Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265238 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    39/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    14/12/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 14 tháng 12 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương  sự:

    Nguyên đơn: Bà Vũ Thị Minh Hồng, sinh năm 1957; Trú tại: xóm Đình, xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

    Bị đơn:

    1. Bà Hoàng Thị Phương, sinh năm 1934; Trú tại: xóm Đình, xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; (bà Phương ủy quyền cho chị Vũ Thị Tuyết theo giấy ủy quyền ngày 06-8-2004);

    2. Bà Trần Thị Hiền, sinh năm 1941; Trú tại: xóm Đình, xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Vũ Thị Thắng, sinh năm 1954; trú tại: phòng 16 tập thể Bộ Lương Thực, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;

    2. Chị Vũ Thị Huyền Nga, sinh năm 1958; trú tại: xóm Xép, xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội;

    3. Chị Vũ Thị Tuyết, sinh năm 1968;

    4. Anh Vũ Hồng Quân, sinh năm 1961;

    5. Anh Vũ Hồng Vinh; (anh Vinh đã chết, có vợ là chị Nguyễn Thị Hằng);

    6. Anh Vũ Tích Sơn, sinh năm 1966;

    7. Anh Vũ Thanh Hải, sinh năm 1968;

    8. Chị Vũ Thị Băng Tâm, sinh năm 1972;

    9. Chị Vũ Thị Nguyệt, sinh năm 1964;

    Đều trú tại Cộng hòa liên bang Đức (anh Thanh ủy quyền cho anh Hoàng Văn Hùng – theo giấy ủy quyền ngày 05-7-2004).

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 20-02-2000 và các lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn bà Vũ Minh Hồng trình bày:

    Bố của bà là cụ Vũ Thế Đặng, mẹ của bà là cụ Trần Thị Lịch. Cụ Đặng chết năm 1957, cụ Lịch chết năm 1989, cả hai cụ đều không để lại di chúc. Cụ Đặng và cụ Lịch có 3 người con chung là ông Vũ Ngọc Đỉnh, ông Vũ Thế Đích và bà Hồng. Ông Đỉnh chết năm 1990, có vợ là bà Hoàng Thị Phương và 5 người con là Vũ Thị Huyền Nga, Vũ Thị Tuyết, Vũ Hồng Quân, Vũ Hồng  Vinh (anh Vinh đã chết, có vợ là chị Nguyễn Thị Hằng) và Vũ Hồng Thanh. Ông Đích chết năm 1999, có vợ là bà Trần Thị Hiền và 4 người con là Vũ Tích Sơn, Vũ Thanh Hải, Vũ Thị Băng Tâm và Vũ Thị Nguyệt. Về tài sản cụ Đặng và cụ Lịch có một nhà 5 gian trên diện tích 1.909m2 đất, tại xóm Đình, xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì. Sau khi cụ Đặng và cụ Lịch chết thì gia đình ông Đỉnh, gia đình ông Đích và bà Hồng tiếp tục quản lý, sử dụng. Trong quá trình sử dụng, năm 1993 ông Đích, bà Phương (vợ ông Đỉnh) và bà Hồng đã có thỏa thuận phân chia nhà, đất, nhưng sau đó các bên không thực hiện. Vì vậy, bà yêu cầu chia thừa kế nhà, đất theo quy định của pháp luật.

    Bị đơn là bà Hoàng Thị Phương và bà Trần Thị Hiền cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các con ông Đỉnh, ông Đích đều thừa nhận về nguồn gốc tài sản, diện, hàng thừa kế như bà Hồng trình bày, nhưng không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của bà Hồng vì cho rằng trong gia đình đã có việc thỏa thuận phân chia nhà, đất từ năm 1993 và đề nghị Tòa án công nhận thỏa thuận phân chia này.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 72/DSST ngày 12 và 13-10-2000, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    1- Chấp nhận yêu cầu của bà Vũ Thị Minh Hồng xin được chia hưởng di

    sản thừa kế của bố mẹ tại xóm Đình - xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội;

    2- Xác định khối tài sản gồm móng, nguyên vật liệu của ngôi nhà cổ 5 gian (đã bị phá) và 1909m2 đất của hai thửa đất số 89, 90 tại tờ khai bản đồ số 15 xóm Đình, xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội trị giá 389.763.980 đồng (ba trăm tám chín triệu bảy trăm sáu ba nghìn chín trăm tám mươi đồng) thuộc sở hữu sử dụng của vợ chồng cụ Vũ Thế Đặng, Trần Thị Lịch.

    3- Chia cụ thể như sau:

    a) Chia cho bà Vũ Thị Minh Hồng 01 gian nhà trên nền đất khu nhà cổ chưa lợp mái có kích thước 6,78m x 2,6m = 17, 62m2 và diện tích đất trước mặt về phía đê kéo thẳng theo ranh giới từng bên nhà có kích thước 9,3m x 2,6m = 24,18m2 (thuộc thửa đất số 90) và diện tích đất phía sau gian nhà kéo thẳng 2 tường nhà có kích thước 10m x 2,6m = 26m2 toàn bộ nhà đất có giá trị: 23.414.445 đồng (hai ba triệu bốn trăm mười bốn nghìn, bốn trăm bốn mươi lăm đồng)

    * So với kỷ phần còn thiếu: 106.497.881 đồng (một trăm lẻ sáu triệu, bốn trăm chín mươi bảy nghìn, tám trăm tám mốt đồng) sẽ do các thừa kế của ông Đỉnh, ông Đích thanh toán.

    b) Bà Phương và các thừa kế của ông Đỉnh được chia 904,2m2 (đã trừ 41,80m2 trả bà Hồng) đất trên thửa số 90 tờ bản đồ 15 và trị giá 4/5 giá trị nguyên vật liệu còn lại của nhà cổ có giá trị 204.182.535 đồng (hai trăm lẻ bốn triệu, một trăm tám mươi hai nghìn, năm trăm ba mươi lăm đồng). So với kỷ phần thừa ra giá trị: 74.550.209 đồng phải thanh toán trả bà Hồng.

    c) Bà Hiền và các thừa kế của ông Đích được chia 937m2 đất trên thửa đất số 89 tờ bản đồ số 15 (đã trừ 26m2 trả bà Hồng) có giá trị: 161.860.000 đồng (một trăm sáu mươi mốt triệu, tám trăm sáu mươi nghìn đồng). So với kỷ phần thừa ra 31.947.674 đồng phải thanh toán trả bà Hồng.

    4- Bà Hồng được nhận lại số tiền:

    - Bà Phương và các thừa kế của ông Đỉnh phải trả bà Hồng: 74.550.209 đồng (bảy mươi tư triệu, năm trăm năm mươi nghìn, hai trăm lẻ chín đồng).

    - Bà Hiền và các thừa kế của ông Đích phải trả cho bà Hồng: 31.947.674 (ba mươi mốt triệu, chín trăm bốn mươi bảy nghìn, sáu trăm bảy mươi tư đồng).

    5- Các đương sự có trách nhiệm đến UBND làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của bản án và theo quy định của pháp luật.

    -Bác bản chụp Đơn xin phép các cấp chính quyền cho cháu đất” của bà  Phương xuất trình là không đúng thủ tục hành chính và không hợp lệ.

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 17 và ngày 19-10-2000, bà Hồng và bà Phương kháng cáo, không đồng ý về cách phân chia thừa kế của Tòa án cấp sơ thẩm.

    Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, ngày 01-3-2002 và ngày 18-3-2002, bà Vũ Thị Thắng có đơn đề nghị với nội dung: ngoài cụ Lịch thì cụ Đặng còn có vợ hai là cụ Nguyễn Thị Tước và bà Thắng là con của cụ Đặng với cụ Tước, nên bà Thắng yêu cầu được hưởng thừa kế nhà, đất của cụ Đặng.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 51/PTDS ngày 11-4-2002, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đưa bà Thắng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, và quyết định:

    Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 72/DSST ngày 12 và 13-10-2000 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để điều tra, xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 29 và 30-9-2003; Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    1. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Vũ Thị Minh Hồng.

    2. Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Vũ Thế Đặng là năm 1957, thời điểm mở thừa kế của cụ Trần Thị Lịch là năm 1989. Thừa kế của hai cụ được chia theo pháp luật.

    3. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đặng và cụ Lịch gồm:

    - Ông Vũ Ngọc Đĩnh (chết năm 1990) có vợ là bà Hoàng Thị Phương và 5 con là chị Nga, chị Tuyết, anh Thanh, anh Quân, anh Vinh (chết) do vợ là chị Hằng và hai con được hưởng.

    - Ông Vũ Thế Đích (chết 1999) có vợ là bà Trần Thị Hiền và 4 con là anh Sơn, anh Hải, chị Tâm, chị Nguyệt được hưởng.

    - Bà Vũ Thị Minh Hồng.

    4. Xác định di sản của cụ Vũ Thế Đặng và cụ Trần Thị Lịch gồm giá trị còn lại của 5 ngôi nhà cổ trên tổng diện tích đất 1923m2 tại thửa số 89-90 xóm Đình, xã Thanh Trì, huyện Thanh TrìHà Nội. Có tổng giá trị là 4.810.516.980 đồng.

    Được chia cho 3 thừa kế, mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng 1.603.505.660 đồng.

    5. Về phân chia cụ thể như sau:

    a) Bà Hiền và 4 con là anh Sơn, anh Hải, chị Tâm, chị Nguyệt được chia 641,5m2 đất tại thửa 89.

    Ranh giới đất: kéo 1 đường thẳng là mặt tiền thửa 89 phần giáp thửa 90 kéo thẳng về phía sau đến hết đất từ điểm cách điểm cuối cùng của đường thẳng này kẻ 1 đường vuông góc về phía tòa nhà bà Hiền đến hết chiều ngang thửa đất dài 20,72m.

    Bà Hiền và các con được sở hữu sử dụng các công trình xây dựng, tôn tạo của gia đình bà có trên diện tích đất được chia.

    Trị giá phần diện tích bà Hiền và các con được chia là 1.603.750.000 đồng. So với kỷ phần được hưởng còn thiếu 180.666 đồng, sẽ được nhận do bà Phương và các con thanh toán.

    b) Bà Vũ Thị Minh Hồng được chia:

    - Diện tích đất 603,4m có giá trị quyền sử dụng đất là 1.507.500.000 đồng.

    - Giá trị còn lại của 4 gian nhà cổ 3.016.980 đồng. Cộng lại là 1.510.516.980 đồng.

    So với kỷ phần được hưởng còn thiếu 91.988.680 đồng, sẽ được bà Phương và các con thanh toán số tiền 91.988.680 đồng.

    Bà Hồng phải thanh toán giá trị tôn tạo nhà đất cho bà Phương và các con

    là 45.657.212 đồng và được sở hữu phần cải tạo đó và thanh toán cho bà Hiền và các con giá trị tôn tạo đất là 34.629.942 đồng.

    Ranh giới phần đất bà Hồng được chia: Chiều ngang đất 8,918m mặt tiền

    thửa đất số 90 (giáp đường đi) tính từ phần giáp thửa đất 89 rộng 8,918m từ chiều rộng này kéo thẳng đến hết diện tích phía sau của thửa 89-90 và diện tích 122,7m2 phía sau diện tích đất bà Hiền và các con được chia.

    c. Bà Hoàng Thị Phương và các con là anh Thanh, anh Quân, chị Nga, chị Tuyết, chị Hằng được chia diện tích đất còn lại thửa 90 là 678m2 có giá trị quyền sử dụng đất 1.695.000.000 đồng. So với kỷ phần được hưởng dư ra 91.494.340 đồng bà Phương và các con có trách nhiệm thanh toán cho bà Hồng số tiền 91.494.340 đồng. Đối trừ khoản tiền bà Hồng và bà Phương phải thanh toán cho nhau, bà Phương và các con còn phải thanh toán cho bà Hồng 45.819.800 đồng. Bà Phương và chị Hằng phải phá dỡ diện tích nhà mái bằng 1 tầng mới xây dựng trước cửa 4 gian nhà cổ để trả lại quyền sử dụng đất cho bà Hồng. (Diện tích chia cụ thể cho 3 kỷ phần thừa kế có sơ đồ kèm theo).

    Bác yêu cầu của bà Vũ Thị Thắng xin được hưởng thừa kế của cụ Vũ Thế Đặng.

    Hủy hai sổ đỏ đứng tên ông Vũ Thế Đích số A173291 ngày 05-7-1991 do Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì và cấp sổ đỏ đứng tên bà Hoàng Thị Phương số A173960 ngày 05-7-1991 do Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cấp.

    Ngoài ra, Tòa phúc thẩm còn quyết định về án phí, chi phí đo đạc nhà đất và điều kiện thi hành án.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Thắng có khiếu nại với nội dung bà Thắng là con của cụ Đặng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không công nhận là không đúng, đồng thời bà Thắng xin được giám định gene về xác định quan hệ huyết thống của bà đối với cụ Đặng (bà Thắng tự nguyện chấp nhận chi phí giám định).

    Tại quyết định số177/2007/KN-DS ngày 27-8-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 30-9-2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật; với nhận định:

    Trong quá trình giải quyết vụ án ngày 01-3-2002 và ngày 18-3-2002, bà Vũ Thị Thắng có đơn đề nghị với nội dung cụ Đặng còn có vợ và hai con là cụ Nguyễn Thị Tước và bà Thắng là con của cụ Đặng với cụ Tước, nên yêu cầu được hưởng thừa kế nhà, đất của cụ Đặng.

    Bà Hồng và những người trong gia đình bà Phương, bà Hiền không thừa nhận bà Thắng là con của cụ Đặng và không đồng ý cho bà Thắng hưởng thừa kế nhà, đất của cụ Đặng.

    Để chứng minh cho yêu cầu của mình, bà Thằng xuất trình giấy khai sinh do Ủy ban nhân dân phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cấp lại cho bà Thắng vào ngày 12-3-2002, có nội dung thể hiện bà Thắng là con cụ Vũ Thế Đặng và cụ Nguyên Thị Tước.

    Mặc dù giấy khai sinh do bà Thắng xuất trình là giấy được cấp lại trong thời gian Tóa án đang giải quyết  vụ án và không có hồ sơ gốc để đối chứng, nhưng Ủy ban nhân dân phường Minh Khai xác nhận việc cấp giấy khai sinh nêu trên được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số83/1998/NĐ-CP ngày 10-10-1998 của Chính Phủ; mặt khác, nội dung tại giấy khai sinh này phù hợp với nội dung tại tờ khai làm chứng minh thư của bà Thắng ngày 10-11-1977 và các bản khai nhân khẩu gia đình của bà Thắng và chồng khai từ năm 1985, trước khi có tranh chấp, do Tòa án thu thập được tại Công an thành phố Hà Nội (trong các giấy tờ này có ghi bố của bà Thắng là Vũ Thế Đặng và các anh là Vũ Ngọc Đỉnh, Vũ Thế Đích); đồng thời, nội dung tại giấy khai sinh nêu trên cũng phù hợp với nội dung xác nhận của những người trong họ tộc của cụ Đặng và cụ Tước như bà Hoàng Thị Hậu (cháu gọi cụ Lịch bằng bác), ông Vũ Văn Minh (cháu ruột của cụ Đặng và là trưởng họ Vũ), bà Nguyễn Thị Lan (chị em cùng mẹ khác cha với bà Thắng), bà Nguyễn Thị Thuận (là em cùng cha khác mẹ với cụ Tước), bà  Nguyễn Thị Ước (là chị ruột của bà Tước), bà Đỗ Thị Tâm (là mẹ kế của cụ Tước); ngoài ra, tuy không thừa nhận bà Thắng là con của cụ Đặng, nhưng bà Phương, bà Hiền và các con đều thừa nhận năm 1971 bà Thắng tổ chức đám cưới tại nhà của cụ Đặng và vẫn thường về quê giỗ tết cùng gia đình. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bà Phương, bà Hiền và một số người khác để từ đó bác yêu cầu của bà Thắng, mà không xác minh làm rõ về quan hệ huyết thống giữa bà Thắng và cụ Đặng, là không đủ căn cứ vững chắc.

    Hơn nữa, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm (tháng 8/2004), bà Thắng có yêu cầu giám định gene để xác định bà là con đẻ của cụ Đặng, đồng thời cung cấp văn bản của Phòng di truyền phân tử Trung tâm Công nghệ sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội có nội dung xác định có thể giám định gene để xác định quan hệ huyết thống giữa bà Thắng với bà Hồng; bà Hồng cũng đề nghị Tòa án xác minh quan hệ giữa bà Thắng với cụ Đặng. Như vậy, các đương sự có yêu cầu giám định và đã cung cấp các thông tin về khả năng giám định gene; trên thực tế, ngoài Viện khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an, còn nhiều cơ quan giám định gene trong trường hợp này; nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không trưng cầu giám định, mà chỉ căn cứ vào Công văn số 596/C21 ngày 27-5-2003 của Viện khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an có nội dung không thể xác định được quan hệ huyết thống giữa bà Thắng với bà Hồng và lại cho rằng bà Thắng không có yêu cầu giám định, nên không tiến hành trưng cầu giám định theo yêu cầu của bà Thắng, là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và hướng dẫn tại Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17-3-1999 của Tòa án nhân dân tối cao. Trong khi đó, theo nội dung Công văn số 82/PY ngày 02-7-2007 của Viện Pháp y quân đội và Công văn số 12/PVTA ngày 27-7-2007 của Trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, thì hiện nay các cơ quan nêu trên có thể giám định để xác định quan hệ huyết thống giữa bà Thắng với cụ Đặng.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với các nội dung trong Quyết định kháng nghị số177/2007/KN-DS ngày 27-8-2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 30-9-2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Nguyên đơn là bà Vũ Minh Hồng khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với nhà đất của vợ chồng cụ Vũ Thế Đặng, cụ Trần Thị Lịch. Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 01-3-2002 và ngày 18-3-2002, bà Vũ Thị Thắng có đơn yêu cầu được thừa kế tài sản là nhà, đất của cụ Đặng; vì cho rằng cụ Đặng còn có vợ hai là cụ Nguyễn Thị Tước và bà Thắng là con đẻ của cụ Đặng với cụ Tước.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Thắng xuất trình giấy khai sinh do Ủy ban nhân dân phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cấp lại cho bà Thắng vào ngày 12-3-2002, trong đó có ghi bố của bà Thắng là cụ Vũ Thế Đặng (Ủy ban nhân dân phường Minh Khai xác nhận có cấp giấy này cho bà Thắng và việc cấp giấy được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số83/1998/NĐ-CP ngày 10-10-1998 của Chính phủ), và các giấy xác nhận của các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Lan (chị em cùng mẹ khác cha với bà Thắng), cụ Nguyễn Thị Thuận (em cùng cha khác mẹ với cụ Tước), cụ Nguyễn Thị Ước (chị ruột cụ Tước), cố Đỗ Thị Tâm (mẹ kế cụ Tước), ông Vũ Văn Minh (cháu ruột của cụ Đặng và là trưởng họ Vũ) bà Hoàng Thị Hậu (là con gái của cụ Trần Thị Thanh, cụ Thanh là em gái của vợ cả cụ Đặng là cụ Trần Thị Lịch) có nội dung xác nhận cụ Đặng và cụ Tước kết hôn từ năm 1942 (có lễ cưới hỏi theo phong tục tại địa phương) và bà Thắng là con cụ Đặng với cụ Tước (mặc dù sau đó ông Vũ Văn Minh và bà Hoàng Thị Hậu thay đổi ý kiến đã xác nhận và cho rằng nội dung  trong giấy xác nhận chỉ ghi theo nội dung do bà Thắng yêu cầu còn thực sự ông Minh và bà Hậu không biết bà Thắng là ai, nhưng bà Hậu vẫn xác nhận cụ Đặng có con riêng và bà Hậu đã gặp người con riêng của cụ Đặng khi còn nhỏ); đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm thu thập được “Tờ khai chứng minh thư” ngày 10-11-1977 của bà Thắng và “Bản khai nhân khẩu” ngày 22-6-1985 của bà Thắng và chồng bà Thắng (được lưu giữ tại Công an Hà Nội) có nội dung cụ Đặng là bố của bà Thắng. Tại phiên Tòa phúc thẩm (tháng 8/2004), bà Thắng còn xuất trình thêm các giấy xác nhận của ông Dương Văn Thơm và ông Đoàn Hữu Biện (có nội dung năm 1954 cụ Đặng thuê nhà số 45 Nguyễn Công Trứ và sống cùng cụ Tước tại nhà này), bản “Sơ yếu lý lịch” của ông Phạm Cường (Chồng của bà Thắng) viết ngày 14-6-1985 (hiện do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng lưu giữ) có nội dung cụ Đặng là bố của bà Thắng, còn ông Đỉnh, ông Đích là anh trai của bà Thắng; bà Thắng cũng có yêu cầu giám định gene để xác định quan hệ huyết thống của bà với cụ Đặng và cung cấp văn bản của Phòng di truyền phân tử Trung tâm Công nghệ Sinh học Đại học quốc gia Hà Nội xác nhận có thể giám định gene để xác định quan hệ huyết thống giữa bà Thắng với bà Hồng (mặc dù ở giai đoạn xét xử sơ thẩm bà Thắng không đồng ý giám định gene với lý do bà Thắng không biết có thể xác định quan hệ huyết thống giữa bà Thắng với cụ Đặng thông qua việc giám định gene với bà Hồng hay không, còn nếu phải khai quật mộ cụ Đặng để lấy mẫu giám định thì bà Thắng không đồng ý).

    Như vậy, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bà Thắng không có yêu cầu giám định gene và căn cứ vào Công văn số 569/C21 ngày 27-5-2003 của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an (có nội dung không thể xác định được quan hệ huyết thống giữa bà Thắng với bà Hồng) để không tiến hành trưng cầu giám định gene theo yêu cầu của bà Thắng và chỉ căn cứ vào lời khai của bà Phương, bà Hiền và một số nhân chứng để xác định bà Thắng không phải là con cụ Đặng là không phù hợp với thực tế khách quan của vụ án và không đúng quy định tại khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và hướng dẫn tại công văn số 24/1999/KHXX ngày 17-3-1999 của Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu của bà Thắng xin được hưởng thừa kế di sản của cụ Đặng là chưa đủ căn cứ (theo nội dung Công văn số 82/PY ngày 02-7-2007 của Viện Pháp y quân đội và công văn số 12/PVTA ngày 27-7-2007 của Trung tâm phân tích AND và công nghệ di truyền thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, thì hiện nay các cơ quan nêu trên có thể giám định để xác định quan hệ huyết thống giữa bà Thắng và cụ Đặng). Do đó, cần chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo hướng tiến hành giám định gene theo yêu cầu của bà Thắng và thu thập thêm chứng cứ làm rõ về quan hệ của cụ Đặng với cụ Tước (giữa cụ Đặng với cụ Tước có quan hệ hôn nhân thực tế hay không; cụ Đặng với cụ Tước có thuê và sống chung tại nhà số 45 Nguyễn Công Trứ trong thời gian cụ Tước sinh ra bà Thắng hay không khi cụ Đặng, cụ Tước, ông Đỉnh, ông Đích, bà Hồng khai lý lịch hoặc tờ khai chứng minh thư, tờ khai hộ khẩu có xác định quan hệ của mình với bà Thắng như thế nào) để có đủ căn cứ giải quyết vụ án đúng pháp luật.

    Mặt khác, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì anh Vũ Hồng Vinh đã chết (có giấy chứng tử số 13, quyển 1, đăng ký chứng tử ngày 26-02-2003) nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định anh Vũ Hồng Quân đã chết là không chính xác.

    Vì các lẽ trên;

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, các khoản 1, 2 Điều 299 của  Bộ luật tố tụng dân sự:

    QUYẾT ĐỊNH: 

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 153/PTDS ngày 06-9-2004 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 31/DSST ngày 29 +30-9-2003 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là bà Vũ Thị Minh Hồng với các bị đơn là bà Hoàng Thị Phương và bà Trần Thị Hiền; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị Thắng và các anh , chị Vũ Thị Huyền Nga, Vũ Thị Tuyết, Vũ Tích Sơn, Vũ Thanh Hải, Vũ Thị Băng Tâm, Vũ Hồng Quân, Vũ Thị Nguyệt, Vũ Hồng Thanh.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Cần xem xét giám định gene để xác định người được hưởng di sản thừa kế.

     

     
    3115 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận