Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp sở hữu nhà"

Chủ đề   RSS   
  • #265404 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp sở hữu nhà"

    Số hiệu

    43/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp sở hữu nhà"

    Ngày ban hành

    23/12/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

    ……..

    Ngày 23 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về “tranh chấp sở hữu nhà” giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Bà Lương Thị Lùng sinh năm 1941; trú tại: nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, phường 14  quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ liên lạc: 12/5E tổ 57, phường Tân Thới Nhất, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh;

    Bị đơn:

    1. Bà Lương Thị Minh, Nguyệt sinh năm 1931;

    2. Ông Nguyễn Văn Xiệc, sinh năm 1925;

    Bà Nguyệt và ông Xiệc đều trú tại: nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, phường 14  quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Lương Thị Minh Châu sinh năm 1936; trú tại: 525 E.Main St. 76 Branford- CT.06405 USA;

    2. Bà Lương Thị Đẹt sinh năm 1945; trú tại 4985 Logan Ave.Apt.18 San-Diego, CA.92113 USA;

    3. Anh Lương Văn Điện sinh năm 1956; thường trú tại: nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, phường 14  quận Phú Nhuận, tp Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 06-6-2003 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là bà Lương Thị Lùng trình bày: Năm 1969, bà Lương Thị Minh Châu, bà Lương Thị Minh Nguyệt và bà (là ba chị em ruột) đã hùn tiền mua chung căn nhà số 2215-5 cư xá Kiến Thiết, đường Trương Minh Ký, quận Phú Nhuận (nay là nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, phường 14, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh) của ông Cao Văn Hơn với giá là 70.000 đồng (trong đó bà góp 7000 đồng), do bà Châu đứng tên tại giấy tờ mua nhà. Sau đó, ba chị em bà và cháu Lương Văn Điện (con bà Nguyệt) đã chuyển vào nhà này ở và đến năm 1976 ông Nguyễn Văn Xiệc (chồng bà Nguyệt) cũng chuyển về ở tại nhà này.

    Năm 1985, bà Châu xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Trước khi xuất cảnh, bà Châu đã giao 1/3 căn nhà nêu trên (là phần của bà Châu) cho Nhà nước quản lý. Ngày 12-7-1985 tại Quyết định số1210/QĐ-6 ngày 12-7-1985, Sở Quản lý Nhà đất và Công trình công cộng thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm kê và quản lý căn nhà nêu trên.

    Ngày 15-01-1986, ông Xiệc có “Đơn xin cứu xét” gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở quản lý nhà đất thành phố Hồ Chí Minh xin mua lại 1/3 căn nhà mà bà Châu đã giao cho Nhà nước quản lý trước đây. Ngày 26-12-1986 Sở Nhà đất thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 158/7 hủy bỏ Quyết định số1210/QĐ-6 ngày 12-7-1985 nêu trên và cho phép bà Nguyệt được chủ quyền nhà, nhưng phải đóng 1/3 trị giá nhà cho cộng đồng sở hữu vắng mặt. Sau đó, vợ chồng bà Nguyệt đã đóng phần giá trị (1/3 căn nhà) là 32.000 đồng cho Nhà nước và bà Nguyệt đã đứng tên trên giấy tờ nhà.

    Năm 1991 bà Lương Thị Minh Châu (chị gái bà), bà Lương Thị Đẹt (em gái bà) từ Mỹ gửi về mỗi người 3000 đô la Mỹ và bà Nguyệt bỏ ra 2000 đô la Mỹ để xây dựng, sửa chữa lại căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ. Năm 1996 bà về quê (tỉnh long An) sinh sống và đã đề nghị ông Xiệc, bà Nguyệt bán căn nhà để chia cho bà 1/3 giá trị căn nhà, nhưng ông Xiệc không đồng ý.

    Với lý do trên, bà yêu cầu Tòa án xác định căn nhà 176/8 đường Đặng Văn Ngữ thuộc quyền sở hữu chung của bà, bà Châu và bà Nguyệt; định giá nhà đất; yêu cầu ông Xiệc, bà Lùng chia cho bà trị giá 1/3 căn nhà (riêng số tiền mà bà Châu gửi về để sửa chữa nhà thì khấu trừ vào giá trị nhà trước khi chia; giao số tiền này con bà Nguyệt là anh Lương Văn Điện quản lý khi bà Châu vắng mặt).

    Bị đơn là bà Lương Thị Minh Nguyệt, ông Nguyễn Văn Xiệc trình bày: Căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ do bà Lương Thị Minh Châu mua của ông Cao Văn Hơn vào năm 1969, với giá 70.000 đồng; bà Nguyệt không góp tiền mua nhà; bà Lùng có hùn tiền mua nhà với bà Châu hay không thì ông, bà không biết (có lúc ông Xiệc, bà Nguyệt khai là bà Lùng không hùn tiền mua nhà). Sau khi mua nhà, bà Châu, bà Nguyệt, anh Điện (con ông, bà), anh Lương Thanh Tùng (con bà Châu đang định cư tại Mỹ) chuyển đến ở căn nhà này; năm 1974 bà Lùng mới đến ở. Năm 1985 bà Châu xuất cảnh sang Mỹ; trước khi xuất cảnh, bà Châu đã giao nhà cho Nhà nước quản lý. Ngày 15-01-1986, ông Xiệc có đơn gửi Ủy ban nhân dân và Sở nhà đất thành phố Hồ Chí Minh với nội dung xác định căn nhà này là của ba chị em (bà Châu, bà Lùng, bà Nguyệt) hùn tiền mua nhưng để bà Châu đứng tên và xin hợp thức hóa nhà. Ngày 28-12-1986 Sở Nhà đất thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 158/7 cho phép bà Nguyệt đứng tên chủ quyền nhà, nhưng bà Nguyệt phải đóng 32.000 đồng là 1/3 giá trị căn nhà do cộng đồng sở hữu vắng mặt; ông, bà đã nộp số tiền này cho Nhà nước.

    Năm 1995, ông bà đã xây lại toàn bộ căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, chi phí xây dựng hết 8000 đô la Mỹ, trong đó có 6000 đô la Mỹ do bà Châu, bà Đẹt (em gái bà Nguyệt) gửi về (mỗi người gửi 3000 đô la Mỹ); ông, bà bỏ thêm 2000 đô la Mỹ và mua thêm bồn nước, máy bơm nước trị giá 3 triệu đồng.

    Ông, bà không đồng ý chia 1/3 giá trị nhà cho bà Lùng vì bà Lùng không có tài liệu chứng minh đã hùn tiền mua chung nhà; khi bán nhà, ông, bà sẽ cho bà Châu 1/3 giá trị nhà đất vì bà Châu bỏ tiền ra mua (có lúc ông Xiệc yêu cầu trả nhà cho Nhà nước để Nhà nước thanh toán lại cho ông, bà chi phí sửa chữa nhà, tiền thuế trước bạ và phần tiền 32.000 đồng mà vợ chồng ông Xiệc đóng phần nhà vắng chủ của bà Châu).

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

    - Bà Lương Thị Minh Châu trình bày: Căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ do ba chị em bà (bà Nguyệt, bà Lùng và bà) đã hùn tiền mua chung với giá 70.000 đồng vào năm 1969, mà bà là đại diện đứng tên tại giấy tờ mua nhà. Sau khi mua nhà, cả ba chị em bà chuyển đến ở chung và năm 1985 bà đã giao cho Nhà nước quản lý phần nhà của bà trong căn nhà nêu trên, để bà đi xuất cảnh; khi đó, cụ Nguyễn Thị Đền (mẹ bà), bà Lùng và vợ chồng bà Nguyệt vẫn ở tại căn nhà này và sau này bà Nguyệt đã trả tiền cho Nhà nước mua lại phần sở hữu nhà của bà.

    Bà và bà Đẹt đã gửi về cho bà Nguyệt 6000 đô la Mỹ (mõi người 3000 đô la) để sửa nhà, tôn nền nhà và xây thêm một lầu. Nay bà không yêu cầu gì đối với căn nhà này; bà cho bà Lùng, bà Nguyệt số tiền bà đã gửi vè nêu trên.

    - Bà Lương Thị Đẹt (định cư tại Mỹ, không về Việt Nam tham gia tố tụng) gửi thư về trình bày có nội dung: Căn nhà nêu trên do cha mẹ và các chị của bà tạo lập nên; nay xảy ra tranh chấp, bà đề nghị Tòa án giải quyết trích ra 3000 đô la Mỹ mà bà gửi về sửa chữa nhà, số tiền này bà cho anh Điện (con bà Nguyệt).

    -  Anh Lương Văn Điện trình bày: Căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ do mẹ anh là bà Nguyệt và các dì l án nà bà Châu, bà Lùng mua chung, anh không có ý kiến hay tranh chấp gì, tùy mẹ anh và bà Lùng quyết định; anh đồng ý nhận số tiền 3000 đô la Mỹ mà bà Đẹt cho.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1252/DSST ngày 20-6-2005, Tòa hân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Công nhận sự thỏa thuận giữa bà Lương Thị Lùng, ông Lương Văn Điện với  bà Lương Thị Minh Nguyệt:

    Xác định căn nhà số 176/8 Đặng Văn Ngữ, phường 14, quận Phú Nhuận thuộc sở hữu chung của bà Lùng và bà Nguyệt. Bà Lùng sở hữu 1/3, bà Nguyệt sở hữu 2/3.

    Xác định tiền sửa chữa trong căn nhà trên là 15,424 lượng vàng SJC, cụ thể:

    - Ghi nhận việc bà Lương Thị Minh Châu cho bà Lùng và bà Nguyệt mỗi người 1500 USD tương đương 2,892 lượng vàng SJC.

    -  Ghi nhận việc bà Lương Thị Đẹt cho ông Lương Văn Điện 3000 USD tương đương 5,784 lượng vàng SJC.

    - Ghi nhận việc bà Lương Thị Minh Nguyệt bỏ tiền ra sửa chữa nhà 2000 USD tương đương 3,856 lượng vàng SJC.

    Giao căn nhà trên cho bà Nguyệt được hoàn tất thủ tục sở hữu theo quy định và bán trong hạn 06 tháng. Sau khi bán nhà và trừ tiền sửa chữa cho bà Lùng 2,892 lượng vàng SJC, cho ông Điện 5,784 lượng vàng SJC, cho bà Nguyệt 6,748 lượng vàng SJC, số vàng còn lại được chia cho bà Lùng 1/3, chia cho bà Nguyệt 2/3.

    Hết thời hạn 06 tháng chưa bán được nhà bà Nguyệt giao nhà trên cho cơ quan thi hành án phát mãi và chia như các bên đã thỏa thuận trên.

    Bác yêu cầu của ông Xiệc đòi giao nhà trên cho nhà nước.

    Ghi nhận việc bà Nguyệt không yêu cầu bà Lùng chịu 1/3 tiền trước bạ đã đóng.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

    Ngày 07-7-2005, ông Nguyễn Văn Xiệc có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên (trong đơn kháng cáo, ông Xiệc ghi là quá hạn 2 ngày).

    Tại Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn số 319/2005/DSPT ngày 31-8-2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    1. Không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn của ông Nguyễn Văn Xiệc.

     2. Bản án dân sự sơ thẩm số 1252 ngày 20-6-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử vụ án “Tranh chấp sở hữu nhà” giữa: Bà Lương Thị Lùng với bà Lương Thị Minh Nguyệt, ông Nguyễn Văn Xiệc phát sinh hiệu lực pháp luật.

    3. Án phí dân sự phúc thẩm 50.000 đồng (năm mươi ngàn đồng) ông Xiệc phải nộp.

    Sau đó, ông Nguyễn Văn Xiệc có đơn khiếu nại không đồng ý với bản án sơ thẩm và quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn nêu trên.

    Tại Quyết định số246/2008/KN-DS ngày 28-8-2008, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn nêu trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 1252/DSST ngày 20-6-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại với nhận định:

    Căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, phường 14, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc do 03 chị em ruột là các bà Lương Thị Minh Nguyệt, Lương Thị Minh Châu và Lương Thị Lùng mua chung từ năm 1969 và để bà Châu đứng tên. Theo nội dung Công văn số2949/UB-PC ngày 19-5-2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thì trước khi bà Châu làm thủ tục xuất cảnh sang Mỹ, ngày 06-7-1985 bà Châu có đơn xin giao căn nhà nêu trên cho Nhà nước quản lý trong đó bà Châu xác định bà chỉ là người thay mặt gia đình đứng tên mua nhà; đồng thời, bà Châu có đơn xin cho bà Nguyệt, bà Lùng và anh Lương Văn Điện (con bà Nguyệt) là 03 người có tên trong hộ khẩu được lưu cư. Ngày 12-7-1985 Sở quản lý nhà đất thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số1210/QĐ-6 kiểm kê quản lý căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ và cho phép bà Nguyệt, bà Lùng, anh Điện tiếp tục tạm cư ngụ tại căn nhà nêu trên.

    Do ông Nguyễn Văn Xiệc (chồng bà Nguyệt) có đơn đề ngày 15-01-1986 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở quản lý nhà đất thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, bà Nguyệt cũng có đơn xin sở hữu căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, nên ngày 26-12-1986 Sở Nhà đất thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định số 158/7 trong đó có nội dung là hủy quyết định số1210/QĐ-6 ngày 12-7-1985 của Sở nhà đất thành phố Hồ Chí Minh về việc kiểm kê quản lý căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ; cho phép bà Nguyệt được chủ quyền căn nhà 176/8 Huỳnh Quang Tiên (nay là Đặng Văn Ngữ), bà Nguyệt phải đóng 1/3 giá trị căn nhà do cộng đồng sở hữu vắng mặt (bà Nguyệt đã nộp 1/3 giá trị căn nhà tại Phòng thuế trước bạ và thổ trạch, biên lai thu tiền số 006743 ngày 30 tháng 9 năm 1987). Quá trình sử dụng nhà đất, bà Nguyệt, ông Xiệc đã bỏ ra số tiền 2000 đô la Mỹ để sửa chữa lại căn nhà.

    Như vậy, có căn cứ xác định căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ có phần thuộc sở hữu của bà Nguyệt. Do bà Nguyệt và ông Xiệc là vợ chồng, nên theo  Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì ông Xiệc cũng có quyền sở hữu đối với căn nhà này. Hơn nữa, ông Xiệc là người có công sức trong việc xin lại căn nhà số 176/8 Đặng Văn Ngữ và ông Xiệc đã cùng bà Nguyệt bỏ tiền ra để sửa chữa lại căn nhà này. Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận sự thoả thuận giữa bà Lùng và bà Nguyệt, anh Điện về việc phân chia giá trị căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ mà không xem xét đến quyền lợi của ông Xiệc (với tư cách đồng sở hữu nhà) là không đúng.

    Về tố tụng, tại bản án dân sự sơ thẩm số 1252/DSST ngày 20-6-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ án này; ngày 07-7-2005 ông Xiệc nộp đơn kháng cáo; như vậy, đơn kháng cáo của ông Xiệc quá hạn luật định. Tòa án cấp sơ thẩm chưa yêu cầu ông Xiệc làm bản tường trình về lý do kháng cáo quá hạn, nhưng vẫn gửi đơn kháng cáo và bản án sơ thẩm cho Tòa án cấp phúc thẩm, là chưa đúng với quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật tố tụng dân sự; Tòa án cấp phúc thẩm cũng không phát hiện được thiếu sót này của Tòa án cấp sơ thẩm, mà chỉ căn cứ vào đơn kháng cáo của ông Xiệc để ra quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn nêu trên, là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 247 Bộ luật tố tụng dân sự…”

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét đơn kháng cáo của bà Lương Thị Minh Nguyệt (“đơn xin chống án” của bà Nguyệt không đề ngày, có đóng dấu “Tiếp dân số 431/VP/PT ngày 26-8-2005” của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh); do đó, đề nghị Hội đồng Thẩm phán chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; hủy quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn nêu trên; giao cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét kháng cáo của bà Nguyệt theo quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ, phường 14, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc do 03 chị em ruột là bà Lương Thị Minh Nguyệt, Lương Thị Minh Châu và Lương Thị Lùng mua và để bà Châu đại diện đứng tên trên giấy tờ mua bán nhà (năm 1969). Năm 1985 trước khi xuất cảnh, bà Châu đã giao nhà này cho Nhà nước quản lý. Sau khi Nhà nước đã quản lý nhà, ông Xiệc (chồng bà Nguyệt) đã có đơn xin lại căn nhà nêu trên cho vợ của ông Xiệc, em ông Xiệc và đã được Nhà nước cho phép bà Nguyệt được chủ quyền căn nhà này, nhưng phải đóng 1/3 giá trị căn nhà do cộng đồng sở hữu vắng mặt (Quyết định số1210/QĐ-6 ngày 12-7-1985 của Sở quản lý nhà đất thành phố Hồ Chí Minh). Bà Nguyệt đã nộp tiền mua 1/3 giá trị căn nhà này. Quá trình sử dụng nhà đất, vợ chồng ông Xiệc, bà Nguyệt đã bỏ ra số tiền 2000 đô la Mỹ để sửa chữa lại căn nhà. Như vậy, căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ có phần thuộc sở hữu của bà Nguyệt. Do bà Nguyệt và ông Xiệc là vợ chồng, nên theo Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì ông Xiệc cũng có quyền sở hữu đối với căn nhà này. Mặt khác, ông Xiệc có công sức trong việc xin lại Nhà nước trả lại căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ và cùng bà Nguyệt bỏ tiền ra để sửa chữa lại nhà. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận sự thỏa thuận của bà Lùng, bà Nguyệt, anh Điện phân chia giá trị căn nhà số 176/8 đường Đặng Văn Ngữ mà không xem xét đến quyền lợi hợp pháp của ông Xiệc (với tư cách là đồng sở hữu nhà) là không đúng pháp luật.

    Về tố tụng, ngày 07-7-2005 ông Xiệc nộp đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số 1252/DSST ngày 20-6-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (đơn kháng cáo của ông Xiệc quá hạn 2 ngày). Tuy Tòa án cấp sơ thẩm chưa yêu cầu ông Xiệc làm bản tường trình về lý do kháng cáo quá hạn, mà vẫn gửi đơn kháng cáo và bản án sơ thẩm cho Tòa án cấp phúc thẩm; nhưng ngay trong đơn kháng cáo, ông Xiệc đã ghi rõ “vì... không hiểu nguyên tắc kháng cáo, nay được giải thích mới biết và đã trễ 2 ngày..."; nên thiếu sót này của Tòa án cấp sơ thẩm không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; ông Xiệc kháng cáo quá hạn không có lý do chính đáng, nên Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn của ông Xiệc là có căn cứ.

    Do bản án dân sự sơ thẩm và quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn nêu trên đều đã có hiệu lực pháp luật; nhưng bản án sơ thẩm lại có sai lầm nghiêm trọng; nên cần hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại và giữ nguyên quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn nêu trên.

    Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 4 Điều 291, Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Giữ nguyên quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn số 319/2005/DSPT ngày 31-8-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

    Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 1252/DSST ngày 20-6-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án dân sự “tranh chấp sở hữu nhà” giữa nguyên đơn là bà Lương Thị Lùng với bị đơn là bà Lương Thị Minh Nguyệt và ông Nguyễn Văn Xiệc; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lương Thị Minh Châu, bà Lương Thị Đẹt và anh Lương Văn Điện.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án sơ thẩm bị hủy:

    Vụ án cần được xét xử sơ thẩm lại để bảo đảm quyền lợi của ông Xiệc là đồng sở hữu nhà đang tranh chấp.

     

     
    4270 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận