Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265418 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    06/2009/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    12/03/2009

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 12 tháng 3 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa:

     Nguyên đơn:

    Bà Trần Thị Huệ, sinh năm 1935; (có lời khai sinh năm 1950); trú tại: thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; (bà Huệ uỷ quyền cho con của bà là anh Nguyễn Văn Lư, sinh năm 1975 theo văn bản uỷ quyền ngày 15-01-2004).

    Bị đơn: Ông Trần Giới, sinh năm 1930; trú tại thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

      Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ông Trần Văn Thuận, sinh năm 1959;

    2. Bà Trần Thị Lan, sinh ngày 14-4-1935;

    Đều trú tại: thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 19-6-2003 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là bà Trần Thị Huệ trình bày: Nguồn gốc diện tích 788 m2 tại thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (bà Huệ và ông Giới đều xác định diện tích đất tranh chấp là 774 m2 trong đó ông Giới quản lý, sử dụng 579 m2, còn 195 m2 đất hiện do ông Trần Văn Thuận quản lý, sử dụng) là của cha mẹ của bà là cụ Trần Khương và cụ Phạm Thị Đàm; cha mẹ của bà có hai người con chung là bà Trần Thị Lan và bà. Cụ Khương chết năm 1957, cụ Đàm chết năm 1971 đều không để lại di chúc. Sau khi cha mẹ của bà chết, vợ chồng bà quản lý nhà, đất của hai cụ. Năm 1980, vợ chồng bà dỡ nhà về khu đất khác để ở nhưng diện tích đất nêu trên vợ chồng bà vẫn canh tác. Năm 1983, vợ chồng bà cho ông Trần Giới mượn tạm để canh tác và thoả thuận khi nào cần thì lấy lại, việc cho mượn chỉ nói miệng. Năm 1988, vợ chồng bà có đòi đất nhưng ông Giới không trả. Năm 1995, ông Giới đã trả cho bà 6m bề ngang và ngày 27-12-1995, bà đã bán diện tích đất mà ông Giới đã trả cho ông Trần Văn Thuận (việc ông Giới trả một phần đất không lập giấy tờ). Năm 2000, ông Thuận được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không đúng với vị trí và diện tích đất mà bà đã chuyển nhượng cho ông Thuận ngày 27-12-1995. Ông Giới cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2000 bao gồm cả phần đất của cha mẹ bà. Vì vậy, bà yêu cầu ông Giới dỡ căn nhà (do ông Giới cất cho con gái của ông) để trả lại bà diện tích đất là 579 m2 (sau khi trừ diện tích đất ông Giới đã trả cho bà năm 1995), bà không đồng ý bồi thường giá trị căn nhà cho ông Giới.

    Về diện tích đất của ông Thuận đang sử dụng, nếu ông Thuận sử dụng dư so với diện tích đã chuyển nhượng ngày 27-12-1995 thì yêu cầu ông Thuận trả lại cho bà phần đất dư.

    Bị đơn là ông Trần Giới trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp là của cha mẹ bà Huệ. Năm 1975, vợ chồng bà Huệ đã chuyển nhượng cho ông 200m2 đất năm sát khu vườn của ông (diện tích đất của ông là 541m2), việc mua bán có lập giấy tay ghi ngày 12-6-1975, phần đất còn lại, bà Huệ bỏ hoang nên Hợp tác xã nông nghiệp Bình Chương cấp đất % cho ông với diện tích là 300m2. Năm 1995, ông và gia đình bà Huệ có thương lượng, ông đồng ý cho lại bà Huệ 6m đất bề ngang, chiều dài từ trước ra sau và hai bên có lập giấy chuyển nhượng đất vườn ở đề ngày 27-12-1995. Cùng năm 1995, bà Huệ chuyển nhượng lại cho ông Trần Văn Thuận diện tích đất mà ông cho lại bà Huệ, ông yêu cầu bà Huệ phải bồi thường 05 triệu đồng giá trị căn nhà cho ông (căn nhà do ông xây cất cho con gái của ông); đối với diện tích đất ông Thuận được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nếu dư so với giấy chuyển nhượng ngày 27-12-1995 thì yêu cầu ông Thuận trả lại cho ông.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

    1. Ông Trần Văn Thuận trình bày: Năm 1995, bà Huệ có chuyển nhượng cho ông diện tích đất có kích thước 6m bề ngang, dài từ trước ra sau với giá 1,5 chỉ vàng; khi chuyển nhượng hai bên không đo đạc cụ thể diện tích nhưng có lập giấy ghi ngày 27-12-1995, trong giấy có chữ ký của ông Nguyễn Phấn (chồng bà Huệ), anh Nguyễn Văn Lư (con bà Huệ), bà Huệ và bà Huệ có điểm chỉ nhưng giấy chuyển nhượng đất ngày 27-12-1995 bị thất lạc, nên ông viết lại giấy ngày 25-4-1997 có nội dung như nội dung giấy ghi ngày 27-12-1995 (đã bị thất lạc), giấy này anh Lư có ký và ký thay cho bà Huệ. Năm 2000, ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 195 m2, diện tích và vị trí đất mà ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng không đúng với diện tích, vị trí đất mà ông nhận chuyển nhượng của bà Huệ, nếu Toà án xác định diện tích đất ông đang quản lý, sử dụng dư ra so với giấy chuyển nhượng thì ông sẽ trả, còn trả ai thì do Toà án quyết định.

    2. Bà Trần Thị Lan (là chị ruột của bà Huệ): có lời khai thống nhất với trình bày của bà Huệ và uỷ quyền cho bà Huệ quyết định, bà không có yêu cầu gì về diện tích đất trên.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2005/DSST ngày 30-8-2005 Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

    -Bác đơn yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất của bà Huệ đối với ông Giới và ông Thuận.

    - Ông Giới được quyền sử dụng diện tích 579 m2 thuộc hai thửa đất số 926 diện tích 100 m2 và thửa số 698 diện tích 1020 m2 thuộc tờ bản đồ số 8 xã Bình Chương, huyện Bình Sơn đã được UBND huyện Bình Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 06-5-2000.

    - Ông Thuận được quyền sử dụng 195m2 đất tại thửa số 927 tại tờ bản đồ số 8 xã Bình Chương, huyện Bình Sơn đã được UBND huyện Bình Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 06-5-2000.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 03-9-2005, bà Trần Thị Huệ có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 65 ngày 15-11-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

    - Không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Trần Thị Huệ. Giữ nguyên án sơ thẩm.

    - Bác yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất của bà Trần Thị Huệ đối với ông Trần Giới và ông Trần Văn Thuận.

    Ngoài ra, Toà án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, anh Nguyễn Văn Lư (do bà Trần Thị Huệ uỷ quyền) và chị Lê Thị Thu Thuyền (vợ anh Lư) khiếu nại cho rằng Toà án cấp phúc thẩm xét xử không đúng, các giấy tờ mua bán đất giữa bà Huệ với ông Giới là không hợp pháp mà do ông Giới làm giả mạo, Toà án không giám định lại các giấy tờ chuyển nhượng đất nhưng lại cho rằng bà Huệ đã ký giấy chuyển nhượng đất cho ông Giới là không đúng; gia đinh bà không đưa đất ở vào Hợp tác xã nhưng Toà án xác định Hợp tác xã cấp đất % cho ông Giới là đất ở của gia đình bà là không đúng; thực tế bà chỉ chuyển nhượng cho ông Thuận 95m2 đất ở vị trí khác nhưng Toà án lại công nhận bà chuyển nhượng cho ông Thuận 195m2 tại phần đất ông Thuận kê khai là không đúng.

    Tại Quyết định số322/2008/KN-DS ngày 14-11-2008, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 65 ngày 15-11-2005 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 10/2005/DSST ngày 30-8-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

    “… Căn cứ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thống nhất diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc là của cha mẹ bà Huệ. Ông Giới cho rằng năm 1975 bà Huệ đã bán cho ông 200 m2 đất (bề ngang 8m), diện tích đất còn lại bà Huệ bỏ hoang và sau này Hợp tác xã nông nghiệp Bình Chương cấp cho ông 300 m2 là đất %, ngoài ra ông còn khai hoang thêm. Ông Giới có xuất trình Giấy sang nhượng vường” ghi ngày 12-6-1975; Giấy chuyển nhượn đất vườn ở” ghi ngày 27-12-1995 vàGiấy chuyển nhượng vườn ở” ghi ngày 20-5-2000 để cho rằng bà Huệ đã chuyển nhượng đất cho ông và có việc Hợp tác xã cấp đất % cho ông.

    Xem xét các giấy do ông Giới xuất trình thấy rằng: Các giấy trên đều là giấy viết tay và không có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

    Đối với Giấy sang nhượng vườn” đề ngày 12-6-1975, trên cùng có ghi:

    Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    Độc lập tự do hạnh phúc

    Thực tế tháng 4/1976 Nhà nước mới thống nhất về mặt Nhà nước và mới có tên như hiện nay; đồng thời trong giấy này ghi chứng minh của bà Huệ, ông Phấn cấp ngày 22-3-1979 là không phù hợp về thời gian. Mặt khác, giấy trên thể hiện người viết giấy Nguyễn Phấnvà có chữ ký đề tên ông Phấn, trong khi đó theo xác nhận của chính quyền địa phương thì thời điểm này ông Phấn đang đi tập trung cải tạo. Hơn nữa, có chữ ký đề tên bà Huệ và ghi con Nguyễn V Lư” trong khi đó sinh Nguyễn Văn Lư sinh năm 1975. Do đó, có căn cứ xác định giấy trên là không đúng thực tế.

    Về Giấy chuyển nhượng vườn ở” đề ngày 27-12-1995 và Giấy chuyển nhượng vườn ở” đề ngày 20-5-2000, cả hai giấy này đều ghingười viết giấy Trần Thị Huệ”, có chữ ký đề tên bà Huệ, ông Phấn và anh Lư; ngoài ra, giấy đề ngày 20-5-2000 còn có dấu điểm chỉ của bà Huệ. Tuy nhiên bà Huệ không thừa nhận viết và ký các giấy trên, còn anh Lư cho rằng anh không ký giấy chuyển nhượng đất. Trong trường hợp này lẽ ra phải giám định có hay không việc bà Huệ viết 02 giấy trên và giám định chữ ký của bà Huệ, anh Lư tại 02 giấy trên (so sánh với tài liệu mẫu) thì mới đủ cơ sở để giải quyết vụ án.

    Ông Giới cho rằng Hợp tác xã cấp đất % cho ông là đất vườn của gia đình bà Huệ và cho rằng việc Hợp tác xã cấp đất cho ông có ông Võ Toại (nguyên Đội trưởng đội 5 Hợp tác xã Bình Chương), ông Đàm Nhẫn (nguyên Đội phó đội 5 Hợp tác xã Bình Chương) chứng kiến nhưng tại các lời khai ông Toại và ông Nhẫn đều xác định không có việc cấp đất % cho ông Giới là vườn ở của bà Huệ, còn phần đất mà ông Giới được cấp đất % ở tại Gò Sang.

    Theo xác nhận ngày 10-6-2005 của đại diện chính quyền địa phương thì ông Giới ở gần vườn bà Huệ nên địa phương mới lấy đất của bà Huệ chia % cho ông Giới” nhưng không xác định được diện tích và cũng không làm thủ tục thu hồi đất hay cấp đất, còn phần đất ông Phấn kê khai vào Hợp tác xã không có diện tích đất đang tranh chấp” và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Giới là không đúng pháp luật.

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không xem xét đánh giá các tình tiết nêu trên mà chỉ căn cứ vào lời khai của ông Giới và việc ông Giới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định ông Giới có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất có tranh chấp, từ đó bác yêu cầu của bà Huệ là không đúng.

    Mặt khác, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cũng chưa xem xét về diện tích và vị trí đất mà bà Huệ đã chuyển nhượng cho ông Thuận là chưa giải quyết hết các yêu cầu của các đương sự và chưa giải quyết triệt để vụ án…”.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là của cha mẹ bà Huệ. Ông Giới cho rằng năm 1975 bà Huệ đã bán cho ông 200 m2 đất, diện tích đất còn lại bà Huệ bỏ hoang và sau này Hợp tác xã nông nghiệp Bình Chương cấp cho ông 300 m2là đất %, ngoài ra ông còn khai hoang thêm. Ông Giới có xuất trình “Giấy sang nhượng Vườn” ghi ngày 12-6-1975; “Giấy chuyển nhượng đất vườn ở” ghi ngày 27-12-1995 và “Giấy chuyển nhượng vườn ở” ghi ngày 20-5-2000 để cho rằng bà Huệ đã chuyển nhượng đất cho ông và có việc Hợp tác xã cấp đất % cho ông.

    Các giấy chuyển nhượng nêu trên đều là giấy viết tay và không có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Xét thấy “Giấy sang nhượng vườn” ghi ngày 12-6-1975 đã được Toà án cấp sơ thẩm xác định là giả mạo, không đúng thực tế là có căn cứ. Quá trình giải quyết vụ án, bà Huệ và anh Lư chỉ thừa nhận có ký vào một giấy chuyển nhượng đất ngày 27-12-1995 có nội dung bà Huệ chuyển nhượng phần diện tích đất (mà ông Giới giao lại bà Huệ) cho ông Thuận, nhưng bà Huệ không thừa nhận có điểm chỉ và giấy chuyển nhượng đất cho ông Thuận ghi ngày 27-12-1995.

    Trong khi đó ông Thuận cũng khai năm 1995 ông mua lại đất của bà Huệ, giấy chuyển nhượng đất ghi ngày 27-12-1995 (có nội dung bà Huệ chuyển nhượng đất cho ông) do ông viết, lúc viết giấy không có bà Huệ và anh Lư nhưng khi ký thì tất cả gia đình bà Huệ đều ký và bà Huệ điểm chỉ, nhưng giấy trên (ghi ngày 27-12-1995) bị thất lạc nên ông viết lại giấy khác ghi ngày 25-4-1997 có nội dung giống như nội dung giấy ngày 27-12-1995 (đã bị thất lạc), giấy ghi ngày 25-4-1997 anh Lư có ký và ký thay cho bà Huệ. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án có một “Giấy chuyển nhượng vườn” ghi ngày 27-12-1995 có nội dung bà Huệ chuyển nhượng đất cho ông Thuận, đề tên bà Huệ, anh Lư, ông Phấn và có dấu vân tay (hồ sơ vụ án không thể hiện nguồn gốc người xuất trình giấy này), trong khi ông Thuận xác định giấy chuyển nhượng đất giữa bà Huệ và ông ngày 27-12-1995 đã thất lạc. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không xem xét xác định chữ ký, dấu vân tay và xuất xứ của giấy trên nhưng lại xác định bà Huệ, anh Lư có ký và áp dấu vân tay vào giấy chuyển nhượng này, từ đó sử dụng giấy này làm tài liệu mẫu (M1) để so sánh với các tài liệu cần giám định khác là chưa đủ căn cứ.

    Mặt khác, bà Huệ, anh Lư không thừa nhận có ký vào “Giấy bán đất vườn” ngày 25-4-1997 (do ông Thuận viết, có đề tên bà Huệ, anh Lư), trong khi ông Thuận khai giấy trên anh Lư có ký và ký thay cho bà Huệ. Như vậy, cả bà Huệ, anh Lư và ông Thuận đều xác định bà Huệ không ký “Giấy bán đất vườn” ngày 25-4-1997 nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm lại căn cứ vào kết luận của cơ quan giám định là “chữ ký tại tài liệu này với chữ ký tại các tài liệu khác đều do một người ký” để xác định bà Huệ có ký giấy chuyển nhượng đất cho ông Thuận ngày 25-4-1997 là không có căn cứ. Ngoài ra bà Huệ khai ông Phấn (chồng của bà) chết ngày 16-6-1997 nhưng ông Giới lại xuất trình “Giấy chuyển nhượng vườn ở” ghi ngày 20-5-2000 có chữ ký đề tên ông Phấn, như vậy, giấy này ghi sau ngày ông Phấn chết (gần 3 năm). Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xem xét xác định thời điểm lập giấy, người ký giấy nhưng lại căn cứ vào kết luận của cơ quan giám định để cho rằng ông Phấn ký giấy chuyển nhượng đất cho ông Giới vào ngày 20-5-2000 (sau khi ông Phấn chết) là không đúng.

    Ngoài ra, tại “Giấy chuyển nhượng đất vườn ở” ghi ngày 27-12-1995, “Giấy chuyển nhượng vườn ở” ghi ngày 20-5-2000 do ông Giới xuất trình có nội dung bà Huệ chuyển nhượng đất cho ông Giới và thể hiện bà Huệ là người viết giấy, trong khi đó bà Huệ không thừa nhận viết các giấy trên. Lẽ ra, phải giám định để xác định lại hai giấy trên là chữ viết của bà Huệ hay không thì mới đủ cơ sở giải quyết vụ án. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa giám định chữ viết tại hai giấy trên nhưng đã giải quyết vụ án là không đủ căn cứ.

    Mặt khác, ông Giới cho rằng Hợp tác xã cấp đất % cho ông là đất vườn của bà Huệ và việc đó có nhân chứng là ông Võ Toại và ông Đàm Nhẫn biết, nhưng các nhân chứng do ông Giới nêu là ông Võ Toại và ông Đàm Nhẫn lại có lời khai mâu thuẫn với lời khai của ông Giới và mâu thuẫn với xác nhận của chính quyền địa phương. Trong khi đó, bà Huệ khai vợ chồng bà không đưa diện tích đất nêu trên vào Hợp tác xã nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không xác minh làm rõ về vấn đề này. Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án cũng không có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất của gia đình bà Huệ để cấp đất % cho ông Giới, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm lại căn cứ vào lời khai của ông Giới để cho rằng ông Giới được cấp đất % là đất vườn của gia đình bà Huệ là không có căn cứ.

    Đối với diện tích đất ông Thuận được cấp giấy chuyển nhượng: trong quá trình giải quyết vụ án, bà Huệ cho rằng năm 1995 bà chỉ chuyển nhượng cho ông Thuận 95 m2 đất có vị trí đất ở phía cuối vườn về phía Đông, giáp nhà bà Chuẩn nhưng ông Thuận được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 195 m2 và không đúng vị trí đất mà bà đã chuyển nhượng cho ông Thuận (hiện phần đất của ông Thuận lại cách nhà bà Chuẩn 3 m). Ông Giới và ông Thuận đều khai hai ông không đổi đất cho nhau (phần đất mà ông Thuận mua lại của bà Huệ) nhưng theo cung cấp của UBND xã Bình Chương ngày 10-6-2005 thì ông Thuận có đổi đất cho ông Giới… và ông Thuận được cấp bìa đỏ với diện tích rộng hơn và không đúng vị trí đất bà Huệ chuyển nhượng cho ông Thuận. Ngoài ra, ông Thuận cũng có lời khai thừa nhận diện tích đất Nhà nước cấp quyền sử dụng cho ông so với phần đất ông mua của bà Huệ có nhiều hơn nhưng cụ thể nhiều hơn bao nhiêu ông không rõ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đúng 50% vị trí đất vì do vẽ lệch. Mặt khác, đất bà Huệ chuyển nhượng cho ông Thuận khổng thể hiện rõ diện tích, tứ cận. Trong khi đó giấy chuyển nhượng đất ghi ngày 27-12-1995 giữa gia đình bà Huệ và ông Thuận (có trong hồ sơ vụ án) nếu đủ căn cứ xác định đúng là giấy chuyển nhượng đất năm 1995 (mà ông Thuận xác định đã bị thất lạc), đồng thời có đủ căn cứ xác định các chữ ký tại giấy chuyển nhượng đất ngày 27-12-1995 nêu trên là của bà Huệ, anh Lư, ông Phấn và dấu điểm chỉ là của bà Huệ, thì tứ cận ghi trong giấy chuyển nhượng đất về phía Đông giáp vườn bà Chuẩn, nhưng thực tế theo sơ đồ đất tranh chấp ngày 01-12-2003 thì vị trí đất của ông Thuận về phía Đông không giáp đất bà Chuẩn. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cũng chưa xác minh làm rõ vị trí, diện tích đất mà ông Thuận đang sử dụng (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất) có đúng là diện tích đất mà bà Huệ đã chuyển nhượng cho ông Thuận hay không và cũng chưa xác minh làm rõ về trình tự, thủ tục kê khai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Giới, ông Thuận đã đúng quy định của pháp luật hay không nhưng đã công nhận ông Giới, ông Thuận có quyền sử dụng hợp pháp diện tích có tranh chấp, từ đó bác yêu cầu của bà Huệ là không đủ căn cứ.

    Mặt khác, tại đơn khởi kiện cũng như trong quá trình giải quyết vụ án, bà Huệ yêu cầu ông Giới trả lại quyền sử dụng đất và cũng yêu cầu ông Thuận trả lại diện tích đất dư hiện đang sử dụng so với diện tích đất mà bà đã chuyển nhượng cho ông Thuận nhưng Toà án cấp sơ thẩm lại xác định ông Thuận tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng.

    Vì lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

        1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 65 ngày 15-11-2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 10/2005/DSST ngày 30-8-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Huệ với bị đơn là ông Trần Giới; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trần Văn Thuận và bà Trần Thị Lan.

     2. Giao hồ sơ cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Chưa đủ căn cứ để xác định ai là người có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất có tranh chấp.

     

     
    3204 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận