và cụ Phan Thị Hưng vào ngày 05-12-1917. Ngày 23-10-1934, cụ Lương Văn Phả đứng tên đăng ký bất động sản (nhà 2 tầng toạ lạc trên diện tích đất là 226m2) tại số 19 phố Huế và được đăng ký tại quyển I, tờ 89 Bằng khoán điền thổ số 89 của Sở bảo thủ điền thổ Hà Nội. Năm 1935, do mở đường nên “bất động sản nằm tại số 19 phố Huế… phải chịu một địa dịch làm thẳng hàng mặt phố… một diện tích là 7m2” và được chính quyền thành phố Hà Nội thời kỳ đó chuyển đổi cho 18m2  đất tại Bằng khoán điền thổ số 90 (quyển 1, tờ 90). Vì vậy, tổng diện tích đất của cụ Phả tại 19 phố Huế là 237m2. Năm 1950, cụ Phả làm thêm một căn nhà hai gian mái ngói phía ngoài mặt đường phố Huế và chia nhà đất tại số nhà 19 phố Huế thành 19A và 19B như hiện nay. Năm 1951, cụ Phả cho gia đình cụ Chu Thế Lịch và Nghiêm Thị Mai thuê gian nhà số 19B phố Huế.

    Năm 1999, các thừa kế của cụ Phả, cụ Lịch, cụ Hiếu kiện đòi diện tích nhà cho thuê tại số nhà 19B phố Huế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đối với cụ Nghiêm Thị Mai. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 287/DSPT ngày 16-12-1999, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xác định đồng nguyên đơn là bà Nghĩa, bà Hạnh, ông Kế, bà Oanh, bà Dung, bà Trâm và chấp nhận yêu cầu đòi nhà của các nguyên đơn. Trong quá trình kiện đòi nhà cho thuê, bà Nghĩa làm giấy ủy quyền cho ông Kế, bà Hạnh, bà Oanh thay mặt bà tham gia tố tụng. Đây là văn bản xác nhận bà là đồng thừa kế và xác định nhà đất tại số 19A, 19B phố Huế chưa chia vẫn thuộc quyền sở hữu của cụ Phả, cụ Lịch và nay thuộc sở hữu chung của các thừa kế. Bà Lương Thị Nghĩa khởi kiện yêu cầu Toà án chia tài sản chung gồm quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số nhà 19A,19B phố Huế và khoản tiền thu được do anh em ông Kế cho thuê làm cửa hàng một phần nhà đất tại số 19A, 19B phố Huế.

    Bà Lương Thị Nghĩa cho rằng ông Kế, bà Hạnh, bà Oanh, bà Trâm khai số nhà 19A, 19B phố Huế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã được cụ Phả, cụ Hiếu phân chia cho ông Kế, bà Hạnh, bà Dung, bà Oanh, bà Trâm vào năm 1961 là không có căn cứ.

    Khi chia nhà đất tại số 19A, 19B phố Huế, bà Nghĩa xin được nhận bằng hiện vật, cụ thể là một phần nhà phía ngoài mặt đường tại số 19A hoặc 19B phố Huế để làm cửa hàng kinh doanh. Trước khi chia tài sản chung có tính đến số tiền sửa chữa nhà, tiền hỗ trợ cho gia đình bà Mai theo quyết định của bản án dân sự phúc thẩm số 287/DSPT ngày 16-12-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội với tổng số tiền là 92.342.000 đồng.

    Ngày 18-8-2005, bà Nghĩa làm đơn và tại phiên toà sơ thẩm ngày 18-8-2005, anh Vũ Anh Tuấn (đại diện theo uỷ quyền của bà Nghĩa) xin rút yêu cầu chia khoản tiền thu được từ việc cho thuê làm cửa hàng một phần nhà đất tại số nhà 19A,19B phố Huế.

    Trong thời gian Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án đang nghị án (từ ngày 19 đến ngày 25-8-2005) thì ngày 23-8-2005 bà Nghĩa có đơn xin rút đơn khởi kiện.

    Ngày 25-8-2005, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án trở lại hỏi và tranh luận. Tại phiên toà ngày 25-8-2005, anh Tuấn xác nhận đơn xin rút đơn khởi kiện đề ngày 23-8-2005 là của bà Nghĩa, vì vậy với tư cách là người được bà Nghĩa uỷ quyền anh Tuấn xin rút đơn khởi kiện.

    Ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm trình bày: Quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19 phố Huế là của cụ Lương Văn Phả được thể hiện tại Bằng khoán điền thổ số 89+90 quyển 1 khu Đồn Thủy và được đăng ký tại Sở bảo thủ điền thổ Hà Nội ngày 23-10-1934. Bà Lương Thị Nghĩa và anh Vũ Anh Tuấn cho rằng quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19 phố Huế là tài sản của cụ Phả, cụ Lịch, cụ Hiếu là không đúng vì cụ Lịch chết năm 1929 nhưng tài sản trên đã được đăng ký vào ngày 23-10-1934 tại Sở bảo thủ điền thổ Hà Nội nghĩa là cụ Lịch mất trước khi có tài sản. Năm  1936, cụ Phả kết hôn với cụ Nguyễn Thị Hiếu nên quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19 phố Huế là tài sản chung của cụ Phả, cụ Hiếu.

    Ngày 18-11-1938, cụ Lương Văn Phả mua ngôi nhà số 206 phố Huế gắn liền với diện tích 106m2 đất. Ngày 10-3-1941, cụ Phả, cụ Hiếu làm hợp đồng tặng cho bà Nghĩa toàn bộ nhà đất tại 206 phố Huế với mục đích tránh sau này có sự tranh chấp giữa các con, nhất là con chung và con riêng.

    Năm 1961, cụ Phả đã phân chia quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19 phố Huế cho 5 con chung của cụ Phả và cụ Hiếu gồm ông Kế, bà Hạnh, bà Oanh, bà Trâm, bà Dung (bà Dung chết năm 2004, có chồng là ông Đào Công Vũ và hai con là chị Đào Hồng Giang, chị Ngô My Lan). Đây là việc cụ Phả phân chia khi còn sống chứ không phải là di chúc miệng. Việc phân chia nhà có ông Phạm Kim Cơ và ông Vũ Đức Long làm nhân chứng xác nhận. Các ông, bà chưa sang tên căn nhà được vì lý do chiến tranh và khi đó có nhiều hộ đang thuê nhà. Bà Nghĩa đã được các cụ chia cho căn nhà số 206 phố Huế cho nên không còn quyền lợi gì ở nhà số 19 phố Huế.

    Giấy ủy quyền của bà Nghĩa đề ngày 02-8-1999 cho ông Kế, bà Hạnh, bà Oanh đòi nhà đã cho bà Mai thuê tại số 19B phố Huế là do Toà án yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án sau khi 5 người con của cụ Hiếu, cụ Phả đã khởi kiện đòi nhà cho bà Mai thuê là để cho đủ thủ tục, vì lúc đó bằng khoán điền thổ vẫn đứng tên cụ Phả; giấy uỷ quyền này không đúng pháp luật  về cả nội dung lẫn hình thức đồng thời không phải là văn bản thừa nhận đồng thừa kế toàn bộ nhà đất tại số 19 phố Huế. Nhà đất tại 19A, 19B phố Huế cụ Phả đã chia cho các ông, bà từ năm 1961 nên không còn là di sản của các cụ và không đồng ý chia nhà đất tại số nhà 19A, 19B phố Huế theo yêu cầu của bà Nghĩa do anh Tuấn làm đại diện.

    Tại phiên toà ngày 25-8-2005, ông Kế và các bà Hạnh, Oanh, Trâm không đồng ý cho bà Nghĩa rút đơn khởi kiện.

    Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Đào Công Vũ, chị Ngô My Lan và chị Đào Hồng Giang: Đều nhất trí với ý kiến của ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, Lương Ngọc Oanh, Lương Ngọc Trâm và không đồng ý chia số nhà 19A, 19B phố Huế cho bà Nghĩa.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 33/2005/DSST ngày 18-26-8-2005, Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội quyết định:

    1. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu chia hoa lợi, lợi tức do cho thuê nhà 19A+19B phố Huế, Hoàn Kiếm, Hà Nội của bà Lương Thị Nghĩa và anh Vũ Anh Tuấn là đại diện theo uỷ quyền.

    2. Bác yêu cầu chia tài sản chung là nhà 19A+19B phố Huế, Hoàn Kiếm, Hà Nội của bà Lương Thị Nghĩa và anh Vũ Anh Tuấn là đại diện theo uỷ quyền đối với ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, Lương Ngọc Oanh, Lương Ngọc Trâm.

    3. Bác các yêu cầu khác của đương sự.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 30-8-2005, bà Lương Thị Nghĩa có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì không đồng ý với quyết định của Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ngày 30-9-2005, bà Nghĩa và anh Tuấn có đơn kháng cáo bổ sung.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 303/2005/DSPT ngày 27, 29-12-2005 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định: “Sửa bản án sơ thẩm số 33/2005/DSST ngày 18, 26-8-2005 của Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và xử:

    1. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu chia hoa lợi, lợi tức do cho thuê nhà 19A+19B phố Huế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội của bà Lương Thị Nghĩa do anh Vũ Anh Tuấn là đại diện theo uỷ quyền.

    2. Chấp nhận một phần yêu cầu chia tài sản chung của bà Lương Thị Nghĩa do anh Vũ Anh Tuấn đại diện theo uỷ quyền đối với ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm.

    3. Xác định diện tích 31,185m2 mặt phố nhà số 19B phố Huế, Hà Nội là tài sản chung của các thừa kế gồm 06 người là ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm, bà Lương Mỹ Dung, bà Lương Thị Nghĩa theo quyết định của bản án phúc thẩm về việc đòi nhà cho thuê số 287/DSPT ngày 16-12-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

    4. Chia tài sản chung là diện tích 31,185m2 nhà 1 tầng tại 19B phố Huế, Hà Nội cho các đồng thừa kế như sau:

    a) Xác định diện tích 31,185m2 nhà 1 tầng tại 19B phố Huế có giá trị 6.513.570.000 đồng.

    b) Trích công sức cho các thừa kế gồm ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm, bà Lương Mỹ Dung. Bà Dung chết năm 2004 có chồng là ông Đào Công Vũ, hai con là Đào Hồng Giang, Ngô My Lan được hưởng là 2/8 giá trị tài sản là 1.628.392.500 đồng.

    c) Xác định tài sản chung để chia có giá trị là 4.885.177.500 đồng. Mỗi thừa kế được hưởng 814.196.250 đồng.

    d) Xác định 5 thừa kế gồm ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm và các thừa kế của bà Lương Mỹ Dung là ông Đào Công Vũ, chị Đào Hồng Giang, chị Ngô My Lan được hưởng tổng số tiền là 5.699.373.750 đồng.

    đ) Bà Lương Thị Nghĩa do anh Vũ Anh Tuấn đại diện được hưởng 814.196.250 đồng.

    e) Chia cụ thể như sau:

    - Chia cho bà Lương Thị Nghĩa do anh Vũ Anh Tuấn đại diện theo uỷ quyền được hưởng bằng giá trị tiền là 814.196.250 đồng.

    - Chia cho 5 thừa kế gồm ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm và các thừa kế của bà Lương Mỹ Dung là ông Đào Công Vũ, chị Đào Hồng Giang, chị Ngô My Lan được sở hữu toàn bộ diện tích 31,185m2 mặt phố nhà số 19B phố Huế có giá trị 6.513.570.000 đồng và có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nghĩa do anh Tuấn đại diện số tiền là 814.196.250 đồng.

    5. Bác yêu cầu của bà Lương Thị Nghĩa do anh Vũ Anh Tuấn đại diện xin chia tài sản chung là các diện tích còn lại của nhà số 19 (tức 19A+19B) đối với các đồng thừa kế gồm 5 người: ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm và các thừa kế của bà Lương Mỹ Dung là ông Đào Công Vũ, chị Đào Hồng Giang, chị Ngô My Lan.

    Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Lương Thị Nghĩa có đơn khiếu nại không đồng ý với quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.

    Ngày 22-6-2006, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XI có Công văn số 1706/UBPL11 chuyển đơn khiếu nại của bà Lương Thị Nghĩa và đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết đơn, đồng thời thông báo cho Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội biết kết quả giải quyết.

    Tại Quyết định số72/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 11-7-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và đề nghị Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ về cho Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    Tại Công văn số 16/THA ngày 18-7-2007 của Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm thể hiện: “Căn cứ vào đơn đề nghị của ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm và các thừa kế của bà Lương Mỹ Dung, Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm đã ra Quyết định thi hành án số 16/THA ngày 13-3-2007 và thu khoản tiền 814.196.250 đồng do các đương sự nêu trên thanh toán cho bà Lương Thị Nghĩa do anh Vũ Anh Tuấn đại diện theo quyết định của bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, bà Nghĩa, anh Tuấn không đến nhận số tiền nêu trên mặc dù đã được Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm thông báo”.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số276/2007/DS-GDT ngày 25-9-2007, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định: “Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 303/2005/DSPT ngày 29-12-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, về vụ án chia tài sản chung giữa nguyên đơn là bà Lương Thị Nghĩa với bị đơn là ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Đào Công Vũ, chị Đào Hồng Giang, chị Ngô My Lan và chị Lê Việt Hà; Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

    Ngày 05-11-2007, bà Lương Thị Nghĩa có đơn khiếu nại quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

    Ngày 27-11-2007, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội có Công văn số 260/UBTP12 chuyển đơn khiếu nại của bà Lương Thị Nghĩa đến Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền và yêu cầu thông báo cho Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội biết kết quả giải quyết.

    Tại Quyết định số03/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 08-01-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số276/2007/DS-GĐT ngày 25-9-2007 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ Quyết định giám đốc thẩm số276/2007/DS-GĐT ngày 25-9-2007, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao, bản án dân sự sơ thẩm số 33/2005/DSST ngày 26-8-2005 của Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm và bản án dân sự phúc thẩm số 303/2005/DSST ngày 27,29-12-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật , với lý do:

    “… Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện tại thời điểm tranh chấp chia tài sản chung, ngôi nhà 19 phố Huế chỉ có ông Kế, bà Hạnh và bà Oanh sử dụng, do đó Quyết định giám đốc thẩm số276/2007/DS-GĐT ngày 25-9-2007 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại đối với phần thanh toán công sức cho các đương sự là chưa giải quyết triệt để vụ án. Vì trong quá trình giải quyết vụ kiện đòi nhà cho thuê năm 1999, các đương sự đều thừa nhận nhà 19 phố Huế là di sản của cụ Lương Văn Phả để lại, mang bằng khoán điền thổ số 89, 90 với diện tích 237m2 được phân làm hai lớp, lớp ngoài là nhà gạch một tầng mái ngói, ở giữa là sân rồi đến lớp trong là nhà 2 tầng mái ngói. Vì lớp ngoài được ngăn làm hai nhà mặt phố nên có quy định là nhà số 19A và 19B để tiện giao dịch (BL86). Như vậy tự gọi số nhà 19A và 19B để tiện giao dịch và ngăn nhà cho thuê, thực chất trên bằng khoán điền thổ và trong giấy tờ quản lý nhà đất chỉ có số nhà 19 phố Huế. Tại bản án sơ thẩm số 28/DSST và án phúc thẩm số 287/DSPT năm 1999 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xác định nhà số 19 phố Huế là tài sản của cụ Phả để lại cho 6 người con. Án có hiệu lực các bên không có khiếu nại; đây là những tài liệu để xác định số nhà 19 phố Huế là tài sản chung của 6 người con cụ Phả. Sau khi cụ Lịch, cụ Phả và cụ Hiếu chết, các cụ đều không để lại di chúc và cũng không có tài liệu nào thể hiện việc phân chia số nhà 19 phố Huế cho ai, đến nay nhà 19 phố Huế vẫn mang tên chủ sở hữu là cụ Lương Văn Phả, goá vợ là cụ Đoàn Thị Lịch. Ông Lương Nguyên Kế và các đồng bị đơn cũng không xuất trình được tài liệu nào để chứng minh việc được cụ Phả chia số nhà 19 phố Huế cho các con của cụ Hiếu (vợ hai của cụ Phả). Án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm nêu trên chỉ dựa vào lời khai của bị đơn và lời khai của hai nhân chứng là ông Cơ và ông Long cho rằng cụ Phả đã chia số nhà 19 phố Huế cho các bị đơn từ năm 1961 để kết luận phần nhà 19A phố Huế là tài sản cụ Phả đã chia cho ông Kế, bà Oanh, bà Trâm, bà Dung, bà Hạnh là không có căn cứ pháp lý. Mặt khác Quyết định giám đốc thẩm nhận định bà Lương Thị Nghĩa đã được cụ Phả tặng cho số nhà 206 phố Huế đã bảo đảm quyền lợi là không chính xác. Bởi lẽ số nhà 206 phố Huế là tài sản của cụ Phả mua cho bà Nghĩa từ năm 1941, trong giấy tờ tặng cho nhà đã sang tên trước bạ không có nội dung nào thể hiện sau khi nhận tài sản tặng cho thì bà Nghĩa không được hưởng thừa kế các tài sản khác của bố mẹ để lại. Việc bà Nghĩa xin chia tài sản chung nhà số 19 phố Huế là chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy, các bản án chỉ xác nhận quyền lợi cho bà Nghĩa cả phần diện tích 31,185m2 mà không xác nhận quyền lợi của bà Nghĩa cả phần diện tích còn lại của số nhà 19 phố Huế là làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đương sự.

    Tại phiên toà Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Cụ Lương Văn Phả có hai người vợ và sáu người con; với người vợ thứ nhất (là cụ Đoàn Thị Lịch) có một người con là bà Lương Thị Nghĩa. Năm 1929 cụ Lịch chết, cụ Phả kết hôn với cụ Nguyễn Thị Hiếu năm 1936 và sinh được 5 người con gồm ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Mỹ Dung (chết năm 2004), bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm.

    Cụ Lương Văn Phả chết năm 1968, cụ Đoàn Thị Lịch chết năm 1929, cụ Nguyễn Thị Hiếu chết năm 1984 đều không để lại di chúc. Di sản của các cụ để lại là quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số nhà 19 (nay là 19A và 19B) phố Huế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    Căn cứ Bằng khoán điền thổ số 89+90 của Sở bảo thủ điền thổ Hà Nội (thuộc chế độ cũ), Công văn số1709/ĐC-NĐ/CS ngày 24-6-1999 của Sở Địa chính, nhà đất thành phố Hà Nội và lời khai của các đương sự xét thấy có căn cứ xác định:

    Quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19 phố Huế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội có nguồn gốc là của cụ Lương Văn Phả mua của các cụ Phan Ngọc Lan và Phan Thị Hưng vào ngày 05-12-1917 bao gồm một nhà hai tầng toạ lạc trên diện tích đất là 226m2. Ngày 23-10-1934, cụ Lương Văn Phả đứng tên đăng ký bất động sản tại số nhà 19 phố Huế. Tại bằng khoán điền thổ số 89 (quyển 1 tờ 89) thể hiện “một nhà tầng gác xây, có sân” toạ lạc trên diện tích đất là 226m2 tại số nhà 19 phố Huế, Hà Nội “thuộc trọn quyền sở hữu của Lương Văn Phả…, goá vợ là bà Đoàn Thị Lịch”. Năm 1935, do mở đường nên bất động sản năm tại số 19 phố Huế phải chịu một địa dịch làm thẳng hàng mặt phố với diện tích là 7m2 và được chính quyền thành phố Hà Nội thời kỳ đó chuyển đổi cho 18m2 đất tại Bằng khoán điền thổ số 90 (quyển 1, tờ 90). Vì vậy, tổng diện tích đất của cụ Phả tại số 19 phố Huế là 237m2. Cụ Phả, cụ Hiếu cùng các con sinh sống tại đây. Năm 1938, cụ Phả mua nhà đất tại số 206 phố Huế. Ngày 10-3-1941, cụ Phả cùng cụ Nguyễn Thị Hiếu đứng tên lập hợp đồng tặng cho bà Lương Thị Nghĩa nhà đất tại số 206 phố Huế, bà Nghĩa đã cùng gia đình về sinh sống tại số nhà 206 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

    Năm 1950, cụ Phả làm thêm một căn nhà hai gian mái ngói phía ngoài mặt đường phố Huế và chia nhà đất tại số 19 phố Huế thành 19A và 19B như hiện nay. Năm 1951, cụ Phả cho gia đình cụ Chu Thế Lịch và Nghiêm Thị Mai thuê gian nhà mang số 19B phố Huế.

    Năm 1999, bà Hạnh, ông Kế, bà Oanh đứng đơn khởi kiện (bà Trâm và bà Dung uỷ quyền cho bà Hạnh, ông Kế, bà Oanh) đòi gia đình cụ Nghiêm Thị Mai trả nhà số 19B phố Huế đang thuê.

    Ngày 02-8-1999, bà Lương Thị Nghĩa viết giấy uỷ quyền cho ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh đòi nhà 19B phố Huế đang cho thuê.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 287/DSPT ngày 16-12-1999 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định bà Lương Thị Nghĩa là đồng nguyên đơn cùng với bà Lương Bích Hạnh, ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm, bà Lương Mỹ Dung trong vụ án đòi nhà cho thuê đối với bị đơn là cụ Nghiêm Thị Mai và đã quyết định chấp nhận đòi nhà số 19B phố Huế của bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, ông Lương Nguyên Kế (đại diện cho các nguyên đơn); buộc gia đình cụ Nghiêm Thị Mai phải trả lại toàn bộ diện tích nhà đang sử dụng tại số nhà 19B phố Huế cho bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, ông Lương Nguyên Kế (đại diện cho nguyên đơn)… Sau khi xét xử phúc thẩm, các đương sự không có khiếu nại, bản án đã được thi hành.

    Ngày 08-9-2003, bà Lương Thị Nghĩa khởi kiện yêu cầu “chia quyền sở hữu tài sản do được thừa kế là quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19A và số 19B phố Huế, Hà Nội”. Sau khi có Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bà Nghĩa (anh Tuấn đại diện theo uỷ quyền của bà Nghĩa) thay đổi yêu cầu khởi kiện trên thành yêu cầu chia tài sản chung.

    Ngoài bản án dân sự phúc thẩm số 287/DSPT ngày 16-12-1999 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội là văn bản xác nhận bà Nghĩa là đồng nguyên đơn với bà Lương Bích Hạnh, ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm, bà Lương Mỹ Dung trong vụ án đòi nhà cho thuê tại số nhà 19B phố Huế như đã nêu trên, thì bà Nghĩa không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào ghi nhận bà Nghĩa và các đồng thừa kế khác có thoả thuận nhà đất còn lại tại số nhà 19A phố Huế tà tài sản chung chưa chia. Khi bà Nghĩa khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế đối với tài sản tại số nhà 19A và số nhà 19B phố Huế thì thời hiệu khởi kiện chia tài sản thừa kế đã hết, bà Nghĩa yêu cầu chia tài sản chung nhưng ông Kế, bà Hạnh, bà Dung, bà Oanh, bà Trâm không thừa nhận nhà số 19 phố Huế là di sản do cụ Phả, cụ Hiếu để lại chưa chia mà các cụ đã chia cho ông Kế, bà Hạnh, bà Dung, bà Oanh, bà Trâm năm 1961, còn bà Nghĩa đã được các cụ cho nhà số 206 phố Huế từ năm 1941. Như vậy giữa các thừa kế đã có sự tranh chấp, do đó không có căn cứ áp dụng hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 phần 1 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để chia toàn bộ nhà đất tại số 19 phố Huế theo yêu cầu của bà Nghĩa.

    Riêng đối với quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19B phố Huế, bản án dân sự phúc thẩm số 287/DSPT ngày 16-12-1999 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp nhận yêu cầu đòi nhà cho thuê của các nguyên đơn (trong đó có bà Nghĩa) và buộc gia đình cụ Nghiêm Thị Mai phải trả 31,185mdiện tích nhà đang thuê. Như vậy phần nhà đất cho cụ Mai thuê trả lại, bà Nghĩa cũng đã được xác lập quyền sở hữu chung. Do đó Toà án cấp phúc thẩm và Hội đồng giám đốc thẩm của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao căn cứ hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung đối với quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số nhà 19B phố Huế của bà Nghĩa là có căn cứ.

    Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì khi cụ Lương Văn Phả mua nhà năm 1917 và đứng tên đăng ký năm 1934 là nhà số 19 phố Huế, Hà Nội, nhưng các đương sự đều thừa nhận năm 1950 cụ Phả làm thêm một căn nhà hai gian mái ngói phía ngoài mặt đường phố Huế và chia nhà đất tại số nhà 19 phố Huế thành 19A và 19B như hiện nay. Năm 1951, cụ Phả cho gia đình cụ Chu Thế Lịch và Nghiêm Thị Mai thuê gian nhà số 19B phố Huế. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 287/DSPT ngày 16-12-1999 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội chỉ giải quyết phần diện tích 31,185m2 cụ Nghiêm Thị Mai thuê thuộc số nhà 19B phố Huế trả lại cho các nguyên đơn là bà Lương Thị Nghĩa, bà Lương Bích Hạnh, ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm, bà Lương Mỹ Dung. Bản án này không có quyết định gì khác về diện tích còn lại tại nhà số 19 phố Huế, do đó không có căn cứ để cho rằng bản án đòi nhà cho thuê đã xác lập toàn bộ quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 19 phố Huế là tài sản chung của sáu người con cụ Phả.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Không chấp nhận Quyết định kháng nghị số03/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 08-01-2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Giữ nguyên Quyết định giám đốc thẩm số276/2007/DS-GĐT ngày 25-9-2007 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 303/2005/DSPT ngày 29-12-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, về vụ án “chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là bà Lương Thị Nghĩa với bị đơn là ông Lương Nguyên Kế, bà Lương Bích Hạnh, bà Lương Ngọc Oanh, bà Lương Ngọc Trâm và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Đào Công Vũ, chị Đào Hồng Giang, chị Ngô My Lan và chị Lê Việt Hà; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC:

    Toà án cấp phúc thẩm và Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao áp dụng điểm a tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để giải quyết vụ án là đúng.

     

     
    3127 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận