Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265167 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    14/2007/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    09/05/2007

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 09 tháng 5 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các đương sự:

    Nguyên đơn:

    1. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh năm 1968;

    2. Chị Nguyễn Mộng Thu, sinh năm 1971;

    3. Anh Nguyễn Mộng Hùng, sinh năm 1973;

    (chị Ngân và chị Thu cùng ủy quyền cho anh Nguyễn Mộng Hùng)

    Bị đơn:

    1. Bà Nguyễn Thị Trâm, sinh năm 1929;

    2. Bà Lê Thị Hoa, sinh năm 1952;

    3. Ông Lê Ngọc Lợi (tức Lê Văn Bé, Bé Nho), sinh năm 1949;

    (bà Hoa ủy quyền cho chồng là ông Lê Ngọc Lợi).

    Các đương sự cùng trú tại ấp 2, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện và những lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, anh Nguyễn Mộng Hùng đại diện cho các nguyên đơn trình bày: Năm 1938, cụ Nguyễn Văn Cơ bán cho cụ Võ Văn Đống 1.000 mđất và cụ Nguyễn Văn Hạt (là cố nội của anh ) 1.200m2 đất nhưng bằng khoán đất do ông Đống đứng tên, sau đó ông Đống hiến phần đất của ông Đống cho nhà thờ.

    Năm 1961, cụ Hạt cho cụ Lê Văn Huấn mướn một phần đất làm nhà máy xay lúa, thời hạn mướn 5 năm từ năm 1961 đến năm 1966 với số tiền là 6000 đồng.

    Năm 1990, ông Võ Văn Của là cháu của cụ Đống dùng bằng khoán đứng tên cụ Đống để tranh chấp đất với bà Nguyễn Thị Dấu (là con cụ Hạt). Năm 1994, Thanh tra huyện Giồng Trôm giải quyết tranh chấp đất giữa ông Của với bà Dấu đã quyết định bác yêu cầu của ông Của và công nhận bà Dấu, ông Lê Ngọc Lợi (con cụ Huấn) được sử dụng theo diện tích đất thực tế đang sử dụng. Cũng năm 1994, cụ Dấu làm giấy ủy quyền cho mẹ anh là bà Trần Thị Như tiếp tục làm hợp đồng cho ông Lê Ngọc Lợi mướn đất, thời hạn mướn là 10 năm, giá 10 chỉ vàng, ông Lợi trả trước 3 chỉ còn nợ 7 chỉ.

    Năm 2000 khi anh đến Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm để đăng ký quyền sử dụng đất (mà ông Lợi đang thuê của bà Như) thì biết Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Kiệu (chồng bà Trâm) từ năm 1992. Năm 2000, bà Trâm chuyển nhượng đất làm nhà máy xay lúa cho ông Lợi với giá 25 chỉ vàng.

    Anh Hùng cho rằng phần đất có nhà máy xay xát của ông Lợi là của gia đình anh, nên yêu cầu ông Lợi, bà Trâm trả lại và vẫn đồng ý để ông Lợi cho thuê.

    Ông Lợi khai: gia đình anh Hùng không có giấy tờ chứng minh phần đất làm nhà máy xay lúa là của gia đình anh Hùng. Năm 1999 ông chuyển nhượng đất với bà Trâm được Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm đồng ý; năm 2000 ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm đã cấp cho ông giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay anh Hùng đòi đất, nếu anh Hùng có đầy đủ giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất là của gia đình anh Hùng thì ông sẽ mua hoặc thuê với gia đình anh Hùng để tiếp tục kinh doanh vì nhà máy xay lúa gia đình ông đã sử dụng từ năm 1962 đến nay.

    Bà Trâm khai: nguồn gốc đất là của cụ Nguyễn Văn Cơ, năm 1938 cụ Cơ bán cho cụ Đống một phần đất, còn một phần đất để lại cho cụ Nở, cụ Nghiên (là mẹ chồng bà) bao gồm cả phần đất có nhà máy xay lúa đang tranh chấp. Cụ Nở, cụ Nghiên chết thì anh chồng bà là Nguyễn Văn Sang quản lý, năm 1975 chồng bà là ông Nguyễn Văn Kiệu tiếp tục quản lý. Năm 1992, Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Kiệu, khi ông Kiệu chết bà tiếp tục quản lý và làm đầy đủ nghĩa vụ thuế cho Nhà nước trong khi đó, gia đình bà Dấu, bà Như, anh Hùng, ông Lợi không ai đóng thuế. Năm 2000 bà đã chuyển nhượng đất làm nhà máy xay lúa cho ông Lợi, bà không đồng ý với yêu cầu đòi đất của anh Hùng.

    Tại bản án sơ thẩm số 03/DSST ngày 31-3-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre quyết định:

    - Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

    - Công nhận phần đất có diện tích 436,8 m2 thuộc thửa 173 tờ bản đồ số 2 xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thuộc quyền sử dụng của anh Nguyễn Mộng Hùng, chị Nguyễn Thị Kim Ngân, chị Nguyễn Mộng Thu.

    Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm chuyển quyền sử dụng đất từ ông Lê Ngọc Lợi sang ông Nguyễn Mộng Hùng, chị Nguyễn Thị Kim Ngân, chị Nguyễn Mộng Thu.

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 09-4-2004, bà Trâm có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm vì cho rằng đất là của cụ Cơ đứng tên trong bằng khoán điền thổ số 445 đăng ký ngày 18-10-1937, cụ Cơ bán cho cụ Đống hai phần, còn một phần cụ Cơ sử dụng.

    Ngày 09-4-2004, vợ chồng ông Lợi có đơn kháng cáo không đồng ý với án sơ thẩm và yêu cầu Tòa án xác định ai là chủ sử dụng hợp pháp thì ông mua hoặc thuê.

    Tại bản án phúc thẩm số 227/DSPT ngày 29-7-2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    - Sửa bản án sơ thẩm.

    - Công nhận phần đất có diện tích 436,8 m2 thuộc thửa 273 tờ bản đồ số 2 xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Mộng Hùng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Nguyễn Mộng Thu.

    - Hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 736/QSDĐ/QĐ-UB ngày 01-8-2000 của Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm cấp cho ông Lê Ngọc Lợi 480 m2 đất tại thửa số 273.

    Nguyên đơn có quyền đến cơ quan chức năng địa phương để làm thủ công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Lợi có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại quyết định số22/2007/KN-DS ngày 27-02-2007, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 227/DSPT ngày 29-7-2004 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số03/DS-ST ngày 31-3-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bên Tre xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự sơ thẩm số03/DS-ST ngày 31-3-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre và hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre thu thập thêm chứng cứ, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Năm 2002, anh Hùng đại diện cho chị Ngân, chị Thu khởi kiện yêu cầu ông Lê Ngọc Lợi, bà Nguyễn Thị Trâm trả đất làm nhà máy xay lúa nhưng đồng ý để ông Lợi tiếp tục thuê và cho rằng năm 1938, cụ Nguyễn Văn Cơ đã bán cho cụ Nguyễn Văn Hạt 1.200m2 đất, sau đó cụ Hạt cho cụ Lê Văn Huấn mướn một phần làm nhà máy xay lúa. Tuy nhiên, ngoài các tài liệu như “Tờ mướn một phần đất làm nhà máy xay lúa” năm 1961 (là bản phô tô) với nội dung cụ Nguyễn Văn Hạt cho cụ Lê Văn Huấn mướn đất, thời hạn mướn 5 năm kể từ năm 1961 cho đến năm 1966; Quyết định giải quyết khiếu nại của Thanh tra huyện Giồng Trôm ngày 07-11-1994 có nội dung công nhận thực tế sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Dấu (là con cụ Hạt) và ông Lê Ngọc Lợi (là con cụ Huấn); Giấy cam kết giữa bà Trần Thị Như (con bà Dấu) với ông Lê Ngọc Lợi về việc ông Lợi tiếp tục thuê đất làm nhà máy xay lúa với bà Như thì anh Hùng không xuất trình được chứng cứ chứng minh nguồn gốc 1.200m2đất là của cụ Hạt mua của cụ Cơ năm 1938. Hơn nữa, gia đình bà Dấu, bà Như và nay là anh em anh Hùng không đăng ký kê khai, không làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước và không phải là người trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất có tranh chấp.

    Như vậy, chưa có đủ căn cứ xác định gia đình bà Như, sau đó là các nguyên đơn có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất có tranh chấp. Nhưng năm 1994 bà Như lại lập hợp đồng cho ông Lợi thuê đất nên hợp đồng thuê nêu trên là hợp đồng không đúng pháp luật.

    Đối với bà Trâm, không thừa nhận cụ Cơ có chuyển nhượng đất cho cụ Hạt năm 1938 như anh Hùng khai. Nhưng bà Trâm cũng chỉ xuất trình được bản phô tô bằng khoán điền thổ số 455 mà không có công chứng, chứng thực, không thể hiện được tên chủ sử dụng đất. Mặt khác, trong thực tế gia đình bà Trâm cũng không trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất có tranh chấp. Do đó, cũng không đủ căn cứ xác định ông Kiệu, bà Trâm có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất có tranh chấp nên năm 2000 bà Trâm chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Lợi cũng không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, năm 1992, Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  có nhà máy xay lúa của ông Lợi cho ông Kiệu và giữa ông Lợi và bà Trâm cũng không có tranh chấp.

    Đối với gia đình ông Lợi: trong thực tế thì gia đình ông Lợi là người trực tiếp quản lý, sử dụng ổn định diện tích đất có tranh chấp từ năm 1962. Quá trình quản lý sử dụng đất, cụ Huấn đã xây dựng nhà máy xay xát và nhiều công trình khác trên đất và qua các thời kỳ thực hiện chính sách quản lý đất đai của Nhà nước thì gia đình anh Hùng, gia đình bà Trâm không tranh chấp hay khiếu nại.

    Trong trường hợp này lẽ ra phải xác minh làm rõ về nguồn gốc đất, quá trình quản lý, sử dụng đất đồng thời yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất thì mới có cơ sở giải quyết vụ án. Mặt khác, cũng phải xác minh làm rõ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Kiệu năm 1992 đã đúng pháp luật chưa. Nếu không có chứng cứ, tài liệu mới thì phải công nhận gia đình ông Lợi có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất có tranh chấp. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên mà chỉ căn cứ vào lời khai của các nguyên đơn để công nhận diện tích đất có tranh chấp là của gia đình anh Hùng là không đủ căn cứ.

    Về tố tụng: anh Hùng khởi kiện đòi quyền sử dụng đất đối với diện tích đang do ông Lợi quản lý, quá trình giải quyết vụ án ông Lợi cho rằng ông đã mua diện tích đất trên của bà Trâm và bà Trâm thừa nhận, nhưng ông Lợi và bà Trâm không tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, trong trường hợp này lẽ ra phải xác định bà Nguyễn Thị Trâm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Việc Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Trâm là bị đơn trong vụ án là không chính xác và không đúng tư cách người tham gia tố tụng.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 1 và khoản 2 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự, 

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 227/DSPT ngày 29-7-2004 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 03/DSST ngày 31-3-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Nguyễn Mộng Thu, ông Nguyễn Mộng Hùng với bị đơn là bà Nguyễn Thị Trâm, bà Lê Thị Hoa, ông Lê Ngọc Lợi;

    2- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Tòa án chưa xác minh làm rõ về nguồn gốc đất, quá trình quản lý sử dụng đất, dẫn đến giải quyết vụ án chưa có căn cứ, đã xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng.

     
    4057 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận